Bùng phát hoa hậu có lợi gì?
Sau hai năm chống chọi COVID-19, biểu hiện rõ nhất của đời sống văn hóa thích ứng bình thường mới chính là sự nở rộ trở lại các cuộc thi nhan sắc. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 11 cuộc thi Hoa hậu được tổ chức trên cả nước. Khi xã hội bùng phát hoa hậu thì có lợi gì cho công chúng?
So với trước đây, thì bây giờ xin phép tổ chức một cuộc thi hoa hậu tương đối dễ dàng. Nghị định số 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ đã mở rộng biên độ cho các sân chơi thi chọn người đẹp, vì không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi được tổ chức hàng năm và cũng bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Đặc biệt, các cuộc thi Hoa hậu thay vì phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, thì chỉ cần thông qua UBND cấp tỉnh, thành phố.
Vậy là nhiều công ty giải trí nhảy bổ vào thị trường đầy tiềm năng này từ những gót ngà bước ngọc của các mỹ nhân. Tính đến nay, có thể liệt kê một danh sách dài các cuộc thi nhan sắc đã được chủ đầu tư đăng ký bản quyền, gồm: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Đại dương, Hoa hậu Biển đảo, Hoa hậu Áo dài, Hoa hậu Du lịch, Hoa hậu Du lịch Biển Việt Nam, Hoa hậu Đại sứ du lịch Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu chuyển giới Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân toàn cầu, Hoa hậu Quý bà liên hiệp quốc Việt Nam...
Khi giới mộ điệu không thể nhớ hết tên các cuộc thi hoa hậu, thì thái độ bỉ bai cũng nổi lên. Trên các diễn đàn, khán giả bắt đầu hoài nghi giá trị thực sự của việc tuyển chọn người đẹp ồn ào và ồ ạt. Trên thực tế, dung mạo và tài năng là hai thứ vưu vật do Thượng đế rộng lượng ban tặng cho một vài người, mà dung mạo trong mọi hoàn cảnh thường dễ được phát hiện và dễ được công nhận hơn tài năng. Tuy nhiên, sử dụng vưu vật ấy như thế nào, lại là một chuyện không hề đơn giản.
Số tiền thưởng cho cô gái đoạt danh hiệu hoa hậu lên đến hàng tỷ đồng, khiến không ít người ngạc nhiên xen lẫn ngưỡng mộ. Phải chăng nhan sắc đang giúp chúng ta tự hào về vốn quý quốc gia? Mỗi cuộc thi một vẻ, hoa cát tường có dáng hoa cát tường mà hoa cẩm chướng có duyên hoa cẩm chướng, không ai khỏa lấp ai được. Trong ánh mắt khắt khe của đám đông cũng vậy, không người nào căn cứ vào qui mô cuộc thi có truyền hình trực tiếp trên tivi hay không, hoặc diễn ra ở khu nghỉ dưỡng cao cấp nào, để đánh giá đẳng cấp hoa hậu.
Vài ông bầu lạc quan đã hào hứng nói rằng, vị trí Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới đang được cải thiện vượt trội. Đó là niềm náo nức khi nhìn vào kết quả Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2012, mà chưa soi rọi một cách đúng đắn hơn. Chỉ cần quan sát, không khó khăn gì để thấy, so với các hoa hậu trên thế giới, thì hoa hậu Việt Nam có sức ảnh hưởng khá khiêm tốn.
Thử phân tích thực trạng sẽ nhận ra không ít nghịch lý trớ trêu. Có thể các hoa hậu có quá nhiều mưu cầu cá nhân, mà cũng có thể các tổ chức xã hội chưa có hành động cụ thể ủng hộ hoa hậu tham gia vào đời sống xã hội. Ở đây, rõ ràng khó có thể trách ai được. Lý do đơn giản nhất là chúng ta mới dừng ở khái niệm hoa hậu của sàn diễn, hoa hậu của tiệc tùng, hoa hậu của hoan hô, hoa hậu của chào đón, hoa hậu của quảng cáo. Từ hai phía, với trách nhiệm và lương tri ở một đất nước khao khát vươn lên, thì hoa hậu nhận một phần lỗi về hoa hậu, và các tổ chức xã hội nhận một phần lỗi về các tổ chức xã hội, vì chúng ta chưa kịp hình thành khái niệm ứng xử của hoa hậu. Nghĩa là, song song với một hoa hậu được vinh danh phải có một hoa hậu được cống hiến!
Người Việt Nam không thể ủ dột mãi trong cảnh bồn chồn, mỗi khi xem tivi thấy Hoa hậu nước Mỹ vận động quyên góp giúp đỡ bệnh nhân nhiễm HIV hay Hoa hậu nước Pháp nói chuyện với sinh viên về công tác bảo vệ môi trường, rồi bất giác thở dài tự hỏi không biết giờ này hoa hậu nước ta đang son phấn rực rỡ dạo gót chân ngà ngọc phiêu lãng nơi nào? Khi không song hành với cái thiện, thì cái đẹp sẽ bộc lộ sự bơ vơ, sự ích kỷ, sự lạnh lùng!
Việt Nam bùng phát hoa hậu, vì tổ chức thi thố nhan sắc có thể kiếm bạc tỷ chăng? Không hề đơn giản, có không ít đơn vị đăng cai cuộc thi hoa hậu đã thua lỗ nặng nề. Cho nên, thay vì đầu tư nâng cao chất lượng thí sinh, thì các cuộc thi hoa hậu săn đón và chào mời tất cả thí sinh để phục vụ cho bài toán kinh tế. Những lời đồn thổi về mua bán danh hiệu vẫn cứ râm ran khắp nơi. Tuy nhiên, rõ ràng nhất là mỗi cuộc thi tha hồ đưa ra hàng chục danh hiệu khác nhau. Ngoài danh hiệu hoa hậu chính, còn có các loại hoa hậu phụ như Hoa hậu Nhân ái, Hoa hậu Áo tắm, Hoa hậu Truyền thông, Hoa hậu Khả ái, Hoa hậu Thân thiện...
Nghị định số 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ không đặt nặng tiền kiểm, nhưng cũng có những quy định hậu kiểm nghiêm túc. Vì vậy, mới đây, đơn vị tổ chức Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 đã bị Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng phạt 20 triệu đồng do hành vi tổ chức cuộc thi không đúng với đề án được cấp phép, có sự thay đổi về Ban Giám khảo, Ban Tổ chức nhưng không thông báo đến cơ quan chức năng. Oái oăm hơn, cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 có đến 6 Á hậu chen chúc nhau trong đêm đăng quang.
Nếu chỉ xem cuộc thi hoa hậu như một trò giải trí, thì hình ảnh hoa hậu sẽ mờ nhạt dần trong cộng đồng. Nhà thơ Dương Kỳ Anh, người khai sinh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, cho rằng những cuộc thi sắc đẹp ở tầm quốc gia thì người đăng quang mới gọi là hoa hậu, còn các cuộc thi tỉnh, thành, ngành nên gọi là Hoa khôi, hay Người đẹp. Chẳng hạn, Hoa khôi Hà Nội, Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long, hay Người đẹp ngành than, Người đẹp ngành chè...
Nếu không sẽ "loạn" danh xưng! Như nhiều người vẫn nói vui hiện nay " ra ngõ là gặp Hoa hậu"... Quan trọng hơn các đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu là cơ quan văn hóa, hoặc có liên quan đến lĩnh vực văn hóa; có kinh nghiệm tổ chức, có đủ kinh phí và phải vì mục đích tôn vinh cái đẹp. Các thành viên Ban Giám khảo cũng phải có quy định những người như thế nào mới được tham gia...
Thi hoa hậu phải là một ngày hội văn hóa để các người đẹp trong cả nước từ biên giới đến hải đảo xa xôi có dịp gặp gỡ, giao lưu, hướng về cái đẹp... Chứ không chỉ cho một số cô gái "ăn trắng, mặc trơn" hết tham gia cuộc thi người đẹp này lại chạy sang cuộc thi người đẹp khác. Cái đẹp, nhất là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thật đáng trân trọng, nâng niu... Vì cái đẹp vốn rất mong manh. Thương mại hóa các cuộc thi sắc đẹp là hỏng!
Liệu các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam sẽ biến tướng theo chiều hướng nào? Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng cảnh tỉnh: "Hiện nay, ở một số cuộc thi tồn tại thực trạng, người có tiền là đi làm... giám khảo. Tôi đã từ chối ngồi ghế giám khảo nhiều cuộc thi hoa hậu vì phản đối việc ca sĩ không tên tuổi, chuyên viên trang điểm, làm tóc, thậm chí chủ spa… không có trình độ chuyên môn cũng đi làm giám khảo. Họ coi đó là cuộc thi hoa hậu cấp phường à? Loạn thi Hoa hậu và loạn Ban Giám khảo, dẫn tới chất lượng thí sinh cũng gây ra tranh cãi".
Bùng phát hoa hậu, nhìn bề ngoài thì có vẻ nhộn nhịp và đông vui, nhưng suy đi nghĩ lại bỗng dưng có chút gì đáng âu lo. Không khéo, mai mốt số lượng hoa hậu sẽ ngang bằng số lượng tiến sĩ ở nước ta.