Bức tranh nghệ thuật thế giới năm 2021: Sức bật văn hóa mang tên châu Á

Thứ Năm, 27/01/2022, 14:37

Năm 2021 khép lại với nhiều "dấu ấn Châu Á" ở khắp các lĩnh vực nghệ thuật từ điện ảnh, truyền hình, âm nhạc đến các cuộc thi nhan sắc... Các chuyên gia nhận định rằng, Châu Á đang là ẩn số thú vị, mảnh đất đầy tiềm năng để phát huy những giá trị nghệ thuật đặc sắc.

1. Dấu ấn đậm nét trong môn nghệ thuật thứ 7

Tại Lễ trao giải Oscar danh giá năm 2021, nữ đạo diễn người Trung Quốc 38 tuổi Chloé Zhao đã giành được giải thưởng "Đạo diễn xuất sắc nhất". Đồng thời bộ phim "Nomadland" về đề tài du mục của cô cũng giành thêm hai tượng vàng là "Phim hay nhất" và "Nữ chính xuất sắc nhất".

Bức tranh nghệ thuật thế giới năm 2021: Sức bật văn hóa mang tên châu Á -0

Chloé Zhao sinh ra và lớn lên ở Bắc Kinh, Trung Quốc trước khi đi du học nước ngoài vào năm 14 tuổi. Cô theo học làm phim ở New York và từng gây chú ý với một số dự án phim độc lập như "Songs My Brothers Taught Me" và "The Rider".  Chiến thắng của đạo diễn Chloé Zhao đã làm nên lịch sử khi trở thành nữ đạo diễn Châu Á đầu tiên giành tượng vàng Oscar. Đồng thời, cô cũng là nữ đạo diễn thứ hai giành giải Oscar trong lịch sử 93 năm lễ trao giải được tổ chức. Cũng trong lễ trao giải Oscar năm nay, một người phụ nữ Châu Á khác là nữ diễn viên Hàn Quốc Youn Yuh Jung, 73 tuổi được vinh danh ở hạng mục "Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất" với vai người bà trong phim "Minari" (đạo diễn Lee Isaac Chung). Bà Youn Yuh Jung trở thành nữ diễn viên Hàn Quốc đầu tiên được đề cử và giành được tượng Oscar.

Tại Liên hoan phim Cannes (tổ chức tháng 7/2021), những đại diện của điện ảnh Châu Á gây chú ý với khán giả và giới phê bình nghệ thuật. Đó là "Drive my car" của đạo diễn Ryusuke Hamaguchi (Nhật Bản) - người đã giành giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Berlin với tác phẩm "Wheel of fortune and fantasy"; "Memoria" của đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasetthakul, người từng giành giải "Cành cọ Vàng" tại liên hoan phim Cannes năm 2010 với tác phẩm phim tâm linh mang tên "Uncle Boomee who can recall his past lives"; phim đầu tay "Gaey Wa'r" của đạo diễn Na Jiazo (Trung Quốc), "In front of your face" của đạo diễn kỳ cựu người Hàn Quốc Hong Sang Soo; tác phẩm về đề tài thảm họa "Emergency declaration" của đạo diễn Han Jae Rim (Hàn Quốc); "Ripples of life" của đạo diễn Wei Shujun, "I'm so sorry" của đạo diễn Zhao Liang (Trung Quốc)…

2021 là năm thứ hai liên tiếp, Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới. Đây cũng là thị trường sở hữu tác phẩm điện ảnh có doanh thu cao nhất thế giới. Dự án "Hồ Trường Tân" đã vượt mặt "No Time To Die" của Mỹ với gần 900 triệu USD để dẫn đầu thị trường điện ảnh thế giới. Điều đáng quan tâm là doanh thu của các bộ phim Trung Quốc gần như đến hoàn toàn từ thị trường nội địa, trong khi phim của kinh đô điện ảnh Hollywood thường đạt doanh thu lớn ở các phòng vé quốc tế.

2. Phim truyền hình Châu Á lên ngôi

Đáng chú ý nhất chính là hiện tượng phim "Squid Games - Trò chơi con mực" của đạo diễn Hwang Dong Hyuk (Hàn Quốc) được phát hành trên Netflix, tạo nên "cơn sốt" trên khắp thị trường Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ. Với 9 tập phim, kinh phí sản xuất hơn 20 triệu USD, "Squid Games" mang về khoản doanh thu khổng lồ lên tới gần 900 triệu USD. Kết quả thống kê cho thấy, hơn 142 triệu hộ gia đình trên toàn thế giới đã xem "Squid Games", lập kỷ lục phim có nhiều người xem nhất trong lịch sử Netflix.

Bức tranh nghệ thuật thế giới năm 2021: Sức bật văn hóa mang tên châu Á -0

"Squid Games" được cho là đã mở ra kỷ nguyên mới cho phim trực tuyến cũng như điện ảnh Hàn Quốc trên thị trường quốc tế. Điều đó làm thay đổi cách nhìn nhận về phim bản địa (phim nói tiếng địa phương, không nói tiếng Anh), phá bỏ rào cản, định kiến về phim không nói tiếng Anh.

Sau gần ba tháng phát hành, "Squid Games" vẫn giữ được thứ hạng cao tại bảng xếp hạng của các quốc gia. "Squid Games" vừa có chính thức ba đề cử ở giải thưởng "Quả cầu Vàng" năm 2022. Đặc biệt, đây là phim truyền hình Châu Á duy nhất góp mặt trong danh sách phim truyền hình xuất sắc, cũng là phim không nói tiếng Anh đầu tiên góp mặt ở hạng mục quan trong này.

Trong năm 2021, những bộ phim truyền hình Châu Á tiếp tục khẳng định sức hút trong khu vực và thế giới. Các nền tảng trực tuyến đã hỗ trợ cho phim truyền hình Châu Á tiếp cận hiệu quả hơn với các thị trường mới. Phim truyền hình Hàn Quốc rất được ưa chuộng ở thị trường Mỹ. Một số bộ phim Hàn sẽ được Mỹ "remake" trong thời gian tới. Giới chuyên môn cho rằng, phim truyền hình Hàn Quốc có sức hút về nội dung, cốt truyện chặt chẽ, sáng tạo, nhân vật đa dạng, nhiều nút thắt kịch tính khiến người xem có cảm giác "như đi tàu lượn cảm xúc". Tương tự như vậỵ, phim truyền hình Trung Quốc ngày càng mở rộng ra ngoài thị trường Châu Á. Các nhà làm phim Trung Quốc ngày càng đa dạng hóa nội dung để có thể tiếp cận thị trường phương Tây.

3. Ban nhạc Châu Á quyền lực nhất thế giới

Sự ảnh hưởng của âm nhạc Châu Á với thế giới trong những năm qua không thể không nhắc tới làn sóng âm nhạc Hàn Quốc, trong đó BTS là một điển hình. Năm 2021 tiếp tục là một năm đại thắng của ban nhạc nam đình đám này khi "càn quét" nhiều bảng xếp hạng âm nhạc danh giá. Tờ Korea Herald của Hàn Quốc cho hay, BTS được đánh giá là nhóm nhạc nam thành công nhất thế giới.

Bức tranh nghệ thuật thế giới năm 2021: Sức bật văn hóa mang tên châu Á -0

Năm 2020, BTS trở thành nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc Billboard Hot 100. Thành tích này tiếp tục được duy trì với hai ca khúc phát hành sau đó là "Butter" và "Permission To Dance". Với phần lớn khán giả, BTS là thần tượng âm nhạc thành công nhất từ trước đến nay. BTS cũng là nghệ sĩ đầu tiên và duy nhất đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Social 50 trong 200 tuần.

Tại Lễ trao giải thưởng âm nhạc Billboard 2021 (Billboard Music Awards 2021) tổ chức tại Los Angeles, Mỹ cuối tháng 5/2021, BTS giành trọn bốn giải thưởng lớn gồm: "Ca khúc ăn khách nhất" (cho ca khúc "Dynamite"), "Cặp song ca/Nhóm nhạc hàng đầu", "Nghệ sĩ có doanh số bán đĩa cao nhất" và "Nghệ sĩ hàng đầu trên mạng xã hội" (Hạng mục do người hâm mộ bình chọn). Đây là năm thứ 5 liên tiếp, BTS được vinh danh là "Nghệ sĩ hàng đầu trên mạng xã hội". BTS được đánh giá là "nhóm nhạc nam quyền lực nhất thế giới".

4. Sắc đẹp Châu Á tiếp tục tỏa sáng

Trong năm 2021, có hai người đẹp Châu Á đăng quang tại hai cuộc thi nhan sắc lớn nhất hành tinh. "Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe" 2021 là cuộc thi sắc đẹp có lịch sử và quy mô lớn nhất hiện nay. Người đẹp đến từ thành phố Chandigarh, Ấn Độ Harnaaz Sandhu đã giành giải cao nhất của cuộc thi năm nay. Chandigarh được đánh giá cao nhờ thần thái, vẻ đẹp Ấn Độ rạng rỡ cùng vóc dáng cân đối, sự thông minh, năng động trong ứng xử và giao thiệp.

Bức tranh nghệ thuật thế giới năm 2021: Sức bật văn hóa mang tên châu Á -0

Vượt qua 69 người đẹp đại diện các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia đêm chung kết diễn ra tại Băngkok, Thái Lan, Nguyễn Thúc Thùy Tiên, người đẹp đến từ Việt Nam đã giành ngôi vị cao nhất của cuộc thi "Hoa hậu Hòa bình thế giới - Miss Grand International" 2021. Người đẹp khu vực Châu Á như Indonesia, Campuchia cũng lọt top 10 chung cuộc, đại diện Malaysia lọt top 3 trang phục dân tộc đẹp nhất. Đại diện Campuchia cũng đồng thời nhận giải thưởng được khán giả yêu thích nhất.

Tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất (Miss Earth) 2021, người đẹp Thái Lan Baitong Jareerat Petsom giành Á hậu 3 (Miss Earth Fire). Ngoài ra, trong một số cuộc thi sắc đẹp khác, các đại diện Châu Á cũng đạt được thành tích rất ấn tượng.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.