Cần sàn diễn chuyên nghiệp cho ảo thuật
Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 4 năm 2023 vừa khép lại với loạt huy chương cho các tiết mục đặc sắc. Sự chuyên nghiệp, sáng tạo là tín hiệu vui ở liên hoan lần này. Nhưng câu hỏi “muôn năm cũ” vẫn khiến các nghệ sĩ chạnh lòng: “đứa con” của mình có sân khấu nào để biểu diễn thường xuyên hay phải ngậm ngùi cất xó sau cuộc thi?
Sau 5 năm vắng bóng, Liên hoan Ảo thuật toàn quốc (do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức) trở lại vào trung tuần tháng 11 tại TP Hồ Chí Minh. Liên hoan thu hút hơn 40 tiết mục trên toàn quốc tham dự. Qua vòng phúc khảo, ban tổ chức đã chọn ra 29 tiết mục đặc sắc nhất để tham gia tranh tài.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cho biết, liên hoan không chỉ là nơi anh em nghệ sĩ giao lưu, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn mà còn là dịp phát hiện tài năng, tiềm năng sáng tạo của chuyên ngành ảo thuật, đánh giá thực trạng đội ngũ ảo thuật hiện nay để có những chủ trương, định hướng đào tạo lực lượng ảo thuật trong tương lai.
Theo NSND Tạ Duy Ánh, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, điều đáng mừng ở liên hoan năm nay không chỉ nằm ở số lượng tiết mục vượt trội so với ba mùa trước mà bản sắc, lối đi riêng của ảo thuật Việt cũng dần định hình. Các nghệ sĩ chứng tỏ khả năng sáng tạo, lồng ghép thông điệp nhân văn, đậm đà tiếng nói Lạc Hồng vào các tiết mục ảo thuật được đầu tư công phu từ khâu ý tưởng, kịch bản lẫn hình thức thể hiện. Nếu những lần liên hoan trước, những tiết mục mang câu chuyện về lòng yêu nước (tiết mục về người lính Trường Sa), về bản sắc văn hóa dân tộc (tiết mục “Một thoáng hương Chăm”) là độc nhất thì đến liên hoan lần này, số tiết mục như thế có dấu hiệu tăng lên.
Nghệ sĩ Mai Nhi (Chi hội Xiếc - Ảo thuật, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh) khiến khán giả vừa hồi hộp, vừa xúc động tự hào khi sân khấu ảo thuật lần đầu khai thác đề tài kháng chiến. Trong tiết mục "Nghệ thuật và tình yêu Tổ quốc", cô tái hiện nữ chiến sĩ cách mạng bất khuất, quả cảm thoát khỏi giàn xử tử của thực dân Pháp. Trong khi đó nghệ sĩ Đinh Thị Liên (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) lại lồng ghép ảo thuật với chầu văn, nghi lễ hầu đồng. Cả hai loại hình hòa quyện và thăng hoa, giúp khán giả chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc trong màu sắc ảo diệu, huyền bí.
Cô bé Ngô Cát Tường (10 tuổi) của CLB Ảo thuật TP Đà Nẵng - thí sinh đoạt giải Tài năng trẻ nhí- lại khiến mọi người bất ngờ khi xuất hiện trên sân khấu với chiếc áo dài truyền thống. Bên cạnh màu sắc văn hóa dân tộc, những tiết mục như biến ra phi cơ, xe máy, người tàng hình, người bay, biến lá bài thành chân dung… với độ thử thách, mạo hiểm cao cũng khiến khán giả trầm trồ.
Nhưng thi thố xong, những tiết mục này sẽ đi về đâu là điều khiến các ảo thuật gia trăn trở. Trong khuôn khổ liên hoan, tại buổi tọa đàm bàn phương hướng phát triển cho ngành ảo thuật, các nghệ sĩ mong muốn có một sàn diễn ổn định để ảo thuật được sáng đèn thường xuyên, trước hết là nơi để diễn các tiết mục đoạt giải cao, sau là nơi để lớp ảo thuật gia trẻ cọ xát rèn nghề và cống hiến tài năng cho khán giả. Có như vậy ảo thuật mới cởi được lớp áo nghiệp dư, tiến tới chuyên nghiệp.
Ảo thuật gia Minh Triết không ngại ngần nhận định: "Thập niên 70 của thế kỉ trước, ảo thuật Việt Nam đã có một thế hệ vàng lừng lẫy như Tony Quang, Z27, Bảo Thu… Đến thế hệ kế cận, các ảo thuật gia nước ta cũng không thua kém về sự sáng tạo, tài năng so với các ảo thuật gia lừng danh thế giới. Nhưng họ vẫn chưa tạo dựng được tên tuổi vì phải tự lực cánh sinh, thiếu kinh phí đầu tư lẫn sân khấu đúng chuẩn của ảo thuật để thăng hoa, quảng bá với công chúng".
Nhìn lại liên hoan, dù số lượng tăng lên nhưng những tiết mục có bản sắc riêng, được dàn dựng công phu, giàu chất lượng nghệ thuật vẫn đếm chưa quá một bàn tay. Áp đảo vẫn là các tiết mục còn nặng tính nghiệp dư, rập khuôn nhau. Nói như NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: "Chúng ta chưa xây dựng được phong cách riêng cho từng ảo thuật gia. Cứ đem biểu diễn những đạo cụ giống nhau thì ai cũng như ai. Hãy tạo ra đạo cụ thuần Việt, những câu chuyện mang bản sắc Việt, thì tiết mục mới đi vào lòng người".
Theo ảo thuật gia Nguyễn Việt Duy, để trở thành ảo thuật gia đúng nghĩa, người đó phải hội tụ nhiều yếu tố như: vóc dáng, duyên nghề, kỹ năng diễn xuất, giao lưu với khán giả, xử lý tình huống, óc sáng tạo… Đáng buồn là ở Việt Nam hiện nay, số người biết vài trò lặt vặt đã vỗ ngực xưng là ảo thuật gia nhiều vô kể, nhất là giới ảo thuật đường phố. Ngay trong các liên hoan, hội diễn lớn dành cho ảo thuật, những trò khéo rập khuôn và “xưa như Trái đất” như biến ra chim bồ câu, cây gậy, hoa, khăn tay, diễn với lá bài, cưa người… vẫn xuất hiện nhan nhản. Chỉ khác là thêm thắt cách diễn và vài tiểu tiết. Các tiết mục không được đầu tư đến nơi đến chốn mà manh mún, lẻ tẻ, diễn liên hoàn thành một tiết mục chứ không có câu chuyện, kịch bản chặt chẽ. Những trò biểu diễn ấy cũng quá quen thuộc, nhàm chán với công chúng bởi chỉ cần lên mạng, khán giả có thể học được mánh lới để làm trò.
Cái khó của ảo thuật nằm ở chỗ nghệ sĩ mất cả năm trời sáng tạo, đổ biết bao tiền bạc, mồ hôi và cả máu để làm ra một tiết mục độc lạ, được đầu tư dàn dựng bài bản nhưng chỉ diễn đến lần thứ hai, thứ ba là khán giả đã nhàm. Chính điều đó khiến nhiều nghệ sĩ lười sáng tạo, thích trò lặt vặt đơn giản hoặc bắt chước người khác để kiếm sống. Vậy nên chẳng ngạc nhiên khi ảo thuật bị khán giả xem rẻ.
Ảo thuật gia KTay (Nguyễn Văn Bảy) buồn bã thừa nhận: “Với khán giả Việt Nam, ảo thuật vẫn chưa được xem là một môn nghệ thuật huyền bí và sang trọng mà lâu nay nó bị coi là tiết mục tạp kỹ vặt vãnh mua vui và diễn lót trong các chương trình nghệ thuật. Nếu ca sĩ, diễn viên của tiết mục chính đến trễ, thì ảo thuật được đem ra như một tiết mục câu giờ, “chữa cháy”. Có lúc đang diễn, ca sĩ đến rồi, MC giục diễn nhanh lên. Có khi lại yêu cầu diễn lê thê vì chờ mãi mà ca sĩ chưa đến. Vì vậy cát sê của ảo thuật thường thấp hơn ca nhạc, hài kịch… Ngày trước còn có nhiều sân khấu tạp kỹ nên anh em còn có đất biểu diễn, nay sàn diễn ngày càng teo tóp khiến đời sống của ảo thuật rất chật vật”.
Sàn diễn thiếu vắng khiến cơ hội giao lưu, cọ xát của ảo thuật chuyên nghiệp chỉ còn trông chờ vào các mùa liên hoan, hội diễn. Nhưng như Liên hoan Ảo thuật toàn quốc, tận 5 đến 6 năm mới diễn ra một lần trong khi nhu cầu được học hỏi, giao lưu, nghe những góp ý về chuyên môn của nghệ sĩ ảo thuật là rất lớn. Thiếu sân chơi, để mưu sinh và thỏa đam mê, nhiều ảo thuật gia không ngần ngại "ra đường", đến những nơi tụ tập đông người như công viên, nơi vui chơi giải trí để trình diễn bằng những đạo cụ đơn giản. Chính vì vậy ảo thuật đường phố được dịp sinh sôi, nảy nở.
Nhưng đường dài của ảo thuật không nằm ở các tiết mục tương tác “mì ăn liền” ấy. Nó phải nằm ở những tiết mục bài bản, có câu chuyện, có đạo diễn, yếu tố thị giác… hẳn hoi. Trào lưu “ra đường” ồ ạt của giới ảo thuật trẻ dễ khiến thể loại này ngày càng manh mún, nghiệp dư hóa. Ảo thuật gia Nguyễn Anh Tú cho biết: “Ghé thăm nhiều nước trên thế giới, tôi thực sự ngỡ ngàng trước màn ảo thuật như hớp hồn của các ảo thuật gia quốc tế. Tiết mục ảo thuật của họ không khác gì một tác phẩm nghệ thuật công phu, tuyệt vời từ nội dung kịch bản, trang phục, bố cục, âm nhạc, vũ đạo, diễn xuất …”.
Thế hệ trẻ yêu thích ảo thuật rất đông đảo và không thiếu những tài năng hứa hẹn phát tiết. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành ảo thuật cũng như góp phần phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ, NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, trước mắt Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ cố gắng tổ chức Liên hoan Ảo thuật toàn quốc định kỳ ba năm một lần. Khóa tập huấn cũng sẽ được mở ra mỗi năm một lần để anh em nghệ sĩ ảo thuật bổ sung nghiệp vụ, trau dồi chuyên môn. Bên cạnh đó, Hội cũng xúc tiến tổ chức Liên hoan Ảo thuật quốc tế trong những năm tới, mời ảo thuật gia nổi tiếng thế giới về giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.