Con rồng - Những khúc biến tấu!

Thứ Bảy, 10/02/2024, 08:57

Hầu như xứ sở phương Đông nào cũng có hình tượng con rồng uy nghi bay lượn trong bầu trời văn hóa lấp lánh muôn vàn sắc màu ý nghĩa. Hẳn nhiên đó là một cổ mẫu xa xưa, nguyên thủy và phức tạp nhất để cho hậu thế mất nhiều công giải mã, bổ sung, làm mới cho phù hợp với ý thức hệ thời mình.

Cũng giàu có ý nghĩa nhất, biểu tượng mang tính tổng hợp và linh hoạt cao, kết quả của trí tưởng tượng phong phú, đa dạng của nhiều cộng đồng. Không có ngoài thực tế, chỉ có trong huyền thoại, mà huyền thoại thì luôn là một thế giới kỳ bí, hấp dẫn và mời gọi, vì thế biểu tượng rồng sẽ sống mãi để bay lượn làm rộng rãi thêm bầu trời không gian tâm thức nhân loại.

1.jpg -0
Người Việt tự hào là “con Rồng cháu Tiên”!

Xét từ dấu tích cổ xưa nhất còn lưu lại trong truyền thuyết Hy Lạp thì rồng phương Tây biểu tượng cho cái ác. Nó có nhiều đầu (bảy đầu, chín đầu, thậm chí trăm đầu) chuyên gieo rắc tai họa bằng cách khạc ra lửa thiêu cháy, hủy diệt sự sống. Có môtip quen thuộc trong thần thoại châu Âu là con rồng canh giữ một kho báu hoặc người đẹp rồi được người anh hùng phi phàm tới giết nó lấy lại kho báu, cứu người đẹp. Sự chiến thắng rồng hay là sự chiến thắng một thế lực đen tối để đem lại nguồn của cải dồi dào và cái đẹp cho công lý, cho lẽ phải. Phải chăng là vậy mà hầu hết các tráng sĩ trong thần thoại cổ châu Âu đều có nhiệm vụ “giết rồng” tức chinh phục cái ác.

Đi vào nghệ thuật tạo hình thời Trung cổ, rồng phương Tây được khắc họa như con cá sấu hung dữ, không có cánh, thân phủ đầy vẩy, trên lưng có gai nhọn. Đến thời Phục hưng rồng lại được mô tả như con thú có thân hình của sói nhe nanh đe dọa… Nghệ thuật luôn là sự biểu hiện khát vọng, thì rồng phương Tây biểu hiện cho khát vọng loại trừ cái ác, cái xấu, cái đen tối để cái đẹp, sự giàu có mãi trường tồn.

Khác với phương Tây, rồng phương Đông tượng trưng cho sự cao cả, tốt đẹp, quý phái, vương giả. Biểu tượng phổ quát đến mức hầu như ở bất cứ vùng văn hóa nào của phương Đông cũng có hình ảnh rồng, nhất là trong nghệ thuật tạo hình. Điều này nói lên biểu tượng ăn sâu vào đời sống tinh thần con người rồi theo cảm hứng nghệ thuật mà tràn ra bên ngoài đời sống. Vì cộng đồng nào cũng sở hữu biểu tượng nên dẫn đến sự “nhập nhằng” bởi chính sự mặc nhiên của nhiều người, kể cả một số nhà nghiên cứu, cứ coi đấy là “linh vật” của xứ mình, là biểu tượng mang tính “quốc hồn”, “quốc túy”…

Phương Đông quý rồng đến mức gán cho rồng mọi khả năng hoàn hảo, phi thường, kỳ diệu. Ngay môi trường sống của nó cũng ở mọi nơi: trên trời, dưới đất, núi cao, biển cả, thậm chí trong cả lòng đất... Trí tuệ, quyền lực và đức hạnh của nó không chỉ vượt những con vật khác mà vượt cả con người. Tương ứng với điều ấy thì rồng phải vô cùng biến hóa, khi nhỏ, khi to, khi bay, khi lặn, khi ẩn, khi hiện, khi phun nước, khi cần phun lửa… Vì thế, hầu như ở mọi quốc gia rồng đều chung đặc điểm tạo hình thân dài uốn lượn như những con sóng, hoặc cuộn theo hình mây, nửa ngoại hiện, nửa bị lấp kín (bởi mây, bởi núi, bởi nước…), và đa màu sắc, đỏ, đen, vàng nhưng rồng vàng được ưa chuộng hơn vì biểu trưng cho quyền lực (nhà vua).

Về hình thức, tính tổng hợp của biểu tượng rất rõ khi nhiều chi tiết của các con vật cao quý, mạnh mẽ khác đều có ở rồng: thân bò sát như cá sấu, hay rắn, có vảy, không có cánh nhưng lại bay lượn dễ dàng hoặc thân thú như hổ, sói, đầu có bờm sư tử, sừng hươu… Có thể lý giải từ cái nhìn cổ mẫu là yếu tố nước gắn liền với văn minh nông nghiệp (chủ yếu là lúa nước) nên biểu tượng mang tính khái quát cao nhất này phải có độ mềm mại (như sóng nước), có sự kết tinh vẻ đẹp của nhiều loài. Mãi về sau khi xã hội phân chia giai cấp, quyền lực tập trung vào nhà vua thì rồng thân thú mới ra đời biểu trưng cho uy quyền của giai cấp thống trị. Nhưng nhà vua thì không thể dùng quyền lực trong văn hóa nên biểu hiện cho khát vọng chinh phục vũ trụ, cho những gì tự do, cao quý… vẫn thuộc về số đông người lao động nên con rồng thân dài nguyên thủy vẫn bay lượn nhiều hơn trong bầu trời văn hóa phương Đông. Dĩ nhiên nó vẫn ánh xạ tư duy và khát vọng của giai cấp thống trị, rồng vẫn mang màu vàng là chủ đạo, có móng vuốt, có răng nanh…

2.jpg -1
Múa rồng! - Ảnh: Thể Dương.

Với văn minh nông nghiệp thì yếu tố nước là điều kiện đầu tiên, vì lẽ này mà trong hệ thống thần thoại phương Đông những vị thần đầu tiên trong tín ngưỡng cổ xưa là những vị thần có liên quan đến nước. Ở nhiều quốc gia thần Nước đồng nhất với thần Rồng. Thần này có nhiệm vụ hút nước từ biển (tức hiện tượng vòi rồng) rồi bay về phun những chỗ nào con người mong mỏi. Tất yếu biểu tượng rồng mang tính thiêng, tiêu biểu cho sức mạnh công lý, đại diện cho thần thánh cứu rỗi. Rồng trở thành linh thú của nhiều quốc gia với ý nghĩa bảo vệ xã tắc. Thế nên nảy sinh môtip rồng bay lên có ở nhiều nước.

“Bay lên” gần nghĩa với sự phát triển, khai mở, tốt lành, thịnh vượng. Không ngẫu nhiên rồng thường bay lên vào mùa Xuân và náu mình (dưới biển, trong núi) vào mùa Thu Đông. Ở Việt Nam rồng bay lên vào dịp “dời đô” - dịp trọng đại với bất kỳ quốc gia nào. Nhắc tới lịch sử Việt Nam thời Lý và lịch sử Thủ đô Hà Nội không thể không nhắc tới chi tiết mang tính huyền thoại: nhà vua nhìn thấy rồng vàng bay lên bèn đặt tên vùng đất đóng đô là “Thăng Long”.

Cần thêm một lý giải rõ hơn, ngoài hình tượng “rồng bay lên” đã mang điềm lành, tốt đẹp, tìm về quan niệm phương Đông cổ xưa thì ai nhìn thấy, mơ thấy con vật quý (long, ly, quy, phượng) thì người ấy phải là bậc đại quý, đại nhân. (Hình tượng Lưu Bang - nhân vật kiệt xuất sáng lập triều đại nhà Hán (Trung Hoa) hùng mạnh được huyền thoại “chuẩn bị”, “sắp xếp” từ khi chưa ra đời: mẹ ông mang thai nằm mơ thấy rồng). Truyền thuyết “rồng bay lên” này chắc có phần củng cố thêm niềm tin cho cộng đồng về một vị vua không chỉ tài năng, đức độ mà còn được thần thánh ủng hộ, giúp đỡ (đúng với thiên thời, địa lợi, nhân hòa!).

Hình tượng thật đẹp ấy “bay” vào tâm thức cộng đồng kết thành điệu “múa rồng” vào dịp Tết cổ truyền (Nguyên đán) rất phổ biến, nhất là ở các vùng nông nghiệp lúa nước. Với màu sắc vàng đỏ rực rỡ chủ đạo, điệu múa bay nhảy, uốn lượn theo nhịp trống rộn rã tạo không khí hội hè vui nhộn, mê say biểu hiện khát vọng hạnh phúc, cầu cho mưa thuận, gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu... Đặc trưng của múa rồng là luôn tạo ra hình ảnh sinh động, uốn lượn (của rồng) cũng là mô hình chuyển động của mây mưa, gió bão...

Đồng nghĩa với sự cao quý nên cũng hầu hết mọi vùng miền đều chung môtip “rồng ngậm ngọc”, hoặc vờn/ngậm một quả cầu. (Rồng thời Lý ở ta ngậm ngọc nhưng rồng thời Trần lại vờn quả cầu). Chung quanh “viên ngọc” này có nhiều tranh luận, có ý kiến coi đó là biểu tượng “có khả năng điều khiển được nước triều, chứa đựng thực chất tinh thần hoặc nguyên lý của vũ trụ”. Có ý kiến cho rằng đó là vật “đặc trưng của thần thánh, có thể thâu lượm được nhưng phải trải qua quá trình khổ hạnh hàng thế kỷ”.

Lại có quan niệm viên ngọc/quả cầu là “hình mặt trăng”, mà trăng là tác nhân chính tạo ra thủy triều… Có lẽ chỉ nên hiểu theo nghĩa biểu tượng chung là ngọc quý nhất, có gì quý hơn ngọc đâu (quý như ngọc). Không chỉ lóng lánh màu sắc bắt mắt, ngọc thường tròn biểu thị sự viên mãn, tròn trịa nên “rồng ngậm ngọc” biểu hiện ý nghĩa sở hữu quyền lực, của cải, may mắn, hạnh phúc.

Vĩ đại là thế nhưng sao rồng không đứng đầu, lại đứng sau các Tý, Sửu, Dần, Mão trong 12 con giáp. Một truyền thuyết cũng lý giải rất “rồng” - một giải thích theo hướng ca ngợi của thần thoại: Ngọc Hoàng tổ chức họp phân ngôi thứ bằng cách xem con nào đến trước đến sau. Đinh ninh rồng đến trước sẽ được nhận ngôi đầu, nhưng không ngờ đến sau cả Chuột, Trâu, Hổ, Mèo vì còn mải làm mưa cho một ngôi làng đang bị hạn hán. Là vua không nói hai lời, Ngọc Hoàng miễn cưỡng phong Rồng vị trí thứ 5 nhưng trong lòng vẫn quý Rồng nhất nên Ngài vẫn mặc áo Rồng, vẫn cưỡi Rồng đi chơi, vẫn tạc đầu Rồng, hình Rồng những chỗ trang trọng…

Năm 2024 này - năm Rồng (Giáp Thìn) sẽ là năm Đại Cát, Đại Lợi cho tất cả. Đấy là hy vọng, cũng là theo tập quán từ xưa. Thế nên không quá kỳ vọng mà chỉ dành sinh con trai vào năm nay, sẽ tạo ra mất cân đối về dân số. Hạnh phúc, giàu có chủ yếu nhờ vào ý chí chủ quan của mỗi người chứ không nhờ vào niềm tin tâm linh có từ hàng ngàn năm trước!

Nguyễn Thanh Tú
.
.