Có nên đặt nặng vấn đề lợi nhuận trong đầu tư PPP các dự án văn hóa?

Thứ Sáu, 03/01/2025, 16:02

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia cho rằng văn hóa là một lĩnh vực đặc biệt, không thể xếp cùng các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng hay kinh tế - kỹ thuật - thương mại, do đó không thể đặt nặng vấn đề lợi nhuận/lợi ích kinh tế (economic) theo các tiêu chí đánh giá giá trị kinh tế - thương mại hiện hữu…

Tuy nhiên, nhận định này có mâu thuẫn với chính bản chất của việc hợp tác công - tư (Public-Private Partnership - PPP) khi lĩnh vực này bị cho là có lợi nhuận thấp và khung pháp lý hiện nay cũng chưa hoàn thiện?

Chưa có tiền lệ, nên đang gặp nhiều khó khăn, thách thức

TP Hồ Chí Minh đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư 23 dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao với tổng vốn dự kiến hơn 23.600 tỷ đồng theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Trong 23 dự án này, thành phố ưu tiên mời đầu tư ngay 5 dự án với tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng và giới thiệu 18 dự án với tổng vốn hơn 21.255 tỷ đồng để doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất phương án.

5 dự án ưu tiên đầu tư gồm xây dựng mới Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật lao động A-B, quận 5 (tổng mức đầu tư dự kiến 164 tỷ đồng); Nhà hát Gia Định, quận Bình Thạnh (250 tỷ đồng); Trung tâm Văn hóa thành phố, quận 1 (295 tỷ đồng); Trung tâm Văn hóa nghệ thuật thành phố tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (chưa xác định mức đầu tư) và Trung tâm Văn hóa thể thao đa năng thành phố tại huyện Cần Giờ với 1.643 tỷ đồng.

1.jpg -0
Hội thảo khoa học "Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa" do Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 16/12.

Trong 18 dự án để các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư có 16 dự án thành phần thuộc Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (TP Thủ Đức), gồm: Học viện bóng đá và cụm 6 sân tập bóng đá ngoài trời (1.000 tỷ đồng), sân vận động chính có bố trí đường chạy điền kinh (7.000 tỷ đồng), nhà đua xe đạp lòng chảo tích hợp đường đua xe mô tô kết hợp sân bóng đá ngoài trời (4.000 tỷ), sân thi đấu các bộ môn điền kinh (1.500 tỷ đồng)... Các dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của thành phố.

Một dự án mời gọi nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư thuộc lĩnh vực văn hóa là xây dựng, cải tạo, nâng cấp toàn bộ Nhà hát Bến Thành (quận 1), mức vốn cần đầu tư là 30 tỷ đồng…

Theo ông Nguyễn Hồng Văn, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh, việc Nghị quyết số 98/2023/QH15 cho phép thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa đồng nghĩa việc các dự án này cũng sẽ được hưởng các cơ chế quy định tại Luật đầu tư PPP như cơ chế về chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; cơ chế vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, giải phóng mặt bằng; các ưu đãi về thuế, tiền thuê đất hay ưu đãi cho nhà đầu tư có hồ sơ đề xuất dự án được chấp thuận khi đánh giá hồ sơ dự thầu…

Trong trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn, Nghị quyết 98 cũng cho phép HĐND thành phố được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án. Những điều này giúp nâng cao tiềm năng kêu gọi nhà đầu tư tham gia nghiên cứu đầu tư.

Mặc dù phương thức đầu tư PPP đã xuất hiện từ lâu nhưng đa số chỉ áp dụng cho lĩnh vực giao thông với việc thực hiện theo loại hợp đồng BOT. Thực tế việc thúc đẩy thực hiện kêu gọi đầu tư lĩnh vực văn hóa theo phương thức hợp PPP lại rất cần thiết. Nhưng vì điều này chưa có tiền lệ, nên hiện đang còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, các dự án PPP trong văn hóa còn hạn chế do lợi nhuận thấp và khung pháp lý chưa hoàn thiện…

TS. Nguyễn Thị Hoài Hương, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cho biết, nhìn chung các dự án văn hóa còn hạn chế, thường gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư tư nhân, do khả năng sinh lời thấp, không hấp dẫn các doanh nghiệp; Thiếu các cơ chế chia sẻ rủi ro và hỗ trợ tài chính từ Nhà nước và khung pháp lý chưa đủ mạnh để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên.

Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc được phê duyệt từ năm 1994 với diện tích ban đầu 466ha tại phường An Phú, dọc theo Xa lộ Hà Nội, quận 2 cũ. Tuy nhiên, đến năm 2024, khu vực dự án vẫn là vùng đầm lầy với các ao nuôi cá và nuôi trồng thủy sản.

Việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào năm 2017 nhưng chưa được triển khai. Vào ngày 15/10/2024, TP Hồ Chí Minh thông báo cần huy động vốn dự kiến hơn 23.600 tỷ đồng như kể trên cho 23 dự án thể thao và văn hóa, trong đó có 16 dự án thuộc Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, bao gồm một sân vận động 50.000 chỗ ngồi, một nhà thi đấu 6.000 chỗ ngồi và một sân đua xe đạp 3.500 chỗ ngồi…

2.jpg -1
Phối cảnh dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (thành phố Thủ Đức).

Dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nhà hát TP Hồ Chí Minh (một công trình kiến trúc lịch sử tiêu biểu) đã gặp khó khăn trong việc xác định cơ chế hợp tác với khu vực tư nhân. Liệu doanh nghiệp tư nhân có quyền khai thác thương mại không gian này thông qua các sự kiện giải trí hay phải tuân thủ những giới hạn nghiêm ngặt về bảo tồn? Sự thiếu rõ ràng trong Luật PPP 2020 đã khiến dự án chưa thể tiến hành một cách đồng bộ và hiệu quả…

“Cởi trói” về mặt cơ chế, mở đường cho những chính sách mới

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, Viện Phát triển Năng lực lãnh đạo - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa là một lĩnh vực đặc biệt, không thể xếp cùng các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng hay kinh tế - kỹ thuật - thương mại, do đó không thể đặt nặng vấn đề lợi nhuận/lợi ích kinh tế (economic) theo các tiêu chí đánh giá giá trị kinh tế - thương mại hiện hữu… Nếu quá chú trọng vào mục tiêu lợi nhuận đối với các dự án văn hóa sẽ dễ dẫn tới tình trạng “thương mại hóa” các tiện ích công cộng và sáng tạo văn hóa của cộng đồng, trực tiếp tách cộng đồng ra khỏi các hoạt động văn hóa.

Vì thế, Việt Nam cần xây dựng cơ chế riêng, mang tính đặc thù cho đầu tư PPP trong phát triển văn hóa, có thể triển khai theo nhiều giai đoạn, trong đó ở giai đoạn 1 có thể tập trung phát triển mô hình PPP nới lỏng (loose PPP) và song hành thí điểm một vài hạng mục đầu tư PPP tiêu chuẩn (standard PPP) ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trước khi mở rộng cả nước.

TS. Nguyễn Thị Hoài Hương cho biết, hiện TP Hồ Chí Minh có tiềm năng phát triển PPP trong các lĩnh vực bảo tồn di sản, công nghiệp văn hóa và thiết chế văn hóa cộng đồng nhờ vào sự phong phú về tài nguyên văn hóa và nhu cầu phát triển đô thị bền vững.

Từ kinh nghiệm các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã triển khai thành công PPP trong lĩnh vực văn hóa, mang lại nhiều bài học quan trọng mà TP Hồ Chí Minh có thể tham khảo, áp dụng vào thực tiễn. Trong đó, có thể áp dụng một số dự án cụ thể như: Cải tạo và phát triển Nhà hát thành phố có thể áp dụng mô hình BLT (Build-Lease-Transfer) bằng cách kêu gọi đầu tư tư nhân cải tạo Nhà hát thành phố thành một trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại, kết hợp với không gian văn hóa và dịch vụ thương mại (như nhà hàng, quán cà phê) có thể bảo tồn kiến trúc di sản, đồng thời khai thác hiệu quả kinh tế từ du lịch và dịch vụ và nơi đây sẽ trở thành điểm nhấn văn hóa mang tầm quốc tế của TP Hồ Chí Minh.

Xây dựng Công viên văn hóa đa năng tại Thủ Thiêm có thể áp dụng mô hình BOT (Build-Operate-Transfer). Phát triển một công viên văn hóa đa năng bao gồm khu vực biểu diễn nghệ thuật ngoài trời, không gian triển lãm và trung tâm giao lưu văn hóa quốc tế với kỳ vọng tạo ra một không gian văn hóa hiện đại, đáp ứng nhu cầu cộng đồng, thu hút khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài.

TS Nguyễn Thị Hoài Hương cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý; tạo điều kiện để cộng đồng địa phương tham gia vận hành và quản lý các thiết chế văn hóa, kết hợp phát triển kinh tế và văn hóa, cần tích hợp các dự án văn hóa vào hệ sinh thái du lịch; tổ chức các lễ hội văn hóa thường niên để quảng bá giá trị văn hóa TP Hồ Chí Minh… 

Phú Lữ
.
.