Áo dài truyền thống: Bao giờ trở thành "quốc phục"?

Thứ Sáu, 02/08/2024, 06:04

Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, chiếc áo dài đến nay đã có một vị trí nhất định trong đời sống nhưng hành trình trở thành “quốc phục” xem ra còn lắm gian nan...

Vừa qua, NXB Thế giới đã ấn hành cuốn sách “Áo dài truyền thống - Hành trình trở lại” do nhóm tác giả CLB Đình làng Việt biên soạn. Đây là một ấn phẩm đặc biệt ra mắt nhân kỷ niệm 280 năm (1744-2024) thời điểm Võ vương Nguyễn Phúc Khoát định chế chiếc áo năm thân làm trang phục cho dân chúng Đàng Trong, để rồi sau này, Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841) quy định là trang phục dùng cho cả nước Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, chiếc áo dài đến nay đã có một vị trí nhất định trong đời sống nhưng hành trình trở thành “quốc phục” xem ra còn lắm gian nan...

Thăng trầm cùng lịch sử

Cuốn sách gồm 52 bài viết của 47 tác giả là khách mời và thành viên của nhóm Đình làng Việt gồm 2 phần chính là “Đi tìm giá trị áo dài năm thân” và “Trở về với truyền thống ông cha”. Các tác giả có độ tuổi khác nhau, từ cao niên đến tuổi học trò, cho thấy một sự tiếp nối thế hệ, đồng thời là tiếp nối mạch truyền thống văn hóa dân tộc (cao niên nhất là nhà văn Hoàng Quốc Hải và người trẻ nhất là tác giả Trần Thái Khanh - SN 2006). Các tác giả đến từ nhiều vùng miền khác nhau, lĩnh vực khác nhau như: chính khách, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, nhà văn, có người là nhà quản lý, kiến trúc sư, họa sĩ, thiết kế thời trang, nhà báo, nghệ nhân, thậm chí là người nước ngoài... nhưng cùng chung tâm tư về tà áo dài truyền thống từ trong lịch sử đến đời sống đương đại.

Áo dài truyền thống: Bao giờ trở thành
Ông Trần Ngọc An - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland trong trang phục áo dài tới tiếp kiến và trình quốc thư lên Nữ hoàng Elizabeth II (tháng 5/2018) Ảnh: Hoàng gia Anh.

Tất cả tạo thành một tập thể cùng sẻ chia điểm tương đồng là tình yêu, tâm huyết với di sản trang phục của tiền nhân để lại. Tình yêu đó chính là chất men, chất kết dính để gắn kết nội dung cuốn sách, tạo nên một “công trình” đa sắc màu, nhiều góc nhìn với mong muốn góp phần hồi sinh, lan tỏa vẻ đẹp cũng như giá trị văn hóa của tà áo dài truyền thống đã có lịch sử lên đến vài trăm năm.

Theo nghiên cứu của TS Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế: “Từ năm 1744, gắn liền với công cuộc cải cách và chế định trang phục ở Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã quy định: Áo dài ngũ thân trở thành loại thường phục chung của cư dân toàn xứ sở. Sang đầu thế kỷ XIX, trong những năm 1828-1837, sau khi thống nhất và ổn định tình hình đất nước, Vua Minh Mạng đã đưa ra quy định bắt buộc tất cả người dân Việt Nam, từ Bắc chí Nam đều phải sử dụng trang phục áo dài ngũ thân và xem đây là sự thống nhất về văn hóa của một quốc gia độc lập với nền văn hiến lâu đời, có chế độ y quan (áo mũ) rực rỡ. Điều đó có nghĩa là, áo dài ngũ thân đã trở thành trang phục chung hay quốc phục của người Việt Nam...”.

Trải qua những thăng trầm cùng lịch sử và có những thời điểm tà áo dài gần như biến mất khỏi đời sống bởi nó được xem là “tàn dư của chế độ cũ”, từ những năm 1990, tà áo dài dần xuất hiện sôi động hơn trong đời sống, sinh hoạt và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng.

Tuy nhiên, họa sĩ Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt - đại diện cho nhóm tác giả cuốn sách “Áo dài truyền thống - Hành trình trở lại” chia sẻ: “Trong một thập niên qua, áo ngũ thân đã trở lại và có sức lan tỏa rộng trong công chúng nhưng vẫn chưa có được một vị thế xứng đáng như nó cần và nên có. Chính vì thế, đích đến của chúng tôi là, làm sao cho chiếc áo năm thân có cơ hội hiện diện một cách xứng đáng không chỉ trong tâm tưởng của bạn đọc - thay vì các định kiến hay hiểu biết chưa chính xác do điều kiện lịch sử - mà còn trong tủ trang phục hay sưu tập trang phục của chính họ, trong vai trò tạm gọi là “bộ quốc phục”, để góp phần vào việc xác quyết và nhận diện bản sắc Việt Nam ở cấp độ văn hóa - xã hội, trên bình diện trong nước và quốc tế...”.

Phát huy giá trị từ truyền thống

Quả thực, câu chuyện về “quốc phục Việt Nam” đã được bàn thảo nhiều lần và cũng không ít lần gây ra tranh cãi, khen chê. Nhất là vào năm 2018, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland Trần Ngọc An tới tiếp kiến và trình quốc thư lên Nữ hoàng Elizabeth II trong trang phục áo dài.

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, ông Phạm Sanh Châu - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Ấn Độ kiêm Đại sứ tại Vương quốc Nepal và Bhutan trả lời: “Cá nhân tôi là một người tiên phong quảng bá áo dài nam truyền thống trong các hoạt động đối ngoại. Điều đó xuất phát từ nhu cầu công tác và vì chúng ta muốn xây dựng một bản sắc Việt Nam. Có nhiều yếu tố để tạo nên bản sắc và đối với nhà ngoại giao, bản sắc đầu tiên để người ta nhận diện chính là trang phục...”.

Trong bài viết “30 năm chuyện quốc phục của người Việt” của ông Võ Hồng Phúc - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đã kể lại rằng, từ năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi thấy bức xúc của những người làm công tác đối ngoại đã chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thông tin nghiên cứu để ban hành quy định về quốc phục.

Áo dài truyền thống: Bao giờ trở thành
Các tác giả, cộng tác viên tham gia viết sách "Áo dài truyền thống - Hành trình trở lại" trong buổi ra mắt sách tại "Không gian văn hóa đình làng Việt".

Ông Phúc kể lại: “Tháng 6/1995, tôi tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thăm các nước Bắc Âu và Anh quốc. Khi thăm Anh, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Aberdeen, một thành phố ở miền Đông Bắc Scotland. Đón đoàn tại sân bay có Thị trưởng Aberdeen và dàn nhạc toàn nam giới của thành phố. Tất cả mọi người ra đón đều mặc váy ngắn kẻ ô trên đầu gối và áo vest thêu - quốc phục của Scotland. Tối hôm đó, chúng tôi về Edinburgh - thủ đô Scotland - dự tiệc của Thị trưởng Edinburgh, những người Scotland vẫn mặc quốc phục đó. Sau buổi tiệc, Thủ tướng nói với chúng tôi: “Các anh thấy không, cho dù phát triển đến đâu, họ vẫn giữ được truyền thống của họ. Quốc phục vẫn là quốc phục. Ta thì nghiên cứu mãi không xong!”. Và, từ đó đến nay đã gần 30 năm, câu chuyện về quốc phục vẫn đang trong tình trạng “bàn thảo”, chưa có quy định thống nhất nào về quốc phục được ban hành.

Trong bài viết in trong sách “Áo dài truyền thống - Hành trình trở lại”, nhà văn Hoàng Quốc Hải chia sẻ: “Tại sao nhiều nguyên thủ các nước luôn vận y phục cổ truyền của dân tộc mình trước công chúng? Bởi y phục của mỗi dân tộc là đặc trưng văn hóa, là linh hồn của chính dân tộc đó. Vả lại, trong giao tiếp quốc tế, để nhận biết người này thuộc quốc gia nào, trước hết ta nhìn vào trang phục họ mặc, và nếu còn nghi ngờ thì nghe thêm tiếng nói của họ. Vậy, y phục và ngôn ngữ của mỗi người là tiêu biểu cho quốc tịch của chính người đó. Nó chính là dấu hiệu để người các dân tộc khác nhau tìm đến nhau được dễ dàng...”.

Còn GS.TS Thái Kim Lan - Giám đốc Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, đồng thời là nữ học giả có niềm đam mê với việc lưu giữ những tà áo dài chia sẻ: “Năm 1965 tôi sang Đức du học, “gia tài” tôi mang theo là 6 bộ áo dài bằng lụa nội hóa. Ngày khai giảng đầu tiên, tôi và 5 nữ giáo viên khác cùng du học đến trình diện ở trường trong những chiếc áo dài thướt tha. Những đồng nghiệp ngoại quốc dự khai giảng ngỡ ngàng khi thấy trang phục của chúng tôi. Họ trầm trồ trước vẻ uyển chuyển thướt tha và ngợi khen đây là một trang phục rất lạ, đẹp, lịch sự và thích hợp với dáng dấp mảnh khảnh của phụ nữ Á Đông... Tôi còn nhớ, khi nhìn sang những người bạn gái trong chiếc áo dài lịch sự và sang trọng, tôi càng ý thức điều đó nhiều hơn và vui làm sao khi mọi cặp mắt đều chú ý đến họ như những bông hoa hiếm đẹp giữa trăm nghìn người xa lạ...”.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 4 triệu người sống và làm việc ở nước ngoài, trong bối cảnh họ vừa phải hội nhập với hoàn cảnh sống của nước sở tại, vừa phải luôn tìm cách xác lập bản sắc văn hóa Việt Nam. Vì vậy, nếu áo dài trở thành “quốc phục”, sẽ không ai phải băn khoăn hay tranh cãi, mà thay vào đó là niềm tự hào khi chọn áo dài làm bộ trang phục dân tộc sử dụng trong những trường hợp cần thiết, góp phần bảo tồn một di sản văn hóa lâu đời và đáng trân quý của Việt Nam.

Nguyệt Hà
.
.