Ca sĩ Việt Thành thần tượng K-Pop: Chưa đi đường dài, đừng quen ngựa hay
Mới đây, thông tin chàng trai người Yên Bái - Ngô Ngọc Hưng (nghệ danh Hanbin) chính thức trở thành thành viên của nhóm nhạc thần tượng K-pop Tempest khiến dư luận trong nước được phen trầm trồ. Báo đài, truyền thông đưa tin rần rần. Người hâm mộ thì hồ hởi chúc mừng. Có lẽ ít người biết trước Hanbin, đã có một vài ca sĩ Việt trở thành thần tượng K-pop và nhanh chóng mất hút ở thị trường xứ kim chi sau màn ra mắt rầm rộ.
Nhóm nhạc Tempest gồm có bảy thành viên, thuộc sự quản lý của Công ty Yuehua Entertainment. Định hướng phát triển của nhóm hướng tới hình ảnh tươi sáng, phong cách trình diễn mạnh mẽ. Đây là nhóm nhạc nam đầu tiên của Yuehua Entertainment- Công ty giải trí Trung Quốc có chi nhánh tại Hàn Quốc. Chàng trai Hanbin - Ngô Ngọc Hưng là thành viên thứ năm của nhóm, anh sở hữu khả năng vũ đạo và ca hát tốt.
Khi còn ở Việt Nam, Hanbin đã gây chú ý với người hâm mộ khi cùng bạn bè thể hiện lại các màn vũ đạo đẹp mắt của nhóm nhạc Hàn ở phố đi bộ Hà Nội. Nhưng tên tuổi chàng trai sinh năm 1998 này chỉ bắt đầu nổi lên trong năm 2020 khi anh tham gia chương trình sống còn nổi tiếng I-Land, do Big Hit (Công ty quản lý nhóm nhạc K- pop nổi tiếng BTS) tổ chức. Mặc dù không giành được suất ra mắt sau cuộc thi, song Ngọc Hưng vẫn được nhiều người hâm mộ yêu mến. Thực tập sinh Việt Nam được khen ngợi bởi kỹ năng nhảy và vẻ ngoài dễ thương, thân thiện. Tháng 6-2021, Ngọc Hưng đầu quân về Yuehua Entertainment và chính thức trở thành thành viên của Tempest vào đầu năm nay.
Thông tin về nhóm Tempest đã khiến tên tuổi Hanbin nhanh chóng phủ sóng khắp mặt báo và các diễn đàn mạng xã hội trong nước. Đa số gửi lời chúc mừng tới Hanbin và bày tỏ sự phấn khích khi cứ ngỡ đây là lần đầu Việt Nam có ca sĩ góp mặt trong nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc. Nhưng nếu theo dõi sát sao thị trường âm nhạc xứ kim chi, người hâm mộ sẽ nhận ra đã có khá nhiều nghệ sĩ Việt trở thành ca sĩ thần tượng K-pop.
Tiên phong chính là Nguyễn Hải Yến. Cô gia nhập nhóm M.I.S.O vào năm 2008. Sáu năm sau, Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc với nghệ danh Jade Nguyễn, được thông báo là một trong sáu thành viên của nhóm A- Daily. Nhờ vẻ ngoài nổi bật, Jade Nguyễn đóng vai nữ chính trong MV “If you don’t tell me” - sản phẩm chào sân của nhóm A-Daily. Tuy nhiên, cô không được xuất hiện trong phần hát và nhảy, cũng không tham gia các sân khấu âm nhạc trên sóng truyền hình. Triển vọng hơn Jade một chút là Ivone Diệu Linh. Cô không tham gia nhóm nhạc mà định hướng thành ca sĩ solo khi thực hiện MV “Better day”, kết hợp với nữ ca sĩ Hàn Quốc - Taera.
Hai giọng ca trẻ cùng xuất hiện trong chương trình âm nhạc “Show! Champion” để quảng bá ca khúc. Sân khấu này giúp Ivone là giọng ca Việt đầu tiên xuất hiện trong hệ thống chương trình âm nhạc hàng tuần của Hàn Quốc.
Năm 2019, làng giải trí Hàn Quốc được phen xôn xao khi ra mắt hai nhóm nhạc đa quốc tịch Z-Girls và Z-Boys (thuộc dự án Z-Pop Dream của Công ty giải trí Zenith Media Contents). Cả hai nhóm đều sở hữu thành viên người Việt. Nhóm nữ Z-Girls có Queen (tên thật là Lục Quyên) và nhóm nam Z-Boys có Roy (tên thật Hoài Bảo). Queen đảm nhận vai trò rapper của nhóm còn Roy là giọng ca chính. Trước Hanbin một thời gian ngắn, Trâm Anh cũng chính thức trở thành nữ ca sĩ thần tượng K-pop. Cô là một trong sáu thành viên của nhóm nhạc Beauty Box với nghệ danh là Anh. Nhóm vừa tung ra sản phẩm âm nhạc đầu tay vào cuối năm ngoái.
Để trở thành ca sĩ thần tượng ở Hàn Quốc có dễ không? Xin thưa: Cực kỳ khó. Ngoài ngoại hình bắt mắt, các thực tập sinh phải rèn ngày rèn đêm từ thanh nhạc, vũ đạo đến giao tiếp, ứng xử, giữ dáng... với lịch tập vô cùng khắc nghiệt mới được vào vòng tuyển chọn. Và phải phấn đấu trầy vi tróc vảy họ mới chính thức trở thành thần tượng K-pop. K-pop dùng khái niệm thần tượng thay cho ca sĩ hoặc nghệ sĩ như một bảo chứng cho việc nổi tiếng xuyên quốc gia ngay khi mới lộ diện.
Hễ trở thành thành viên trong nhóm nhạc hay ra mắt sản phẩm ở xứ kim chi thì họ đã được gọi ngay bằng danh xưng mĩ miều là thần tượng K-pop. Nhưng đó mới chỉ là màn chào sân. Để được khán giả hâm mộ và hò hét, reo vang tên tuổi như các nhóm nhạc nổi danh thực thụ ở Hàn Quốc, phía trước họ là hành trình còn rất dài và cam go. Queen cho biết: khi còn hoạt động trong nhóm Z- Girls, nhằm giữ vóc dáng đẹp, cô phải nhịn ăn đến ngất xỉu. “Chúng tôi phải tập luyện ít nhất 12 đến 15 giờ mỗi ngày. Hàng ngày, chúng tôi bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khi trời đã khuya. Càng gần ngày ghi hình hay lên sân khấu, cường độ tập luyện càng khắc nghiệt" - Queen tiết lộ.
Dù tiêu chí để thành thần tượng K-pop khó nhằn như thế nhưng hằng năm, các nhóm nhạc ra đời sòn sòn như gà đẻ trứng. Trung bình một năm có tới 80 nhóm nhạc thần tượng ra mắt với tổng số hơn 300 người. Các nhóm nhạc quá nhiều trong khi phong cách, hình ảnh na ná nhau khiến người hâm mộ không phân biệt nổi nhóm nào với nhóm nào. Nên chẳng ngạc nhiên khi một nhóm có màn chào sân rầm rộ với đủ kiểu “nổ” vang trời nhưng một thời gian ngắn sau đó thì đã tuyên bố đường ai nấy đi. Đó là chuyện cơm bữa trong làng giải trí xứ Hàn.
Dù tích cực đổi mới nhưng các nhóm có thành viên là người ngoại quốc cũng chung số phận. Hai nhóm nhạc Z-Girls và Z-Boys là ví dụ điển hình. Khỏi phải nói khi trình làng, các fans nhà mình nức lòng như thế nào khi hai nhóm đều sở hữu thành viên người Việt. Ngoài việc biểu diễn tại Hàn Quốc, mỗi thành viên được công ty bố trí quản lý riêng và lên kế hoạch biểu diễn quảng bá tại quốc gia quê nhà.
Công ty Zenith Media Contents hứa hẹn hai nhóm sẽ sớm càn quét thị trường âm nhạc quốc tế dù họ chỉ được đào tạo vỏn vẹn 4 tháng (trong khi thời gian đào tạo thông thường là khoảng một năm). Nhưng chưa đầy một năm, hai nhóm đã bị khán giả của chính xứ sở kim chi tẩy chay, truyền hình thì cấm sóng vì hai nhóm đều không sở hữu thành viên người Hàn. Bên cạnh đó, họ lại hát tiếng Anh chứ không phải tiếng Hàn - điều mà khán giả bản địa không hề yêu thích.
Dù định hướng phong cách là nhóm nhạc thần tượng, Z-Boys, Z-Girls không được các nhà sản xuất show âm nhạc ở Hàn Quốc chào đón. Người sáng lập dự án Z-Pop Dream tiết lộ rằng, các chương trình ca nhạc muốn K-pop và các bài hát tiếng Hàn, thế nên hai nhóm đa quốc tịch này bị coi là không phù hợp.
Sau khi phát hành ca khúc "Streets of Gold" và "Holla Holla" vào tháng 7-2019, đến nay Z-Boys và Z-Girls không có thêm bất kì sản phẩm nào nữa. Kênh YouTube Z-POP Dream chỉ cập nhật cầm chừng với nội dung phục vụ fans. Hai năm qua, Queen và Roy vẫn là những cái tên kém nổi ở xứ Hàn. Không lâu sau đó, nhóm tan rã mà không kèn không trống. Về Việt Nam hoạt động, Queen và Roy kết hợp cho ra mắt MV "Chị ơi mình yêu thôi". Nhưng MV không mấy gây chú ý với người hâm mộ trong nước. Đến nay, Queen và Roy vẫn là những nghệ sĩ vô danh tiểu tốt ở Việt Nam. Các nhóm nhạc có thành viên người Việt như M.I.S.O, A-Daily… cũng sớm nở tối tàn khi chưa để lại bất kỳ một dấu ấn nào.
Mô hình nhóm nhạc thần tượng nói riêng và làn sóng Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc) đã và đang trên đà thoái trào. Nếu như 15 năm trước, các nhóm nhạc Hàn Quốc khuynh đảo thị trường âm nhạc thế giới có thể kể ra một bảng danh sách dài với những cái tên đình đám như Wonder Girls, Big Bang, Supper Junior, T-ara, SNSD… thì bây giờ, nhắc đến nhóm nhạc Hàn, người ta chỉ còn đọng lại mỗi tên tuổi BTS.
Trở nên nổi tiếng như những nhóm nhạc K-pop đời đầu là giấc mộng xa vời với rất nhiều ca sĩ bản địa, huống hồ là ca sĩ ngoại quốc như Việt Nam. Hành trình tìm kiếm hào quang ở xứ người của nghệ sĩ Việt càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Rào cản ngôn ngữ, văn hóa và định hướng của công ty chủ quản vẫn là thử thách cam go mà nghệ sĩ Việt phải vượt qua. Để tồn tại và nổi bật trong giới K-pop khắc nghiệt, họ phải khác biệt: Khác biệt bằng tài năng chứ không phải bằng quốc tịch.
Hanbin trở thành thần tượng K-pop, đó là điều đáng mừng sau những nỗ lực không ngừng của cậu ấy. Tuy nhiên, từ những cái dớp của đàn anh, đàn chị đi trước, công chúng không nên quá kỳ vọng vào Hanbin và Tempest. Bởi chẳng ai lường được ngày hợp tan của những nhóm nhạc K-pop thời nay dù Hanbin có thổ lộ rằng: “Tôi mong Tempest sẽ nổi tiếng toàn cầu như nhóm BTS”.