Cánh võng ru vỗ những giấc mơ

Thứ Sáu, 19/11/2021, 10:12

Rất nhiều đứa trẻ từ khi sinh ra đến lúc biết đi đã được nằm nôi, thế nên tự nhiên cái nôi trở thành biểu tượng nguồn cội, truyền thống. Ví như nói "Biển là cái nôi của sự sống"; "Việt Nam là cái nôi của nền văn minh lúa nước; "Việt Bắc là cái nôi của cách mạng"...

 Rất đơn sơ, giản dị, cái nôi là đồ dùng cho trẻ nhỏ nằm, thường được đan bằng mây, có khi làm bằng tre, gỗ, treo lên là có thể đung đưa để ru trẻ ngủ: "Yêu em từ thuở trong nôi/ Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru"!

Tuổi "thôi nôi" tức không nằm nôi nữa, thường 12 tháng. Ngày nay "phú quý sinh lễ nghĩa", các bậc cha mẹ thường làm lễ mời họ hàng anh em thân quen đến chia vui để mừng cho cháu "bước vào tuổi mới". Cũng là một dịp kỷ niệm đánh dấu giai đoạn đầu đời của mỗi người. Ca dao xưa đã gắn nối hai đầu thời gian, đầu này là "bây giờ" của thực tại, đầu kia là "lúc nằm nôi" thời quá khứ: "Thương em từ lúc nằm nôi/ Em nằm em khóc anh chia đôi cục đường/ Bây giờ em có người thương/ Em đem trả lại cục đường cho anh". Có gì đấy một chút hờn dỗi, trách móc, giận hờn...

Bản thân sự vật đã giàu có hàm lượng trữ tình nên tất yếu phải là đối tượng của thơ khám phá, gửi gắm, ký thác, bày tỏ... Nhiều tác gia hiện đại làm thơ về cái nôi nhưng có lẽ Xuân Tùng nói cụ thể mà ấn tượng hơn cả về những hình ảnh gần gũi trên cơ sở liên tưởng ấn tượng tuổi thơ sinh động: "Ngôi nhà xưa đã dựng lại mấy lần/ Nơi tuổi thơ chập chững đôi chân/ Nơi buộc tao nôi, nằm nghe mẹ hát/ Trong lời mẹ có cánh cò cánh vạc/ Có dòng sông, cánh bướm dập dờn/ Cả một thời xuân sắc cho con" (Xuân Tùng - "Vườn cổ tích").

Cánh võng ru vỗ những giấc mơ -0
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ...!!!

Nếu nôi dành cho trẻ con thì võng dành cho mọi người, cả trẻ con, người lớn. Hình như thế mà hình tượng cái võng phổ biến hơn, đến mức nhiều vùng quê gọi luôn cái nôi là cái võng bé/con. Thực tế thì võng là đồ dùng được đan bằng sợi đay hoặc may bằng vải dày, ngày nay thường đan bằng nhiều sợi dây dù (võng dù). Ngày trước thường đan võng bằng sợi tre vót mịn nằm rất mát: "Anh về chẻ nứa đan sàng/ Chẻ tre đan võng cho nàng ru con". Võng được mắc hai đầu lên cao, giữa chùng (võng) xuống. Ngày trước còn nhiều cây cối, trưa hè người lớn, trẻ con hay mang võng ra mắc vào các thân cây để nằm nghỉ. Dưới bóng cây râm mát, gió nam nhè nhẹ, cánh võng như cánh diều chao nhẹ rất dễ đưa người ta vào những khát khao cổ tích. Một giấc ngủ ngon hơn vạn lần nằm trong phòng điều hòa...

Trở về trước nữa thì cái võng là biểu trưng cho hạnh phúc, tài lộc, ai ai cũng mơ ước hình ảnh, nhất là các cô gái mong lấy được chồng đỗ đạt làm quan để "kiệu anh đi trước võng nàng theo sau"... Muốn được vậy phải học, nên các nàng nhà ta "Chẳng tham ruộng cả ao liền/ Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ". Nhưng học trò trong quan niệm dân gian lại gần với cái sự lười biếng, thế nên lại có ca dao chế giễu: "Ai ơi chớ lấy học trò/ Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm". Các cậu học trò chẳng vừa bèn có ca dao đối lại: "Hay nằm thời có võng đào/ Dài lưng thời có áo trào nhà vua/ Hay ăn thời có gạo kho/ Việc gì mà chẳng ăn no lại nằm".

Sống ở xứ sở nhiệt đới nóng bức nên người Việt gắn liền với cái võng, ngày xưa nhà nào hầu như cũng có, ai cũng có thể nằm võng nghỉ ngơi. Thành ra nằm võng trở thành biểu tượng chỉ sự hưởng thụ an nhàn: "Ra đồng gió mát thảnh thơi/ Thương người nằm võng nắng nôi ở nhà". Câu ca dao này "mát mẻ" những kẻ ăn không ngồi rồi, chỉ biết hưởng thụ, không biết lo nghĩ làm ăn. Dân gian cũng mượn hình tượng để mỉa mai rỉa rói những kẻ "thích thể hiện": "Ra đường võng áo xênh sang/ Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày?". Nhưng cũng có câu nói về sự chua chát, chán nản: "Có võng mà chẳng có đòn/ Có chồng mà chẳng có con để bồng". Võng còn có chức năng để khiêng nên thường có đòn tre để gần, khi cần thì khiêng, khiêng người, vật...Vợ chồng son, nhà không có trẻ võng thường để không. Đó cũng là một sự buồn, trống vắng, thậm chí bi kịch.

Chiếc võng hẳn nhiên là ngữ liệu để thơ tình thể hiện. Bài thơ "Cánh võng" của Ngô Viết Dinh đã làm xuất sắc điều ấy: "Anh mắc võng để em chao/ Cho muôn say đắm đổ vào tim anh/ Tình yêu vốn sẵn chòng chành/ Nhưng bên em đã có anh đỡ rồi". Bài thơ cũng có những liên tưởng đặc sắc, thuận lý, hợp tình: "Nét trăng cong dải võng xanh/ Cho em đu giữa mát lành trời sao".

Cũng tất yếu cái võng đung đưa trong thơ cho trẻ em. Nhà thơ Định Hải có bài "Cái võng" nhẹ nhàng, dung dị: "Đều đều võng đưa/ Giữa trưa êm ả …". Kiến tạo nhịp thơ đung đưa theo nhịp võng đưa bé vào giấc ngủ. Bé ngủ nhưng người đọc thì thức, để suy nghĩ về nhân tình thế thái, cụ thể là thái độ biết ơn: "Bé ơi! Cái võng/ Thức hoài đưa đưa…". Mượn lời của đứa trẻ, Phan Thế Cải có "Chiếc võng của bố" sâu lắng trí tuệ, thiết tha cảm xúc: "Hôm ở chiến trường về/ Bố cho em chiếc võng/ Võng xanh màu lá cây/ Dập dình như cánh sóng". Bài thơ chứng minh để có thơ hay trước hết phải có tình cảm, phải có trường liên tưởng độc đáo: "Trăng treo ngoài cửa sổ/ Có phải trăng Trường Sơn/ Võng mang hơi ấm bố/ Ru đời em lớn khôn". Câu cuối hơi gượng nhưng đặt trong luồng cảm xúc ấy mà bạn đọc rất dễ cảm thông, thể tất!

Nguyễn Thanh Tú
.
.