Chợ Việt truyền thống trong đời sống đô thị hóa, công nghiệp hóa

Thứ Năm, 08/09/2022, 15:41

Nói đến chợ Việt người ta thường hình dung ra một nơi mua bán và lưu giữ những nét văn hóa xưa cũ mà bao đời nay vẫn tồn tại, lưu dấu ấn trong mỗi kiếp người. Chợ Việt phong phú và đa dạng xuất hiện ở tất cả các vùng quê và phố thị, kể cả ở các đô thị hiện đại.

Từ truyền thống đến hội nhập

Theo thời gian, chợ Việt phát triển với nhiều hình thức khác nhau, từ chợ quê, chợ cóc, chợ tạm, chợ đầu mối, chợ phiên, chợ hải sản, chợ đêm… Một loại hình thái chợ Việt khác đóng dấu ấn bởi kiến trúc đặc sắc hay bên trong khu chợ có những sản vật đặc biệt của một địa danh nào đó như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), chợ Đông Ba (Huế), chợ Sắt (Hải Phòng), chợ Cồn (Đà Nẵng), chợ Kỳ Lừa (Lạng Sơn)… Bước vào thời đại 4.0, cùng với nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với những toà bulling cao tầng, chợ Việt tồn tại như thế nào trong đời sống đô thị hiện đại hôm nay?

Chợ Việt truyền thống trong đời sống đô thị hóa, công nghiệp hóa -0
Chợ Việt truyền thống  ở làng quê.

Chợ Việt mang tâm hồn Việt, dáng dấp Việt, từ lâu đã ăn sâu vào mỗi nếp nhà, ngay trong những tác phẩm văn học đặc sắc, các nhà văn Việt cũng rất có ấn tượng với chợ, và chợ nhẹ nhàng đi vào tác phẩm của họ như hơi thở của cuộc sống. Trong tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân, Tràng - người nông dân hiền lành chân chất đã dắt người vợ nhặt khốn khổ của mình lên chợ tỉnh mua đồ. Trong tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, sự xuất hiện của Thị Nở khiến Chí Phèo trở thành một con người khác, điều đầu tiên hắn thấy là cuộc đời ngoài kia thật tốt đẹp khi nghe thấy tiếng những người đàn bà đi chợ đang nói chuyện. Và một chợ chiều tàn buồn man mác gây ám ảnh của hai chị em Liên đợi tàu đêm ở khu phố huyện nghèo heo hút trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam.

Theo thời gian, chợ Việt phát triển với nhiều hình thái khác nhau. Từ chợ quê, chợ cóc, chợ tạm ở những con phố thôn xóm, ngõ ngách của khu dân cư hay chợ đầu mối xuất hiện ở nơi cung cấp hàng hóa cho một vùng vào giữa đêm hoặc sáng sớm tinh sương. Cho đến những chợ đêm xuất hiện và không thể thiếu ở bất kì một khu du lịch nào, chợ đêm Nha Trang, chợ đêm Đà Nẵng, chợ đêm Huế, chợ đêm Hội An, chợ đêm khu Phố Cổ, chợ đêm Sài Gòn, chợ đêm Phú Quốc… Chợ đêm đó là khi thành phố đã lên đèn, khách du lịch và người dân bản địa đi bộ thong dong ngó nghiêng hàng hóa, sà xuống một mẹt, một quán ăn. Quán ăn trong chợ, không có điều hoà nhưng mát nhờ những cơn gió. Ẩm thực chợ đêm mỗi nơi một khác, mang phong vị riêng của từng vùng.

Đến các chợ phiên sinh hoạt cộng đồng đến hẹn lại lên: "Chợ Gióng một tháng sáu phiên/ Bắt cô hàng xén kết duyên châu trần/ Xa xôi dịch lại cho gần/ Cách sông cách núi cũng lần cũng sang" hay: "Ai lên Cam Lộ thì lên/ Sáu phiên một tháng không quên dạ người/ Ai lên chợ Thái buôn chè/ Để tôi buôn ấm ngồi kề một bên"… Chợ tình của người dân tộc ở vùng núi phía Bắc, chợ hải sản ở các làng chài ven biển, chợ trời, chợ vải…

Chỉ ra ngoại thành tầm mươi kilômét về vùng quê là bạn sẽ bắt gặp ngay cảnh chợ quê. Chợ quê không quá nhiều đồ nhưng đa phần lại là đồ tươi sống. Những con tôm, con tép, con ốc bắt ở dưới ao. Buồng chuối nhà ai vừa kịp chín, một rổ cà chua vườn nhà, hay thúng trứng gà ta. Những con cá trê, cá trắm, cá mè còn đang dẫy đành đạch vừa vớt từ ao lên. Những mớ rau xanh, do cụ bà tóc bạc lưng còng gánh ra chợ bán. Tất cả những thứ cây nhà lá vườn đấy tạo nên bức tranh chợ quê dân dã, sống động.

Thời đại của công nghệ kỹ thuật số, các chị tiểu thương dùng Zalo, Facebook… để giới thiệu sản phẩm bán hàng hóa. Mấy anh shipper giao hàng giá rẻ nhận việc bất cứ lúc nào. Thời đại mới chợ thương mại điện tử ra đời cung cấp tất cả các nhu yếu phẩm của người dùng, hàng hóa có trên các trang từ lâu đã nổi như cồn: Tiki, Lazada, Shopee… Chợ điện tử đơn giản gọn nhẹ với hình thức mua bán hàng online trên mạng, về tận các làng quê với hình thức giao hàng thần tốc.

Tại các tòa chung cư cao tầng, hay quần thể cộng đồng dân cư ở một khu phố, siêu thị trở thành nơi mua sắm thiết yếu tiện lợi với hàng hóa đa dạng và sự phát triển của trung tâm thương mại với hàng hóa phong phú kết nối toàn cầu là điều không thể thiếu trong đời sống đô thị hiện đại hôm nay. Sau những biến đổi của thời cuộc, hàng loạt các chuỗi siêu thị ra đời, các trung tâm thương mại mọc lên như nấm và sự tăng tốc phát triển chợ thương mại điện tử, chợ Việt truyền thống ít nhiều bị ảnh hưởng đứng trước nguy cơ và nhiều thách thức.

NSND Doãn Hoàng Giang: Chợ quê ngày Tết đã ăn sâu, bám rễ trong tâm khảm của mỗi người

Chợ Việt truyền thống trong đời sống đô thị hóa, công nghiệp hóa -0

Dẫu cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay nhưng vào những ngày lễ trọng đại thì hình ảnh về chợ Việt truyền thống lại mang nhiều giá trị văn hóa, những kí ức xưa cũ đã ăn sâu bám rễ trong tâm khảm của mỗi người và được thể hiện rõ nhất trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Hình ảnh những người bán lá dong để gói bánh chưng, màu hoa đào thắm đỏ trong một khu phố chợ, những chậu quất rung rinh trĩu quả lúc lỉu vàng ươm. Những buồng chuối xanh, những quả bưởi còn nguyên cành lá, từng chùm khế, chùm sung được bầy bán, hoa quả, bánh trái rộn rạo cả một khu chợ. Nơi người đến để nhìn lại những thứ dân gian còn sót lại như tranh Đông Hồ, đàn lợn âm dương.

Vào chợ quê ngày tết để cảm nhận thấy không khí rõ rệt nhất của mùa xuân đang về, năm mới đang gõ cửa. Thế nên đến Tết, mọi người lại nôn nao muốn rời khỏi thành phố để về quê, nơi mẹ già đang đợi ở quê nhà, hay ra chợ quê để nhớ về một thời quá khứ khó khăn nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ. Không khí chợ quê ngày tết là một hương vị đậm đặc cổ truyền của người Việt, dù có ra thành phố, có sang định cư châu Âu, châu Mỹ thì chợ quê, chợ Việt truyền thống vẫn luôn nằm lòng trong kí ức của mỗi người con xa xứ. Hình ảnh đấy, hương vị đấy, đã làm nên nét đẹp văn hóa truyền thống, tinh tế mà giản dị, hướng về cội nguồn.

GS,TS, KTS Hoàng Đạo Kính: Mỗi người đều có một chân đứng ở ruộng vườn nên thói quen vẫn khó bỏ

Chợ Việt truyền thống trong đời sống đô thị hóa, công nghiệp hóa -0

- Trong đời sống văn minh đô thị hôm nay, chợ Việt truyền thống vẫn có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Nói về vùng quê người ta hay hình dung mái đình, giếng nước, gốc đa và những chợ quê dân dã êm đềm nơi thôn xóm. Chợ Việt truyền thống đi vào trong hội họa, văn chương và hiện hữu ngay cả trong kiến trúc, là một kiến trúc sư danh tiếng ông có suy nghĩ gì về chợ Việt truyền thống?

+ Chợ Việt có tự ngàn xưa xuất hiện ở vùng quê, nơi giao thoa mua bán, trao đổi những sản phẩm nông nghiệp ruộng vườn, như mớ rau người ta trồng, quả trứng, con gà người ta nuôi, con tôm, con tép bắt ở dưới ao dùng không hết thì đem ra chợ bán. Sự trao đổi hàng hóa đó hình thành nên một thứ được gọi là chợ.

Chợ xuất hiện ở một tụ điểm nào đó giữa mấy làng với nhau, mà trước đấy chỉ là một bãi đất trống, sau này còn có lều, có quán, dần dần hình thành dẫy phố. Có một sự chuyển hóa rất chậm từ hình thức cộng cư làng xong hình thành xóm chợ, rồi đến phố chợ. Theo thời gian, hình thái phố có quá trình hình thành lịch sử rất lâu dài giữa nông thôn và thành thị rồi sau này hình thành đô thị.

Nhiều trường hợp phố hình thành từ cái chợ. Chợ là nơi hội tụ hàng hóa của những người buôn bán trong thời gian dài, một chân đứng ở nông thôn, một chân đứng ở phố chợ.

Chợ là hình thức giao thương nguyên thuỷ, rồi dần dần hình thành cấu trúc phố. Phố là hình thức cộng cư chuyển tiếp sau làng. Từ làng đến phố, rồi đến thành thị là một khoảng thời gian rất dài. Ngày nay chúng ta còn lại những dấu vết phố như phố thị là dấu vết từ thế kỉ 19 thời kì cận đại, còn phố xa xưa nữa thì có thể có nhưng giờ phai mờ, đã tan biến hết cả rồi. Ngày hôm nay chúng ta thấy như là cấu trúc đô thị mang tính chất cổ tương đối của thời cận đại như phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội, phố cổ phố Hiến... Đặc biệt là thời kì người Pháp sang cai trị Việt Nam mở mang những phố thị Hà Nội ở thế kỉ 19 là cấu trúc phố thị Hà Nội, người ở những nơi khác đến buôn bán mở mang thành đô thị trong một sự chuyển đổi phát triển trực tiếp.

Đô thị thực thụ theo lối châu Âu thì bao giờ cũng có những tòa nhà hành chính của thành phố, quảng trường, nhà thờ, và chợ. Cuối thế kỉ 19 đến nửa đầu thế kỉ 20, người Pháp tới Hà Nội mở mang Hà Nội thành đô thị trong điều kiện Hà Nội đang là một cấu trúc phố thị đã có sẵn.

Trong cấu trúc đô thị thì sẽ hình thành những chợ như một thành phần thiết yếu của đô thị, như chợ Đồng Xuân (trung tâm khu phố cũ của người Việt), sau đó ở những khu vực dân cư khác hình thành những chợ nhỏ: chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Hôm...

Và những chợ ở đô thị phần nào nối tiếp chợ quê ngày xưa, chứ không mang khái niệm chợ như chợ phương Tây là chợ bắt buộc phải có công trình mái che, vẫn phải có những kiot hàng vv…

Chợ Tây ngày xưa cũng gần gần với mô hình siêu thị bây giờ, còn chợ của ta vẫn mang tính chất chợ dân giã, chợ thôn quê chuyển tiếp sang. Còn chợ lớn như chợ Đồng Xuân là một trung tâm thương mại nguyên thuỷ, bây giờ vẫn là một trung tâm thương mại dân dã truyền thống có ki ốt. Trong chặng đường như thế nên chợ quê trong khu phố, giờ trở thành khu chợ có kiến trúc có mái che, có đầy đủ hàng hóa nhưng không phải là siêu thị.

- Thời đại mới chúng ta có chuỗi siêu thị, tòa trung tâm thương mại, và hàng loạt các trang mạng bán hàng online… phương thức mua bán, trao đổi hàng hóa, mua sắm vật dụng ngày nay không còn cứ phải vào chợ mới mua được, nhiều khi chỉ cầm trên tay một cái điện thoại có kết nối internet là có thể mua bất cứ thứ gì, ở đâu. Có thể ăn một bát bún, tô miến, mua một cái dép, chục quả trứng gà ta thì cũng được shipper grab ship đến tận nhà. Chợ Việt không còn quá quan trọng trong đời sống xã hội ngày nay nữa rồi…

+ Bây giờ có trung tâm thương mại lớn, chuỗi siêu thị, những giao dịch mua bán trên Intrenet thì chúng ta dẹp bỏ đi chợ cũ bởi chợ cũ quản lý khó, gây ô nhiễm, manh mún, đặt ra cả về vấn đề giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm… Trên thực tế, bỏ chợ cũ xây chợ mới thì lại là một thiết kế kiến trúc lưng chừng như chợ Hàng Da, chợ Hôm… Những cái chợ ấy ở vị trí đẹp, nhưng người ta bán hàng ở xung quanh vừa bán hàng vừa bị đuổi. Hàng thiết yếu mà người ta muốn ăn hằng ngày có nguồn gốc hữu cơ, như rau xanh bán ở vỉa hè quanh cái chợ hiện đại.

Như chợ Cửa Nam xây building, bán hàng cũng không có khách nên thực tế là ở những tầng trên cho thuê không phục vụ cho nhu cầu cái chợ. Hằng ngày người ta vẫn đến mua hàng thiết yếu nhưng mua ở trong sân hay tầng 1 của chợ, hay mua ở những phố con con quanh chợ. Tất cả những điều đang diễn ra đó không chỉ ở Thủ đô mà ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Những thành phố hàng tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Nam Định… trên chợ cũ xây mới hết nhưng chợ mới đấy không ăn nhập vào cuộc sống hiện nay, hoặc vào rất kém, ít hiệu quả và tạo ra một sự lưng chừng giữa một trung tâm thương mại và một phần của chợ nông nghiệp chợ xanh, chợ quê.

- Nói gì thì nói, mặc dù đời sống văn minh đô thị đang trên đà phát triển, nhiều hình thức mua bán tiện dụng nhưng chợ Việt vẫn âm thầm tồn tại và chừng nào người Việt còn thói quen ra chợ thì chợ Việt vẫn tồn tại dù dưới nhiều hình thức chợ quê, chợ cóc, chợ tạm, chợ đuổi, chợ trời…

+ Cuộc sống hiện đại ngày nay chúng ta trong quá trình chuyển tiếp văn minh hóa, đô thị hóa, nhưng cái bụng của mình (hệ tiêu hóa của mình) chuyển sang hiện đại hóa chậm hơn rất nhiều so với kết cấu cơ sở hạ tầng, hay giao thông văn minh đô thị.

Người Việt đến khi nào có thể ăn thịt nguội, ăn pho mát, ăn bơ, ăn bánh mì như người phương Tây. Về cơ bản chúng ta quen dùng thực phẩm tươi sống, thực phẩm xanh, thực phẩm của người nông dân ta mang từ ruộng vườn ra bán. Chúng ta là người Việt và chúng ta phải chấp nhận, công nhận điều đó ở dạng chuyển tiếp dần dần. Thời gian sẽ quyết định. Người tỉnh thành phố nào cũng thế thôi, vẫn thích ra chợ. Ra vào siêu thị thì mát mẻ, nhiều hàng nhưng ngại phải đi xa, vào siêu thị người ta không thể mua được những cái sản phẩm tự nhiên từ ruộng từ vườn mang đến, không thể có con cá tươi đang bơi, con tôm nhảy tanh tách, cái bánh rán nóng hổi vừa được vớt ra đĩa…

Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, ở trong giai đoạn mà chúng ta đang dần dần chấp nhận lối sống, mô hình sống của thế giới hội nhập. Hội nhập về nhà cửa, đường xá, giao thông rất nhanh nhưng tâm sinh lý cảm thức của người Việt thì dai dẳng, bảo thủ.

Ví dụ như người Nhật có hơn 100 năm hiện đại hóa, nhưng họ vẫn bảo tồn gắt gao những thứ truyền thống từ cái bánh trở đi. Việt Nam dù đang ở đô thị nhưng phần lớn là người cùng lắm là 2 đến 3 đời mới ở Thủ đô, thành phố. Người Việt dù đang sống ở đô thị nhưng xuất phát điểm là người nông thôn, tỉnh lị ra phố nên không dễ dàng gì để tiếp nhận những thứ quá hiện đại. Nên mình quen nhìn bữa cơm có con gà người ta mới thịt xong người ta bán cả tiết, bộ lòng. Hay người ta vẫn thích ra chợ chọn mua mỗi thứ một tí: rau mùi, rau thơm, rau húng, thì là, quả chanh, quả ớt….

Tôi là người sống trong xã hội văn minh châu Âu hóa nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thích đi chợ, đôi khi còn làm cho mình vui, bởi vì chợ là nơi mà nhìn thấy mọi thứ rất tự nhiên, rất tươi sống, đồ bán không phải đóng gói nilông, không phải ở trong tủ bảo quản, mà người nông dân gồng gánh ra bán.

Người bán hàng nài mình mua là mình thích, thậm chí mấy người tranh nhau mời mình mua và mình mặc cả. Con người mình có hai chân, một chân bước lên phố thị, nhưng một chân đứng ở ruộng, ở quê, mình không thể thóai thác vứt bỏ đi được. Nói to tát thì người ta gọi là bản sắc, nhưng đó là thói quen, là nếp sống mà cái đó thì còn lâu mới bỏ được. Thế cho nên một mặt cứ xây dựng siêu thị, cứ làm những trung tâm thương mại đi, mặt khác thì phải để ý đến nhu cầu cuộc sống đối với vấn đề chợ búa, mua bán.

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn: Chỉ cần bấm một nút vào kí ức, chợ quê lại hiện ra

Chợ Việt truyền thống trong đời sống đô thị hóa, công nghiệp hóa -0

- Là người hay hoài niệm, hẳn ông yêu quý chợ Việt truyền thống?

+ Sang thời đại mới, hội nhập và phát triển công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, không thể nào mà cản nổi xu thế của xã hội Việt đương đại nhưng trong những chợ của người Việt thì chợ quê, chợ làng nho nhỏ, nép vào bên rìa làng hay ở ngõ làng đấy là những nét đẹp khó cũ. Cái gì khó cũ khi nó mất đi thì đáng tiếc, tiếc nhưng cũng chả biết làm thế nào. Đương nhiên với làng Việt bây giờ còn thoi thóp được lúc nào thì chắc chợ quê, chợ làng vẫn còn.

Trên mạn ngược cũng có ấn định những phiên chợ, họp chợ người ta chỉ đợi để gặp nhau vui vẻ hay buôn bán trao đổi việc này việc khác, uống với nhau bát rượu thế là cũng đủ xúc cảm đến chợ và trở về nhà. Đô thị thì khác, gần đây chúng ta đang xóa dần đi những cái chợ chỉ còn là một vẻ đẹp trong kí ức của người Hà Nội trong nhiều thế hệ, nó biến thành trung tâm thương mại.

Thật ra là nơi nào có ý thức bảo tồn thì vẫn còn nếu không biến đổi hình thức chợ ngày xưa của người Hà Nội, người Việt thành văn hóa lai tạp. Chợ quê, chợ Việt, chợ mới ở đô thị thì bất kể ai, người giàu người nghèo đi ra đi vào như nhau. Nhưng trung tâm thương mại, người bình thường người ta đâu thường xuyên muốn thiết vào đó, mua cái gì ở đấy?! Đấy là bản thân ấn tượng không gian của một cái chợ đã hóa thạch ở trong kí ức của bất kì ai đã sinh ra và sống ở Hà Nội. Đấy là cái không bao giờ mất đi, nó cứ miên viễn mãi trong hình nét, đọng vào kí ức, chỉ cần bấm một cái vào kí ức nó sẽ hiện ra.

- Vâng, chúng ta lưu dấu kí ức chợ quê, chợ Việt, chợ làng ở đâu đó trong tâm khảm nhưng chúng ta đang sống ở thế kỉ 21, của thời đại 4.0 nên cũng cần phải có hình thức giao thương kinh tế hàng hóa phù hợp để phục vụ nhu cầu đời sống…

+ Bây giờ siêu thị không thiếu gì cả và rất tiện lợi, tất cả những gì cần mua vào siêu thị đều có hết, nhưng chúng ta đang bàn về chợ của người Việt và đương nhiên nó biến đổi trong khi đô thị hóa, và người ta vẫn hoài niệm, vẫn nhớ về chợ quê, chợ cũ. Thực ra ở trong ngõ nhỏ hay ngách nhỏ Hà Nội vẫn có những chợ tạm và họ chỉ họp buổi sáng qua quýt cho đến tầm trưa tan chợ nhưng nó vẫn phải có và không nên động chạm. Cứ để cho những người bình thường nhất họ cũng có được cơm ăn hằng ngày, sống được hằng ngày bằng mớ rau cỏ, con tôm tép. Một gánh rau nuôi mấy người con đi học, nuôi mẹ già.

Những chợ tạm như thế ở ngách này ngõ kia vẫn còn thì người dân sinh sống ở đấy người ta quen với những thứ bán ở trong những chỗ đấy ví dụ như hẹn nhau mấy ngày nữa cho tôi cái này, cái kia. Đấy cũng là cách tạo nên khách quen, người bán quen cho mình,  bản thân người Hà Nội tận dụng mọi cái gì có thể để mình vẫn có thể như ngày xưa, vẫn tồn tại và không bị mất đi. Chợ Việt truyền thống thì bất kì một làng quê nào cũng có chứ không phải đã mất.

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.