Ẩu thành quen

Thứ Năm, 28/10/2021, 11:48

Sáng nay tôi bất ngờ được người bạn chìa cho xem tin nhắn rất dài của nhà thơ L. về việc trong chương trình "Quán Thanh Xuân" số tháng 10 đã cho rằng "tôi không nhắc đến nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến trong phần sáng tác bài "Giấc mơ trưa", quy chụp tôi là giả vờ quên, lờ nhà thơ đi để "ôm cả lãi danh". Đó là nguyên văn những giãi bày, chia sẻ của nữ nhạc sỹ Giáng Son, đăng tải công khai trên tài khoản facebook cá nhân của chị cách đây vài hôm. Trong đó, chị cũng có mong muốn nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến lên tiếng để minh định cho mình.

Ngay sau chia sẻ này, nhạc sỹ Võ Thiện Thanh cũng có những tâm sự, với những lời lẽ có thể nói là bộc lộ hết sự đau xót trước sự lặng im đáng sợ của những người thấy cái sai, cái chưa đúng chuẩn. Đại ý, nhạc sỹ Võ Thiện Thanh bày tỏ rằng "khi một người bạn tri kỉ, một đồng tác giả đáng mến với bạn, một người viết nhạc tử tế ít ỏi giữa thời đại hỗn mang, đang có nguy cơ bị vùi dập vì sự cẩu thả của nhà đài, mà bạn vẫn lặng im, thì đó là sự im lặng thật đáng sợ. Con tằm còn không thương lấy phận nhả tơ, thì làm sao mong người đời không bạc bẽo với lũ nhộng?".

Sự thật tồn tại quá lâu chính là sự cẩu thả của những người mang danh làm biên tập âm nhạc của các chương trình phát sóng truyền hình. Gần như tháng nào cũng có chuyện một đồng tác giả bị bỏ quên trong phần giới thiệu một tác phẩm. Nó phổ biến đến độ nhiều đồng tác giả không buồn lên tiếng nữa (cũng có thể Nguyễn Vĩnh Tiến rơi vào trường hợp này chăng?) hoặc có hiếm hoi một ai đó lên tiếng thì lập tức bị coi là "gàn dở" . Họ có thể bị vào "danh sách đen" của vài biên tập viên quyền lực.

Cách đây vài năm, một chương trình gameshow ca nhạc đã sử dụng tác phẩm chung của hai đồng tác giả nhưng lại chỉ để tên một tác giả duy nhất, là người nổi tiếng hơn. Đồng tác giả còn lại bèn lên facebook có ý chê trách những người có trách nhiệm trực tiếp tới việc lựa chọn tác phẩm trình diễn. Theo ông, một Giám đốc âm nhạc lành nghề thì không thể bỏ sót tên tác giả. Đó là dấu hiệu của cẩu thả và vô trách nhiệm. Lập tức, vị Giám đốc âm nhạc kia đăng đàn phản pháo, với lời lẽ gay gắt hướng đến tác giả, quy hoàn toàn trách nhiệm cho những người trong ê kíp của nhà đài. Cuộc tranh cãi rất may đã không xảy ra, nhưng vị tác giả kia có lời thề sẽ không bao giờ làm việc chung với Giám đốc âm nhạc cẩu thả ấy nữa.

Tất cả những chuyện thành cơm bữa này đều cho thấy một điểm rất đáng lưu tâm, ấy là ý thức chuyên nghiệp của những người khoác danh Giám đốc âm nhạc, biên tập âm nhạc của các nhà đài. Thực sự, họ không cố ý bỏ qua một tác giả nào cả nhưng do cách làm việc thiếu cặn kẽ, thiếu chi tiết, thiếu cẩn trọng mà họ đã vô tình để sót. Quan trọng nhất là sau đó, họ không có lời xin lỗi công khai, cũng không chịu rút kinh nghiệm để dẫn đến chuyện cẩu thả kia trở thành thói quen theo kiểu xuề xoà "có sót một tí thì chẳng chết ai".

Một trong những thứ được quốc tế quan tâm nhất trong việc hợp tác thương mại, đầu tư… ở thời đại này chính là sở hữu trí tuệ. Quốc gia nào càng có hiện tượng vi phạm sở hữu trí tuệ thì càng khó có được các đối tác tốt từ những vùng, quốc gia khác. Và ở Việt Nam, vi phạm sở hữu trí tuệ vốn vẫn đang là một nhức nhối lớn. Vậy thì muốn giải quyết nó, phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, từ những người trực tiếp chịu trách nhiệm như các biên tập nhà đài. Và hơn hết, chính những tác giả cần phải biết dẹp đi nỗi ngại va chạm, nỗi sợ bị cô lập để lên tiếng đòi hỏi sự chính đáng cho mình mới mong diệt được cái sự ẩu đã thành quen.

Văn Đoàn
.
.