Chiến thắng chính mình...
Thành công vang dội của bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” (biên kịch và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) đã nói lên điểm gặp gỡ hiếm hoi giữa giới phê bình và khán giả của điện ảnh Việt. Bởi, lâu nay nhiều bộ phim được đánh giá cao về mặt học thuật lại thưa vắng khán giả và ngược lại. Hay, nói cách khác, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã đạt điều mà như NSND Đặng Nhật Minh từng nói: "Một bộ phim hay phải là phim làm cho tôi xúc động".
Từ góc nhìn của giới trẻ, bạn Phan Ngọc Linh (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi mong từ thành công của phim, sẽ có nhiều hơn những bộ phim về đề tài lịch sử, chiến tranh, cách mạng được làm gần gũi, chân thật và “chạm” tới khán giả trẻ như vậy. Xem phim xong, tôi và các bạn nói với nhau: Xem phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” để yêu nước nhiều hơn" (theo: Báo Nhân dân). Quan điểm của bạn Linh đã góp phần lí giải cho nguyên nhân vì sao bộ phim này đã vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng sau chưa đầy 10 ngày được khởi chiếu (tính đến 11/4/2025).

Nhưng, nói về “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” như thế liệu đã đủ chưa? Người viết cho rằng, còn có một sự chiến thắng nữa: Chúng ta làm phim lịch sử, nhìn nhận lại lịch sử để thấu cảm, tri ân các anh hùng, liệt sĩ và chiến thắng sự tàn nhẫn của thời gian. Bởi, năm tháng qua đi đã tạo ra khoảng cách của các thế hệ, "vực thẳm" lãng quên. Với một dân tộc yêu hòa bình, dù trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt nhất vẫn biết cách tìm ra con đường bảo vệ giống nòi, trường tồn, bất khuất, gìn giữ non sông ông cha đã truyền lại từ ngàn đời. Đó là sức mạnh nhưng còn là văn hóa, sức mạnh của văn hóa dân tộc như một đạo quân hùng mạnh trong tâm hồn chúng ta.
Có một người phụ nữ đứng tuổi đã nói với tôi rằng: "Dạo này những thứ tụi trẻ thích là ổn đấy!". Tôi cười, hỏi lại cô: "Vậy theo cô ổn là thế nào?". Nhà giáo dành cả cuộc đời dạy học cho tụi trẻ con đã từ tốn giải thích: "Ổn là mình theo dõi chương trình tụi trẻ thích thấy hay, không lố lăng hú hét, dị mọ. Thế rồi, những gì lứa tuổi tôi trân trọng thì tụi trẻ cũng yêu quý. Thế là ổn rồi...".
Tôi nghe đến đây thì hiểu ra, chắc cô muốn nhắc đến những cơn sốt của: "Bắc Bling", “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”; hay như việc nhiều người vốn dĩ là fan của những Kpop, Jbiz, Cbiz, US-Uk... giờ đây đã quay lại với giải trí Việt. Khi niềm tin có cơ sở vững chắc, niềm tự hào được đặt đúng chỗ, chúng ta sẽ tìm thấy niềm hạnh phúc vì được sống giữa nền văn hóa của mình, trên mảnh đất quê hương mình.
Sau niềm phấn khích ấy, khi rời mắt khỏi màn hình thiết bị hay bước ra khỏi rạp chiếu phim, chúng ta trở lại với đời sống với sự bùng nổ của công nghệ đầy bất ngờ và tính cạnh tranh cao. Một câu hỏi mới lại vang lên trong tâm trí người viết: Với sự nhiệt huyết đam mê cùng sự hỗ trợ của công nghệ trong sáng tạo, chúng ta liệu có bước vào ngã rẽ, hướng đi sai lầm không? Hay, nói cách khác, liệu đến lúc nào đó, chúng ta sẽ bão hòa với những điều rất hứng thú hôm nay, chán ghét những điều đang say mê?
Rất may, tôi đã có câu trả lời trong một bài viết của bà Tôn Nữ Thị Ninh cùng những tâm sự với giới trẻ Việt Nam: "Sau tất cả thông tin trong dòng chảy cuộc sống, rồi cũng sẽ có những giá trị đọng lại và người ta sẽ không thể nhầm lẫn được những giá trị của con người tạo ra và những sản phẩm từ AI. Suy cho cùng, tự thân AI làm sao có bộ giá trị, nhân sinh quan, quan điểm nếu không phải do con người "chương trình hóa" nó?" (theo: Báo Dân trí).

Ba thứ "bảo bối" mà người phụ nữ dòng dõi hoàng tộc nhắc đến là "bộ giá trị, nhân sinh quan, quan điểm" đủ để giúp chúng ta vượt qua AI, vượt qua chính những thuật toán mà chúng ta tạo ra. Thiển nghĩ, lịch sử loài người biết đâu sẽ có một chương mới: đó là chiến thắng chính những sáng tạo của mình. Vượt qua chính mưu mẹo, thủ thuật mà mình đã từng tích lũy bấy lâu nay...
Thoạt nghe, chúng ta sẽ thấy khó tin khi nhiều người đang lạc lối trong một thế giới tưởng như đã được Google Maps kiểm soát chặt chẽ. Nhưng, sự lầm đường lạc lối suy nghĩ ở không ít người có tên tuổi, từng nhiều năm sinh sống ở nước ngoài và am hiểu xã hội. Nhiều người nổi tiếng đã trượt ngã bởi vũng bùn của lòng tham, sự gian dối... Rất may, chúng ta vẫn có nhiều tấm gương sáng của cá nhân và cộng đồng.
Chỉ xin nêu những thông số như sau: "Tờ New York Times xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2023. Làng văn hóa, du lịch thôn Nặm Đăm được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng lần thứ 3 (năm 2023). Tháng 9/2023, Hà Giang được nhận giải thưởng "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á". Năm 2024, Hà Giang tiếp tục lọt vào danh sách đề cử ở hạng mục "Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á" (theo: Báo Tuổi trẻ).
Vậy, đâu là bí kíp thành công của mảnh đất địa đầu cực Bắc này? Câu trả lời hóa ra lại rất đơn giản: "Xuân thì rực rỡ với hoa đào Giêng, tháng Ba hoa gạo, hoa lê. Hè về xanh mát với màu xanh của cây cối. Thu qua Hà Giang đẹp với những thửa ruộng bậc thang vàng ươm, trĩu lúa. Còn khi đông đến, du khách như được hòa vào với cái lạnh vùng cao, bên bếp lửa bập bùng, trải nghiệm văn hóa bản địa". (theo: Nguyễn Hiền - Báo Tuổi trẻ).

Nhưng, liệu những "hoa đào", "hoa gạo", "hoa lê", "cây cổ thụ", "ruộng bậc thang", "bếp lửa"... có phải là điều mà chúng ta dễ dàng mà có được? Đương nhiên, Hà Giang đã nghĩ rất kĩ, thấm thía những bài học xa - gần và kiên định với cách tạo ra sản phẩm văn hóa, biến điều đó thành nội lực của du lịch. Hay, nói cách khác, họ đã lựa chọn con đường làm bạn với khách hàng thay vì chỉ lợi dụng họ như con mồi trong kinh doanh. Du khách đã được đến, được so sánh và cảm thấy tin tưởng, du lịch Hà Giang đã chiến thắng trước những lợi ích thiển cận. Hà Giang đã vượt qua chính mình bằng sự chất phác và giản dị.
Còn nhớ, Ray A. Kroc (1902-1984) từng nói: "Nghịch cảnh có thể mài sắc bạn nếu bạn có đủ ý chí để vượt qua nó". Câu nói ấy khiến người viết nhớ đến chị Nguyễn Thị Thu Hiền (44 tuổi, quê Thanh Hóa), người phụ nữ chỉ cao 88 cm, Chủ nhiệm câu lạc bộ Thanh niên-Sinh viên khuyết tật Thanh Hóa đã vinh dự nhận Giải thưởng Kova trong hạng mục: "Sống đẹp".
Chị Hiền từng chia sẻ rất xúc động: "Nhiều người khuyết tật đang còn mặc cảm và ngại tiếp xúc với người xung quanh. Trong câu lạc bộ của chúng tôi, luôn có những người như thế. Có người chưa dám bước chân ra khỏi cửa, chưa bao giờ biết đến sinh nhật của mình... Nhưng, sau khi được động viên, chia sẻ, họ đã mạnh dạn tham gia câu lạc bộ và đã tự tin hơn. Có người giờ đi gom quần áo cũ về giặt là cẩn thận rồi đóng gói để đi làm từ thiện... Chúng tôi về với nhau để hòa nhập và để nhân lên việc tốt..." (theo: Cao Tiến, Báo Lao động Thủ đô).
Cũng như bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã thắng trên một thị trường đầy ắp phim bom tấn, "Bắc Bling" trên nền tảng mạng xã hội và Hà Giang đã vượt qua chính mình trên lĩnh vực du lịch và 4 chữ "nhân lên việc tốt" mà chị Nguyễn Thị Thu Hiền đã làm cho cộng đồng... Có rất nhiều cách để chiến thắng nhưng vượt lên những lợi ích thông thường, khó khăn kìm hãm đạt tới giá trị cao hơn là điều hạnh phúc với cộng đồng và từng cá nhân như một giá trị sống.