"Cấm sóng" người nổi tiếng phạm luật, lệch chuẩn

Thứ Sáu, 28/04/2023, 10:18

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) vừa công bố Quyết định 512/QĐ-BTTTT 2023 về việc cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, điều thu hút sự chú ý của dư luận xoáy vào nhiệm vụ chuyên đề “Quản lý người nổi tiếng trên mạng”.

Thêm một “ngọn roi” dẹp loạn môi trường văn hóa

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) vừa công bố Quyết định 512/QĐ-BTTTT 2023 về việc cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, điều thu hút sự chú ý của dư luận xoáy vào nhiệm vụ chuyên đề “Quản lý người nổi tiếng trên mạng”.

Cụ thể, chuyên đề này sẽ xây dựng quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs (người có tầm ảnh hưởng) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Dự kiến quy trình này sẽ được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hoàn thành vào tháng 10/2023.

Diễn viên hài Hữu Tín là một trong những nghệ sĩ bị khán giả đề xuất "cấm sóng" do dính líu đến ma túy.

Ngay khi vừa mới ban hành, Quyết định 512 đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực từ công chúng. Thậm chí nhiều người cho rằng, quy trình xử lý người nổi tiếng phạm luật, lệch chuẩn cần phải làm ngay chứ không cần đợi đến tháng 10. Thực tế lâu nay, thị trường nghệ thuật đã lộn xộn, nhất là ở môi trường mạng xã hội. Không hiếm nghệ sĩ có tên tuổi, khẳng định được chỗ đứng trong nghề nhưng sau khi bị dính vòng lao lý, bê bối đời tư, họ vẫn trở lại hoạt động nghệ thuật, làm thần tượng của lớp trẻ như chưa có chuyện gì xảy ra.

Dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành “Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” vào năm 2021, nhưng vấn nạn người làm văn hóa phát ngôn, hành xử thiếu văn hóa với khán giả lẫn đồng nghiệp vẫn diễn ra nhan nhản. Mạng xã hội trở thành một cái chợ đúng nghĩa để người nổi tiếng chửi bới, nhục mạ nhau hay quảng cáo, livestream vô tội vạ. Sự bành trướng của TikTok, YouTube, Facebook… kéo theo không ít gương mặt nổi tiếng chóng vánh bằng những clip có nội dung vô bổ, độc hại. Thế nhưng sau những thị phi, những “con sâu” như thế càng nổi tiếng với hàng loạt show diễn, dự án phim ảnh, hợp đồng quảng cáo… Càng nổi tiếng, họ càng dẫm đạp lên dư luận, coi thường khán giả để đi con đường lạc lối của mình.

Các chế tài phạt hành chính chỉ như “gãi ngứa”, không khiến một số nghệ sĩ có lối sống lệch chuẩn chùn bước. Chỉ có một số ít nghệ sĩ bị bít lối trở lại con đường nghệ thuật sau những lùm xùm, sai phạm như nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, diễn viên Hồng Đăng, ca sĩ Hiền Hồ… Tất cả đều nhờ cộng đồng mạng mạnh mẽ lên tiếng tẩy chay. Do vậy, quy trình hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với người nổi tiếng vi phạm pháp luật, hành xử gây ảnh hưởng xấu đến xã hội được dư luận hy vọng là một ngọn roi đủ sức răn đe khi đánh vào chính nguồn sống của nghệ sĩ, buộc họ phải tự chấn chỉnh lại mình. Thậm chí, nhiều khán giả cho rằng, thay vì hạn chế phát sóng, cần “cấm sóng” hoàn toàn với người nổi tiếng kiểu này thì môi trường văn hóa mới mong lành mạnh. (Mai Quỳnh Nga)

Nhạc sĩ Hà Quang Minh: Cấm sóng: Làm thế nào cho thấu đáo?

Quyết định 512/QĐ-BTTTT 2023 thực sự đã tạo nên một làn sóng tích cựctrong dư luận khi đề cập tới chuyên đề “Quản lý người nổi tiếng trên mạng”. Rất nhiều bài báo sau đó đã bám theo chuyên đề này và chủ yếu tập trung vào câu chuyện sẽ “cấm sóng” đối với những người nổi tiếng, những nghệ sĩ có lối sống lệch chuẩn và có các hành vi thiếu đạo đức trên mạng xã hội. Sở dĩ có làn sóng này cũng bởi trong showbiz vừa rồi đã có những bê bối liên tiếp xảy ra đối với những nghệ sĩ, nhân vật giải trí: từ hành vi, sinh hoạt cho tới phát ngôn.

Thực chất, từ trước khi có quyết định kể trên của Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT), đã có nhiều quan điểm từ báo chí cũng như từ công luận cho rằng ở Việt Nam nên có một chiến dịch “phong sát” như ở Trung Quốc hoặc “tẩy chay” giống như ở Hàn Quốc đối với các nghệ sĩ, nhân vật giải trí tai tiếng. Tất nhiên, mỗi quốc gia có một cách tiếp cận khác nhau, mỗi dân tộc có văn hóa khác nhau nên khó có thể áp dụng 100% những gì láng giềng đang làm. Song, những yếu tố tích cực từ Trung Quốc, Hàn Quốc đã thu nhận được cũng nên là một tham khảo để Việt Nam có chính sách riêng của mình. Và ở chuyên đề “Quản lý người nổi tiếng trên mạng”, thứ đặt ra trước mắt đang là chúng ta phải thực hiện thế nào cho thấu đáo và triệt để nhằm làm trong sạch lại môi trường văn hóa đại chúng hôm nay.

Có một thực tế mà chúng ta khó có thể phủ nhận rằng mối quan hệ nghệ sĩ/người nổi tiếng với truyền hình đã khác xa thời gian cách đây khoảng hơn 10 năm. Sự bùng nổ của các nền tảng xem nội dung video trên mạng đã khiến cái “cần” của giới nghệ sĩ/giải trí đối với truyền hình phai nhạt dần. Nếu như trước đây, việc được góp mặt trên truyền hình thường xuyên có thể đảm bảo mang lại danh tiếng 100% thì hiện nay mọi thứ đã khác. Chỉ cần vài video triệu lượt xem trên Youtube thôi, nhân vật chính sẽ “toả sáng” và dẫn tới các nhà sản xuất chương trình truyền hình (mà đa số là nhà thầu bên ngoài) tìm tới những nhân vật ấy để góp phần khiến lượt xem chương trình được đảm bảo hơn.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là “Cấm sóng truyền hình liệu có đủ khiến các đối tượng vi phạm phải e dè?”. Có thể việc cấm sóng đủ khiến họ cảm thấy chùn chân một chút, song trong cả quá trình công việc kéo dài của họ, họ hoàn toàn có thể tìm về con đường kiếm danh lợi khác vốn bày sẵn trên các nền tảng mạng xã hội.

Đây là điều mà cơ quan quản lý cần phải đối diện và tìm ra giải pháp. Và giải pháp nằm ở việc cơ quan quản lý sẽ đàm phán thế nào với các nền tảng, đặc biệt là các nền tảng vẫn chưa đặt đại diện ở Việt Nam. Chỉ khi chính các chế tài đưa ra đối với nghệ sĩ/ người nổi tiếng vi phạm luật pháp, có hành vi lệch chuẩn được áp dụng song song cả trên sóng truyền hình lẫn trên các nền tảng giải trí trực tuyến đang phổ biến, khi ấy chế tài mới đủ sức nặng răn đe triệt để thực sự.

Ví dụ, đối với Youtube, mối quan tâm nên là các công ty truyền thông hiện đang nắm giữ quyền quản trị các Mạng lưới đa kênh mà Youtube cấp quyền (MCN - Multi-Channel Network). Chính các MCN này mới là đối tượng cần phải được kiểm soát chặt để khi một nhân vật công chúng nào đó bị “cấm sóng”, MCN cũng tuân thủ chế tài và khóa kênh lập tức. Song song đó là Tiktok, là Facebook với nền tảng Facebook reel chuyên phát hành các nội dung video. Và cao hơn nữa là các nguồn cung doanh thu quảng cáo cho những MCN, những kênh này như Google ads hay Facebook ads. Tấn công trực diện vào hầu bao của những chủ kênh vi phạm, chắc chắn chấn chỉnh hành vi của họ sẽ hiệu dụng thực sự.

Được biết, trong quyết định kể trên của Bộ TTTT, nội dung rà soát làm việc với các MCN cũng là một chuyên đề chủ đạo. Đây là một nước cờ đúng đắn và giàu tính thực tiễn, chứng tỏ sự quan tâm sâu sát của cơ quan quản lý thông tin. Nhưng để các chế tài về sau này thấu đáo hơn, có lẽ một mình Bộ TTTT là chưa đủ mà rất cần sự góp mặt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cả ngành thuế.

Hồi 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành bộ “Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật”. Đây là một sự chuẩn bị tốt nhưng cần hoàn thiện hơn nữa. Để xử lý thấu đáo, triệt để khiến công luận tâm phục, khẩu phục, các quy tắc, tiêu chuẩn cần được cụ thể hơn nữa. Chỉ khi có các khung tiêu chuẩn kỹ lưỡng, chi tiết làm tham chiếu, khi ấy các xử lý mới đủ sức nặng và tránh được các ồn ào không đáng có. Thêm vào đó, ngành thuế cũng cần siết chặt lại hoạt động kiểm tra thuế thu nhập của những nhân vật giải trí, nghệ sĩ, KOLs. Bộ Tài chính cũng cần hoàn thiện khung pháp lý về việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ này, chắc chắn môi trường văn hóa sẽ được thanh lọc kỹ lưỡng và minh bạch.

Quyết định 512/QĐ-BTTTT 2023 ra thời hạn cho việc bắt đầu các chế tài là tháng 10/2023. Rất mong rằng, dư luận sẽ không phải bình luận bằng câu “Bao giờ cho đến tháng 10?” khi mà chuyên đề “Quản lý người nổi tiếng trên mạng” đi vào thực tiễn…

Nhà báo Hoàng Việt: Chỉ khi biết sợ, người ta mới điều chỉnh hành vi

- Được biết, anh là một KOLs có ảnh hưởng trên mạng xã hội, có nhiều người theo dõi trang cá nhân, và chắc chắn là một "đối tượng" bị điều chỉnh trong quy định về việc "cấm sóng" sẽ được thực hiện từ tháng 10/2023 sắp tới, anh có suy nghĩ gì về quy định này?

+ Tôi cho rằng, đây là lộ trình mà bắt buộc chúng ta sẽ phải đi theo để làm trong sạch mạng xã hội, bắt đầu từ những người có ảnh hưởng lớn như diễn viên, ca sĩ, nhà báo… Tôi là một KOLs đồng thời cũng là một nhà báo, từ nhiều năm nay tôi cũng đã nhiều lần lên tiếng trên báo chí cũng như trang mạng cá nhân của mình, đó là hiện có quá nhiều những thứ phản văn hóa đang tồn tại trên không gian mạng.

Điều đáng lo ngại là một bộ phận giới trẻ của chúng ta đang lạc lối và “trôi” theo những trào lưu nhảm nhí, dị hợm nêu trên. Những thứ này nguy hại hơn rác thải rất nhiều bởi rác thải chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực tới một nhóm đối tượng nhỏ, nhưng “rác thải” trên không gian mạng thì từng ngày từng giờ tiêm nhiễm vào nhận thức, tình cảm, cảm xúc của giới trẻ.

Tôi thường đưa lũ trẻ nhà mình và nhà hàng xóm đi học. Mỗi sớm, khi lắng nghe câu chuyện của chúng, thực lòng tôi rất lo lắng vì thế giới quan, tình cảm, nhận thức của trẻ đang bị chi phối gần như toàn diện từ mạng xã hội. Những thứ tích cực có rất ít, thay vào đó là những câu chuyện sốc, lạ, những thông tin không được kiểm chứng và những trào lưu nguy hiểm, lệch lạc đang khiến bọn trẻ chú ý.

Biện pháp của gia đình tôi khá cực đoan, hiện tại là cấm trẻ con dùng máy tính, smart tivi, bởi tôi đang không quản lý được nội dung từ các chương trình, clip trên mạng mà con mình xem. Nhưng như đã nói, đây chỉ là biện pháp nhất thời và khá cực đoan. Ở bình diện rộng hơn, tôi mong các cơ quan quản lý thanh lọc được những nội dung độc hại trên mạng xã hội, có biện pháp mạnh đối với những người tạo ra các sản phẩm phản văn hóa trên Facebook, Youtube, Tiktok… Với phong trào sử dụng mạng xã hội như hiện nay, nếu không mạnh tay, thì những hậu quả rất lớn sẽ đến trong khoảng 3-5 năm tới.

- Theo anh thì quy định này có tính khả quan hay không? Hay là nó lại được áp dụng như vô vàn các bộ quy tắc ứng xử khác, kiểu đầu voi đuôi chuột?

+ Về kinh nghiệm của một người làm truyền thông đồng thời sử dụng mạng xã hội khá lâu năm, tôi nghĩ ngay từ đầu cơ quan quản lý sẽ gặp khó. Nhưng dù khó đến đâu cũng phải tính các biện pháp để quản lý. Vì giai đoạn vừa qua khi mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt, chúng ta đang gần như bỏ trống “mặt trận” này. Gần như mọi người lên mạng đều có thể tự do tạo ra các sản phẩm một cách tùy thích mà không phải chịu sự quản lý nào. Nếu chỉ trông chờ vào sự tự giác của Facebook, Youtube, Tiktok thì không thể được.

Giai đoạn đầu tiên, thay vì “phong sát”, cấm sóng các nhân vật gây ảnh hưởng xấu, các cơ quan quản lý cần đưa họ vào danh sách đáng chú ý để khuyến cáo doanh nghiệp không hợp tác quảng cáo, PR… “Đánh” vào hầu bao là cách làm trực diện và khả quan nhất. Chắc chắn, các cơ quan chức năng đã có những tính toán riêng của họ để lộ trình này sớm được thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để và tôi tin họ sẽ làm quyết liệt.

- Với tư cách là một người chơi mạng xã hội lâu năm, là một KOLs, một người có "uy tín", có góc nhìn hài hước đối với các vấn đề xã hội và thường truyền năng lượng tích cực cho cư dân mạng, anh nhận định như thế nào, liệu thị trường giải trí có trong sạch như kì vọng hay không?

+ Chúng ta rất cần sự lên tiếng, sự ủng hộ của các nhà báo, các nghệ sĩ thực sự nghĩ cho nền tảng văn hóa chung của dân tộc. Nói điều này có thể hơi to tát, sáo ngữ nhưng nếu thực tế văn hóa, nhận thức đúng đắn chung của xã hội do chính chúng ta vun đắp, xây dựng. Chúng tôi - những người tạm gọi là “có ảnh hưởng” thường nói với nhau rằng: “Nếu không nói được điều gì tử tế, tích cực, lạc quan, thì tốt nhất nên im lặng”, bởi khi tham gia vào môi trường mạng xã hội mà bất chấp hậu quả thì rất nguy hại. Con em tôi, con em bạn và những đứa trẻ khác sẽ nhiễm những thói hư, tật xấu, nhận thức lệch lạc từ mạng xã hội rất nhanh.

Rất nhiều nghệ sĩ trên thế giới bị đào thải khỏi thị trường giải trí và "biến mất" không dấu vết vì chính những hành vi vi phạm pháp luật hoặc trái thuần phong mỹ tục trong phong trào "phong sát". Tôi nghĩ rằng, các nghệ sĩ, những người nổi tiếng trong nước nên nhìn vào để rút cho mình bài học. Chỉ khi biết sợ thì người ta mới điều chỉnh hành vi. Tôi không kì vọng 100% nhưng tôi tin đa số sẽ phải tự thay đổi chính mình.

- Cảm ơn nhà báo Hoàng Việt! (Đinh Hiền - thực hiện)

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Đừng chỉ "siết" nghệ sĩ, cần "nắn" cả truyền thông và khán giả

Việc cơ quan quản lý xây dựng quy trình xử lý đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục là điều rất đáng hoan nghênh. Nhưng tôi vẫn băn khoăn, lo ngại về hai chữ “hạn chế”. Hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo là hạn chế ra làm sao, tần suất thế nào? Từ “hạn chế” trước mắt đã bộc lộ sự lỏng lẻo, châm chước của “ngọn roi” mới này.

Việc xây dựng quy trình không thể chung chung, mập mờ mà phải rất rõ ràng, chặt chẽ, càng dễ hiểu, càng chi tiết càng tốt và nên có tính pháp lý cao. Tôi không muốn quy định mới lặp lại những gì “Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” mắc phải bởi nội dung của Bộ quy tắc ứng xử rất chung chung, lỏng lẻo nên không “dẹp loạn” được. Quy định mới phải vạch ra những điều nghệ sĩ không được làm và các hình phạt kèm theo. Ví dụ như nghệ sĩ quảng cáo thuốc dỏm thì bị cấm sóng 6 tháng. Nhưng những hình phạt này phải căn cứ vào một kết luận rõ ràng chứ không nên cấm sóng người ta khi chỉ mới ồn ào mà chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Chữ “trái thuần phong mỹ tục” cũng phải ghi cụ thể là vi phạm như thế nào chứ không được ấm ớ, mập mờ.

Tôi mong muốn tính pháp lý của nó cao và có hình phạt rõ ràng bởi chừng nào còn một văn bản chỉ mang tính định hướng hoặc răn đe, cảnh cáo thì chừng đó vẫn không có hiệu quả. Một văn bản có chế tài thì nghệ sĩ mới biết sợ, không phải thích làm gì thì làm. Bản thân tôi rất mong muốn có một quy định, văn bản như thế để tôi biết giới hạn mình không nên phạm phải và áp dụng cho quá trình làm nghề. Phải làm sao để bắt buộc mọi nghệ sĩ đều phải nắm rõ như một quy tắc khi bước vào nghề.

Nhưng chúng ta ban hành hàng ngàn điều luật hay quy định mà nghệ sĩ không nắm vững thì cũng coi như muối bỏ biển. Đáng tiếc, đa số nghệ sĩ Việt Nam không am hiểu pháp luật nhưng rất ít người có luật sư riêng. Họ sẵn sàng chi hàng chục triệu thuê người quản lý hay stylist nhưng lại ít ai bỏ tiền thuê luật sư. Điều này trái ngược với nghệ sĩ các nước phát triển, mỗi nghệ sĩ đều có một luật sư riêng. Vị này đứng ra lo liệu hết mọi giấy tờ, hợp đồng và điều chỉnh cả cách phát ngôn, hành xử của nghệ sĩ trước truyền thông, dư luận sao cho không phương hại đến hình ảnh, sự nghiệp của thân chủ. Tôi nghĩ đã đến lúc nghệ sĩ Việt cần chuyên nghiệp hơn. Nếu họ có luật sư riêng, mọi vấn đề sẽ trở nên đơn giản mà cơ quan quản lý cũng đỡ đau đầu dẹp loạn môi trường giải trí. Nếu ai không nắm rõ quy định, luật pháp thì cứ giao hết cho luật sư. Ông ấy sẽ là sợi dây cương điều chỉnh nghệ sĩ, giúp họ giữ gìn hình ảnh. Nếu xảy ra một vụ lùm xùm, nghệ sĩ không còn tự mình lên mạng cãi lộn, phân bua như một cái chợ mà giao hết cho luật sư giải quyết. Những nghệ sĩ mới vô nghề không đủ điều kiện thuê luật sư thì nên tự mình tìm hiểu luật và các quy định cho nghệ sĩ. Vì có nắm vững, họ mới tự điều chỉnh mình và ứng xử đúng mực. Môi trường nghệ thuật nhờ vậy mà văn minh hơn.

Nghệ sĩ “hư”, môi trường nghệ thuật loạn lạc một phần cũng do truyền thông (nhà đài, báo lá cải, mạng xã hội) dung túng và tung hô quá đáng. Có những phóng viên dây mơ rễ má về tình cảm hay tiền bạc với nghệ sĩ thì sao dám viết về mặt xấu của nghệ sĩ đó. Để câu view, tăng rating, những nghệ sĩ càng tai tiếng lại càng xuất hiện nhan nhản trên báo lá cải, mạng xã hội hay chương trình truyền hình. Mặt khác, nhờ sự “nhiệt tình” câu view và cách giật tít của báo mạng mà những phát ngôn, hành xử rất bình thường của nghệ sĩ đột nhiên thành mồi của dư luận, chuyện bé xé ra to. Họ bị cuốn vào sóng gió mà mình không mong muốn.

Mấy năm gần đây báo chí hay nhắc tới từ “phong sát”. Tôi cho rằng chúng ta không cần học theo kiểu “phong sát” của Trung Quốc mà chỉ cần có quy định rõ ràng là nghệ sĩ tự khắc vào khuôn phép. Bởi “phong sát” là phó mặc cho công chúng, giao quyền làm luật cho fan. Chẳng hạn có một nghệ sĩ dính scandal nhưng chưa có một kết luận cụ thể, vậy mà báo lá cải, mạng xã hội đã thi nhau kết tội rồi tẩy chay, “phong sát” người ta. Nó cảm tính, không công bằng với nghệ sĩ.

Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước đừng chỉ chĩa mũi dùi vào nghệ sĩ mà ngay cả truyền thông và khán giả sai phạm cũng phải bị “nắn gân”, xử lý nghiêm minh, rốt ráo. Nếu mạnh tay với người phương hại nghệ sĩ, chúng tôi mới thấy công bằng vì mình cũng được bảo vệ. Chứ lâu nay, bị báo chí bôi nhọ hay anti-fan vu khống xúc phạm danh dự, đa số nghệ sĩ chỉ biết tự mình đi giải quyết. Nếu có mời cơ quan chức năng vào cuộc thì quy trình kiện tụng, xử lý kéo dài khiến chúng tôi “được vạ thì má đã sưng”. Thiệt hại về vật chất, tinh thần không dễ đền bù hay nói vài lời xin lỗi qua loa là xong. (Phan Thi Uyên - ghi)

PV
.
.