Chiếng chèo Nam nức danh thiên hạ

Thứ Ba, 13/02/2024, 09:16

Nam Định là cái nôi của nghệ thuật truyền thống, trong đó không thể không nhắc đến nghệ thuật chèo như một thứ đặc sản của miền đất thuộc trấn Sơn Nam Hạ. Nam Định là trung tâm của chiếng chèo Nam, một trong tứ chiếng chèo nức danh thiên hạ.

Tứ chiếng chèo là cách phân chia không gian nghệ thuật chèo vùng châu thổ sông Hồng kể từ thế kỷ 15, khi chèo rời Kinh đô Thăng Long hoa lệ trở về vùng nông thôn khoáng đạt, rộng lớn chính là nơi khai sinh, khởi thủy của nghệ thuật này, đúng như lời người xưa nói, đi xa là để trở về.

Chiếng chèo là những phường chèo hoạt động trong một vùng văn hóa. Người ta phân vùng chèo châu thổ sông Hồng thành tứ chiếng là chèo Đông, chèo Đoài, chèo Nam, chèo Bắc tương ứng với tứ trấn Hải Đông, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc xung quanh Kinh đô Thăng Long. Mỗi chiếng có những ngón nghề riêng rất khó lưu truyền và lan tỏa sang miền đất khác do sự khác biệt trong phong cách nghệ thuật trên cơ sở dân ca, dân vũ và đặc trưng văn hóa bản địa của miền đất ấy.

Nếu chiếng chèo Đông với những làn điệu mang âm hưởng hát đúm, chiếng chèo Đoài mang âm hưởng của hát xoan, hát dô, dân ca Phú Thọ và cò lả, chiếng chèo Bắc mang âm hưởng của dân ca quan họ thì chiếng chèo Nam mang âm hưởng của hát chầu văn rõ rệt. Những làn điệu phổ biến của chiếng chèo Nam như Chèo quế hay Hà vị tả cảnh du thuyền thăm các danh lam ở Hà Nam, thắng cảnh ở Ninh Bình, Bà chúa con cua gắn với tín ngưỡng hầu bóng ở Nam Định, Nhịp đuổi gắn với tích trấn thủ Lưu Đồn ở Thái Bình hay các làn điệu độc đáo như Đò đưa, Đường trường thu không, Đường trường tải lương, Tình thư hạ vị...

Ngày xuân ta lần theo những làn điệu chèo để trở về với làng quê, nơi ta sinh ra, lớn lên rồi đi xa và suốt đời thương nhớ khôn nguôi về gốc rễ, cội nguồn. Ở đó có mẹ ta, bà ta, những cô đào, anh kép làng ta, những người đàn ông, đàn bà làng ta đã sinh ra những làn điệu chèo, hay những làn điệu chèo đã sinh ra họ. Họ đã mang những làn điệu chèo đi quai đê lấn biển, đẻ xóm sinh làng.

Những làn điệu chèo ngân lên và vang xa thì đất đai được mở ra mênh mang, bát ngát. Những làn điệu chèo như hạt thóc gieo xuống mọc thành cây mạ, cây mạ bén rễ, trổ đòng thành cây lúa trổ bông, sây hạt làm nên những vụ chiêm, vụ mùa nối nhau bất tận. Cho dù nắng cháy, cho dù mưa sa thì ta làm cho mưa thuận, gió hòa để câu chèo như hạt giống quý đựng trong quả bầu khô để trên gác bếp được truyền từ đời nay sang đời khác qua bao nhiêu thế hệ.

các ngh%3f si chèo nam ð%3fnh bi%3fu di%3fn trên chi%3fu chèo ngày xuân.jpg -0
Các nghệ sĩ chèo Nam Định biễu diễn trên chiếu chèo ngày xuân.

Đây rồi, ta bắt gặp cô gái trong bài thơ “Mưa xuân” của thi sĩ Nguyễn Bính. Một cô thôn nữ dệt lụa bên khung cửi quanh năm với mẹ già dưới mái tranh ở một làng quê Bắc bộ bình yên bao đời. Và bừng giữa màu trắng của cây lụa mới dệt xong, màu tím của hoa xoan trong mưa xuân, màu đỏ của đôi má thiếu nữ biết thầm thương, trộm nhớ một người con trai nho nhã, thư sinh là màu xanh của những làn điệu chèo trong canh hát hội làng thâu đêm, suốt sáng. Mỗi canh hát, mỗi tích trò không tính bằng thời gian trên đồng hồ, vì hồi đó đồng hồ chỉ có ở những nhà quyền quý, giàu có. Thời gian được tính bằng nén hương, tiếng gà. Hương tàn hết tích, gà gáy chuyển trò. Người xưa dạy rằng “có tích mới dịch nên trò”. Sau đọc chệch trò thành chèo là vậy. Người xem, người diễn tung hứng trong cơn ăn no bụng trống, uống say giọng chèo mà quên mất không gian và thời gian. Không gian ước lệ. Thời gian ngưng đọng. Chỉ còn nhân vật trên chiếu chèo. Nhân vật cách điệu. Chiếu chèo cuộc đời. Thành ra hương tắt cuốn tàn, gà gáy sang canh rồi trò diễn chưa hết nên chẳng ai muốn về.

Người ta có cảm tưởng những làn điệu chèo xanh như dải thắt lưng của cô đào chín bay lên phấp phới trong ngọn đông phong, xanh như đồng lúa đang thì con gái giữa tiếng cuốc kêu khắc khoải tháng ba. Màu xanh là màu của mùa xuân, của giêng hai, của tuổi trẻ, của tình yêu trai gái.

Và ở nơi “mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên, những hội hè đình đám” ấy thì hội làng không chỉ mở giữa mùa xuân với hoa xoan, mưa xuân, khung cửi mà còn mở giữa mùa thu với trời cao, gió cả, trăng như ban ngày. Và dù ở mùa nào, không gian nào thì những làn điệu chèo trong đêm hội làng vẫn là nét chấm phá đặc sắc, độc đáo trên bức tranh làng quê rộn rã âm thanh và rực rỡ sắc màu.

Âm thanh của chiếng chèo Nam có bộ dây là đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu, có bộ hơi là sáo, tiêu, có bộ gõ là trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ. Trong các bộ dây, hơi, gõ thì các nhạc cụ thuộc bộ gõ đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Các cụ có câu “Phi trống bất chèo” cho thấy vai trò của tiếng trống nói riêng trong chèo. Vở chèo thường mở đầu bằng điệu hát “Vỡ nước” với phụ họa của hồi trống rung, buổi diễn kết thúc có hát “Vãn trò” với trống giã đám. Rù trống là vê dùi trên mặt trống minh họa cho diễn viên chuyển động. Rụp trống là minh họa diễn viên dừng lại. Cắc trống lúc khoan lúc nhặt minh họa diễn viên suy nghĩ, tính toán chuẩn bị hành động.

Ngoài ra, sân khấu chèo trước đây còn sử dụng trống chầu để “cầm trịch” buổi diễn tỏ ý là khen - chê, do một người có vai vế, uy tín như già làng hoặc am hiểu sâu về nghệ thuật chèo như trùm chèo điều khiển. Nghe tiếng trống của người điều khiển mà quan viên có thể rút thẻ tre để thưởng cho người diễn. Bao nhiêu thẻ là bấy nhiêu đồng chinh cắc bạc, không nhiều đâu nhưng đấy là cái tình của người nghe, cứ thế mà quy đổi sau đêm diễn. Tuy nhiên, để khắc họa được diễn biến tâm lý nhân vật thì các nhạc cụ bộ dây, bộ hơi mới thể hiện được rõ nét nhất “phần hồn” để cho khán giả có thể cảm nhận được.

Tiếng đàn nhị - líu - hồ khắc khoải, luyến láy, khơi gợi những mạch nguồn sâu thẳm của tâm can. Tiếng sáo - tiêu vừa trong sáng, bay bổng, vừa mơ hồ, mênh mang, đưa nhân vật trở về miền xa xôi trong ký ức. Tiếng đàn bầu - đàn tranh lúc da diết, buồn bã, khi ngân nga, vang vọng, gửi gắm bao suy tư thầm kín, muôn trắc ẩn sầu bi. Bằng cách kết hợp điêu luyện, nhuần nhuyễn các nhạc cụ, các nhạc công đã tạo nên một dàn nhạc sân khấu chèo hài hòa giữa cái hài, cái hùng và cái bi, chứ không quá bi hùng như sân khấu tuồng hay bi luỵ như sân khấu cải lương.

Màu sắc của chiếng chèo Nam với bốn gam chủ đạo là màu nâu sồng của đồ mặc như các loại áo, quần, váy, xiêm, màu đen của đồ đội như mũ, khăn, ô, màu trắng của đồ cầm như nón, quạt và màu xanh hoa lý của cái thắt lưng, cái thắt lưng mà thi sĩ Nguyễn Bính đã phải thốt lên trong bài thơ “Mùa xuân xanh” bởi sự đẹp đẽ của mùa xuân rằng “Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy/ Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”. Đó cũng là màu sắc trang phục đời thường của người nông dân ở trấn Sơn Nam Hạ. Những người nghệ sĩ - nông dân đã đưa hơi thở của đời sống nông thôn - đồng bằng lên chiếu chèo - sân khấu để người xem thấy gần gũi vì đã gặp đâu đó trong cuộc đời này những nhân vật để mà căm ghét, để mà xót thương, để rồi vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi cái thiện sẽ thắng cái ác, điều nhân nghĩa sẽ thắng bạo tàn như mong ước bao đời.

Chiếng chèo Nam có nhiều làng chèo nổi tiếng như làng Nhân Nhuế, Hoành Nhị, Điền Xá, Giao Thanh. Làng chèo Giao Thanh cũng chính là nơi sinh ra, lớn lên của nghệ sĩ nhân dân Bùi Trọng Đang - người thầy đáng kính của sân khấu chèo. Hạt gạo, củ khoai làng Giao Thanh đã nuôi dưỡng chèo sống mãi với nhân gian. Ơi dòng sông Đào, sông Ninh, sông Sò, sông Đáy như những dải bao xanh thắt ngang lưng các làng chèo như các cô đào chín, đào pha, đào lệch. Phù sa sông mẹ đã bồi đắp bến bờ tâm hồn những người con thêm nhân hậu, vị tha.

Gánh chèo Đặng Xá là nức danh hơn cả. Làng Đặng Xá lúc bấy giờ có mười thôn thì người dân đều mang họ Đặng, chính vì vậy mà làng có tên là làng Đặng. Làng Đặng càng nổi tiếng hơn khi cô gái đang dệt lụa bên khung cửi trong bài thơ “Mưa xuân” nhìn thấy “Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ” trong nỗi niềm khắc khoải năm canh, vô vọng bốn mùa.

Hỡi cô thôn nữ thắt dải lưng xanh hãy bước ra từ trong ca dao, để mùa xuân này theo tôi về với Nam Định, về với chiếng chèo Nam nức danh thiên hạ. Ta lại cùng nhau nghe một làn điệu chèo, xem một vở chèo để cầu mong nghệ thuật chèo được lan tỏa sâu rộng trong đời sống hiện đại như thứ mùi hương thanh khiết của hoa xoan đang lách tách nở ra trong mưa xuân giăng mùng. Bởi vì bản sắc văn hóa dân tộc ở đó, trong những vở chèo mẫu mực, kinh điển, trong những làn điệu chèo da diết, khắc khoải mà cha ông để lại, phải không cô thôn nữ ơi…

Hoàng Anh Tuấn
.
.