Chấn hưng văn hoá bắt đầu từ đâu?

Thứ Sáu, 27/10/2023, 15:09

Trong thời gian gần đây, hai từ “chấn hưng” văn hóa đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các văn bản, hội thảo. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch còn đề xuất chi 350 ngàn tỷ đồng để chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.

Ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, mới đây, trong Hội nghị “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay, góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước”, các nhà văn, nhà nghiên cứu cũng đưa ra những câu hỏi rốt ráo về thực trạng của nền văn nghệ nước nhà, làm thế nào để có tác phẩm hay và chấn hưng bắt đầu từ đâu?

Văn nghệ sĩ phải bắt kịp với trí tuệ và mong mỏi của người dân

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khi đặt ra “chấn hưng” văn hóa, văn nghệ là “đang có vấn đề về sa sút và sự xuống cấp”, tại sao phải “chấn hưng” vì so với sự phát triển thì có sự xuống cấp ở mặt này mặt khác. Chấn hưng là tiếp tục đổi mới, vậy đổi mới cái gì?

nhà thơ hữu thỉnh cho rằng phải chấn hưng văn hóa vì đang có sự sa sút, xuống cấp.jpg -1
Hội thảo khoa học bàn về chấn hưng văn hóa.

Ông chia sẻ thực trạng nền văn học nghệ thuật sau 30 năm Đổi mới, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã biểu dương những thành tựu đổi mới nhưng bên cạnh đó cũng đánh giá, chúng ta còn thiếu tác phẩm tầm cỡ, phản ảnh sinh động công cuộc đổi mới của đất nước. Ông khẳng định: “Sau 9 năm của cuộc kháng chiến chống Pháp, Việt Nam có một mùa gặt của văn học những năm 60 của thế kỷ trước. Sau chiến tranh chống Mỹ, chúng ta tiếp tục có một mùa gặt khác. Trong hoàn cảnh đất nước khó khăn vẫn xuất hiện nhiều tiểu thuyết, nhiều trường ca, có nghĩa là văn học nghệ thuật cũng liên quan đến kinh tế nhưng không phụ thuộc kinh tế. Sau 30 năm Đổi mới, kinh tế đã khởi sắc hơn nhưng chúng ta phải chấn hưng văn học nghệ thuật, có nghĩa là văn học nghệ thuật phát triển không đồng thuận với kinh tế, không phải kinh tế khởi sắc mới phát triển văn học nghệ thuật”.

Theo ông, vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta vội vã tinh giảm biên chế, gán ghép các bộ môn nghệ thuật vào nhau nên không có cái gì chuyên sâu cả. Việc sáp nhập đã làm nghiệp dư hóa các đoàn nghệ thuật. Vậy làm sao có tác phẩm hay được. Chúng ta cần xem lại, suy nghĩ về hậu quả của việc sát nhập một cách vội vã, cơ học giữa các trung tâm, thể loại với nhau có phải phương án tối ưu không. Như thế, các loại hình nghệ thuật đều bị tê liệt mà sân khấu đang trong tình trạng báo động.

Một lý do mà nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà phê bình Hoài Nam đưa ra là chúng ta vẫn có những tác phẩm về đề tài lịch sử hay như bộ “Tám triều vua Lý” của nhà văn Hoàng Quốc Hải, bộ “Công chúa Đồng Xuân” của nhà văn Trần Thùy Mai, nhưng “chúng ta giờ ít đọc của nhau, chưa nói đến bạn đọc, gần như không đọc”.

Đồng quan điểm về vấn đề này, nhà thơ Vũ Quần Phương cũng cho rằng, nền văn học nghệ thuật của ta không phải không có những tác phẩm hay nhưng "dường như giờ đây, chúng ta thiếu sự bình tĩnh để đọc, để nghe, để xem". Đó là lý do vì sao đánh giá tình hình văn học nghệ thuật hiện nay vẫn chưa có một sự thống nhất. "Văn nghệ sĩ chỉ trở thành văn nghệ sĩ khi có công chúng. Văn nghệ sĩ phải nâng cao thẩm mỹ như thế nào để bắt kịp với trí tuệ, với sự mong mỏi của nhân dân", nhà thơ Vũ Quần Phương đặt vấn đề.

Khuyến khích tài năng và tự do sáng tạo

Nhà thơ Hữu Thỉnh đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng của các tác phẩm văn học nghệ thuật trong thời gian tới. Theo ông: “Chúng ta nên quy hoạch lại lực lượng, phải giao nhiệm vụ cho thế hệ đổi mới đang dồi dào, sung sức để có những tác phẩm để đời. Nếu chúng ta chỉ nói mà không có giải pháp thì rất khó khăn”. Ông cũng cho rằng, những chuyến đi thực tế ngắn ngày hiệu quả không cao. Phải tạo điều kiện cho nhà văn, nghệ sĩ sống lâu dài, gắn bó với đời sống, tích lũy đời sống, nếu không có đời sống chúng ta không thể có tác phẩm hay. Nên thống nhất với nhà xuất bản và Cục Xuất bản để với những tác phẩm gọi là có “vấn đề” cần sự trao đổi, bàn luận để cho ra đời, chứ không nên cấm. Đó là tự do sáng tác, khuyến khích sự sáng tạo và dấn thân của người nghệ sĩ.

Bà Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian cho rằng, để có tác phẩm hay cần tài năng và tự do sáng tác. Thế nào là tự do còn nhiều bàn cãi, nhưng theo bà, “tự do là sự thôi thúc từ cá nhân họ, dù gặp bất cứ khó khăn gì thì sự thôi thúc bên trong đó vẫn cho ra đời các tác phẩm hay. Ngoài ra, người nghệ sĩ cần trải nghiệm và vốn sống, vốn văn hóa”. Một vấn đề bà Lý đặt ra là lĩnh vực phê bình lý luận: “Ở nước ta hiện nay, phê bình lý luận đang thiếu người tài, thiếu sự dấn thân và lắng nghe nhau. Các nhà phê bình không được nhìn nhận đúng vai trò. Một nền văn nghệ muốn phát triển rất cần người giỏi và những tiếng nói phản biện, đa chiều”.

cần sư đầu tư có chiều sâu cho văn hóa nghệ thuật.jpg -0
Cần sự đầu tư có chiều sâu cho văn hóa nghệ thuật.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh vai trò của văn hóa nghệ thuật là nâng cao tầm nhận thức và soi sáng cuộc sống. “Người nghệ sĩ cần phải mở rộng tầm hiểu biết, hội nhập với xu thế phát triển của khu vực và thế giới, đừng tự giam mình trong ao làng”.

Để có những tác phẩm hay, PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng cần phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện tốt nhất cho tài năng phát triển. Đồng thời, mạnh dạn thảo luận, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để kiện toàn tổ chức, đáp ứng những đòi hỏi cao về phẩm chất và năng lực chuyên môn... trong vấn đề quản lý văn học nghệ thuật.

NSND Trần Quốc Chiêm góp ý xây dựng hệ thống đánh giá khoa học về chất lượng tác phẩm văn hóa và có cơ chế khích lệ, động viên kịp thời những tác phẩm xuất sắc. Ông cho rằng, nhà quản lý cũng cần thấu hiểu vai trò và giá trị của văn học nghệ thuật, để có những cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích tài năng và sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Đặc biệt là chính sách đãi ngộ tài năng của nhà nước đối với những người trẻ.

Trong bài tham luận của mình, NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, đề cập đến vấn đề đổi mới đầu tư cho sáng tạo văn hóa nghệ thuật, đổi mới tư duy công bố tác phẩm. Một vấn đề tồn tại lâu nay trong cơ chế của nhà nước là đầu tư cho văn học nghệ thuật vẫn nặng về xin - cho, chưa thành một cơ chế, chính sách ổn định mang tính chiến lược. Vì thế, nhiều tác phẩm được nhà nước tài trợ chất lượng không cao, nằm trong tình trạng “cất kho”, gây ra sự lãng phí rất lớn về nguồn lực.

Trong lĩnh vực sân khấu, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, việc chấn hưng sân khấu là việc cần làm và cấp bách, cốt lõi của nó là đi tìm khán giả đã mất, nhất là khán giả trẻ.

“Hơn lúc nào hết, sân khấu Việt phải đứng vững trên một cơ sở văn hóa Việt Nam, giữ cho bằng được tính văn hóa căn cơ của sự chuyên nghiệp trong việc phát triển sân khấu, nhất là trong thời kỳ hậu COVID-19 này, cũng là thời kỳ đang và khủng hoảng về văn hóa ứng xử của người Việt... Cách tốt nhất là giữ vững tính chuyên nghiệp của người làm sân khấu, của nghề sân khấu trong tinh thần đối thoại thế sự - nghệ thuật với người xem, mà chỉ có nghệ thuật sân khấu mới có được trong tính đặc thù của mình”.

Sự sống còn và phát triển của sân khấu nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung phản ảnh bộ mặt, văn hóa của một đất nước. Đã đến lúc chúng ta “chấn hưng” văn hóa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và có chiều sâu chứ không chỉ là câu chuyện của phong trào.

Việt Hà
.
.