Con người và hành trình đi tìm hạnh phúc ở… Lễ hội

Thứ Năm, 16/02/2023, 10:05

Khởi đầu của tháng giêng, đất trời giao hòa, cây cối tốt tươi, lộc non chồi biếc, người ta hy vọng bước sang năm mới, người người nhà nhà an khang thịnh vượng, mùa màng tốt tươi, đất nước phồn vinh, dân tộc hạnh phúc. Những lễ hội cũng từ đây phát triển, từ làng ấp, thôn xóm, xã phường, tỉnh thành…

Đầu xuân dạo qua một vùng lễ hội

Khởi đầu của tháng giêng, đất trời giao hòa, cây cối tốt tươi, lộc non chồi biếc, người ta hy vọng bước sang năm mới, người người nhà nhà an khang thịnh vượng, mùa màng tốt tươi, đất nước phồn vinh, dân tộc hạnh phúc. Những lễ hội cũng từ đây phát triển, từ làng ấp, thôn xóm, xã phường, tỉnh thành… Từ những lễ hội văn hóa, lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử, lễ hội tâm linh như lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, Đền Trần, Bà chúa Kho, lễ hội Đền Hùng, hội Lim, hội chọi trâu Đồ Sơn… như một phần tất yếu của cuộc sống, của con người đương đại ngày nay.

Lễ hội là một tổ chức sự kiện văn hóa đa dạng mang tính cộng đồng gắn kết con người với con người, con người với thiên nhiên, con người với thế giới tâm linh. Ngày nay, khi đời sống đã đủ đầy hơn, rất nhiều lễ hội cũng đã được phục dựng lại trong bối cảnh thời đại mới, con người tìm đến với lễ hội với nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, từ một hiện tượng văn hóa, có rất nhiều những ý kiến trái chiều, cách cảm và cách nghĩ khác nhau.

Con người và hành trình đi tìm hạnh phúc ở… Lễ hội -0
Lễ khai hội Chùa Hương.

Từ trung tâm Hà Nội sau khi dự lễ hội Gò Đống Đa vào mồng 5 Tết Nguyên Đán để nhớ về một chiến công oai hùng của vị vua anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ đánh đuổi quân Thanh giành lại giang sơn đất nước. Kết thúc lễ hội Quang Trung để rồi chỉ vài ngày sau là lễ hội ở non cao Yên Tử vào mùng 10 tháng giêng hằng năm để nhớ về một thời kì rực rỡ và huy hoàng của lịch sử ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông nhưng vua Trần Nhân Tông vẫn từ bỏ lầu son gác tía, cung vàng điện ngọc để lên núi cao tu thanh tịnh và lập ra một trường phái Trúc Lâm Yên Tử phát triển và thịnh hành đến ngày nay. Ở đây, giữa Phù Vân Yên Tử mây trắng bồng bềnh trôi và sương mù giăng kín, dòng người vẫn tấp nập đổ về chùa Đồng linh thiêng cheo leo nơi đỉnh núi.

Rồi người ta lại vui sướng bước tới hội Lim, 13 tháng giêng âm lịch, để được nghe những tiếng hát quan họ ngọt ngào của liền anh liền chị xúng xính trong những khăn đóng áo the, mớ ba, mớ bảy của vùng quê Kinh Bắc trù phú. Tại vùng quê Kinh Bắc này cũng là cái nôi của Phật Giáo thời luy lâu nên Lễ hội Chùa Dâu, Chùa Phật Tích, Chùa Tiêu và hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khác. Sang ngày 14 âm lịch là lễ hội Đền Trần Nam Định rực rỡ cờ hoa, thành kính dâng hương đến 14 vị vua Trần, rồi trên hành trình về Chùa Hương đất Can Lộc, Hà Tĩnh.

Đi theo quốc lộ 1A qua địa phận Bỉm Sơn, Thanh Hóa có đền Sòng Sơn, thờ mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của Việt Nam (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Mẫu Liễu Hạnh, Chử Đồng Tử), cách đấy 1km là Đền Chín Giếng từ lâu đã có những câu ca: “Mẫu thời ngự chín tầng mây/ Cô nay mắc võng ngự rầy cây sung/ Âm dương có mạch giao thông/ Chín mươi chín giếng công đồng chảy ra…”. Tương truyền cô Chín là người con gái thứ chín của Ngọc Hoàng Thượng đế, cô có quyền năng phát tài ban lộc cho những ai thành tâm lễ kêu cầu cô…

Nếu như đền cô Chín những đồ lễ cô là mầu hồng từ quần áo, kiệu, xe, oản hoa thì đền cô Ba Bông hay còn gọi là cô Bơ Thoải, ở Hàn Sơn, Thanh Hóa có màu trắng tinh khiết. Những chiếc quạt bông trắng tinh xòe ra, những bộ quần áo vương miện, thuyền rồng, màu trắng, và cả hoa cúc, hoa bưởi, hoa hồng cũng mang một màu trắng tinh khôi. Tuyệt nhiên đồ lễ vật dâng cúng cô Bơ Thoải chỉ duy nhất là màu trắng.

Đền ông Chín Cờn nằm trên quả đồi nhìn ra biển ở Quỳnh Lưu, Nghệ An có thờ ông Chín và Nam Tào, Bắc Đẩu. Ở xứ Nghệ còn có một ngôi đền vô cùng nổi tiếng là đền ông Hoàng Mười cổ kính linh thiêng mà ngày ngày khách thập phương nườm nượp đổ về: “Cành hồng thấp thoáng trăng thanh/ Nghệ An có đức thánh minh ra đời/ Gươm thiêng chống chỉ đất trời/ Đánh Đông dẹp Bắc việc ngoài binh nhung…”… Nói đến quan Hoàng Mười thì không thể không nói đến quan Hoàng Bảy trên Bảo Hà, Lào Cai, thơ rằng: “Nhắn ai lên đất Bảo Hà/ Nếm mùi phong nguyệt ấy là thần tiên/ Cõi Bắc địa còn truyền cổ tích/ Quan Bảo Hà thực đích trung quân/ Sinh thời làm tướng trung thần…”.

Đất nước Việt với hơn 4.000 năm văn hiến trải bao binh đao khói lửa, chống giặc ngoại xâm, đã sản sinh biết bao anh hùng mà sau khi mất được nhân dân tôn thờ. Ngày nay những lễ hội tưởng nhớ công ơn những người con anh hùng của dân tộc trải dài theo đất nước từ Bắc đến Nam, lễ hội Hai Bà Trưng ở Mê Linh vào mồng 6 tháng giêng hằng năm để tưởng nhớ về hai nữ anh hùng của dân tộc Việt.

Lễ hội không chỉ ca ngợi những người anh hùng chống giặc ngoại xâm để giữ yên bờ cõi, mà còn có lễ hội mang khát vọng thanh bình, hạnh phúc, cầu mong những Tiên Cô, Thánh Cô ban lộc ban tài như Mẫu Thượng Ngàn, Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Tám Đồi Chè, cô ban thuốc chữa bệnh cứu người như cô Bơ Bông Hàn Sơn…. hay mong một mùa màng tốt tươi: Lễ hội Phết (Hiền Quan), lễ hội Phủ Dầy, lễ hội chợ Viềng cứ như thế khắp mọi miền Tổ quốc tháng giêng người ta đi trẩy hội, còn gọi là tháng du xuân.

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Con người ngày hôm nay đến lễ hội thấy rạng rỡ, hạnh phúc

Con người và hành trình đi tìm hạnh phúc ở… Lễ hội -0

- Là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ông thấy lễ hội của chúng ta ngày nay đang phát triển ra sao? Có phải là vào những ngày này chúng ta đang đứng vào tâm điểm thời kì rực rỡ của các lễ hội, lễ hội mùa xuân?

+ Đất nước chúng ta chiến tranh liên miên, 9 năm kháng chiến chống pháp 1946-1954, sau đó bước ngay vào cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài mất gần 20 năm 1955-1975. Trong chiến tranh thì không thể tập trung đông người, bởi vì sẽ trở thành mục tiêu cho các cuộc oanh tạc bắn phá. Sau chiến tranh từ 1975 đến 1990 chúng ta mất 15 năm sống trong thời hậu chiến còn nhiều khó khăn, ăn không đủ no, quần áo đẹp không có. Cán bộ công nhân viên chức những năm 1980 nhiều người không có xe đạp, muốn đi lễ hội thì đi bộ à?!

Thời kì Đổi mới phát động từ năm 1986 thì chúng ta chủ động được lương thực và cuộc sống thời bình, đến lúc đó nhiều lễ hội mới được tổ chức. Chúng tôi bắt đầu nhìn thấy sự hồi sinh của cuộc sống thời bình qua những lễ hội văn hóa truyền thống. Lúc đó, muốn tái lập lại hội Lim, muốn xây dựng lại nghi lễ vô cùng khó khăn, thậm chí phải “chiến đấu”, phải hy sinh ngày đêm đi tìm những tư liệu đã thất lạc, những nhân chứng sống, những sử gia.

Năm 1990 khôi phục lại dần dần, từ năm 1990 đến năm 2000 thì khôi phục lễ hội mới bắt đầu lan toả khắp nơi, đặc biệt là những nơi mà trước đó đã từng có lễ hội, bị mất đi nửa thế kỉ và bắt đầu quay trở lại và trở lại một cách rất mạnh mẽ. Sang thế kỉ XXI, chúng ta có 20 năm phát triển cực nóng về lễ hội khắp nơi. Nếu trước đây chúng ta đi dọc duyên hải từ Bắc vào Nam nhìn thấy những cái lều nhỏ thờ các thành hoàng thì bây giờ đã là đền to phủ lớn, khang trang đẹp đẽ, trang nghiêm hơn rất nhiều. Từ những chốn tâm linh thờ tự, những lễ hội từ đó hình thành, và nhiều khi phát triển nóng các lễ hội bùng nổ.

Đến bây giờ, chúng ta thấy sự phát triển lễ hội khắp các vùng của dân tộc là một tín hiệu hết sức đáng mừng. Đây là minh chứng về trở lại những bản sắc của dân tộc, nhưng đồng thời nó cũng có những phức tạp… Nhưng sự phức tạp đó không bằng các cư dân châu Phi, các cư dân Nam Mỹ, thậm chí là Hàn Quốc và Nhật Bản họ đã báo động cách đây 50 năm, cái sự mất đi, cái sự trôi dạt của văn hóa. Chúng ta có những sự phát triển nóng nhưng mà rõ ràng văn hóa Việt đã không bị trôi dạt, vẫn là văn hóa của một quốc gia độc lập, khác với văn hóa của nhiều vùng trên thế giới.

- Ngoài nhu cầu về tâm linh tín ngưỡng, lễ hội là nơi con người thoả nguyện ước vọng được vui chơi, giải toả về tinh thần, để nạp một nguồn năng lượng sung mãn cho một năm mới dồi dào sức xuân, đúng không ạ?

+ Một trong những giá trị của lễ hội cũng là nghỉ ngơi thư giãn và tham gia các hoạt động tinh thần. Lễ nghi cũng như nghệ thuật, con người cũng thế, tranh nhau làm như thanh niên Nhật Bản, trên đường về tranh thủ ngủ trên tàu, ngủ trước một cái nhà hàng nào đó rồi lại lao đi làm không có ngày nghỉ trong suốt cuộc đời của họ thì liệu họ có hạnh phúc hơn một người làm đủ nhưng có thời gian nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi cũng là một hạnh phúc của con người. Tất cả mọi tôn giáo trên thế giới người ta đều dành những ngày nghỉ ngơi cho chính những tín đồ của mình là ngày thứ bảy hay ngày Chủ Nhật. Trước đây nhà báo Phan Kế Bính đã tính tất cả các lễ lạt của người Việt so với lễ bên phương Tây là mỗi năm người ta nghỉ số ngày bằng nhau. Người ta đến để thư giãn, để hưởng thụ lễ hội, đó là một trong những hạnh phúc của con người.

Ví dụ thời tôi nuôi con nhỏ chả đủ sức để chở con, dắt con đi bộ đến các lễ hội. Nhưng bây giờ con nuôi cháu thì con có thể chở cháu đến các lễ hội, trước hết là kéo ra khỏi chơi game, hòa nhập vào cuộc sống thì con người sẽ hoàn thiện lên. Đó là một trong những hoạt động của con người. Con người có làm ăn thì có nghỉ ngơi. Đây là phương thức nghỉ ngơi cộng đồng, là một giá trị của lễ hội, một trong rất nhiều giá trị của văn hóa .

- Ông có thể nói rõ hơn về việc đến lễ hội để hưởng thụ, để hạnh phúc, để thực sự vui vẻ. Và với con số thống kê cả nước có hơn 8.000 nghìn lễ hội phải chăng là quá nhiều, và người ta e ngại con người ngày nay liệu có sa đà quá vào lễ hội hay không, thưa ông?

+ 8.000 lễ hội nhưng nếu phân bố trên địa phương thì còn vô vàn những làng quê không có lễ hội và họ rất tủi thân. Riêng ở trong quê tôi, hàng chục làng không có lễ hội và khi nhìn sang lễ hội tôn giáo của làng bên cạnh, họ có lễ Nôen, lễ chầu lượt, bên này cùi cụi làm ăn quanh năm người ta tủi thân. Chúng ta nói 8.000 lễ hội là nhiều, nhưng nếu chúng ta tính số làng không có lễ hội và văn hóa ở đó vô cùng cạn cợt, cái niềm hạnh phúc tự thân của họ cũng không có. Chúng ta sẽ có cách nhìn khác đi và ngược lại. Chúng tôi thường sống và nghiên cứu vào những vùng không lễ hội thì thấy họ thiệt thòi lắm, họ không có hạnh phúc. Chúng ta đừng nhìn một phía, trên một số liệu thấy nó nhiều mà cứ tưởng nó là tất cả, nhưng không phải.

Thông qua lễ hội người ta nhìn thấy văn hóa của làng, xã, thành phố, đó là một trong những thông điệp về bản sắc văn hóa. Mỗi lễ hội người ta trưng diện, giữ gìn, bảo lưu một giá trị văn hóa riêng. Lễ hội tháng giêng giống như một cơn bùng nổ của sắc màu, âm thanh, tâm thức, tín ngưỡng, nghệ thuật… Chúng tôi gọi đấy là phương thức của trình diễn với chủ nhân. Không chỉ một nhóm hát này, một nhóm cúng kia và dường như tất cả dân chúng khi đó, đi vào một không gian khác, không gian của tinh thần, không gian của nghi lễ, không gian của nghệ thuật, không gian của văn hóa ẩm thực, không gian của giao lưu, giao tế.

Lễ hội làm cho người ta có hạnh phúc, tất cả mọi người trong một cộng đồng đó được thể hiện mình. Đó là những nhu cầu cực kì cao cấp của con người chứ không chỉ là nhà cao, cửa rộng. Tôi có được thừa nhận trong cộng đồng đấy không?!. Thế thì hội đồng môn được thừa nhận, hội đồng tuế cũng được thừa nhận, hội các bà đi chùa cũng được thừa nhận, hội tư văn đều được thừa nhận. Còn một số nơi trên thế giới người ta không thừa nhận con người nhưng nhờ lễ hội mà gắn kết. Thực ra, hạnh phúc lớn nhất của con người là sáng tạo và hạnh phúc lớn thứ hai là được cộng đồng thừa nhận. Nếu không được cộng đồng thừa nhận thì gọi lạc loài. Không ai muốn làm người lạc loài cả, bị khinh rẻ.

- Người ta hay dùng phép so sánh để nói về cái đang diễn ra ngày hôm nay và cái ngày xưa, một thời đã qua đi. Và đương nhiên, văn hóa lễ hội cổ truyền cũng được đưa ra làm phép so sánh. Người ta lo ngại sự biến đổi, sự lai tạp, và mất đi những giá trị cũ…

+ Đặc trưng của lễ hội ngày nay so với lễ hội ngày xưa (tính lễ hội trước Cách mạng Tháng 8) tôi thấy con người ngày nay khác hẳn, họ tự tin, vui vẻ, đàng hoàng. Nếu chúng ta xem những cái ảnh của Viễn Đông Bắc Cổ ngày xưa, ảnh chụp bài báo của cụ Nguyên Văn Huyên nghiên cứu, thấy con người Việt Nam ở trong lễ hội khi đó tội nghiệp lắm, họ không tự tin mà cười. Họ đúng là con người của thời kì thuộc địa. Họ thấy bé nhỏ trước thần thánh, trước cộng đồng, tiếng cười vô cùng hiếm hoi, mặt thì sợ hãi, hoặc đăm đăm. Đăm đăm chứ không phải nghiêm trang. Quần áo thì lùng thùng, áo vá nón rách, đi chân đất, người gầy gò đen đúa. Người phương Tây nhìn vào những bức ảnh ấy sẽ nghĩ chúng ta như thế nào?!

Còn thời đại ngày hôm nay, chúng ta thấy một em bé hay một người đi lễ hội, họ tự tin vui cười thoải mái. Vậy là không phải những gì trước đây đều tốt đẹp. Nhưng chúng ta thường có tâm lý phổ biến là những gì trước đây tốt đẹp cả, những gì bây giờ không tốt đẹp bằng ngày xưa thì tôi thấy cực kì lạ. Đọc văn học nghệ thuật phê phán của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, chúng ta thấy những lễ hội ngày xưa buồn cười so với bây giờ. Tôi nhìn vào những phản ánh thực tế đó chứ không ảo tưởng xưa cái gì cũng tốt. Xưa có cái tốt và cũng rất nhiều cái không tốt, và ngày nay cũng có những mặt tốt và những cái chưa được như kì vọng.

Ngày nay, về tinh thần và vật chất hơn hẳn. Ngày xưa biết gì đâu, ông nông dân là ông nông dân ở làng quê cả đời không bước chân ra khỏi làng khác, cứ loay hoay biết mấy con cá, con tôm, cây lúa. Trong một làng ngày xưa chỉ có vài ba người là biết chữ, chỉ dăm ba người chơi nhạc cụ, lèo tèo vài người biết cúng tế, còn lại dân thì lùi lũi làm ăn, họ rất bị động. Nhưng bây giờ, cuộc sống phát triển, chúng ta tồn tại, chúng ta độc lập, chúng ta phát triển, chúng ta hội nhập đến như hôm nay là cả một quá trình. Nói chung người Việt mình dễ thay đổi, dễ tiếp xúc, tiếp biến, ứng xử với mọi biến cố… trong tất cả những cái đó thì người ta yêu mến cội nguồn của dân tộc, chính điều đó tạo nên bản sắc riêng mà thế giới cần bản sắc chứ không cần những dân tộc và quốc gia giống nhau. Lễ hội ngày nay giá trị lan toả thì cũng tăng lên gấp 4 lần, bừng nở. Cho nên có người thì chỉ nhìn vào chỗ gửi xe, chỉ nhìn vào ông say rượu, chỉ nhìn vào chỗ đánh bạc, họ mang cái nhìn hạn hẹp.

Bản chất của lễ hội là thay đổi. Bản chất của văn hóa dân gian luôn luôn thay đổi. Cũng như chuyện cổ tích không có bản gốc. Ca dao không có bản gốc. Lễ hội cũng không có bản gốc.

Khi chúng ta dùng từ biến tướng là do suy nghĩ chủ quan của chúng ta, chúng ta coi đó là xấu đi nhưng biết đâu cách đây 200 năm, điều đó được gọi là tốt đẹp. Trống đồng Đồng Sơn còn có cảnh hiến tế tù binh để cúng, tức là tù binh bị trói gô 2 anh. Và trên đó có 3 cái vạch là cơn mưa, đó là nghi lễ thời Đông Sơn. Đông Sơn người ta còn đâm tù binh cho chảy máu để cầu mưa thì liệu bây giờ ta có làm được không? Nó phải biến đổi đi chứ, từ việc đâm tù binh đến đâm một cái hình nộm, đến đốt 1 tờ giấy có ghi tên thì nó tiếp biến và vận động trong lịch sử như vậy, vậy nên khi dùng đến từ biến tướng thì phải hiểu ngày xưa như thế nào.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền: Lễ hội để trả lời câu hỏi: "Ta là ai?"

Con người và hành trình đi tìm hạnh phúc ở… Lễ hội -0

- Theo anh, lễ hội có ý nghĩa như thế nào với con người?

+ Khi cuộc sống phát triển hiện đại người ta tiếp xúc được với rất nhiều giá trị mới thì dần dần hình thành một tâm thức là người ta sẽ tự quay về cội nguồn, đặc biệt là những người xa quê hương, những người sống tha phương ở khắp nơi trên thế giới. Họ tiếp xúc với quá nhiều giá trị nước ngoài, khi đó người ta sẽ đặt một dấu hỏi: “Ta là ai?”. Ngay cả với những người ở làng quê lên thành phố sinh sống lập nghiệp. Với những người xa quê, cái khát khao về cội nguồn mạnh lắm, khát khao câu hát ru, khát khao cánh cò đồng lúa, cây đa, bến nước sân đình, khát khao mái đình cổ... Bản thân cuộc sống chúng ta tiếp xúc với rất nhiều giá trị hiện đại thì chúng ta giao lưu, chúng ta hiểu rằng giá trị đích thực của chúng ta chính là giá trị cổ truyền, người ta tìm cách cố gắng quay về cội nguồn qua những lễ hội.

Hiện nay, có một bộ phận người hay so sánh, và muốn quay lại lễ hội cổ xưa, và muốn phục dựng lại lễ hội hệt như ông cha ta xưa kia đã làm mà họ không chịu hiểu thế giới thay đổi rồi, xã hội thay đổi rồi tại sao ta lại bắt con người hiện đại lại phải quay về với lễ hội đó, với di sản đó.

Tôi là người nghiên cứu Di sản văn hóa, ở góc nhìn di sản thì có cái nhìn rõ ràng nó rất hay, nhưng ở góc nhìn thực tế, thì rõ ràng trong cộng đồng người ta bỏ nó từ lâu rồi. Người ta theo tín ngưỡng mới, người ta không cúng thần núi, thần sông, không cúng mẹ lúa nữa, không còn hệ thống tâm linh ấy nữa. Hiện nay người ta thờ Mẫu, thờ Thánh, và hầu đồng cũng đang rất phát triển, những lễ hội văn hóa tâm linh ra đời… Nhưng kéo theo nhiều tệ nạn trong lễ hội, như coi bói khắp nơi trong những nơi tâm linh tín ngưỡng vặt tiền thiên hạ, hay ở trong đền này, phủ kia có ông này, bà kia kêu Thánh nhập phán nhăng cuội mà khách thập phương chả biết đúng sai cũng cứ rút tiền dâng lễ.

Nhà nghiên cứu di sản, GS Trần Lâm Biền: Lễ hội để con người sống tốt đời, đẹp đạo

Con người và hành trình đi tìm hạnh phúc ở… Lễ hội -0

Lễ hội thường được tổ chức vào mùa Xuân, tập trung vào tháng giêng và kéo dài đến tháng 3 cho tới tháng 8 âm lịch. Như câu ca mà mọi người hay nói: “Tháng 8 giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Tháng 8 và tháng 3 âm lịch có hai lần giỗ lớn trong năm là Đức Trần Hưng Đạo và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Riêng tháng giêng thì hàng trăm, hàng nghìn lễ hội lớn, nhỏ được diễn ra, người ta hoan hỷ ngược xuôi để đến được với bản thể, bản ngã.

“Lễ” có nghĩa là thành tín cung kính, còn “hội” có nghĩa là người đông đúc, Lễ hội nghĩa là nơi người đông đúc tập trung để thành tín cung kính. Một đặc điểm quan trọng trong lễ hội là văn hóa cộng đồng. Ngoài việc phát huy, bảo tồn ý nghĩa truyền thống tốt đẹp của các tập tục, tập quán còn là sự giao lưu, giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, các thế hệ. Qua di tích lịch sử, người ta biết từng bước đi của lịch sử dân tộc, nhớ về nguồn cội của tổ tiên.

Ý nghĩa của các lễ hội còn hướng đến giáo dục tâm linh, tín ngưỡng để con người sống tốt đời, đẹp đạo. Mong cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no, an vui, hạnh phúc, đất nước phồn vinh, phát triển.

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.