Cải lương nhộn nhịp sáng đèn

Thứ Năm, 13/10/2022, 16:06

So với vài năm trước, cải lương hiện giờ đã và đang có sự trở lại ngoạn mục trên sàn diễn. Hàng loạt vở cải lương dành cho người lớn lẫn thiếu nhi liên tục sáng đèn khắp nơi. Thậm chí, nhiều đêm diễn còn "cháy vé" - hiện tượng hiếm gặp ở thời điểm hiện nay khi cải lương đã xa rồi thời hoàng kim. 

Nối nhau ra rạp trong tháng 9 tại sân khấu miền Nam là các vở "Đợi Kiều", "Thành phố buổi bình minh", "Con ngựa bạch và củ cải khổng lồ", "Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên"… Dù là cải lương tuồng cổ hay cải lương thể nghiệm, dù là cải lương người lớn hay cải lương thiếu nhi…, các đêm diễn đều kín rạp và nhận về phản hồi tích cực từ công chúng.

Nghệ sĩ Bình Tinh, Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long phấn khởi cho biết nhiều vở "cháy vé": "Chúng tôi phải kê thêm ghế xúp hoặc lên lịch tái diễn để phục vụ nhu cầu khán giả". So với vé xem phim hay kịch nói, vé xem cải lương được xếp vào hàng đắt đỏ, nhất là cải lương tuồng cổ. Trung bình giá vé dao động từ 400 ngàn đến hai triệu đồng mỗi vé. Nếu "cháy vé", giá chợ đen có thể đẩy lên đến năm triệu đồng.

1 vuong quyen.jpg -0
Cảnh trong vở "Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên" (ảnh Đông A).

Sự trở lại mạnh mẽ của sân khấu cải lương phải kể đến cánh chim đầu đàn của cải lương tuồng cổ. Cải lương tuồng cổ hay Hồ Quảng là một đặc sản kinh điển của Nam bộ. NSƯT Vân Hà cho hay, nhiều năm qua sân khấu Chí Linh - Vân Hà liên tục đầu tư dựng các vở cải lương dân gian và tuồng cổ. Năm nay, nhu cầu của khán giả tăng cao, nhiều vở đặc sắc được tái dựng nhiều lần. Không chỉ chinh phục khán giả phương Nam, khi mang chuông đi đánh xứ Bắc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 5 vừa qua, cải lương tuồng cổ được chào đón nồng nhiệt.

Hai vở tuồng cổ chính sử "Đêm trước giờ hoàng đạo" và "Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên" thu hút đông đảo công chúng Thủ đô. Giờ dự thi của Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt với vở "Đêm trước giờ hoàng đạo", ban tổ chức phải kê thêm ghế để khán giả thưởng thức vì hết chỗ ngồi. NSƯT Thoại Mỹ, nghệ sĩ Võ Minh Lâm, nghệ sĩ Minh Trường… xúc động nghẹn ngào khi khán giả lên sân khấu tặng hoa, ôm hôn thắm thiết khi nghệ sĩ ra chào khép màn.

Đáng chú ý, kế hoạch biểu diễn sau khi rời Liên hoan của các đoàn đã có sự chuẩn bị từ trước ngày lên đường đi thi chứ không thi xong rồi cất kho như lâu nay. Cả hai vở đều dự kiến tái ngộ khán giả miền Nam tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang hoặc Nhà hát Bến Thành vào cuối tháng 10 tới. Đạo diễn Nguyên Đạt cho biết riêng vở "Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên" nhận được nhiều lời mời tái diễn tại Hà Nội của các cơ quan, đoàn thể.

Cải lương đi lưu diễn tưởng như là chuyện dĩ vãng. Nhưng hồi cuối tháng 8, Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đã liên kết cùng các doanh nghiệp thực hiện nhiều suất diễn tại Quảng Nam, Quảng Trị. Mỗi suất diễn thu hút hàng nghìn khán giả. Nghệ sĩ Bình Tinh tiết lộ: "Thời gian tới, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tiếp tục lưu diễn ở nhiều tỉnh, thành miền Trung và cả miền Bắc. Bà con rất mê và hào hứng khi nghe tin đoàn về biểu diễn". Đây cũng là hướng đi sắp tới của nhiều sân khấu, đoàn hát xã hội hóa nhằm đưa cải lương lan tỏa khắp mọi miền. Mới đây nhất, có doanh nghiệp đã ngỏ lời để đưa vở "Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên" lưu diễn ở miền Bắc.

Ngoài cải lương tuồng cổ, sân khấu cải lương thiếu nhi cũng được dịp trăm hoa đua nở sau thời gian dài im ắng. Vở cải lương "Con ngựa bạch và củ cải khổng lồ" của sân khấu cải lương Đồng Ấu Bạch Long là món quà ý nghĩa với các em nhỏ. Câu chuyện kể về hai anh em ruột Hiếu Nhân và Hiếu Đức nhưng tính tình trái ngược. Người em hiền lành, tốt bụng bao nhiêu thì người anh nham hiểm, tham lam bấy nhiêu. Những tình huống bất trắc như chiến đấu với yêu quái, giải cứu công chúa… được kể với lớp lang cuốn hút các bé. Khán phòng Nhà hát Nón lá, Cung Văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh ngập tràn tiếng cười bởi những mảng miếng ca múa hài hước và đầy dễ thương của dàn nghệ sĩ.

Không chỉ dừng lại với vở do người lớn biểu diễn mà còn xuất hiện những vở cho chính các em thiếu nhi thủ diễn. Đây là những tác phẩm của chương trình "Sân khấu Tài năng thiếu nhi". Chương trình do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức nhằm tìm kiếm và ươm mầm các bé từ 6 đến 13 tuổi có năng khiếu ca diễn và niềm đam mê với nghệ thuật cải lương, bổ sung cho thế hệ kế cận. Do đó, ngoài con em của nghệ sĩ, viên chức, người lao động… của Nhà hát, chương trình còn hướng đến các em thiếu nhi trên địa bàn thành phố. Mở màn "Sân khấu Tài năng thiếu nhi" là tiểu phẩm cải lương "Những cây bút chì màu", "Bạch Xà tìm linh chi thảo" và vở "Vương quốc thú nhồi bông".

Sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả với cải lương khiến không ít người làm nghề ngạc nhiên. Bởi trước đây dăm năm, hễ nhắc tới cải lương, ai cũng cám cảnh ngậm ngùi với hàng loạt nhận định tiêu cực. Nào là "Cải lương đang hấp hối", "Cải lương lạc hậu, thụt lùi trong nhịp sống hôm nay", "Cải lương đã hết thời"... Thậm chí, có nghệ sĩ lão làng còn kêu lên thất thanh tại một tọa đàm: "Nếu không cứu kịp thời thì cải lương sẽ chết tức tưởi!". Vậy mà bây giờ, cải lương không những không chết mà còn sống, lại sống rất khỏe như một người vừa cải tử hoàn sinh.

2-vo-cai-luong-thieu-nhi.gif -0
Vở cải lương thiếu nhi "Con ngựa bạch và củ cải khổng lồ" (ảnh Thúy Bình).

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho rằng, sở dĩ cải lương "đã trở lại và lợi hại hơn xưa" là do chính sự đột phá, bổ sung những cái mới, cái hay và loại bỏ đi cái lạc hậu, bất cập. Ai cũng biết đặc trưng vốn dĩ của cải lương là "đổi mới hát ca theo tiến bộ" nên loại hình nghệ thuật này dễ dàng thích ứng trong mọi hoàn cảnh, thời đại. Điều quan trọng là các đoàn hát chuyển đổi thế nào để sự thích ứng đó được khán giả chấp nhận, ủng hộ mà vẫn giữ được nét đặc trưng của cải lương.  

Thực tế, các đơn vị, đoàn hát không ngừng nỗ lực để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với giới trẻ bằng việc ứng dụng công nghệ, cảnh trí hiện đại, bắt mắt. Dù khai thác những kịch bản "muôn năm cũ" nhưng khán giả vẫn ùn ùn kéo đến xem cải lương tuồng cổ vì muốn thưởng thức câu chuyện kinh điển qua tài ca diễn của nghệ sĩ tên tuổi, qua phục trang bắt mắt, qua thủ pháp dàn dựng và âm nhạc hoàn toàn mới, đẫm chất trữ tình mà đầy hiện đại. Tinh thần và thông điệp của vở cũ cũng được thổi vào luồng gió mới, mang cái nhìn, cách nghĩ của thế hệ hôm nay. Điều này dễ dàng nhận ra qua ngôn ngữ thoại gần gũi, phong thái tự nhiên của diễn viên. Nghệ sĩ Bình Tinh cho hay để cuốn hút được khán giả, chị thường thêm ý tưởng phá cách, làm mới trong dàn dựng và biểu diễn trên tinh thần tôn trọng bản gốc.

Yếu tố ghi điểm thứ hai chính là sự cải tiến dàn diễn viên. Việc trẻ hóa lực lượng diễn viên được nhiều gánh hát áp dụng và tỏ ra hiệu quả. Sự kết hợp khéo léo của dàn nghệ sĩ ngôi sao, tài danh như Minh Vương, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Thanh Tuấn, Hồng Nga, Thanh Điền, Thoại Mỹ, Trọng Hữu, Phượng Hằng… với lực lượng diễn viên trẻ và giàu sức sáng tạo đã làm nên những vở diễn tươi mới, trẻ trung mà giàu chiều sâu nghệ thuật.

Ngoài chất lượng vở diễn và dàn nghệ sĩ, cải lương hút khách còn nhờ cách ứng dụng công nghệ vào khâu quảng bá, bán vé. Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đẩy mạnh bán vé online và giao vé tận nhà cho khán giả. Buổi tập dượt của nghệ sĩ, thông tin vở diễn… được cập nhật liên tục trên kênh YouTube hay trang fanpage để khán giả tiện theo dõi. Phải thừa nhận trong nhịp sống hối hả hiện nay, công nghệ giúp cải lương tiếp cận nhanh chóng công chúng và tạo sự tiện lợi cho khán giả. Nhờ đó người làm sân khấu không phải lo ngay ngáy việc lấp kín rạp trước giờ sáng đèn.

Sự hồi sinh ngoạn mục của cải lương khiến nhiều người khấp khởi hy vọng về thời hoàng kim trở lại. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những tín hiệu vui ban đầu. Cải lương cũng như nhiều loại hình sân khấu truyền thống vẫn đang gặp trở ngại về điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư… Để cải lương thực sự trở lại thời đỉnh cao, còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, yếu tố quyết định chính là nguồn kịch bản. Dẫu mừng nhưng phải thẳng thắn nói rằng: Cải lương bây giờ vẫn bám vào chuyện xưa tích cũ mà quá hiếm vở khai thác đề tài đương đại.

Mai Quỳnh Nga
.
.