Các hãng phim nhà nước loay hoay cổ phần hóa: Đừng chỉ là một thời vang bóng

Chủ Nhật, 21/01/2024, 13:35

Tại cuộc họp tổng kết của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc cổ phần hóa tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa dấy lên hy vọng cho các thế hệ nghệ sĩ, người lao động của hãng phim. Sự việc cổ phần hóa kéo dài nhiều năm qua khiến họ mệt mỏi và đáng buồn hơn, nó khiến một thương hiệu lớn của điện ảnh Việt Nam dần dần chỉ còn là "một thời vang bóng".

Câu chuyện buồn từ một hãng phim nhà nước

Sau gần 10 năm tiến hành cổ phần hóa, Hãng Phim truyện Việt Nam ngày càng xuống cấp, cơ sở vật chất cũ kỹ, nhiều bộ phim nhựa bị hỏng, không có phim mới được sản xuất. Mới đây, kỷ niệm 64 năm ngày thành lập hãng trôi qua trong im ắng, nhiều nghệ sĩ đã đến trụ sở số 4 Thụy Khuê và chứng kiến cảnh, những Huân chương, Huy chương - dấu son của một nền điện ảnh cách mạng huy hoàng trong quá khứ đã bị hỏng hóc, phủ bụi thời gian.

Hơn 300 phim nhựa bị hư hỏng nặng, trong đó có những bộ phim đã dành nhiều giải thưởng lớn như "Cỏ lau", tác phẩm đoạt giải Ngọn đuốc Vàng tại Liên hoan phim Bình Nhưỡng, Triều Tiên (1995), "Tâm hồn mẹ", đoạt giải Phim xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam tại Malo, Pháp (2014).... Hãng Phim truyện đã thực hiện lưu trữ phim bằng công tác số hóa, tuy nhiên, số lượng phim số hóa chưa được thống kê đầy đủ.

Các hãng phim nhà nước loay hoay cổ phần hóa: Đừng chỉ là một thời vang bóng -1
Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam đang trong cảnh hoang tàn, đổ nát.

"300 phim bị hỏng là bản phim gốc hoàn chỉnh, mang dấu ấn sáng tạo nguyên bản của các nhà làm phim, là một trong hai bản phim nhựa duy nhất còn sót lại. Chỉ riêng 300 bản phim bị hỏng đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, chưa kể những thiết bị đắt tiền như bàn hòa âm, phòng hòa âm, máy quay phim… khả năng hỏng rất cao với điều kiện ẩm mốc như hiện nay", đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải chia sẻ.

Đạo diễn Thanh Vân - Phó Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam cho biết: "Đây là  tài sản quý báu, thể hiện lịch sử phát triển hơn 60 năm của một hãng phim cách mạng và nghệ thuật, nhưng lại không được trân trọng. Từ năm 2016, khi công ty vận tải thủy Vivaso tiếp quản hãng phim, họ đã ký vào các văn bản tiếp nhận tài sản, nhưng lại vô trách nhiệm trong việc bảo quản".

Các nghệ sĩ đã gửi đơn kiến nghị lên cơ quan quản lý, chờ chỉ đạo hướng xử lý. Ông cũng tha thiết mong muốn có sự chỉ đạo dứt điểm về vấn đề cổ phần hóa của Hãng Phim truyện vì nhiều năm nay, các nghệ sĩ sống trong tình trạng không có lương, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Nhiều người phải chạy grab, bán hàng, mở quán bia, làm đủ nghề để mưu sinh.

Hãng Phim truyện Việt Nam thành lập từ 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Lịch sử tồn tại của hãng phim gắn liền với dòng phim cách mạng. Năm 2016, hãng mời cổ phần hóa, nhưng sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso đã hoàn tất mua lại vào tháng 6/2016. Hãng hiện mang tên Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, tháng 9/2018 Thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa hãng có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái phép, vi phạm quản lý tài sản... Sau đó, Công ty vận tải thủy Vivaso - đơn vị giữ 65% cổ phần hãng phim xin thoái vốn.

Tuy nhiên sau 4 năm, quá trình này vẫn chưa hoàn tất và Hãng Phim truyện cùng các nghệ sĩ làm việc tại hãng rơi vào tình cảnh "hoang tàn" "tan nát" (chia sẻ của đạo diễn Thanh Vân). Mâu thuẫn giữa cán bộ, nhân viên hãng phim và chủ đầu tư gay gắt khiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải cử cán bộ thanh tra, hòa giải. Tuy nhiên, sau nhiều lần thanh tra, kiểm tra, vụ việc cổ phần hóa vẫn chưa được giải quyết ngã ngũ, trong khi đó, cơ sở vật chất nơi đây ngày càng xuống cấp.

Cần những thay đổi mạnh mẽ

Nhưng điều đáng nói là, câu chuyện buồn này không chỉ xảy ra ở Hãng Phim truyện Việt Nam. Hãng Phim Giải phóng và Hãng Phim truyện 1, những cái tên vang bóng trong lịch sử điện ảnh trong quá khứ cũng đang rơi vào tình trạng trì trệ. Sau khi thực hiện cổ phần hóa, các hãng phim nhà nước đều bế tắc, loay hoay tìm đường.

Các hãng phim nhà nước loay hoay cổ phần hóa: Đừng chỉ là một thời vang bóng -0
Cảnh trong phim “Đào, phở và piano” của Hãng Phim truyện 1.

Mới đây, một con số khiến chúng ta giật mình, tính đến thời điểm cuối tháng 10/2023, Công ty Cổ phần Phim Giải phóng (Hãng Phim Giải phóng) đang nợ thuế hơn 53 tỉ đồng. Năm 2022, Hãng Phim Giải phóng báo lỗ sau thuế hơn 23 tỉ đồng (năm 2021 doanh nghiệp này cũng lỗ gần 23 tỉ đồng). Hãng Phim Giải phóng cũng có số phận tương tự như Hãng Phim truyện Việt Nam. Thành lập từ năm 1962, Hãng Phim Giải phóng (tên ban đầu là Xưởng phim Giải Pphóng) đã cho ra đời những thước phim cách mạng kinh điển như: "Cánh đồng hoang", "Mùa gió chướng", "Ván bài lật ngửa"...

Năm 2010, thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, Hãng Phim Giải phóng đổi thành Công ty TNHH một thành viên Phim Giải phóng. Từ năm 2016, hãng bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động và đổi tên thành Công ty cổ phần phim Giải Phóng, vừa sản xuất phim, vừa cho thuê thiết bị sản xuất. Thế nhưng, vận hành theo cơ chế thị trường vẫn là hành trình muôn vàn khó khăn với các nhà làm phim nhà nước.

Hãng Phim truyện 1, khả quan hơn hai hãng phim đàn anh khi là hãng phim hiện tại có doanh thu. Tuy nhiên, con số cũng rất khiêm tốn. Theo thông tin từ Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), doanh thu năm 2022 của Hãng Phim truyện I là 13,1 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước cũng thông báo việc chào bán cạnh tranh vốn tại Công ty Cổ phần Phim truyện 1.

Trong ba cái tên "vang bóng một thời" , thì phải thừa nhận, Hãng Phim truyện I vẫn có những nỗ lực để thay đổi trong xu thế làm phim mới. Nhưng trong danh sách loạt phim hãng sản xuất năm 2022-2023 như: "Phượng cháy", "Đào, phở và piano"... không mấy khả quan. Mới đây nhất, cuối năm 2023, bộ phim "Đào, phở và piano" do Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, Công ty Cổ phần Phim truyện I sản xuất ra mắt cùng "Đất rừng phương Nam" nhưng bị "chìm nghỉm". Ngay cả khi được xếp lịch ra rạp, "Đào, phở và piano" cũng khó có thể gây nên cơn sốt phòng vé.

Rõ ràng, dù phim nhà nước đặt hàng hay phim tư nhân, thì điều cốt lõi vẫn là tư duy làm phim của các đạo diễn phải thay đổi. Hơn một thập niên qua, câu chuyện các hãng phim nhà nước sản xuất phim theo đơn đặt hàng vẫn là đề tài nóng của báo chí. Bởi, những bộ phim đó đều rơi vào tình trạng đắp chiếu bởi lối làm phim sáo mòn, cũ kỹ. "Đó là một sự lãng phí rất lớn về tiền bạc và nguồn nhân lực" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội - đã khẳng định như vậy trong cuộc họp về công nghiệp văn hóa, mà điện ảnh là một mũi nhọn.

Vậy phải thay đổi thế nào, cổ phần hóa ra sao trong bối cảnh làm phim đã thay đổi. Trong khi chờ đợi những quyết sách mạnh mẽ từ Chính phủ về vấn đề cổ phần hóa, thì nghệ sĩ, những nhà làm phim cũng cần thay đổi tư duy. Điện ảnh được xác định là một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, chúng ta đã có những bộ phim doanh thu triệu đô, vài triệu đô. Câu chuyện nghệ thuật và doanh thu phải luôn rõ ràng, sòng phẳng, không thể dựa vào "bầu sữa" của nhà nước để làm những bộ phim chỉ chiếu cho giới làm nghề xem rồi đắp chiếu. Trong khi rất nhiều dự án làm phim trẻ, mới lại thiếu vốn, phải chạy đôn chạy đáo đi xin tài trợ. Bản thân đề tài lịch sử, văn hóa không có lỗi, lỗi ở những nhà làm phim không tạo được những bộ phim thu hút khách.

Chúng ta ngậm ngùi và thương tiếc cho những cái tên đã từng vang bóng trong quá khứ, góp phần làm nên một thời vàng son của nền điện ảnh cách mạng. Đó là di sản chúng ta cần gìn giữ và có những cách ứng xử văn minh hơn, trân trọng hơn với quá khứ. Nhưng, điện ảnh là một nền công nghiệp, nó luôn vận hành, thay đổi theo thời gian. Chúng ta cần bước tiếp để phát huy những di sản đó trong đời sống hôm nay, chứ không thể ôm mãi cái bóng của hào quang xưa cũ.

V.Hà
.
.