Ca trù chịu cảnh cơm nguội, canh lạnh?

Thứ Sáu, 24/02/2023, 15:18

Ca trù, loại hình nghệ thuật độc đáo xuất hiện từ hàng trăm năm nay ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ, trải qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm, khắc nghiệt, tưởng như ca trù bị thất truyền, các ca nương, nhạc công phải đổi nghề, rời xa chốn Tổ, không còn tiếng phách giòn vang, tiếng trống chầu rộn rã, tiếng đàn đáy dặt dìu mê đắm, tiếng hát của ca nương gieo vào lòng người nỗi nhớ thương vô hạn.

Nhưng rồi, như một phép mầu kì diệu, vào đầu những năm 2000 cho đến nay ca trù lại trở mình hồi sinh, như cây cỏ mùa xuân vươn nhánh, đâm cành. Hàng loạt các câu lạc bộ (CLB), giáo phường ra đời hoạt động từ Hà Nội, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Bắc Ninh… Tuy nhiên, trong thời đại của kỷ nguyên số, thế giới phẳng, sự du nhập các loại hình nghệ thuật khác, đặc biệt là âm nhạc phương Tây dành cho giới trẻ, nhiều người lo ngại liệu ca trù - di sản văn hóa phi vật thể này còn đất sống, hay phải chịu cảnh cơm nguội, canh lạnh?!

untitled-2.jpg -0
Nghệ nhân Nhân dân Phó Thị Kim Đức biểu diễn ca trù.

Hồng Hồng Tuyết Tuyết/ Mới ngày nào chửa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoát có xa gì?/ Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…” là những câu hát nói lưu truyền rất nổi tiếng trong dân gian, và nếu như bạn không định hiểu ca trù là gì nhưng cũng phải gật đầu công nhận “Hồng Hồng Tuyết Tuyết…” đích thị tiêu biểu cho ca trù, và nhắc đến ca trù thì không thể không biết cái câu mộng mộng, mơ mơ, nửa khinh bạc, nửa ngang tàng sương gió ấy. Khác với các loại hình âm nhạc cổ truyền khác, ca trù có lối hát độc đáo là hát nói, và các yếu tố khuôn khổ, câu kết thúc, vần luật chặt chẽ nhưng khi qua tiếng đàn tình tự của nhạc công, qua tiếng hát của ca nương lúc tha thiết dặt dìu, mềm mại như mây tuyết, lúc lại mạnh mẽ như thác đổ.

Những tao nhân, mặc khách nức tiếng đều ít nhiều có dan díu tình với ca trù. Cao Bá Quát với “Tự tình”, “ Phận hồng nhan mong manh… Nguyễn Công Trứ với “Kiếp nhân sinh”, “Trần ai ai dễ biết ai”, “Chơi xuân kẻo hết xuân đi”….; Dương Khuê với “Hồng hồng, tuyết tuyết”; Chu Mạnh Trinh với “Hương Sơn phong cảnh”; Tản Đà với “Xuân tình”, “Trần ai tri kỷ”; Nguyễn Khuyến với “Duyên nợ”, “Hỏi phỗng đá”; Nguyễn Thượng Hiền với “Chơi chùa Thầy”; Tế Xương với “Hát cô đầu”.

Ngay kể cả sau này, những bậc ưu tú như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… đều say đắm ca trù cả. Trong căn phòng nhỏ, đèn dầu tù mù leo lét sáng, ca nương hay còn được gọi là đào nương ngồi trên chiếu, tấm áo dài lụa tứ thân ôm lấy thân hình đang tuổi xuân thì, mở khẩu hình cất giọng tròn vành rõ chữ, bàn tay lên xuống nhịp nhàng gõ phách. Đằng kia, mấy khách văn nhân tay nâng chén rượu, tiếng hát hòa với men rượu, say càng thêm say.

Giờ đây, trong lúc hồi tưởng về quá khứ, những nghệ nhân già vẫn nhớ như in về một thời xưa cũ - một thời tuổi trẻ gắn với nghiệp cầm ca. Thời đó, giáo phường ca trù ồn ào nằm trong con ngõ ngoằn ngoèo trên phố Khâm Thiên, rồi giáo phường ca trù trên phố Thái Hà, Chùa Bộc. Khách đến nghe ca nương (đào nương) hát ca trù riết, đâm quen mà thành nghiện. Nghe hát ca trù dần thay tên đổi họ và người ta gọi là hát ả đào.

Từ ngày ca trù được UNESCO vinh danh là văn hóa phi vật thể của nhân loại, để bảo tồn vốn di sản ca trù quý báu của ông cha, đã có nhiều hoạt động thiết thực đến từ các nghệ nhân và chính quyền địa phương. Hàng loạt các câu lạc bộ ca trù được thành lập. Trong làng ca trù vẫn nức danh những nghệ nhân nức tiếng như cụ: Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Chúc, Phó Thị Kim Đức, Đinh Khắc Ban, Đinh Thị Nghĩa, Đinh Thị Bản… và còn rất nhiều những nghệ nhân khác nằm rải rác đâu đó khắp các phường xã xa xôi.

Cái khó là các nghệ nhân người còn người mất, người đã quá cao tuổi nên có khó khăn và vất vả trong lúc truyền dạy. Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức có bà là cụ Phó Thị Yến, một nghệ nhân ca trù tinh hoa của Hà Nội, còn cha bà là ông Phó Đình Ổn, một kép hát tài danh, đã có thời làm quản ca tại giáo phường Khâm Thiên, một giáo phường nức tiếng trước năm 1945. Năm 13 tuổi, Kim Đức theo chân cha và anh chính thức trở thành ca nương.

Sau Cách mạng Tháng 8, ca trù gần như bị lãng quên, các ca nương và nhạc công không còn đất để kiếm sống, họ xoay sang làm những công việc khác. Đôi khi những ca nương như bà vẫn rưng rưng nhớ về ca trù với sự mong mỏi: “Biết đâu, một ngày nào đó ca trù sẽ chính thức quay trở lại”.

Năm 2009, ca trù chính thức được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại và cần được bảo vệ khẩn cấp. Lúc này đây, người ta đi tìm đến những nghệ nhân như bà mong được hướng dẫn, chỉ giáo. Buồn thay, một số nghệ nhân tài danh vì tuổi cao sức yếu đã dần ra đi, nhưng một số tinh hoa vẫn còn lại và sẵn sàng truyền dạy, không quản ngày đêm, không quản nắng mưa cho các lớp thế hệ sau này.

untitled-1.jpg -0
Một tiết mục biểu diễn ca trù.

Nghệ nhân Nhân dân Phó Thị Kim Đức bảo: “Nhiều người đến xin học ca trù nhưng họ không yêu đến mức tha thiết, đến mức sống chết với nghề như ngày xưa thời của chúng tôi. Bây giờ họ chỉ coi ca trù là một môn nghệ thuật sang, học chơi chơi cho biết”.

Chính vì thế, nên Nghệ nhân Nhân dân Kim Đức rất kĩ lưỡng trong việc nhận học trò. Với bà, người theo ca trù thà ít nhưng tinh, để người ta có thể kế thừa, và nghệ thuật ca trù ngoài năng khiếu trời cho còn phải rất công phu luyện tập, cái tâm phải vững, cái trí phải bền, đã quyết tâm theo là phải theo đến cùng. Tiếng ca, tiếng phách hòa cùng tiếng đàn cất lên, ca trù chắc chắn phải là ca trù chứ không được pha tạp, lai căng lung tung. Đã từng chỉ dậy nhiều học trò cũng có tên tuổi trong làng văn nghệ như: NSƯT Xuân Hoạch, NSƯT Đặng Công Hưng, NSƯT Đoàn Thanh Bình, NSƯT Lê Thị Bạch Vân (người sáng lập ra CLB Ca trù Hà Nội) …

Qua những đợt xét tặng Nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú, loại hình nghệ thuật ca trù luôn được các cấp, các ban ngành đặc biệt quan tâm, cũng là môn nghệ thuật có nhiều Nghệ nhân Nhân dân và Ưu tú được phong tặng. Từ nhiều năm nay, để bảo tồn và phát triển ca trù đã có nhiều CLB được thành lập, từ Thủ đô cho đến khắp các tỉnh thành, tuy nhiên cái khó là do thị hiếu của khán giả, ca trù ngày càng đứng trước những thách thức khó khăn để tồn tại.

CLB ca trù Hà Nội thường biểu diễn ở Bích Câu đạo Quán và Đình Kim Ngân (phố hàng Bạc), CLB ca trù Cầu Đơ, CLB ca trù Yên Nghĩa (Hà Đông), Trung tâm UNESCO ca trù (quận Ba Đình) lâm vào tình cảnh thưa thớt khán giả nên điều đó đồng nghĩa với việc điều kiện kinh tế giảm sút, một số các CLB đã phải rã đám. Một số các nghệ nhân vẫn đau đáu với nghề mở lớp tại nhà truyền dạy cho con cháu họ hàng, mang tính chất, phạm vi trong gia đình.

Có lẽ, cũng chưa khi nào nhu cầu giải trí của con người lại nhiều như bây giờ, nhưng khách hàng đã có quá nhiều sự lựa chọn. Vô vàn kênh truyền hình giải trí, các chương trình truyền hình thực tế game show hấp dẫn, hàng loạt các loại dễ gây nghiện khác như Facebook, TikTok, các trang báo mạng, các loại hình âm nhạc vô cùng sôi động cuốn hút, nền âm nhạc hiện đại du nhập từ nước ngoài nhanh chóng trở thành trào lưu của giới trẻ. Ca trù vẫn đứng riêng ở một góc nào đó, trong một không gian riêng, yên bình, thư thái. Người ta đến thưởng thức ca trù như bỏ lại bao ồn ã của đời sống thường nhật nhưng chiếm một lượng khách vô cùng khiêm tốn. Đơn giản, ca trù là loại hình nghệ thuật không dễ nghe và cũng không dễ thích.

Do điều kiện hoàn cảnh biến đổi của xã hội, các CLB hiện nay hoạt động không còn sôi nổi như cách đây chục năm về trước. Các nghệ nhân tuổi cao sức yếu theo năm tháng lần lượt ra đi. Ca nương trẻ do nhu cầu của cuộc sống nên không còn nhiều hứng thú, tha thiết với nghề, đây thực sự là một bài toán khó mà chưa có lời giải.

Trần Mỹ Hiền
.
.