Biên kịch Nguyễn Thu Thủy: "Kể chuyện với một tư duy thuần Việt"

Thứ Năm, 25/08/2022, 14:54

Tối 3/8 vừa qua, tập cuối của bộ phim “Thương ngày nắng về” lên sóng, chính thức khép lại hành trình nhiều cảm xúc của người xem sau gần một năm vui buồn cùng với số phận các nhân vật. Xoay quanh đề tài về gia đình với nội dung ấm áp, nhân văn, bộ phim sở hữu lượng rating "khủng" hiện nay. Với vai trò vừa là biên kịch vừa làm công tác biên tập, chị Nguyễn Thu Thủy đã chia sẻ về quá trình xây dựng kịch bản cho bộ phim này.

-  Chúc mừng chị và ekip đã có một bộ phim được đông đảo khán giả đón nhận và yêu mến. Những ngày qua, tôi đọc được rất nhiều bình luận bày tỏ sự tiếc nuối khi bộ phim “Thương ngày nắng về” kết thúc. Chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình sau khi khép lại dự án ý nghĩa này?

+ Cảm ơn chị. “Thương ngày nắng về” là dự án phim gia đình dài hơi, thời gian xây dựng kịch bản, thời gian sản xuất, thời gian phát sóng dài hơn bất cứ dự án nào tôi từng tham gia. Vậy nên, khi phim khép lại, chúng tôi cảm thấy như vừa kết thúc một cuộc chạy đường trường vậy, vừa bở hơi tai mà cũng vừa nhẹ nhõm. Chúng tôi có thể mỉm cười nhìn về một hành trình không thiếu thử thách nhưng cũng không ít ngọt ngào mà mình đã qua. Một chút vui vì đã hoàn thành công việc, nhưng nhiều hơn cả là sự luyến lưu bịn rịn khi phải chia xa điều mình đã thân quen gắn bó!

untitled-21.jpg -0

- Nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên vì “Thương ngày nắng về” được chuyển thể từ “Morther of Mine” - phim truyền hình gây sốt màn ảnh Hàn Quốc bởi lẽ bộ phim rất đậm chất Việt Nam, với những câu chuyện đời thường mà chúng ta có lẽ đều đã từng bắt gặp. Vậy quá trình Việt hóa tác phẩm này đã diễn ra như thế nào?

+ Remake, mà chúng ta hay gọi là Việt hóa ấy, là công việc sáng tạo nội dung trên một chất liệu đã có sẵn. Điều quan trọng đầu tiên là chất liệu đó như thế nào. “Mother of Mine” là bộ phim gia đình kể về người mẹ góa chồng vất vả nuôi ba cô con gái. Thực ra về mặt motip, nó không khác gì “Về nhà đi con” mà khán giả đã được xem. Thậm chí, hai dự án này còn phát sóng cùng một thời điểm, và từng là lý do để tôi do dự khi được giao dự án này. Nhưng, khi đã là nhiệm vụ, và chúng ta đã nhận, chúng ta cần làm cho thật tốt.

Chúng tôi xem bản gốc để biết điều gì hay thì mình giữ, điều gì mình muốn cắt bỏ và thay đổi, điều gì họ chưa khai thác thì mình khai thác nốt. Thực tế, đây cũng chưa hẳn là một kịch bản hoàn hảo, nên chúng tôi còn nhiều không gian để làm khác đi, và thậm chí là làm tốt hơn lên. Thật ra, tôi không bận lòng quá nhiều để sao cho kịch bản phải “đậm chất Việt Nam”. Vì, câu chuyện bản gốc cũng không có sự chênh lệch văn hóa quá mức, còn chúng tôi thì remake với tinh thần không sao chép, mong muốn xây dựng hình tượng một “bà mẹ thân quen”, và kể chuyện với một tư duy thuần Việt.

- Một câu hỏi tôi thắc mắc đó là: Tại sao chúng ta không thể sáng tạo ra những tác phẩm như vậy mà phải dựa vào một tác phẩm của nước ngoài?

+ Chúng tôi vẫn độc lập sáng tạo đó chứ. Nhưng là người chuyên nghiệp, thì bạn luôn cần thực hiện tốt mọi đề bài được giao, dù đó là chuyển thể từ tác phẩm văn học, tự sáng tạo, hay remake. Nếu chị để ý, remake cũng là xu hướng chung của thế giới, khi người ta muốn đa dạng thêm các sản phẩm tinh thần. Ngay cả Mỹ cũng đang mua bản quyền những phim Hàn, Trung, Nhật… để làm lại. Đâu phải họ không thể sáng tạo nội dung? Thực tế, việc mua bản quyền để làm lại, đã tránh cho rất nhiều trường hợp “lấy cảm hứng” hay sao chép về mặt ý tưởng, nội dung. Từ chính bản thân tôi, tôi tham gia thực hiện khoảng gần 40 dự án truyền hình lớn nhỏ. Nhưng đây cũng chỉ là bộ thứ 2 tôi tham gia Việt hóa. 

- Nhóm biên kịch có gặp nhiều khó khăn khi phải điều chỉnh kịch bản vào phút thứ 89?

+ Đúng là có những khó khăn và tiếc nuối nhất định vì khi đó kịch bản của chúng tôi đã hoàn thành rồi, cũng rất ưng ý rồi. Mà thời gian thì vô cùng gấp gáp.

Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã cùng nhau làm được, và thấy rằng mỗi khó khăn sẽ đều cho ta những kinh nghiệm quý về nghề nghiệp, cho ta trân trọng những đồng nghiệp đã đồng cam cộng khổ, nỗ lực đảm bảo cho sự trọn vẹn tối đa của sản phẩm cuối cùng.

untitled-20.jpg -0
Biên kịch Nguyễn Thu Thủy (thứ hai, bên trái) đang thảo luận cùng nhóm biên kịch phim “Thương ngày nắng về”.

- Một ekip biên kịch sẽ giúp phát huy hết khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tuy nhiên liệu phát sinh nguy cơ những cá tính sáng tạo đôi khi không gặp nhau hay không? Khi đó chị và các cộng sự của mình giải quyết bằng cách nào?

+ Tôi nghĩ mỗi nhóm có một cách thức làm việc riêng. Ưu điểm của làm việc nhóm là trí tuệ tập thể. Sự va đập của các quan điểm, quá trình tranh luận và thuyết phục nhau là điều cần thiết để đạt hiệu quả công việc. Khi chúng tôi phản biện nhau, chúng tôi có cơ hội nhìn vấn đề từ nhiều chiều, nhiều góc cạnh, để thấy chỗ nào chưa ổn thì mình xử lý.

Trong team “Thương ngày nắng về”, tôi ở vị trí biên tập - là người chịu trách nhiệm về mặt nội dung, là người định hướng và đặt ra các vấn đề cho các biên kịch để họ giải quyết. Khi các biên kịch tranh luận với nhau, họ có thể muốn tôi làm trọng tài.

Còn khi tôi và các biên kịch khác quan điểm với nhau, thì nếu họ không thuyết phục được tôi, họ sẽ phải nghe theo tôi. Nghe có vẻ áp đặt quá đúng không, nhưng, tôi là người chịu trách nhiệm về mặt nội dung, tôi cũng sẽ có những sự kiên quyết, và áp đặt, khi cần. Nhưng thực tế, những tình huống đó không nhiều. Và cũng vì, cả tôi và các bạn biên kịch của mình đều chưa bao giờ muốn bỏ lỡ cơ hội để kịch bản có thể tốt lên cả.

- Một bộ phim thành công, thường khán giả sẽ chỉ nhắc nhiều đến các diễn viên, người hóa thân thành công vào các nhân vật trong phim. Là người đứng sau sự thành công ấy, chị có chia sẻ điều gì với khán giả về công việc của những người làm công tác biên kịch và biên tập?

+ Tôi nghĩ mỗi vị trí đều có những đặc thù riêng, có vất vả, có niềm vui và sự ghi nhận riêng. Xây dựng kịch bản là khâu đầu tiên trong quy trình sản xuất một bộ phim, chúng tôi cũng là những người đồng hành đầu tiên cùng nhân vật và câu chuyện. Trải nghiệm vui buồn trong sáng tác, những cảm xúc khi nghe phản hồi của đạo diễn, diễn viên và ekip làm phim khi đọc kịch bản, và sau này, là phản hồi của khán giả, là những cảm xúc mà không phải nghề nghiệp nào cũng có được.

Đến giờ, sau rất nhiều năm tháng làm nghề, tôi vẫn yêu vị trí của mình, yêu công việc của những người kể chuyện. Và yêu những lời hồi đáp. Sự hồi đáp, có thể là khen chê, có thể là trách móc đòi hỏi, có thể là băn khoăn chất vấn, nhưng, nó luôn là những phản chiếu để chúng tôi soi rõ mình, biết thiếu sót của mình, để hoàn thiện mình hơn.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Phong Điệp (thực hiện)
.
.