Bài ca xúc động về lực lượng Cảnh vệ CAND

Thứ Năm, 15/12/2022, 09:53

"Cận vệ" - vở diễn mới nhất của Nhà hát CAND là câu chuyện giản dị, xúc động ca ngợi chiến công, sự hy sinh thầm lặng của lực lượng Cảnh vệ CAND Việt Nam. Tác phẩm nằm trong chuỗi hoạt động nghệ thuật hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh vệ CAND (16/2/1953 - 16/2/2023).

Vở kịch nói "Cận vệ" (kịch bản: Nhà văn Đào Trung Hiếu, đạo diễn: NSND Lê Hùng) kể câu chuyện về Hoàng Năm - một sĩ quan cận vệ với nhiệm vụ chính là bảo vệ ông Nguyễn Thanh, một lãnh đạo cao cấp. Hoàng Năm được ông Thanh quý như ruột thịt bởi sự tận tâm, gắn bó nhiều năm và anh từng xả thân cứu ông Thanh trong một vụ đắm tàu. Không may, vợ chồng Hoàng Năm rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo khi cô con gái vừa lọt lòng đã mắc căn bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp. Theo các bác sĩ, để chữa khỏi bệnh cần phải đưa con gái nhỏ ra nước ngoài sớm cùng chi phí rất lớn.

cận vệ vở kịch mới nhất về lực lượng cảnh vệ cand.jpg -0
“Cận vệ” vở kịch mới nhất về lực lượng Cảnh vệ CAND.

Vợ chồng Hoàng Năm định bán một phần đất hương hỏa được chia ở quê để có tiền cho con chữa bệnh nhưng chưa nhận được sự đồng ý của họ hàng, dòng tộc. Thắng là bạn học của Thu (vợ Năm) hiện đang là trợ lý của lãnh đạo tỉnh X, biết rõ gia cảnh của Hoàng Năm nên đã tiếp cận và muốn giúp đỡ với mục đích nhờ anh tác động tới ông Thanh, lúc này đang trực tiếp chỉ đạo điều tra một vụ án tham nhũng để khoanh vùng vụ án. Hoàng Năm đứng trước lựa chọn đầy khó khăn. Đồng ý nhận giúp đỡ để có tiền chữa bệnh cho con hay giữ vững bản lĩnh, phẩm chất của người chiến sĩ CAND?

Kịch bản "Cận vệ" được chắp bút bởi Thượng tá, Nhà văn Đào Trung Hiếu, hiện đang công tác tại Báo Công an nhân dân. Nhà văn Đào Trung Hiếu chia sẻ: "Kịch bản "Cận vệ" được chuyển thể từ truyện cùng tên tôi sáng tác trong thời gian tham gia Trại sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài "Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND" do Bộ Công an tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống lực lượng tiếp cận bảo vệ Đảng và Nhà nước, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Lực lượng Cảnh vệ CAND.

Cốt truyện được hình thành khá nhanh, chỉ sau một buổi tôi trò chuyện với một sĩ quan trực tiếp làm công tác bảo vệ cán bộ trọng yếu. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, Trại sáng tác đã có nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, nhạc… nhưng kịch lại chưa có. Tôi mạnh dạn đề đạt ý tưởng chuyển thể truyện vừa thành một vở kịch cho sân khấu với lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và rất may mắn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các anh.

Dù đã có một số sáng tác như truyện, ký, kịch bản phim… về lực lượng CAND nhưng thú thực tôi có nhiều băn khoăn khi lựa chọn cách tiếp cận đề tài này. Hầu hết, các tác phẩm của tôi trước đây đều tập trung phản ánh người lính hình sự, Công an phòng chống ma túy với những chuyên án cụ thể. Lâu nay, trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, các tác giả cũng thường khai thác hình ảnh người lính Cảnh vệ bảo vệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong những năm kháng chiến. Hầu như chưa có ai khai thác hình ảnh người CBCS Cảnh vệ ở giai đoạn hiện nay. Tôi cho rằng, nhiệm vụ của người cảnh vệ trong giai đoạn này rất quan trọng, cao cả nhưng có lẽ phù hợp với thể loại ký, ghi chép hơn.

Để đưa lên sân khấu một câu chuyện cụ thể về nhiệm vụ người CBCS cảnh vệ trong đời sống hiện nay rất khó. Đúng là trong "cái khó" tôi lại nảy ra ý tưởng mới. Tôi nghĩ về những "đại án tham nhũng" thời gian gần đây. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực. Có không ít vụ việc đã bị phanh phui, trong đó nhiều doanh nghiệp sân sau, được các quan chức "chống lưng". Khi sắp bị "sờ gáy" thì hầu hết những người vi phạm sẽ tìm cách “chạy án”. Họ sẽ nhắm tới các đối tượng gần gũi, thân cận nhất với các lãnh đạo cấp cao. Và trong câu chuyện này thì người sĩ quan cận vệ chính là mục tiêu để các quan tham lợi dụng hoàn cảnh riêng để mua chuộc. Trong quá trình hoàn thiện kịch bản, tôi may mắn được Thiếu tướng Trần Hải Quân,Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thường xuyên góp ý, chỉnh sửa với những đóng góp chính xác và quý báu".

một cảnh trong vở cận vệ.jpg -0
Một cảnh trong vở “Cận vệ”.

Kịch bản "Cận vệ" đã được gửi gắm dàn dựng qua bàn tay tài ba của đạo diễn, NSND Lê Hùng. Được ví như "người nhà" của Nhà hát CAND, là người từng dàn dựng không ít vở kịch về người chiến sĩ CAND nhưng như đạo diễn Lê Hùng tâm sự: "Đây là lần đầu tiên tôi đạo diễn một vở kịch về người lính Cảnh vệ. Quá trình dàn dựng cũng là thời gian cho tôi cơ hội được hiểu hơn về nhiệm vụ cao cả của họ. Những CBCS với đồng lương hạn hẹp nhưng mang trên vai trách nhiệm cao cả, nặng nề. Thậm chí, có người trong số họ đã sẵn sàng hy sinh giữa thời bình. Tình yêu, sự cảm phục của chúng tôi đối với người lính cảnh vệ đủ để cả ê kíp cùng cố gắng. Trung bình mỗi vở kịch phải có 2 tháng để tập luyện nhưng với "Cận vệ" thời gian dàn dựng khá ngắn. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một tuần anh em nghệ sĩ đã vào vai khá tốt. Tôi cho rằng đây là sự nỗ lực lớn của các nghệ sĩ Nhà hát CAND".

Thượng tá, NSND Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND vui mừng thông báo: "Vở kịch nói "Cận vệ" nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các đơn vị như Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị phối hơp thực hiện. Thiếu tướng Trần Hải Quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ chỉ đạo nội dung; Đại tá Đỗ Xuân Tiếp, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ cố vấn nghiệp vụ. Đưa hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ lên sân khấu thực sự là một mảng rất mới đối với Nhà hát. Thời gian thực hiện vở diễn không nhiều lại vào cuối năm, công việc khá bộn bề. Tuy nhiên, chúng tôi nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ Công an, Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ với những đóng góp quý báu không chỉ về mặt nghiệp vụ mà còn ở khía cạnh nghệ thuật. Tôi hy vọng rằng, sau khi vở diễn ra mắt, khán giả sẽ hiểu hơn về chiến sĩ cận vệ CAND".

Theo NSND Thúy Hiền, đảm nhiệm các vai diễn trong vở đều là các gương mặt nghệ sĩ của Nhà hát CAND trong đó nghệ sĩ Quốc Thắng vai Hoàng Năm, Bảo Thanh vai Thu (vợ Hoàng Năm), ngoài ra là những nghệ sĩ Đăng Hòa, Hồng Tuấn, Thu Hà, Trịnh Huyền, Trần Tuấn...

Bước xuống từ sân khấu, nghệ sĩ Quốc Thắng vẫn chưa ra khỏi cảm xúc từ vai diễn. Anh bộc bạch: "Hoàng Năm là nhân vật rất khác với những vai Công an tôi đã từng hóa thân. Vì đặc thù công việc nên trong quá trình làm nhiệm vụ, Hoàng Năm không mặc quân phục như các lực lượng Công an khác nhưng trong cách diễn vẫn phải toát lên phong cách, phẩm chất của người chiến sĩ Công an. Không chỉ có vậy, Hoàng Năm còn có những đắn đo, giằng xé nội tâm khi đứng trước sự lựa chọn. Là sĩ quan cận vệ thì tác phong với lãnh đạo cao cấp thế nào, thái độ, lời nói với nhân dân thế nào là điều tôi phải học tập, nghiền ngẫm rất kỹ. Tất cả những điều đó mang đến thử thách nghề nghiệp vừa khó khăn vừa thú vị đối với tôi.".

Có thể nói, "Cận vệ" là vở diễn khá gọn gàng, chặt chẽ, không quá nhiều nhân vật để tập trung vào mạch truyện chính. Ca ngợi chiến công, sự hy sinh thầm lặng của CBCS Cảnh vệ trên mặt trận đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ nhưng không khai thác quá sâu vào nghiệp vụ mà được mềm hóa thông qua câu chuyện đời thường và mang hơi thở thời đại từ những vấn đề nóng hiện nay. Có lẽ vì thế mà đạo diễn Lê Hùng cũng không sử dụng quá nhiều kỹ xảo sân khấu cầu kỳ. Câu chuyện xúc động được kể một cách giản dị, chân thực nhất. Sự hy sinh của Thiếu tá Hoàng Năm buồn nhưng không bi lụy bởi ở đó còn ấm áp câu chuyện của tình thân, tình đồng chí, của sự tiếp nối truyền thống tự hào.

NSND Thúy Hiền cho biết, vở kịch sẽ tiếp tục được hoàn thiện để sớm công diễn chính thức. Có thể nói, với sự toàn tâm toàn lực của các nghệ sĩ Nhà hát CAND, "Cận vệ" hy vọng là một bản hùng ca chân thực, xúc động về Lực lượng Cảnh vệ CAND. Trải qua thời gian, các thế hệ Cảnh vệ CAND đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, mưu trí, dũng cảm, tuyệt đối trung thành, chỉ biết "còn Đảng thì còn mình", xứng đáng là "thanh bảo kiếm" bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thảo Duyên
.
.