Bảo tồn, phát huy bền vững di sản nghệ thuật bài chòi Trung bộ

Thứ Năm, 15/09/2022, 18:19

Kho tàng di sản nghệ thuật bài chòi Trung bộ được gìn giữ, tinh lọc từ nhiều thế kỷ qua lại ngày càng được chắt lọc, nâng cao, lan tỏa hơn để được bảo tồn bền vững...

Nghệ thuật bài chòi Trung bộ (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và TP Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.

Đây là một trò chơi dân gian thể hiện sự sáng tạo, thích nghi và trở thành một trong những loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mang đậm chất sân khấu nhỏ, đầy tính ngẫu hứng, được nhiều người dân ở Trung bộ tham gia hưởng ứng.

Cách thức và không gian trình diễn nghệ thuật bài chòi mỗi nơi có một lối riêng, mang truyền thống của từng vùng đất nhưng tựu chung vẫn thể hiện đầy đủ các yếu tố giải trí, cầu may và sự cố kết cộng đồng trong cuộc vui vào mỗi dịp lễ, Tết được tổ chức hằng năm.

a2 (2).jpg -0
Trong hội đánh bài chòi không thể thiếu chị hiệu hô, anh diễn xướng.

Song hành với thời gian, nghệ thuật bài chòi không ngừng được chọn lọc, kế thừa, nâng cao tạo nên bản sắc văn hóa không thể trộn lẫn của người dân miền Trung. Bản sắc ấy làm tươi mát tâm hồn bao thế hệ và bồi đắp cho mối liên kết cộng đồng ngày thêm bền chặt. Vì vậy, di sản nghệ thuật bài chòi không chỉ tồn tại, thăng hoa trong phạm vi khu vực Trung bộ mà còn lan tỏa ra trong và ngoài nước. Có được thành quả ấy, trước hết là nhờ công sức, trí tuệ, tâm huyết của các bậc tiền nhân, của bao thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân đã lao động, sáng tạo, giữ gìn, trao tuyền qua năm tháng.

Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung bộ tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017 khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu, lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Theo kết quả kiểm kê mới nhất của Cục Di sản văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), tính đến năm 2022, hiện có 1.376 người (870 nam, 506 nữ) trong 86 đội, nhóm, câu lạc bộ đang thực hành bài chòi tại 9 tỉnh, thành phố nói trên. Tại Bình Định và Quảng Nam, bài chòi phát triển mạnh với 37 câu lạc bộ, 27 gia đình, 106 nghệ nhân (71 nam, 35 nữ) và có ảnh hưởng tới các tỉnh còn lại.

Nhiều năm qua, Cục Di sản văn hóa đã chỉ đạo các địa phương thực hiện kiểm kê cũng như nhiều hoạt động khác nhằm bảo tồn, bảo vệ và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc cấp địa phương, quốc gia hay cấp quốc tế. Vì thế nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu về bài chòi đạt kết quả cao, nhiều sản phẩm, công trình nghiên cứu đã được công bố, xuất bản và đi vào đời sống một cách hiệu quả, hữu ích, tích cực. Những thành quả lao động khoa học đó đã có tác động tốt tới hoạt động sáng tạo, nghiên cứu, biểu diễn, truyền dạy, quảng bá cho mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị di sản bài chòi.

Tại buổi tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi dân gian” được UBND tỉnh Bình Định tổ chức vào chiều 30/8, PGS.TS. Lê Văn Toàn - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết, các sản phẩm nghiên cứu về bài chòi được thực hiện tuy có những kết quả, ý nghĩa, giá trị khoa học khác nhau nhưng nhìn chung các kết quả ấy đã phần nào phản ánh rõ việc nhận thức, những cách thức hoạt động bảo tồn di sản bài chòi đã ngày được mở rộng, nâng cao. Điều đó cũng cho thấy sự hưởng ứng, tính đồng thuận của cộng đồng yêu thích di sản bài chòi ngày được mở rộng, nâng cao lên những tầng bậc mới.

“Sức sống của bài chòi, tinh thần bảo tồn, phát huy di sản của cộng đồng, của toàn xã hội ngày càng thêm vững mạnh và từng bước trên đà phát triển. Thực tế đó cũng khẳng định bài chòi đã và luôn thích ứng, phù hợp quy luật tồn tại, phát triển của thể loại cùng đời sống xã hội. Bài chòi đã, đang được phục hưng và hưng thịnh để phát triển hòa hợp cùng nhịp đập mới, nhịp sống của xã hội đương đại - văn minh, hội nhập và lan tỏa”, PGS.TS. Lê Văn Toàn cho biết.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa phi vật thể - Cục Di sản văn hóa, nghệ thuật bài chòi sẽ phai nhạt rồi biến mất nếu không còn được bảo tồn trong đời sống của người dân các tỉnh miền Trung. Việc bảo vệ, phát huy bài chòi theo xu thế bảo tồn trong cộng đồng, dựa vào cộng đồng được tiếp cận trong sự biến đổi, thích ứng của di sản với quá trình phát triển chung của xã hội, tuân thủ những nguyên tắc bảo vệ tính chất nguyên hợp của bài chòi và tiêu chí lựa chọn các giá trị văn hóa cần được bảo vệ, phát huy với sự tham gia của cộng đồng.

untitled-12.jpg -0
Một hội đánh bài chòi ở Bình Định.

Thái độ ứng xử với kho tàng di sản quý giá mà cha ông để lại của người dân miền Trung - cộng đồng chủ thể của nghệ thuật bài chòi rất đáng trân trọng. Các nghệ nhân ý thức hơn với nghề, yêu nghề hơn, giữ nghề, giữ sức khỏe, giữ giọng hát, học hỏi thêm, sáng tạo những câu hát mới, khắc phục điểm yếu và học thêm kỹ thuật mới cho hay hơn. Họ cũng ý thức và trách nhiệm đào tạo cho lớp trẻ để học cho biết hoặc học cho thành nghề, học để sống bằng nghề để kế tục sự nghiệp.

Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung bộ đã giúp các cộng đồng địa phương nhận thức đầy đủ hơn về giá trị di sản, mở rộng đối tượng tham gia hoạt động bài chòi và thu hút, khuyến khích giới trẻ quan tâm, tự nguyện tìm hiểu, trải nghiệm di sản. Do đó, sau khi được ghi danh, bài chòi đã có được sự quan tâm và những cơ chế hỗ trợ bước đầu để tạo niềm tin cho cộng đồng.

“Các tỉnh, thành phố cũng quan tâm nghiên cứu, xây dựng hồ sơ nghệ nhân, tổ chức các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ trong và ngoài trường học, chỉ đạo tổ chức các hoạt động giao lưu, trình diễn ở các địa phương để cộng đồng được thực hành, nghệ nhân được trình diễn và truyền dạy nên kích thích tinh thần cộng đồng. Các địa phương cũng tổ chức các hoạt động du lịch mà bài chòi được đưa vào trình diễn, tạo điều kiện cho nghệ nhân có thu nhập và được động viên tinh thần. Sau khi di sản được vinh danh, giới trẻ tham gia đông hơn là do họ say mê, chứ không phải do lợi ích khi tham gia nên chính quyền chỉ cần phát động là giới trẻ tham gia ngay”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho biết.

Nghệ thuật bài chòi đã khẳng định được vai trò trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương, tôn vinh giá trị nghệ thuật sáng tạo của họ trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa quốc tế. Điều đó còn thúc đẩy sự quan tâm, bảo vệ di sản và sự kết nối, trao đổi văn hóa giữa các nhóm cộng đồng khác ở Việt Nam cũng như giữa các quốc gia, dân tộc có di sản tương đồng với nghệ thuật bài chòi. Có thể thấy, sự đa dạng, phong phú của di sản nghệ thuật bài chòi Trung bộ theo suốt chặng đường lịch sử hình thành, phát triển từ nhiều thế kỷ trước đến nay đã chứng minh và khẳng định rõ các giá trị, diện mạo với sức sống đặc biệt, đặc sắc. 

“Sau hai đợt phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân cho 3 cá nhân và danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 20 cá nhân thực hành di sản nghệ thuật bài chòi. Việc này đã khơi dậy niềm tự hào, khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho biết.

Phan Nhuận Phin
.
.