Bài hát trong phim

Thứ Năm, 02/12/2021, 14:26

Nhạc sĩ khi làm nhạc cho phim đôi khi có sáng tác bài hát là việc đã phổ biến từ lâu, nên không có gì phải bàn. Điều chỉ đáng nói là tính hiệu quả của những bài hát đó ra sao, liệu có giúp thêm cho người xem cảm thụ sâu sắc hơn, hay ngược lại, chỉ làm giảm sút giá trị bộ phim?

Trong nền điện ảnh Việt Nam, từng có nhiều bài hát hay, sống mãi với thời gian khởi nguồn từ những bộ phim truyện, do nhạc sĩ khi làm nhạc cho phim đã sáng tác. Có thể nhắc tới: "Bài ca trên núi" của Nguyễn Văn Thương (phim "Vợ chồng A Phủ"), "Bài ca không quên" của Phạm Minh Tuấn (phim cùng tên), "Hoa sữa" của Hồng Đăng (phim "Hà Nội mùa chim làm tổ"), "Chị tôi " của Trọng Đài (phim "Người Hà Nội"), "Đợi gọi em biết bao lần" của Trịnh Công Sơn (phim "Tội lỗi cuối cùng"), "Mong ước kỷ niệm xưa" của Xuân Phương (phim "Phía trước là bầu trời")... Những bài hát vừa kể đã bay ra khỏi bộ phim, tồn tại độc lập, đậu lại lâu bền trong trí nhớ công chúng. Nhiều người không biết nguồn gốc, xuất xứ như đã nói.

vo_chong_a_phu__to_hoai (1).jpg -0
Phim "Vợ chồng A Phủ" có bài hát hay "Bài ca Trên núi".

Đó là một số ít bài hát hay, chủ yếu xuất hiện trong các phim truyện nhựa, còn phim truyền hình (PTH) thì quá hiếm hoi. Có một thực tế: Không phải người làm nhạc phim nào cũng viết được bài hát, bởi đó là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Viết nhạc cho phim là làm nhạc không lời, người viết cần có chút hiểu biết về hòa thanh, phối khí là có thể thực hiện được, chỉ cần nghe theo gợi ý của đạo diễn để phù hợp với từng đoạn phim. Nhưng viết bài hát thì lại cần nhạc sĩ phải có tư duy văn học, có khả năng soạn ca từ và vốn liếng phong phú về các chất liệu âm nhạc. Người vết bài hát hay không nhất thiết phải là người có nhiều kiến thức về hòa âm, phối khí; ngược lại, người có thế mạnh này cũng không hẳn đã viết được bài hát hay.

Tình trạng phổ biến hiện nay là hầu như phim truyền hình nào - nhất là phim nhiều tập - cũng có ít nhất một bài hát. Có phim còn có tới hai bài. Vì phần giới thiệu tên, các thành phần làm phim ở đoạn đầu (generique), rồi các địa chỉ đoàn làm phim cần "cảm ơn" ở cuối quá dài (có khi tới dăm ba phút) nên cần phải có một bài hát vang lên. Thế là người làm nhạc buộc phải nặn ra bài hát, dù không biết viết. Những giai điệu nhạt nhẽo, tầm thường, Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, những câu nhạc chắp vá đầu Ngô mình Sở đã tạo nên những bài hát dễ dãi, vô thưởng vô phạt, rất nhiều khi chẳng ăn nhập gì với nội dung bộ phim, khiến khổ tai người nghe, có khi còn phản cảm.

Điển hình cho tình trạng này có thể thấy ở bộ phim truyền hình nhiều tập có tên "Đại gia đình". Đây là bộ phim không có gì đáng nhớ, nằm trong số nhiều phim truyền hình nhạt nhòa, nếu không nói là yếu kém. Và điều đáng nói hơn cả là sự xuất hiện bài hát thật... quái dị với giai điệu rối rắm, trúc trắc, xa lạ với lỗ tai của người Việt Nam. Nghe bài hát này, khán giả có cảm giác như đang ở một xứ sở tận đâu đâu chứ không phải là sống trên quê hương mình.

Tôi vẫn còn nhớ rõ: Trong dịp chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long, Đài Truyền hình Việt Nam có chiếu bộ phim dài tập "Nếp nhà". Đây là một phim thuộc hàng "thường thường bậc trung", nhưng được làm nghiêm túc. Nghe cái tên phim, hẳn là ai cũng hình dung tới nội dung, những vấn đề các tác giả muốn đề cập và đương nhiên nó phải gợi lên cái gì đó mang yếu tố truyền thống, cổ kính với gia phong thuần Việt, đúng như tên gọi "Nếp nhà". Vậy mà bài hát xuất hiện ở đầu phim thì quá lạc lõng, chẳng ăn nhập gì với phim. Giai điệu chắp vá, lai căng mà lẽ ra nội dung bộ phim chờ đợi một bài hát phải đậm đà phong vị dân tộc với phong cách dân gian rõ nét, từ chất liệu tạo nên giai điệu đến cách phối khí cho dàn nhạc dân tộc và giọng hát của ca sĩ.

Nếu ai có dịp theo dõi thường xuyên kênh phim Việt (VCTV2), sẽ thấy có quá nhiều bài hát xuất hiện trong phim khiến người xem không thể nào "tiêu hóa" mặc dù cũng có những phim không đến nỗi kém về chất lượng nghệ thuật, đã được các tác giả phim lao động nghiêm túc (trừ người làm nhạc). Có thể nhắc đến một số phim có bài hát… quá tệ trong khi phim không đến nỗi nào: "Trái đắng", "Những khoảng trời riêng", "Châu Sa", "Một thời ta đuổi bóng", "Pha lê không dễ vỡ", "Những người con biệt động Sài Gòn"…

untitled-15252334096012045226323.png -0
Phim "Phía trước là bầu trời" có bài hát hay "Mong ước kỷ niệm xưa".

Sáng tác bài hát, tuy không cần phải có một trình độ cao siêu về âm nhạc, song lại cần người viết có năng lực văn học, cảm thụ được sâu sắc tác phẩm điện ảnh. Bài hát giúp người xem lĩnh hội, thẩm thấu tốt hơn những tư tưởng mà các tác giả phim muốn chuyển đến người xem. Đã là bài hát thì bắt buộc phải tuân thủ, đạt được những yêu cầu đối với thể loại này về các phương diện: tìm tòi chất liệu để tạo nên giai điệu, kết cấu, bố cục, xử lý tiết tấu và soạn ca từ (lời).

Một điều đáng bàn là không nhất thiết phim truyện cứ phải có bài hát. Chỉ nên có nếu bộ phim giàu chất văn học. Hãy nhìn sang lĩnh vực phim truyện nhựa. Rất nhiều phim hay, hoàn toàn có thể để bài hát xuất hiện, nhưng nhạc sĩ đã không làm và đạo diễn cũng không yêu cầu. Rốt cuộc bộ phim vẫn cứ hay (ví như các phim: "Con chim vành khuyên", "Chị Tư Hậu", "Cánh đồng hoang", "Mùa gió chướng", "Bao giờ cho đến tháng mười", "Thương nhớ đồng quê", v...v...). Giá trị những bộ phim này chỉ được nâng cao hơn nếu có bài hát hay, "đắt" xuất hiện. Còn nếu không đạt được, tốt nhất không nên có như các nhạc sĩ sáng tác nhạc cho các phim vừa kể đã làm. Hãy hình dung: Ở những phim này lại vang lên bài hát tầm thường thì sẽ tổn hại, làm sụt giảm giá trị bộ phim biết nhường nào! Có lẽ chính vì như vậy mà rất may là hầu hết phim truyện nhựa của ta đã không có bài hát xuất hiện.

Khi một bài hát vang lên trong phim, cần để người xem thấy đã hỗ trợ rất nhiều cho họ cảm nhận sâu sắc thêm nội dung tư tưởng của bộ phim. Ví như bài hát "Bài ca trên núi" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương trong phim "Vợ chồng A Phủ" của đạo diễn Mai Lộc chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng cùng tên của nhà văn Tô Hoài. Cần thấy rằng tác phẩm văn học thì xuất sắc nhưng sang phim chỉ ở mức độ… trên trung bình. Nhưng đặc biệt, phần âm nhạc tốt và riêng bài hát thì đặc sắc, đã nâng thêm giá trị bộ phim lên rất nhiều.

Người xem thấy bài hát xuất hiện trong phim thật đúng lúc. Đó là khi cô Mỵ bỏ nhà Thống lý Pá Tra đi trốn cùng người yêu là A Phủ. Cả hai người không có bất cứ thứ gì mang theo, chỉ có tình yêu mãnh liệt, cháy bỏng, thủy chung, son sắt. Họ đã đi ròng rã nhiều ngày qua rất nhiều ngọn núi, con suối, rồi lạc vào một hang đá. Lúc này, họ đã rất mệt, tưởng không thể đi tiếp. Nhưng tình yêu thương, cộng với niềm tin sẽ tìm được vùng giải phóng đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho họ. Đúng lúc này, một giai điệu vang lên kèm theo ca từ: "Ơ ! Bầu trời có sao chiều, sao sớm. Đầu núi kia có hai người yêu nhau. Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi, chỉ có sao sớm, sao chiều…".

Bài hát dựa vào chất liệu dân ca Mông quen thuộc vùng núi Tây Bắc rất ngắn gọn với phần ca từ súc tích, cô đọng đã nhanh chóng thuyết phục người nghe. Nhưng quan trọng là giúp người xem phim hiểu thấu được tâm trạng hai nhân vật chính của phim lúc ấy (Lúc này, họ đều rất mệt, thở không ra hơi nên không có bất cứ lời đối thoại nào, chỉ có bài hát vang lên). Đây là một trong số rất hiếm hoi có sự xử lý âm nhạc "đắt" trong phim. Chính vì vậy mà đến nay, không nhiều người nhớ bộ phim này (mà chỉ nhớ truyện của Tô Hoài) nhưng bài hát lại trở nên rất quen thuộc với nhiều thế hệ công chúng.

Gần đây, có khuynh hướng nhạc trẻ hoá ca khúc trong phim truyền hình mặc dù rất nhiều phim đạo diễn thực hiện theo phong cách truyền thống với việc biểu hiện những nội dung sâu sắc phù hợp với những đối tượng công chúng không còn trẻ. Điều này dẫn tới tình trạng giữa nội dung phim và phần âm nhạc không hài hoà, mà khiên cưỡng như là "cãi nhau". Phim thì chững chạc, sâu sắc, có "cái để xem", để suy ngẫm. Nhưng ca khúc thì tầm phào, dông dài, nhạt nhẽo.

Nguyễn Đình San  
.
.