Chất liệu âm nhạc truyền thống trong xã hội đương đại

Thứ Sáu, 25/04/2025, 07:10

Những năm gần đây được đánh dấu là năm sôi động của nhạc Việt góp phần tạo nên bức tranh Vpop khá ấn tượng. Trong đó, chất liệu âm nhạc truyền thống được dùng như điểm tựa để âm nhạc trẻ cất cánh. Như vậy để thấy chất liệu âm nhạc truyền thống hay âm nhạc truyền thống có giá trị riêng không dòng nhạc nào có thể thay thế.

Âm nhạc là món ăn tinh thần không của riêng ai, không có biên giới, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc bởi tự nó có một thứ ngôn ngữ chung nên chiếm vị trí quan trọng trong đời sống con người. Ở từng thời kỳ lịch sử, mỗi loại hình âm nhạc mang trong mình giá trị nhất định và được đón nhận khác nhau tùy theo lứa tuổi.

Chất liệu âm nhạc truyền thống trong xã hội đương đại -0
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang - Trung Bảo và nhóm nhạc Thiên Thanh đưa người nghe về miền ký ức đậm chất văn hóa Việt nhưng vẫn mang hơi thở văn hóa đương đại.

Những năm gần đây được đánh dấu là năm sôi động của nhạc Việt góp phần tạo nên bức tranh Vpop khá ấn tượng. Trong đó, chất liệu âm nhạc truyền thống được dùng như điểm tựa để âm nhạc trẻ cất cánh. Như vậy để thấy chất liệu âm nhạc truyền thống hay âm nhạc truyền thống có giá trị riêng không dòng nhạc nào có thể thay thế.

Kho tàng di sản âm nhạc - nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận

Tại buổi tọa đàm “Phát triển ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam trong khuôn khổ định hướng phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030” ngày 14/12/2024, khi nói về vai trò của âm nhạc trong việc giữ bản sắc văn hóa dân tộc, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Việt Nam có 54 dân tộc anh em, sở hữu một kho tàng di sản âm nhạc phong phú. Đây là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác hiện đại và sáng tạo. Nó có tầm quan trọng cho giới trẻ tiếp cận để phát triển âm nhạc dân tộc, biến nó thành nguồn sức mạnh kết nối cộng đồng”.

NSND Trần Ly Ly, nguyên Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội đồng Học viện Múa Việt Nam từng chia sẻ: “Gần đây, các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống cũng được nâng cao một bước. Đặc biệt sự đan xen kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại trong các chương trình biểu diễn ngày càng được phát triển mạnh mẽ. Nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên múa... đã mạnh dạn phá cách đem rất nhiều nét độc đáo mới lạ, vừa giữ được hồn cốt dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa nghệ thuật biểu diễn của quốc tế”.

Khác với các trào lưu âm nhạc hiện đại, âm nhạc truyền thống của Việt Nam thường “kén” cho mình một lượng khán, thính giả nhất định. Ấy vậy nên một số gameshow truyền hình ngay từ khi phát sóng đã nhận được sự quan tâm đáng kể từ phía khán giả. Ví như các chương trình The Voice (Giọng hát Việt), Vietnam Idol (Thần tượng âm nhạc), The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí)… Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nghệ thuật âm nhạc truyền thống đang đứng trước những thử thách lớn và bị âm nhạc ngoại lai “tranh chỗ”, hoặc nói giới trẻ hiện nay ít quan tâm đến nghệ thuật âm nhạc cổ truyền. Do đó, những thể loại âm nhạc cổ truyền của dân tộc trở nên xa lạ đối với nhiều bạn trẻ là chưa chính xác.

Âm nhạc truyền thống luôn là “món ăn” ngon và không dễ từ bỏ trong thực đơn “bồi dưỡng” tinh thần của người Việt. Bởi, hiện có nhiều bạn trẻ yêu thích các loại hình nghệ thuật truyền thống. Thậm chí nó còn là “món ngon” đối với người nước ngoài khi đến Việt Nam. Trường hợp cô gái Eleanor Clapham người Úc, khi 26 tuổi cô là người nước ngoài yêu thích và quyết tâm đến với nghệ thuật tuồng, chèo truyền thống của Việt Nam, thật đáng trân trọng!

Trong xu thế nhiều bạn trẻ tìm đến với loại hình âm nhạc mới như Rap, Hip-hop thì cô cảm mến sân khấu - âm nhạc truyền thống Việt mãnh liệt. Chẳng thế mà cuối năm 2006, cô tự tin trình diễn liveshow đầu tiên của mình về nghệ thuật Chèo, Tuồng tại Hà Nội. Cô thể hiện thành thục những trích đoạn kinh điển của nghệ thuật tuồng, chèo Việt Nam như “Xúy Vân giả dại”, “Hồ Nguyệt cô hóa cáo”. Qua đó chứng tỏ, không phải âm nhạc truyền thống thiếu sức hấp dẫn mà cần có phương pháp thích hợp trong tuyên truyền định hướng nhận thức của giới trẻ để họ được tiếp cận cũng như cảm thụ rồi thực hành.

Cần phương pháp cho giới trẻ tiếp cận với nghệ thuật truyền thống

Thực tế, nhiều bạn trẻ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống, có điều cần phải làm sao để họ có cơ hội tiếp cận. Ta thấy nhiều sự kiện âm nhạc, chương trình truyền hình các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống luôn thu hút đông khán giả, như: Chương trình “Gương mặt thân quen”, “Gương mặt thân quen nhí” với các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống ấn tượng. Hoài Lâm trong “Gương mặt thân quen” 2014 chinh phục khán giả khi trình diễn qua việc hóa thân thành nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu đã gây ấn tượng tốt cho khán giả. Chương trình “Vietnam's Got Talent 2016” bé Đỗ Ngọc Hà 6 tuổi, Hồ Quốc Việt 14 tuổi khá thành công với phần biểu diễn Hát văn.

Riêng năm 2024, 2025 những chất liệu văn hóa truyền thống Việt Nam được kết hợp với âm nhạc đại chúng tại chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai mang đến sự thích thú, hấp dẫn khán giả trẻ. Trước đó, nhiều sản phẩm âm nhạc pop kết hợp yếu tố âm nhạc truyền thống, dân gian cũng mang đến những sáng tạo độc đáo, hợp thời khiến giới trẻ yêu thích.

Chất liệu âm nhạc truyền thống trong xã hội đương đại -1
MV “Để Mị nói cho mà nghe” của Hoàng Thùy Linh có tiết tấu sôi động pha với chất nhạc dân gian ngũ cung.

Riêng Anh trai vượt ngàn chông gai lần đầu tiên thu hút hàng chục nghìn khán giả ở những buổi biểu diễn trực tiếp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nó hấp dẫn không chỉ ở sự hoành tráng của sân khấu, sự đầu tư công phu về ánh sáng mà yếu tố quan trọng hơn cả là nội dung chương trình. Nhà sản xuất âm nhạc biết kết hợp và khai thác chất liệu dân gian với hơi thở thời đại làm nên một giá trị mới hấp dẫn. Sự kết hợp đầy sáng tạo giữa bản sắc dân tộc với cách phối khí, hòa âm và dàn dựng mới của ekip tạo nên những ca khúc với giai điệu vừa hiện đại, vừa thấm đẫm chất dân tộc.

Màn trình diễn "Trống cơm" kết hợp giữa giai điệu dân gian, Rap và hơi hướng R&B của NSND Tự Long, Soobin Hoàng Sơn, Cường Seven, "Dạ cổ hoài lang" của Bằng Kiều, "Đào Liễu" của rapper Binz biến tấu từ chất liệu chèo cổ… chương trình tạo nên sức lan tỏa lớn trong xã hội, thậm chí giúp chương trình này trở thành một sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm 2024. Bằng cách ấy, chất liệu văn hóa dân gian ít nhiều dần ngấm vào khán giả trẻ một cách tự nhiên và đầy thuyết phục.

Qua đó để thấy âm nhạc truyền thống nói riêng, giá trị văn hóa nói chung sẽ đỡ mai một hơn nếu mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng biết giữ gìn và trân trọng nó. Nếu chỉ biết vươn đến những cái hiện đại mà lãng quên những nét đẹp truyền thống sẽ chẳng khác nào đánh mất cội rễ của mình, sự phát triển sẽ không bền vững. Nhưng hiện nay, rõ ràng giới trẻ biết nhiều hơn, năng động hơn trước nên họ cũng làm được nhiều điều, góp phần vào sự phát triển chung của nền âm nhạc nước nhà.

Thời gian gần đây việc khai thác chất liệu dân gian, truyền thống đang là xu hướng trong sáng tác ca khúc phục vụ giới trẻ. Thậm chí từ những giá trị di sản văn hóa đến những nhân vật trong tác phẩm văn học hoặc câu nói bình thường của đồng bào dân tộc thiểu số được người sáng tác khéo léo lồng ghép để cho ra giai điệu trẻ trung tạo nên một sản phẩm hấp dẫn mọi đối tượng khán giả. Điều này là một minh chứng cho việc khai thác “chất” dân gian trở thành nguồn cảm hứng sáng tác.

Phương diện vĩ mô, vấn đề giáo dục thẩm mỹ về nghệ thuật âm nhạc truyền thống cho tầng lớp thanh niên, nhất là tuổi trẻ học đường là một việc làm mang tính chiến lược tạo điều kiện hình thành khán giả thực sự yêu thích và thấu hiểu những thông điệp của từng loại hình âm nhạc. Ngành văn hóa và giáo dục cần phối hợp chặt chẽ để đưa các bộ môn âm nhạc truyền thống vào trường học, trở thành môn học chính thức. Theo đó, môn học này sẽ có giáo án giảng dạy cụ thể về các làn điệu, vũ đạo, nghệ thuật biểu diễn…

Như vậy, các em sẽ được học có hệ thống, và đó là yếu tố giúp các em lấy lại “cân bằng” sau mỗi giờ học căng thẳng. Các em được hòa mình vào những làn điệu dân ca quen thuộc phù hợp với lứa tuổi, khi đó lớp học sẽ trở thành một không gian nghệ thuật. Làm được như vậy góp phần tạo thêm động lực để các em học tập tốt hơn.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá và tăng thời lượng phát sóng trên sóng phát thanh, truyền hình góp phần nâng cao trình độ thưởng thức của khán giả trẻ. Trước cơn lốc của cuộc sống hiện đại, các loại hình nghệ thuật truyền thống sẽ luôn là “món” khó bỏ trong thực đơn thưởng thức âm nhạc của mỗi cá nhân trong xã hội.

Dẫu còn nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa truyền thống, nhưng ta hoàn toàn tin rằng âm nhạc, sân khấu truyền thống sẽ không thể thiếu trong đời sống văn hóa của giới trẻ mặc dù các loại hình âm nhạc hiện đại vẫn được đón nhận. Bởi các loại hình âm nhạc, sân khấu truyền thống, chất liệu văn hóa dân gian vốn có trong máu thịt của người Việt như một dòng chảy, nếu được tiếp sức sẽ phát triển không ngừng.

Nguyễn Tiến Lộc
.
.