Chờ gió cho văn trẻ

Thứ Sáu, 12/11/2021, 12:50

Đến hẹn lại lên, 5 năm một lần, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội nghị viết văn trẻ toàn quốc. Theo dự kiến thì tháng 12 tới sẽ diễn ra hội nghị lần thứ XX, đây là một hoạt động lớn nằm trong chuỗi những sự kiện của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho đội ngũ viết văn trẻ.

Cũng không nhất thiết phải nhân sự kiện lớn 5 năm một lần đó để suy nghĩ về nhiều vấn đề xung quanh sự phát triển của đội ngũ những người viết trẻ. Mà câu chuyện tiếp sức, hỗ trợ, hợp tác với những người trẻ viết văn được đặt ra, nhất là trong bối cảnh những công tác này còn thiếu hụt như hiện nay. Với nội dung này, Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh - Phó ban Văn trẻ - Hội Nhà văn Hà Nội, Chủ nhiệm (lâm thời) CLB Văn học Trẻ  Hà Nội.

- Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ XX sắp diễn ra. Nhiều gương mặt, nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ đã trưởng thành từ những cuộc gặp gỡ như thế này. Tới hội nghị lần này, anh kỳ vọng gì ở những gương mặt mới?

+ Nhà văn trẻ (chỉ theo tiêu chí tuổi thôi nhé) đang ở thời đại bùng nổ thông tin, thời đại của hội nhập và tương lai. Đây là một thế hệ khác hẳn trước về chất nên sự kỳ vọng là đương nhiên. Tôi kỳ vọng kỳ này trăm hoa đua sắc trên ba khía cạnh: ĐA thanh đã tạo nên một môi trường khoáng đạt, đa dạng, đa phương, mở ra chân trời mới cho văn học Việt Nam. Với tiêu chí đẩy CHẤT lên, đối tượng văn học thiểu số (với quan niệm như là một "dự phóng những "đường thoát", tạo ra những không gian "ở giữa", và có thể trở thành - khác…") của các tác phẩm có chất lượng nhưng không bán chạy sẽ được tôn vinh. Sự xuất hiện của nhiều nhân tố, tiếng nói, cá tính sáng tạo MỚI với những thể nghiệm khám phá tìm tòi có giá trị.

img-5818.jpg -0
Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh.

- Theo anh việc lựa chọn đại biểu có nên mở rộng tiêu chí?

+ Tuyệt đối nên, mở rộng cả về thể loại dựa vào chất lượng tác phẩm. Tôi cho là đã để sót khá nhiều nên cần nhiều kênh, nhiều tiêu chí đánh giá giống như đề cập trên đây cần chấp nhận đa thanh và thay đổi các góc nhìn thì mới quy nạp được nhiều. Các ứng viên muốn tham dự hội nghị cần phải có tham luận, chưa nói đến những chuyện to tát như tinh thần thời đại hay tâm hồn dân tộc… thì nhà văn là người có tiếng nói riêng nhất (mỗi nhà văn như một thùng thuốc nổ ấy chứ ), anh đi họp mà lại không có ý kiến, suy tư hoặc ý tưởng gì thì thật khó chấp nhận. Kể cả khi anh khiêm tốn không thích ồn ào thì trong anh cũng phải có những trăn trở, suy ngẫm… hay thắc mắc gì đó về chuyên môn, thậm chí chỉ là câu hỏi phản biện gì đó chứ không thì tham dự làm gì cho mất thì giờ.

- Có một thực tế là nhiều cá nhân trẻ sáng tác, in ấn, hoạt động văn học rất tích cực trên trang cá nhân, trên mạng Internet… nhưng ít quan tâm hội nhóm, hoạt động của hội… Là người làm ở Ban Văn trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội, cũng có nhiều cơ hội tiếp xúc, đọc và nắm bắt xu hướng văn chương của họ, anh có bao giờ đặt câu hỏi vì sao họ lại không hào hứng với các hoạt động của hội không?

+ Họ thờ ơ vì thiếu tri âm tri kỷ, nhiều khi hội đoàn chính thống không lắng nghe, thậm chí cho rằng sáng tác của những cá nhân trẻ không phải hoặc ít tính văn chương: Ví dụ những tác phẩm trinh thám, fantasy, tranh truyện hoặc các tác phẩm khó đọc, nên khó chấp nhận. Tôi cho rằng hãy cứ xem xét chấp nhận các trường phái, phong cách, thậm chí các chiêu trò như đánh đố (hãy coi đây là một thể loại) cũng được chứ sao. Cứ phản đối suốt rồi lại bảo sao văn chương Việt quanh quẩn không nảy nở được. Sáng tác văn chương còn mang tính đặc thù khác nữa là khả năng tác chiến độc lập (người viết đồng hành với cô đơn), người viết  càng tốt cá tính sáng tạo (cái tôi), tự trọng càng cao, nên nếu không có tri âm thì khó mà tiếp cận được họ. Ở đây sẽ không có kiểu nhất hô bá ứng đám đông như các hoạt động đoàn đội khác.

- Từ phía họ chưa đủ tự tin hay từ phía Hội Nhà văn chưa thực sự gần gũi, quan tâm?

+ Tại anh tại ả tại cả hai bên. Khác thời xưa, ngày nay không phải đội ngũ trẻ chưa đủ tự tin mà tự tin quá (họ xác quyết vào cái phong cách, kiểu mà họ theo đuổi), trong khi Hội Nhà văn thì lại không tin vì cho là lệch pha giá trị và góc nhìn, là ngựa non háu đá nên không chấp nhận. Và đương nhiên đường lối chung của hội là chờ người ta đến kiểu như các cây viết trẻ phải xin xỏ (thậm chí cầu cạnh chạy vạy để vào hội) chứ làm gì có chuyện săn đầu người (Head hunter) như xu thế hiện nay. Ở đâu mà chả có chuyện người thừa vẫn thừa mà người thiếu cực thiếu luôn.  "Mỹ nhân nan tấc đắc" (Người đẹp xưa nay hiếm) người tài cũng vậy mà.

- Có ý kiến cho rằng, việc phát hiện, kiến tạo, thúc đẩy đội ngũ viết trẻ vẫn còn nhiều thiếu hụt. Anh nghĩ sao về điều này?

+ Đúng vậy, thông thường người ta nhìn vào thành tích (những người đã đoạt giải), thế thì dễ quá và mỗi giải một tiêu chí chắc gì đã trúng! Và số lượng ấy nào có được bao nhiêu. Với sự đa thanh, các kiểu (phong cách) viết khác, hệ khác, dòng khác (thậm chí là dòng nổi loạn) thì không có thành tích. Nên cần tính đến hiệu ứng trong xã hội, từ các chủ thể tiếp nhận (người đọc), nhất là văn giới. Hầu hết các đại biểu được giới thiệu về từ các nguồn thân quen tin cậy rồi, tuy nhiên ngoài trích ngang cần tìm hiểu và thanh lọc kỹ hơn dựa trên kế hoạch văn chương của họ (Có thể yêu cầu điền bảng câu hỏi để nắm bắt được tinh thần, định hướng văn chương). Người có chí hướng họ sẽ nói khác, cứ làm như sơ tuyển đầu vào  của Trường Viết văn Nguyễn Du, hay như ban biên tập chọn bài đăng đàn nếu 3/4 ban biên tập nhất trí thì thuận lợi thôi.

- Từ kinh nghiệm của bản thân, một người hoạt động tích cực, năng nổ trong Ban Văn trẻ, anh có thể cho biết làm thế nào để kết nối, quy tụ được đông đảo đội ngũ những người viết trẻ?

+ Văn chương là tiếng chim gọi bầy nên kết nối là nhu cầu tự thân. Các hội nhóm vẫn là một cơ chế quy tụ khả dĩ nhất chỉ có điều đội nhóm đó hoạt động như thế nào. Phải đi vào thực chất tránh kiểu phong trào. Hoạt động chính nên là các cuộc hội thảo, talk, học hỏi, giao lưu sáng tạo… Cố gắng phát hiện ra thủ lĩnh của từng nhóm, trường phái, thiết lập mô hình đại ca đệ tử đồng hành, cộng sinh bổ sung cho nhau. Tài năng có từ trường và khả năng kích thích mời gọi truyền cảm hứng, truyền lửa cho tài năng và người khác. Các thủ lĩnh hay trưởng chòm nên là những người đã nong né đầy đủ giống như bí thư đoàn trường thường là thầy giáo nếu là sinh viên thì khi ra trường là hết, những bạn trẻ tuy xông xáo năng động nhưng phải lo bộn bề cuộc sống cơm áo gạo tiền là ngắt mạch ngay. Phải tìm được các cây bút ĐAM MÊ (bản lĩnh, ý chí, kiên trì) văn chương, đam mê mới đi xa được, chứ năng khiếu mà ít đam mê thì không đi xa được.Tác động của các phương tiện thông tin đại chúng  khác, với quan niệm tác phẩm văn học như một quá  trình (Tác giả - Tác phẩm - Người đọc), trong đó vai trò người đọc được đề cao. Do đó việc cọ xát giao lưu với độc giả ngày càng quan trọng, nhiều tác phẩm khó hiểu hoặc mới lạ cần thiết phải có người đồng cảm giống như Tử Kỳ - Bá Nha, bằng không thì tác giả cần phải diễn dịch. Những ngày hội sách, ra mắt sách là rất quan trọng tựa như liều doping cho tác giả. Nhân tài như lá mùa thu, nên cần chiêu hiền đãi sỹ. Tôi cho rằng nên tìm, mời họ gia nhập và đối thoại không chỉ trong nước mà tất cả các đối tượng viết bằng tiếng Việt.

- Công tác hỗ trợ cây bút trẻ cần có những hoạt động gì mới mẻ, hiệu quả thiết thực theo anh?

+ Hỗ trợ thì khó đây: Vì viết văn là công việc tự thân của từng cá nhân. Tuy nhiên hội có thể hỗ trợ phần nào để các cây bút trẻ duy trì cuộc sống bình thường, vì cơm áo không đùa với khách thơ. Nhà văn (là người tài) mà lại nhếch nhác thì khó chấp nhận. Hiện nay rất nhiều cây bút không học trường chuyên, đang làm các ngành nghề khác nhau lại có các tác phẩm văn chương rất xuất sắc, như các bạn  Hiền Trang, Nhật Phi, Cao Việt Dũng… và tôi đều học từ FTU.

Mời các nhà văn nổi tiếng nước ngoài giao lưu chặt chẽ với các  TT Văn hóa nước ngoài: Viện Gotthe, L 'Espace, Ý, Nhật, Hàn… Hội cần tạo một  không khí, một  hành lang, một môi trường đầy cảm hứng cho các nhà văn trẻ.

- Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh về cuộc trò chuyện!

Vân Khánh (thực hiện)
.
.