"Cú hích" để có tác phẩm lý luận, phê bình xứng tầm

Thứ Bảy, 16/12/2023, 07:43

Sau 9 lần xét, tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) của Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (gọi tắt là Hội đồng), lĩnh vực phê bình ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong đời sống VHNT, góp phần tạo "cú hích" để các tác giả đầu tư công sức, trí tuệ, tài năng cho ra đời những công trình lý luận, phê bình xứng tầm.

Hài hòa giữa tác phẩm văn học và nghệ thuật

Dễ dàng nhận thấy trong các tác phẩm nhận tặng thưởng năm nay, số lượng công trình lý luận, phê bình trong lĩnh vực nghệ thuật đã có những bước tiến. Nếu như mọi năm các công trình về văn học chiếm đa số, thì năm nay số lượng tác phẩm về văn học và nghệ thuật đã hài hòa hơn, thậm chí không ít tác phẩm về nghệ thuật được tặng thưởng ở những mức cao.

Trong lĩnh vực sân khấu có tác phẩm "Cải lương Sài Gòn 1955-1975" của NSND Trần Minh Ngọc. Trong lĩnh vực múa có tác phẩm "Nghệ thuật múa trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê người Khơ-me Nam bộ" của TS Trần Thị Lan Hương.

ảnh 1.jpg -1
Thay mặt Ban Chuyên đề Báo CAND, Thượng tá, nhà văn Như Bình, Trưởng ban (thứ 2, từ phải qua) nhận bằng chứng nhận tặng thưởng đơn vị có nhiều đóng góp cho hoạt động lý luận, phê bình VHNT năm 2022.

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh có tác phẩm "Tạo động lực, sức sáng tạo mới cho nhiếp ảnh Việt Nam" của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Vũ Huyến. Trong lĩnh vực kiến trúc có tác phẩm "Quy hoạch và đô thị - Một góc nhìn" của kiến trúc sư Trương Nam Thuận. Cụm bài "Kiến trúc sư Karl Friedrich Schinkel: "Không có hội họa, âm nhạc cứng nhắc thì cũng không có kiến trúc cứng nhắc" và "Từ Bắc Sơn mà ra" của kiến trúc sư Đoàn Khắc Tình, "Kiến trúc và con người" của kiến trúc sư Trần Minh Tùng. Trong lĩnh vực điêu khắc có tác phẩm "Bà hoàng trên đá - Chân dung nữ quý tộc trên điêu khắc Hậu Phật thế kỷ 16-18 ở Việt Nam" của Ths Vũ Thị Hằng…

Một điều đáng ghi nhận là lần xét tặng thưởng năm nay có sự tiếp nối đáng mừng giữa các thế hệ những người làm công tác lý luận, phê bình VHNT gần như là sự "trao truyền" giá trị, tài năng, tâm huyết, kinh nghiệm của thế hệ trước dành cho thế hệ tiếp theo, những người trẻ dần đông đảo hơn, tự tin hơn, vững tay bút hơn; họ kế thừa, phát triển và "bứt phá" mạnh mẽ hơn trong ý tưởng, đề tài và phương pháp nghiên cứu trong thời đại công nghiệp 4.0.

Lý giải về điều này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng cho rằng, phải chăng, đây cũng là kết quả bước đầu sau mấy năm Hội đồng dày công mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng các cây bút trẻ. Mỗi năm từ chỗ 1 lớp cho 50 - 60 người, đến năm 2022, 2023 đã tăng lên 2 lớp, ở cả phía Bắc và phía Nam với hơn 200 cây bút lý luận, phê bình VHNT trẻ tham dự. Trong danh sách các tác giả được trao tặng thưởng lần thứ 9 này, cùng với các tác giả, nhóm tác giả đến từ các trung tâm lớn như Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, đã có sự hiện diện nhiều hơn của các vùng, miền khác như Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Bắc, Miền Trung.

Mạnh dạn đi vào lĩnh vực khó

Các tác phẩm được tặng thưởng lần này đã đạt mức cao giá trị học thuật, nghệ thuật, có đóng góp mới và thiết thực về lý luận và thực tiễn, qua đó thể hiện khát khao cháy bỏng của các tác giả về tác phẩm đỉnh cao như mong mỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những lần gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với giới văn nghệ sĩ. Nhất là tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam ngày 25/7/2023, người đứng đầu Đảng ta đã nhắc nhở: "Những thành tựu văn học nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hòa với số lượng. Chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người. Còn ít những tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn". 

Một trong những công trình có giá trị lý luận được Hội đồng đánh giá cao là cuốn "Cải lương Sài Gòn 1955-1975" (NXB Hội Nhà văn) do NSND Trần Minh Ngọc làm chủ biên. Trong cuốn sách, các tác giả đã đi vào một lĩnh vực còn nhiều khoảng trống do chiến tranh loạn lạc, bị đế quốc tạm chiếm. Theo NSND Trần Minh Ngọc, đây là thời kỳ mà cho đến nay tài liệu nghiên cứu về sân khấu cải lương còn lại rất ít. Nhưng đây cũng là thời kỳ sân khấu cải lương tại đây có bước phát triển rực rỡ, có những thành tựu đáng ghi nhận trong sáng tác và biểu diễn. Công trình này được xem là tài liệu tập hợp đầu tiên về sân khấu cải lương miền Nam giai đoạn 1955-1975.

Theo chủ biên cuốn sách, công trình này sẽ cung cấp kiến thức nền tảng, khơi gợi cho nhiều nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo. Chẳng hạn như: Phương pháp đào tạo truyền nghề từ Trường Quốc gia âm nhạc và Kịch nghệ; phong cách soạn giả viết tuồng gắn với phong cách từng đoàn hát như thế nào; cải lương Nam bộ tiếp xúc với khán giả miền Bắc ra sao…

%3fnh 1.jpg -0
Ban Chuyên đề Báo CAND nhận được tặng thưởng hàng năm của Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Là đại diện nhóm tác giả giành tặng thưởng mức C với cuốn sách "Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật" (NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2022), PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, tặng thưởng đã ghi nhận sự nỗ lực của nhóm tác giả, đồng thời động viên, khích lệ nhóm tác giả tiếp tục cố gắng hơn nữa để thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình đối với nền VHNT nước nhà.

"VHNT là mảng khó đối với nhóm tác giả và là thách thức lớn với bản thân tôi khi chủ biên cuốn sách này. Để nghiên cứu sâu về lĩnh vực này, chúng tôi đã phỏng vấn chuyên gia, nghiên cứu và phân tích nhiều tác phẩm VHNT, tổ chức tọa đàm khoa học để có dữ liệu hoàn thành cuốn sách. Sau khi nhận tặng thưởng, chúng tôi tự nhận ra trách nhiệm lớn hơn với những công trình trong tương lai, nhất là về lĩnh vực VHNT", PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Văn nghệ Công an khẳng định bản sắc tờ báo

Trong hầu hết các lần trao tặng thưởng, Ban Chuyên đề Báo CAND luôn được xướng tên là đơn vị có nhiều đóng góp cho hoạt động lý luận, phê bình VHNT. Đó là sự ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Ban Chuyên đề, nhất là chuyên đề Văn nghệ Công an với những tác phẩm lý luận, phê bình VHNT đạt chất lượng cao. Phát hành trên toàn quốc vào thứ 5 hằng tuần, Chuyên đề Văn nghệ Công an đã dành phần lớn thời lượng cho các bài viết lý luận, phê bình về các tác phẩm VHNT đang được giới chuyên môn cũng như công chúng quan tâm.

Ghi nhận, đánh giá cao những tác phẩm lý luận, phê bình VHNT đăng tải trên Chuyên đề Văn nghệ Công an, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng cho rằng, đây là việc thể hiện trách nhiệm và sứ mệnh của một trong những cơ quan ngôn luận hàng đầu của lực lượng Công an trong việc đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực VHNT, giúp gìn giữ chủ quyền quốc gia về văn hóa.

Theo TS Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng, việc trao tặng thưởng là sự ghi nhận những nỗ lực xứng đáng của Báo Công an, đặc biệt là ấn phẩm Chuyên đề Văn nghệ Công an với nội dung ngày càng phong phú, hấp dẫn, với bản sắc riêng có, độc đáo. Hằng tuần, trên các số Báo Văn nghệ Công an đều có những tác phẩm lý luận, phê bình VHNT sâu sắc. Đặc biệt tờ báo đã thu hút được nhiều tác giả là những cây bút gạo cội, những tên tuổi đã thành danh và nổi tiếng trên văn đàn ở lĩnh vực lí luận phê bình. Theo tinh thần kế thừa, đổi mới, phát triển, qua từng năm Chuyên đề Văn nghệ Công an lại có những bước tiến mới, đặc biệt tác phẩm lý luận, phê bình ngày càng sắc sảo, thẳng thắn, khen, chê rõ ràng, có tính thuyết phục để tác giả của tác phẩm được khen cảm thấy xứng đáng, đồng thời tác giả của tác phẩm bị chê cũng phải "tâm phục, khẩu phục".

TS Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình VHNT Trung ương: "Hiện nay, chúng tôi đang làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như xin ý kiến của các cơ quan chức năng để tiến tới chuyển "tặng thưởng" thành "giải thưởng" nhằm nâng tầm "phần thưởng" dành cho giới lý luận, phê bình. Nếu được chuyển thành "giải thưởng" thì sẽ đem lại quyền lợi và động viên văn nghệ sĩ tham gia các giải thưởng của Nhà nước".

Ngô Khiêm
.
.