Bảo tàng Đạo Mẫu: Đương đại từ truyền thống
Công trình thiết kế Bảo tàng và Đền thờ Đạo Mẫu của kiến trúc sư Nguyễn Hà, Văn phòng kiến trúc ARB Hà Nội, vừa giành giải thưởng kiến trúc quốc tế Moira Gemmill 2024 đã một lần nữa minh chứng cho một thực tế: truyền thống, từ những biểu hiện cụ thể của vật chất cho tới tinh thần, triết lý hoàn toàn có thể là chất liệu cho mọi lĩnh vực sáng tạo hôm nay.
Với “Bảo tàng và Đền thờ Đạo Mẫu” Nguyễn Hà không chỉ làm nên một công trình độc đáo, ấn tượng mà còn ghi danh trên thế giới với một giải thưởng danh giá….
Theo Tạp chí The Architectural Review, Ban giám khảo giải thưởng nhận xét về tác giả công trình: "Nguyễn Hà thấy được những thứ vốn không hữu hình". Họ đánh giá cao cách mà chị "bảo tồn những phương pháp thủ công quan trọng nhờ sự kiên cường và kiên trì". Với Nguyễn Hà, truyền thống không chỉ nằm ở chất liệu, câu chuyện về văn hóa bản địa. Truyền thống, với chị, còn là những triết lý mang đậm nhân sinh quan của một cá tính sáng tạo. Vì thế, những công trình của chị mang đậm màu sắc tâm linh với cách sử dụng hình khối linh hoạt, giàu kết nối.
Bảo tàng Đạo Mẫu được làm từ 5 triệu viên ngói cũ. Tại sao lại là ngói cũ chứ không phải bất cứ vật liệu nào khác. Nguyễn Hà chia sẻ, khi nghệ sĩ Xuân Hinh hỏi về vật liệu, cũng là bài toán khó, bất chợt chị nhìn thấy một ngôi nhà đang dỡ ngói. Chị nhớ đến những chuyến điền dã về các làng quê, ngói cũ bị dỡ ra vứt đi rất nhiều. Tại sao không phải là ngói cũ? Vì thế, ngói cũ trở thành vật liệu chủ đạo - một vật liệu địa phương được khoác lên mình một màu áo mới trong Bảo tàng Đạo Mẫu. Tuy nhiên, với Nguyễn Hà, vật liệu chỉ là cái cớ.
Chủ đầu tư công trình Bảo tàng và Đền thờ Đạo Mẫu - nghệ sĩ Xuân Hinh đã dành thời gian đi sưu tầm ngói dỡ từ hàng trăm ngôi nhà cũ ở quanh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Từng viên ngói lợp mái nhà được chuyển dụng công năng, xếp thành tường bao, tường công trình, có thể giúp lấy sáng tự nhiên vào bên trong công trình, lại giúp cách âm và cách nhiệt tốt, không cần dùng đến máy lạnh trong mùa hè nóng ẩm ở miền Bắc.
Kiến trúc sư đã tìm ra cách trò chuyện với những người thợ xây ở địa phương để cùng họ phát triển kiểu xếp ngói thành những khung tường dày hàng chục cm đẹp mắt. Qua cửa chính là lối đi vào Bảo tàng Đạo Mẫu. Điểm nhấn là con đường và ngọn tháp cao sừng sững được bao quanh bởi hàng triệu viên ngói cổ, những viên ngói vỡ cũng được tận dụng để đổ bê tông làm đường đi trông như một tấm thảm ngói vô cùng độc đáo. Nó là thông điệp về sự bền vững, tình yêu đạo mẫu - và cả sự “quái dị” của Nguyễn Hà.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Đức Tùng, việc thế giới vinh danh một công trình kiến trúc đến từ Việt Nam hẳn phải có nhiều lý do. “Sự thành công không ngẫu nhiên khi thế giới thừa nhận. Chủ nghĩa địa phương ở đây không đơn giản là tôi dùng vật liệu địa phương. Đó là cách nhìn kiểu châu Á chứ không phải cách nhìn phương Tây, người nước ngoài sẽ nhìn rõ cái gì là Á Đông chứ không chỉ là vật liệu. Mấu chốt mà tôi muốn giải mã trong Bảo tàng Đạo Mẫu chính là con đường, tính thiêng trong một công trình kiến trúc mà Nguyễn Hà đã đưa ra những giải pháp độc đáo để giải mã nó”.
Còn kiến trúc sư Nguyễn Hà chia sẻ: “Bảo tàng không dùng điều hòa, ánh sáng và không khí được tạo ra chính bởi các lớp lang không dùng để làm gì cả. Tín ngưỡng đạo Mẫu có tính âm thể hiện qua ánh sáng. Làm sao để thuyết phục Xuân Hinh bởi không gian không để làm gì với tôi là không gian quan trọng nhất. Tại sao Á Đông, tính thiêng ở đâu? Á Đông chính là sự u linh chứ không phải hào quang của ánh sáng. Đạo là đường nên thiết kế con đường thế nào mà bản thân bước đi đã là đạo. Con đường là mấu chốt của vấn đề, rất Á Đông. Với người Việt thì con đường sẽ gợi nhớ làng quê. Tôi thích sự tĩnh lặng, bởi sự tĩnh lặng mới có thể kết nối. Tôi đưa ra 3-4 phương án, nhưng con đường luôn tồn tại, đồng nhất và đơn giản, khúc chiết, gây ấn tượng. Con đường đóng vai trò là ngưỡng cửa của những trải nghiệm thế tục của thế giới bên ngoài và không gian linh thiêng bên trong từ đường Đạo Mẫu”.
Chị nhấn mạnh: “Đó là kiến trúc của sự cô độc. Hầu hết thời gian chúng ta bị vùi trong những cuộc đấu tranh hàng ngày, kiến trúc giúp chúng ta kết nối lại với sự thanh thản bên trong bản ngã để mơ ước và khát khao những điều lớn lao hơn”. Để đến bảo tàng, du khách đi qua con đường nhỏ với 3 tòa tháp được lên ý tưởng bởi hàng triệu viên ngói cổ và gạch cổ được xếp thủ công. Nguyễn Hà chia sẻ, lúc đầu nghệ sĩ Xuân Hinh mong muốn con đường này rộng hơn để đi vào nhà gỗ, nơi trưng bày và bảo tồn những hình ảnh, tư liệu về Đạo Mẫu nhưng chị không đồng ý vì muốn giữ lại sự tĩnh tại, bình yên khi khám phá và hiểu về một trong những tín ngưỡng văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Kiến trúc sư trẻ Mai Trung cho rằng, Bảo tàng Đạo Mẫu bất ngờ, không phải vật liệu châu Âu hay vật liệu Việt Nam mà là ngôn ngữ kiến trúc chưa hề thấy trong ngôn ngữ đương đại. Theo anh: “Đây là công trình quan trọng nhất của Việt Nam trong thời điểm hiện tại, đặt nó trong hệ tư tưởng và lịch sử kiến trúc. Hiện nay có nhiều công trình có ảnh hưởng bởi kiến trúc hiện đại nhưng bị đứt gãy với quá khứ nên không có văn hóa, không có câu chuyện, tập tính của địa phương. Với Bảo tàng Đạo Mẫu, chị Hà dùng ngôn ngữ kiến trúc hiện đại nhưng bằng chất liệu truyền thống, là công trình đầu tiên làm theo phương pháp đó”.
Rõ ràng, truyền thống, trong mạch nối với đương đại và sự sáng tạo của người nghệ sĩ đã tạo nên những giá trị mới mẻ, khác biệt. Nhà thiết kế trẻ Đào Duy Đức cho rằng, châu Á, trong đó có Việt Nam đang là một vùng đất mới nổi trong lĩnh vực thiết kế, sáng tạo. Với những công trình thiết kế ở lĩnh vực kiến trúc của Nguyễn Hà và trước đó là Đào Duy Đức (người thiết kế Album “Gieo” của ban nhạc Ngọt được lọt vào top 5 đề cử giải Grammy 2024) cho thấy tiềm năng, sức sáng tạo của những người trẻ Việt Nam đang rất mạnh mẽ. Ở lĩnh vực thiết kế, kiến trúc, lĩnh vực mà chúng ta chưa có bề dày, thành tựu đã bắt đầu vươn ra ngoài thế giới, khẳng định tiếng nói trên trường quốc tế. Và, điều giá trị hơn, là những sản phẩm, những công trình ấy đều bắt rễ sâu từ truyền thống, từ câu chuyện của văn hóa Việt.
* Giải thưởng Moira Gemmill (Moira Gemmill Prize), ra đời năm 2015, thuộc hệ thống giải thưởng kiến trúc thường niên của hai ấn phẩm chuyên biệt về kiến trúc hàng đầu tại Vương quốc Anh, The Architectural Review (xuất bản từ năm 1896) và Architects Journal (xuất bản từ năm 1895). Giải thưởng này dành cho công trình của các nữ kiến trúc sư triển vọng, dưới 45 tuổi, trên toàn thế giới.
Giải được mang tên một nhân vật nữ rất có ảnh hưởng trong giới nghệ thuật ở Vương quốc Anh nhưng không may qua đời vì tai nạn giao thông: bà Moira Gemmill (1959-2015), từng là phụ trách thiết kế và triển lãm tại Bảo tàng London (The Museum of London) và Giám đốc thiết kế tại Bảo tàng Victoria và Albert (Victoria and Albert Museum).
Số tiền thưởng không quá lớn, khoảng 10.000 euro, nhưng danh tiếng của giải thưởng là sự động viên và khuyến khích lớn đối với tác giả công trình, cổ vũ họ kiên định với hành trình sáng tạo cá nhân. Khó khăn nhất trong sáng tạo của một kiến trúc sư là vừa làm thế nào để công trình đáp ứng yêu cầu của khách hàng về thẩm mỹ và công năng sử dụng cũng như sự thuận lợi cho quá trình duy tu sau này, vừa bảo lưu quan điểm thiết kế của cá nhân.
* Kiến trúc sư Nguyễn Hà sinh năm 1980 tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp khoa Kiến trúc, Đại học Xây dựng, cô nhận học bổng cao học toàn phần của chính phủ Thụy Sĩ tại Học viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ. Năm 2010 cô về nước mở văn phòng kiến trúc với 2 kiến trúc sư Laurent Cantalau và Kurt Aellen (Thụy Sĩ).
Cuối năm 2023, công trình Bảo tàng Đạo mẫu do cô thiết kế lọt vào danh sách 14 công trình kiến trúc hay nhất thế giới do Tạp chí Domus bình chọn. Nguyễn Hà từng khiến công chúng ngạc nhiên khi thực hiện triển lãm "Kẻ lữ hành kỳ dị" hay là câu chuyện của "Những dự án bị từ chối" với 24 mô hình là những đồ án đã dựng lên hoàn chỉnh nhưng bị bỏ ngỏ hoặc những ý tưởng vừa mới thành hình đã bị dập tắt… bởi những lý do rất "trời ơi".