Cơ hội để họa sĩ Việt đi ra thế giới
Lần thứ 2, cuộc thi "UOB Painting of the Year" được tổ chức tại Việt Nam nhằm tìm kiếm và phát hiện những tài năng trẻ. Đây là một cơ hội để họa sĩ Việt bước ra khỏi vùng an toàn, đi ra và hội nhập với khu vực và thế giới.
Cơ hội của họa sĩ trẻ
Trở lại Việt Nam lần thứ 2, "UOB Painting of the Year" là một trong những cuộc thi nghệ thuật uy tín nhất ở Đông Nam Á. Cuộc thi lần đầu tiên mở rộng sang Việt Nam vào năm ngoái, mang đến cho các nghệ sĩ Việt Nam cơ hội thể hiện tài năng của mình cùng với các nghệ sĩ từ các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Cho đến nay, cuộc thi đã giúp phát hiện hơn 1.000 tài năng nghệ thuật trên toàn khu vực. Có thể nói, đây là một cơ hội cho các họa sĩ Việt khẳng định mình trong hành trình hội nhập và bước ra thế giới.
Trưởng ban giám khảo cuộc thi, họa sĩ Đặng Xuân Hòa (Ông từng làm giám khảo cho UOB Painting of the Year tại Singapore hơn một thập niên trước) chia sẻ: "Cuộc thi sẽ là cơ hội tốt cho các họa sĩ, đặc biệt với các họa sĩ trẻ, bởi đây là nơi mà các họa sĩ sẽ được thể hiện và được chấp nhận rộng rãi mọi tư duy mới cùng với các phong cách nghệ thuật hiện đại. Để cùng sánh vai với mỹ thuật đương đại của thế giới và các nước trong khu vực, nghệ sĩ Việt phải có tư duy sáng tạo mới mẻ, hiện đại, mang phong cách, cá tính và bản sắc riêng biệt của mình được bắt nguồn từ truyền thống tâm hồn dân tộc Việt Nam".
Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam Victor Ngo nhấn mạnh: "Việt Nam có một nền nghệ thuật sôi động với nhiều tài năng trẻ, thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc mà chúng tôi nhận được trong cuộc thi UOB Painting of the Year năm đầu tiên tại Việt Nam. Là nhà bảo trợ nghệ thuật hàng đầu ở châu Á, chúng tôi mong muốn thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho việc khai phá và phát triển tài năng của các nghệ sĩ Việt Nam, giúp nghệ thuật trở nên dễ tiếp cận hơn và truyền cảm hứng cho thế hệ tài năng tiếp theo. Thông qua cuộc thi, chúng tôi mong muốn tiếp tục phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng nghệ thuật cũng như giới thiệu tác phẩm của họ tới cộng đồng ở Việt Nam và khu vực".
Định vị màu sắc Việt khi đi ra thế giới
Đó là khẳng định của họa sĩ Đặng Xuân Hòa đối với con đường sáng tạo của các họa sĩ trẻ khi đi ra thế giới. Từ các thế hệ họa sĩ Đông Dương như Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… đến thế hệ họa sĩ Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm… hay thế hệ họa sĩ đổi mới như họa sĩ Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong… những cái tên lừng lững trong hội họa Việt đều lấy gốc rễ sáng tạo từ truyền thống. Và mỗi người thể hiện truyền thống theo một cách riêng của mình, đó là thứ để họ nhận diện mình khi đi ra thế giới.
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa cho rằng: "Giải thưởng này là tương đối lớn trong khu vực ASEAN, vậy nên các nghệ sĩ Việt Nam khi ra khỏi đất nước mình, phải mang được dấu ấn truyền thống của con người Việt Nam, có dân tộc tính, nếu không sẽ bị lẫn lộn, không dễ phân biệt khi đặt trong sự so sánh quốc tế. Nghệ thuật đương đại Việt Nam hiện nay đang sao nhãng tính dân tộc nên hay bị lẫn trong khu vực. Các bạn trẻ muốn có cái riêng, phải có tâm hồn riêng, có chính kiến, nhãn quan riêng, diễn đạt được tiếng nói cá nhân. Nghệ thuật nói gì thì nói phải có thực tế, hiểu biết tường tận thực tế, phải đi ra từ chính cuộc sống".
Cuộc thi, là một cơ hội để họa sĩ Việt nhìn lại chính mình trước khi bước ra thế giới. Bởi theo đánh giá của giám tuyển Ace Lê: "So với Indonesia, Philippines hay Thái Lan, sức sáng tạo và bản lĩnh của họa sĩ Việt không hề thua kém, tuy nhiên độ phủ trong khu vực của mỹ thuật đương đại Việt ở cả mặt kinh viện hàn lâm đến mặt thị trường vẫn chưa bằng được các nước bạn. Nghệ sĩ của chúng ta cũng ít mạnh dạn hơn đồng nghiệp láng giềng trong việc tham gia vào các hoạt động khu vực".
Anh cho rằng: "Tại Việt Nam, mỹ thuật (fine art), chứ chưa phải nghệ thuật ý niệm, vẫn là cánh cửa nhập môn cho hầu hết khán giả khi mới tiếp xúc hoặc sưu tập nghệ thuật. Và một nền mỹ thuật muốn phát triển phải có được sự liên kết bền chặt giữa các bên tham gia, nên vai trò của những giải thưởng khu vực như UOB Painting of the Year là rất quan trọng bởi khả năng kết nối nhiều đối tác liên quan trong cộng đồng mỹ thuật. Việc tham gia giải thưởng cũng là một thử thách để người nghệ sĩ đem mình ra khỏi vùng an toàn, tham chiếu thực hành với đồng nghiệp để trau dồi chuyên môn, và bước lên bệ phóng để giới thiệu mình ra khu vực".
Họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang, thành viên Ban giám khảo cũng chia sẻ trong Hội thảo "Định vị mỹ thuật Việt đương đại" rằng: "Những giải thưởng chuyên nghiệp, uy tín lâu đời trong khu vực sẽ là một cơ hội to lớn giúp các họa sĩ trẻ định vị được mình trên bản đồ hội họa trong nước cũng như khu vực trong bối cảnh hội họa sôi động hiện tại để vượt qua chính mình, tiếp tục đổi mới và đạt được nhiều thành tựu hơn trong tương lai".
Chị khẳng định, việc xuất hiện cuộc thi giúp các họa sĩ trẻ có thời gian tĩnh lại để xem mình đang ở đâu trên bản đồ nghệ thuật trong nước và thế giới, đồng thời thúc đẩy khát khao, khả năng tư duy, sáng tạo nơi họ. "UOB Painting of the Year" là cơ hội để các họa sĩ trẻ vượt lên chính mình, đổi mới và đạt những điều to lớn hơn. Tôi nghĩ nhiều bạn trẻ sẽ khẳng định được tài năng sau cuộc thi. Bên cạnh đó, họa sĩ thắng giải còn được đông đảo giới chuyên môn, công chúng trong nước và khu vực, xa hơn là quốc tế biết đến. Nếu bản lĩnh, họ có thể lấy đây làm đòn bẩy cho những bước tiến xa hơn trong tương lai" - chị nói.
Tính dân tộc, văn hóa bản địa là một giá trị cốt lõi để họa sĩ đi ra thế giới, hiện diện mình với công chúng mà không bị trộn lẫn, không bị mờ nhòe trong khu vực. Có lẽ, đó là điều căn cốt để các họa sĩ trẻ hôm nay viết tiếp câu chuyện mỹ thuật Việt trước sự mở cửa của toàn cầu. Lợi thế của sự mở toang thế giới cũng chính là một bất lợi của những người làm sáng tạo. Bài toán làm thế nào cập nhật được với đương đại mà vẫn giữ được bản sắc riêng không dễ tìm lời giải. Vì thế, hơn cả một cuộc thi hay những giải thưởng, họa sĩ Việt cần bền bỉ và sáng tạo, đổi mới trên con đường của mình để đi con đường dài và nhọc nhằn với hội họa.
Giải thưởng mỹ thuật UOB hằng năm (UOB Painting of the Year) do Ngân hàng UOB (Singapore) bảo trợ và tổ chức được hình thành từ năm 1982 dành cho khu vực ASEAN "với mục tiêu công nhận các nghệ sĩ ở khu vực Ðông Nam Á và mang đến cho họ cơ hội giới thiệu các tác phẩm của mình đến với cộng đồng rộng lớn hơn". Giải thưởng lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam năm 2023 với chiến thắng thuộc về họa sĩ Trịnh Minh Tiến. Giải thưởng năm 2024, Ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 1/8/2024 với hai hạng mục dành cho Nghệ sĩ thành danh và Nghệ sĩ triển vọng. Những người đoạt giải UOB Painting of the Year năm thứ hai tại Việt Nam sẽ được công bố tại buổi lễ trao giải; các bức tranh đoạt giải sẽ được trưng bày tại một buổi triển lãm mở cho cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 10/2024.
Người chiến thắng cao nhất tại Việt Nam sẽ nhận giải thưởng trị giá 500 triệu đồng và có cơ hội tranh giải thưởng danh giá UOB Painting of the Year khu vực Đông Nam Á với tiền mặt trị giá 13.000 đô la Singapore cũng như cơ hội được lựa chọn tham gia chương trình lưu trú nghệ thuật đặc biệt. Buổi lễ trao giải cấp khu vực sẽ diễn ra tại Singapore vào tháng 11 năm nay.