Các đạo diễn nữ cần nhiều hơn những cơ hội làm phim

Thứ Năm, 28/10/2021, 15:23

“Với nền điện ảnh Việt Nam đương đại, nhà làm phim nữ có vị trí, vài trò, tiếng nói, sức mạnh và tài năng. Nhưng những cơ hội với nhà làm phim nữ hay nhà làm phim nói chung ở trong nước còn quá ít ỏi. Chúng tôi cần sự hỗ trợ thiết thực bằng các chương trình hành động cụ thể hay cả những cam kết tài chính”. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ trong Hội thảo về bình đẳng giới trong lĩnh vực điện ảnh “In her Voice”.

Phụ nữ làm phim khó chu toàn

Ở Việt Nam, cho đến nay, chưa có một thống kê cụ thể về sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực điện ảnh, một lĩnh vực mà nhiều người mặc định nam giới có ưu thế hơn. Tại hội thảo “In her Voice” vừa được tổ chức trực tuyến, đạo diễn, NSND Nhuệ Giang chia sẻ, bố bà, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã phản đối khi con gái Nhuệ Giang muốn theo nghiệp đạo diễn như mình. “Một nghề quá khó khăn, đừng tưởng bở dễ  dàng”, ông nói, nhưng cô gái Nhuệ Giang vẫn quyết định theo. Bà gần như là sinh viên nữ duy nhất của lớp đạo diễn điện ảnh (Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội) năm ấy, tỷ lệ nam/nữ là 1/10.

đạo diễn, nsnd thanh vân và đạo diễn, nsnd nhuệ giang tại hội thảo.jpg -0
Đạo diễn, NSND Thanh Vân và đạo diễn, NSND Nhuệ Giang tại hội thảo.

Đến khi ra đường, nữ đạo diễn cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nhận được phim, nhất là từ các quỹ nhà nước, họ tin tưởng nam giới hơn. Vì nhiều người quan niệm nam giới mạnh mẽ hơn, nhiều kinh nghiệm hơn và được việc hơn.

Theo bà, bất bình đẳng giới trong điện ảnh thời trước xảy ra nhiều hơn. Phụ nữ làm phim gặp rất nhiều khó khăn, và một trong những khó khăn bà phải đối mặt đó là không biết... uống rượu. “Để thuyết phục người khác cộng tác theo ý mình, có khi phải ngồi ăn uống với họ”. Bà kể, có lần bà thuyết phục người lái xe đi vào bối cảnh cách Sapa 30km, đường đi khó khăn, bà đã phải nhờ chồng mình, đạo diễn Thanh Vân biết uống rượu ngồi với họ và thuyết phục.

Đạo diễn Nhuệ Giang cũng thừa nhận, đòi hỏi một người phụ nữ vừa làm phim vừa nấu ăn ngon rất khó. “Làm phim như tôi khó có thể chu toàn việc gia đình, đảm việc nước được. Nhất là những lúc đi làm phim, nhà cửa không thể gọn gàng, bữa cơm cũng có lúc xộc xệch. Tuy nhiên, khi làm phim thì không có khái niệm nam hay nữ, chỉ làm thế nào thật tốt, đảm bảo nghệ thuật và thu vén vừa vặn số tiền tài trợ”.

Tuy nhiên, theo đạo diễn Nhuệ Giang, hiện nay ở Việt Nam chưa có một cơ chế ưu tiên nào dành cho nữ giới trong lĩnh vực làm phim. Cùng đồng quan điểm về vấn đề này, đạo diễn Nguyễn Hoàng điệp chia sẻ: “Hiện nay ở Việt Nam chưa có quỹ điện ảnh nào dành cho phụ nữ và phụ nữ cũng không nhận được một ưu tiên nào trong lĩnh vực này. Thực tế, các nhà làm phim nói chung đều chưa có sự hỗ trợ chứ không riêng gì nữ giới”. Theo chị, ở Việt Nam chưa có một báo cáo nào về vấn đề bình đẳng giới trong ngành điện ảnh. Tuy nhiên, trước sau gì Việt Nam cũng sẽ phải nghĩ đến việc này khi điện ảnh Việt hội nhập đủ sâu với thế giới. “Chúng tôi hay có những nhận xét cảm tính thay vì định tính về tỷ lệ các nhà làm phim nữ, những cơ hội họ đạt được chứ chưa có một báo cáo đầy đủ về việc này”. Chị khẳng định.

Thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Canada, Thụy Sĩ, cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Tuy nhiên, ở các quốc gia phát triển này, họ đã có những nghiên cứu, thống kê cụ thể về số lượng các nhà làm phim nữ. “Ở Thụy Sĩ, nhiều năm trước, chúng tôi đã phân tích và nhận thấy rằng tỷ lệ nam giới và nữ giới trong ngành điện ảnh là 50 - 50 nhưng nhiều nhà làm phim nữ đã không trụ được vì mức hỗ trợ cho họ quá thấp, tương đương tỷ lệ 20%, trong khi đó với nam giới là 80%. Ngay cả ở Hollywood, cũng có thể thấy sự kỳ thị, phân biệt đối xử về giới. Nhà làm phim nữ vừa phải cố làm phim thật tốt, vừa phải đi vận động để được ghi nhận vai trò tốt hơn trong xã hội”, đạo diễn, biên kịch người Thụy Sĩ Petra Volpe nói.

cảnh trong phim miền ký ức của đạo diễn bùi kim quy đang tham dự liên hoan phim busan.jpg -0
Cảnh trong phim “Miền Ký ức” của đạo diễn Bùi Kim Quy đang tham dự liên hoan phim Busan.

 Còn tại Hàn Quốc, chị Yoonhyung Jeon, chuyên gia thẩm định phim Hàn Quốc Kofic cho biết, để thúc đẩy bình đẳng giới, Hàn Quốc đã có nhiều hoạt động như thành lập Trung tâm Bình đẳng giới, ra đời năm 2018, thực hiện những báo cáo về tình trạng lạm dụng tình dục hay phát động phong trào Me Too... Theo Yoonhyung Joen, ở Hàn Quốc cũng có những vấn đề về bất bình đẳng giới trong lĩnh vực điện ảnh, nhưng những năm gần đây đã được cải thiện. Nữ giới chiếm số lượng nhiều hơn, có một số nhà làm phim nữ độc lập đã nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ tài trợ. “Những nhà tư vấn về chính sách ở Hàn Quốc đã tư vấn về vấn đề bình đẳng giới trong điện ảnh, họ có thống kê con số về số lượng nữ giới, những cơ hội của người nữ, và có kênh KPI đánh giá chỉ số bình đẳng để kịp thời hỗ trợ những người nữ trong lĩnh vực này”.

Các nhà làm phim nữ cần nhiều hơn những cơ hội

Trước đây, ở Việt Nam có những vấn đề về bất bình đẳng giới trong lĩnh vực điện ảnh. Nhiều năm trở lại đây, tình trạng này có được cải thiện, khi trong một lớp học đạo diễn, tỷ lệ nam-nữ đã là 50-50. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng cho rằng, khi giảng dạy tại Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, chị nhận thấy tỷ lệ sinh viên nữ đậu vào trường cao và thuyết phục hơn. Chị chia sẻ: “Có rất nhiều nhà làm phim nữ trẻ đã sớm bộc lộ tài năng. Chẳng hạn trong số 5 dự án xuất sắc của cuộc thi dự án phim ngắn CJ 2021, có tới 3 dự án của các nhà làm phim nữ. Những người nữ thi vào ngành điện ảnh, học điện ảnh và thực hành điện ảnh ngày càng đông, đó là những nhà làm phim trẻ, năng động, giỏi ngoại ngữ”.

“IN HER VOICE” nằm khuôn khổ dự án E-Motions nhằm thúc đẩy, kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim do UNESCO và các đối tác thực hiện với sự hỗ trợ từ quỹ tín thác của Nhật Bản. Trước thực trạng các nhà làm phim nữ còn gặp nhiều rào cản và tiếng nói chưa thực sự được lắng nghe, tọa đàm mong muốn hiểu được nhu cầu và nguyện vọng riêng của họ, tạo ra mạng lưới kết nối và kiến tạo những cơ hội mới cho họ.

“Tôi quan niệm làm phim là cách để giúp thế giới của chúng ta có nhiều hơn sự thấu cảm, biết những nền văn hóa khác nhau, lắng nghe những câu chuyện, những tiếng nói... Thế nên, đừng nản hay lo ngại có nhiều hay ít nhà làm phim nam hoặc ngại họ lấn át. Điều quan trọng là câu chuyện kể của bạn có hấp dẫn không, bạn sẽ kể nó như thế nào, gửi tiếng nói của bạn qua đó ra sao. Điều quan trọng hơn hết là bạn hãy tập trung vào điều mình thật sự muốn làm” - đạo diễn Petra Volpe chia sẻ.

Bảo Linh
.
.