Bảo vệ bản quyền điện ảnh: Trông chờ vào ý thức khán giả?
“Thật đau lòng cho các nhà làm phim Việt!”. Câu cảm thán của bà Ngô Thị Bích Hạnh, đại diện Công ty BHD không chỉ thể hiện sự chật vật của nhà làm phim khi tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có giá trị đến với công chúng mà còn phơi bày vấn nạn xâm phạm bản quyền điện ảnh nhức nhối tại Việt Nam.
Chưa kịp vui mừng vì “Em và Trịnh” cán mốc một triệu vé, nhà sản xuất đã đau đầu khi phim bị quay lén và phát tán khắp mạng xã hội. Trước hành vi này, hôm 22/6, nhà sản xuất bức xúc lên tiếng. Họ nhấn mạnh việc quay lén gần như toàn bộ hình ảnh của phim chính là hành động thiếu ý thức và không công bằng. Bởi việc tiết lộ các tình tiết quan trọng làm nên mạch phim, tinh thần phim chính là tiếp tay cho nạn phim lậu, tiền đề cho các hành động gây tổn hại chất xám, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, phí quảng bá. Tuy nhiên, ngoài chuyện lên tiếng, đến nay nhà sản xuất vẫn chưa có động thái nào để xử lý kẻ vi phạm.
Hành vi xâm phạm bản quyền bằng cách quay lén hay livestream (quay và phát trực tiếp trên mạng xã hội) không chỉ xảy ra với “Em và Trịnh” mà nó trở thành tật xấu khó chữa của khán giả nước ta. Chưa bao giờ các nhà sản xuất phim nơm nớp lo sợ như lúc này. Chỉ cần một hành vi thiếu ý thức của khán giả, toàn bộ công sức, tiền bạc của họ đứng trước nguy cơ đổ sông đổ bể. Bởi với sự bùng nổ của công nghệ và Internet, chỉ cần một chiếc điện thoại, sản phẩm trí tuệ của họ nhanh chóng bị đánh cắp dễ dàng.
Đáng báo động khi những năm gần đây, tình trạng xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Hầu hết bộ phim nào ăn khách cũng bị quay lén ngay khi đang công chiếu. Có thể kể đến “Cô Ba Sài Gòn”, “Lật mặt”, “Gái già lắm chiêu V”, “Tấm Cám: chuyện chưa kể”, “Hai Phượng”, “Bố già”… Phim điện ảnh được phát hành ở nền tảng trực tuyến hay kênh truyền hình trả phí càng dễ bị đánh cắp hơn. “Để Mai tính” vừa lên kênh K+ hay “Bố già” phát trên nền tảng Galaxy Play chưa đầy 24 giờ đã xuất hiện hàng chục đường link phim lậu với chất lượng không kém “chính chủ” bởi phần mềm copy cài vào thiết bị.
Những nhà đầu tư phim luôn trong tâm thế e ngại đối với các hành vi xâm phạm bản quyền vì hệ lụy và tác hại của nó đối với phim ảnh và quyền lợi của họ là cực kỳ to lớn. Bà Phan Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết ở các nền điện ảnh phát triển, nguồn thu từ rạp chiếu chỉ chiếm khoảng 50%, nguồn thu còn lại chủ yếu nhờ vào việc bán đĩa và chiếu trên các kênh truyền hình trả tiền. Tuy nhiên tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay khiến điện ảnh Việt Nam khó mơ đến món lợi nhuận béo bở ngoài rạp chiếu. Mọi may rủi của bộ phim đều gửi hết vào phòng vé. Song tình trạng xâm phạm bản quyền ở rạp chiếu đang khiến “canh bạc” của nhà làm phim ngày càng rủi ro hơn khi họ đánh cược toàn bộ vốn liếng vào đây. Diễn viên, nhà sản xuất Trần Bảo Sơn cho hay: làm nên một bộ phim không hề dễ, nó là công sức, trí tuệ, tâm huyết, tiền bạc và thời gian của cả một đội ngũ từ nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên, biên kịch, nhà phát hành... Sự thiếu ý thức của khán giả dễ đẩy nhà làm phim vào cảnh trắng tay, thậm chí vỡ nợ. Vấn nạn xâm phạm bản quyền không khác gì kiểu ăn cướp trắng trợn thành quả lao động, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cũng như uy tín cho đội ngũ sáng tạo đồng thời xúc phạm người thụ hưởng.
Đến nay, một bộ phận khán giả vẫn xem phim ảnh là tài sản vô hình, không có giá trị nên vẫn còn thói quen “xem chùa” và coi đó như hành vi bình thường. Họ không hiểu làm như thế là đang tiếp tay cho nạn xâm phạm bản quyền. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, đại diện Công ty BHD bức xúc: “Nếu ai lấy trộm một chiếc điện thoại hay một chiếc xe máy thì sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm khắc ngay. Không những thế, cả xã hội sẽ lên án kẻ xấu đó. Ngược lại, kẻ quay lén hoặc tung một bộ phim lên mạng mà không xin phép chủ sở hữu thì mức xử phạt nhẹ hều và ít ai lên án trong khi chi phí làm nên một bộ phim lên tới cả vài chục tỉ”.
Dù chúng ta có Luật Điện ảnh lẫn Luật Sở hữu trí tuệ nhưng vấn đề bảo vệ bản quyền phim ảnh vẫn còn bị xem nhẹ. Căn cứ vào các điều luật, nước ta có đầy đủ chế tài để xử lý hành vi xâm phạm bản quyền theo biện pháp dân sự, biện pháp hành chính, thậm chí hình sự. Thế nhưng, hầu hết các nhà sản xuất chỉ biết khóc ròng khi đứa con tinh thần bị xâm phạm chứ ít khi nhờ pháp luật can thiệp. Hồi “Cha cõng con” bị quay lén, đạo diễn Lương Đình Dũng chọn cách nói chuyện nhẹ nhàng với người vi phạm vì sợ mang tiếng chuyện bé xé ra to. Chỉ có “đả nữ” Ngô Thanh Vân là không nhân nhượng. Lúc phim “Cô Ba Sài Gòn” bị livestream trái phép, cô đã nhờ cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý đến nơi đến chốn.
Thực tế, khi “đứa con” của mình bị xâm phạm, hầu hết nhà sản xuất chỉ đưa thông tin lên báo hoặc mạng xã hội chứ hiếm khi tìm đến cơ quan chức năng hoặc đưa ra tòa. Khi được hỏi, đa số cho rằng các chế tài xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe hoặc hành vi rất khó xử lý. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các bên liên quan và lực lượng chức năng vẫn còn nhiều bất cập nên phần lớn các nhà làm phim tìm cách tự cứu mình. Cách họ hay dùng nhất là tuyên truyền, kêu gọi ý thức khán giả. Các rạp phim như Cinestar, Galaxy, CGV… đều phát đoạn phim ngắn, dài khoảng ba phút để cảnh báo về hành vi chụp ảnh, quay trộm phim. Một số hãng còn kỳ công phổ biến về chế tài pháp luật nếu khán giả cố tình vi phạm. Một số rạp hay nhà sản xuất cắt cử nhân viên phát hiện hành động quay lén hoặc truy tìm những bản sao phát tán trên mạng.
Tuy vậy, tỉ lệ thành công của những cách làm trên không mấy khả quan. NSƯT Ngọc Hiệp, Giám đốc Hãng phim Việt thừa nhận dù đã cắt cử người nhắc nhở nhưng không thể kiểm soát hết việc khán giả quay lén bằng điện thoại trong rạp. Ngay như nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, từ cú vấp của “Cô Ba Sài Gòn”, cô từng tuyến bố sẽ trừng trị thẳng tay với hành vi livestream trái phép. Trước khi phim “Hai Phượng” ra rạp, cô viết một tâm thư dài dằng dặc trên trang cá nhân nhằm kêu gọi ý thức khán giả và cảnh báo những kẻ cố tình vi phạm: “Tôi muốn bạn biết có rất nhiều cách để tìm lấy sự chú ý. Nhưng livestream trong rạp phim sẽ tạo lên một làn sóng phẫn nộ của người yêu điện ảnh và họ sẽ biến bạn thành tội đồ với rất nhiều lời khiếm nhã. Chưa kể tôi chắc chắn sẽ tìm đến gặp bạn, mặt đối mặt…”. Ấy vậy mà chiếu được vài bữa, “Hai Phượng” vẫn bị khán giả vô tư quay lén như thường khiến ekip sản xuất đành “bó tay”.
Nhiều người cho rằng, nếu các đơn vị suốt ngày chỉ đi lo phát hiện và xử lý nạn xâm phạm thì đây là nhiệm vụ vô cùng nan giải vì “làm sao lau sạch nước trên sàn nhà khi vòi nước vẫn mở”. Song, giải pháp mang tính lâu dài là tuyên truyền ý thức bảo vệ bản quyền cho công chúng cũng chưa mấy khả quan trong tình hình hiện tại. Do vậy, theo các nhà làm phim, điều cấp thiết nhất hiện nay chính là sự quyết liệt của “khổ chủ” và sự cứng rắn của cây roi pháp luật. Bởi hiện nay số vụ được xử lý quá ít ỏi so với số trường hợp vi phạm. Phải có nhiều kẻ bị trừng phạt đích đáng và gây tiếng vang thì mới đủ sức răn đe những khán giả vô ý thức, đồng thời tạo hiệu ứng tuyên truyền cao với công chúng.
Bên cạnh việc hoàn thiện, siết chặt hành lang pháp lý và đẩy mạnh tuyên truyền thì kinh nghiệm quốc tế cũng là giải pháp mà các nhà làm phim Việt hướng đến. Điện ảnh Hàn Quốc sở hữu một giải pháp khá hữu hiệu mà chúng ta có thể áp dụng: các tổ chức, cá nhân nào từng xâm phạm bản quyền đều bị đưa vào sổ đen để theo dõi. Rõ ràng, bảo vệ bản quyền được coi là con đường sống còn của điện ảnh. Bởi nếu nó bị xem nhẹ, nghệ thuật thứ bảy sẽ bị xem là một lĩnh vực đầu tư đầy rủi ro mà không nhà sản xuất nào dám mạo hiểm, nhất là thị trường còn non trẻ như Việt Nam.