Âm nhạc Việt với sân chơi toàn cầu
Không chỉ sôi động và đa sắc trong thị trường trong nước, âm nhạc Việt ngày càng có nhiều hoạt động cho thấy khát vọng bước vào sân chơi toàn cầu. Dù đường tới thành công còn dài và không ít trở ngại nhưng sự nỗ lực của mỗi nghệ sĩ cùng xu hướng tất yếu sẽ mang đến không ít hy vọng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên cấp cao Khoa Truyền thông và Thiết kế (Đại học RMIT Việt Nam) thì âm nhạc Việt hiện đang có sức ảnh hưởng đến âm nhạc thế giới hơn bao giờ hết. Trong đó, bản sắc âm nhạc Việt đã bước đầu có sự song hành cùng tư duy âm nhạc quốc tế. Nhờ sự phát triển của các nền tảng nhạc số và mạng xã hội, nhiều bản hit Việt trở thành hiện tượng toàn cầu.
Trong đó có thể kể đến "See tình" của Hoàng Thùy Linh, "Hai phút hơn" của Pháo đã được nhiều khán giả quốc tế biết tới. Các ca khúc Việt Nam như "Anh có muốn đưa em về không" (Organe, Ngô Lan Hương), "Có chàng trai viết lên cây" (Phan Mạnh Quỳnh), "Tình bạn diệu kỳ" (Ricky Star, Lăng LD, Amee)… khi phát hành từng trở thành hiện tượng trên mạng xã hội ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Với những ca khúc này, nhạc Việt được tiếp cận, biết đến và yêu thích rộng rãi hơn, giúp đất nước trở thành một điểm mốc thú vị trên bản đồ âm nhạc thế giới.
Ông Thăng Long cũng cho rằng: "Thế hệ nghệ sĩ trẻ cũng đang định hình lại tương lai nhạc Việt trong những năm gần đây. Các tác phẩm âm nhạc của họ thể hiện rõ tư duy sáng tạo, đổi mới và phóng khoáng. Không chỉ thế, họ còn xuất sắc khi đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò khác nhau như ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất".
Nhờ tư duy âm nhạc bài bản và định hướng phát triển toàn diện, nhiều nghệ sĩ Việt đã bắt đầu tạo dựng được mối quan hệ hợp tác nổi bật với nghệ sĩ nước ngoài hoặc công ty âm nhạc đa quốc gia giúp cho các dự án âm nhạc hợp tác quốc tế khởi sắc. Các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Ngày càng có nhiều cái bắt tay giữa các giọng ca Việt và ngôi sao quốc tế không chỉ là phương thức quảng bá mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm âm nhạc. Nhiều dàn nhạc nổi tiếng thế giới như Boston (Mỹ) NHK Nhật Bản, Dàn nhạc giao hưởng London… với những nghệ sĩ hàng đầu thế giới đã đến Việt Nam biểu diễn. "Lễ hội âm nhạc gió mùa" với 10 năm tuổi đời đã trở thành điểm đến của các nghệ sĩ nổi tiếng đẳng cấp thế giới và những phong cách âm nhạc mới.
Sự hợp tác giữa các ca sĩ trong nước và quốc tế có thể kể tới Vũ hợp tác với ban nhạc Đan Mạch Lukas Graham trong "Happy for you" (2021), Sơn Tùng M - TP với Snoop Dogg trong MV "Hãy trao cho anh". Năm 2023 là năm bùng nổ các màn hợp tác quốc tế gây tiếng vang lớn. Đức Phúc kết hợp cùng ban nhạc huyền thoại của Vương quốc Anh 911 với bản hit "I do". Sau đó, thuy - ca sĩ người Mỹ gốc Việt cũng tung ra bản remix cho hit "Girls like me don't cry" kết hợp cùng MIN. Các nghệ sĩ này đã góp phần thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa nền âm nhạc Việt Nam và đóng vai trò như những đại sứ - kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu văn hóa trong và ngoài nước".
Thời gian gần đây, thị trường âm nhạc Việt còn xuất hiện xu hướng "xuất khẩu nghệ sĩ, nhập khẩu fan". Nhiều nghệ sĩ có thêm điều kiện mở rộng phạm vi hoạt động, xây dựng thành công sự nghiệp ở các thị trường ngoại. Nổi bật nhất là trường hợp của Chi Pu tại Trung Quốc sau thành công ở chương trình "Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng". Không chỉ có cơ hội trình diễn tại những sân khấu quy mô hoành tráng ở xứ sở tỉ dân như "Đại nhạc hội thanh niên châu Á 2023", "Đêm hội TMALL", sự kiện chào năm mới của Đài Hồ Nam… hình ảnh Chi Pu còn phủ sóng trên nhiều trang mạng xã hội của Trung Quốc. Một trường hợp nổi bật khác là Quang Hùng Master D - chủ nhân bản hit "Dễ đến dễ đi" - đã giúp anh trở thành hiện tượng ở thị trường Thái Lan. Chàng ca sĩ cũng thường xuyên ra các sản phẩm âm nhạc, nội dung bằng tiếng Thái dành tặng cho fan giúp anh được săn đón ở xứ sở chùa Vàng như ngôi sao hạng A…
Ngoài ra, việc nam rapper Binz với bài hát "Bigcityboi" đã được ê kíp làm phim Hollywood chọn sử dụng trong một cảnh quay của phim "Biệt đội đánh thuê 4" cho thấy dấu ấn của nhạc Việt tại thị trường quốc tế. Đây là bộ phim hành động quy tụ một loạt ngôi sao như Sylvester Stallone, Jason Statham, Megan Fox… Đến nay, MV đã đạt được gần 100 triệu lượt xem, trở thành một trong những bản nhạc được yêu thích tại thị trường âm nhạc Việt Nam. Ngoài ra, còn có niềm vui của ca sĩ Tuấn Hưng khi được mời biểu diễn tại sự kiện bên lề của Super Bowl - một sự kiện thể thao truyền thống của Liên đoàn Bóng bầu dục Mỹ tại Las Vegas vào đầu tháng 2/2024. Anh là ca sĩ Việt Nam đầu tiên được mời trình diễn tại hoạt động này.
Không thể phủ nhận, một số ca sĩ Việt Nam đã rất nỗ lực và có được những thành tựu trong hành trình chinh phục sân chơi quốc tế. MV ca nhạc "Making my way" của Sơn Tùng M- TP hát hoàn toàn bằng tiếng Anh và trên màn hình có phụ đề tiếng Việt không chỉ thu được những thành tích ấn tượng tại thị trường nhạc số trong nước mà còn có vị trí cao trên bảng xếp hạng iTunes của Singapore, Nhật Bản, thậm chí xuất hiện trong top iTunes của Đức, Mỹ, Canada…
Sơn Tùng M- TP là nghệ sĩ tiêu biểu cho thấy khát vọng được ra biển lớn từng ghi dấu ấn với khán giả quốc tế khi tham gia biểu diễn tại "Lễ hội âm nhạc Head in the Clouds 2021" được tổ chức bởi hãng thu âm, sản xuất danh tiếng của Mỹ là 88rissing. Anh cũng được chọn là nghệ sĩ đại diện Việt Nam tham gia trình diễn tại ASEAN - Korea Music Festival cùng các nghệ sĩ tên tuổi của Hàn Quốc và Đông Nam Á. Ca sĩ Hoàng Duyên (sinh năm 1999) từng trở thành đại diện Việt Nam được xướng tên tại Lễ trao giải Âm nhạc châu Á Mnets với giải thưởng Best New Asian Artist - Nghệ sĩ mới xuất sắc của châu Á…
Một thuận lợi hiện nay là với sự phát triển của công nghệ, trong xu hướng toàn cầu hóa, ở bất kỳ đâu, các nhạc sĩ cũng có thể làm việc cùng nhau. Chỉ cần đưa sản phẩm âm nhạc lên mạng trực tuyến là có thể đến với bất kỳ khán giả nào trên thế giới. Nghệ sĩ âm nhạc Việt Nam trẻ, năng động, cập nhật xu hướng thế giới và nhanh nhạy trong việc tiếp cận khán giả quốc tế trên nền tảng số.
Điều quan trọng nhất để nhạc Việt có thể tạo được dấu ấn trên sân chơi quốc tế là tư duy âm nhạc hiện đại và cách làm việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, còn một trở ngại khi nhạc Việt giao lưu hội nhập, nhiều nghệ sĩ trẻ tham gia vào sân chơi quốc tế bằng sự hồn nhiên, chưa thực sự hiểu quy trình phân phối, phát hành các sản phẩm âm nhạc, chưa biết cách xây dựng hình ảnh hay có được cách làm việc thực sự chuyên nghiệp…
Đến với sân chơi toàn cầu không chỉ là mong ước của từng cá nhân nghệ sĩ mà trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã xác định nghệ thuật biểu diễn trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế thông qua các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Hơn bao giờ hết, xuất khẩu âm nhạc là một trong những hướng đi trọng tâm cần chú trọng đầu tư. Bởi âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật có khả năng lan tỏa rộng rãi với ngôn ngữ không biên giới. Về lâu dài, đây sẽ là hướng phát triển mũi nhọn của nhóm nghệ sĩ trẻ có tư duy sáng tạo, đổi mới và có định hướng phát triển dài hạn.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc với việc tổ chức các hoạt động, lễ hội giao lưu văn hóa, âm nhạc, liên kết đào tạo… để dần tạo lập thị trường quốc tế cho âm nhạc Việt Nam. Năm 2024 được kỳ vọng là năm bùng nổ của nhạc Việt trên sân chơi toàn cầu với hy vọng chinh phục ngày càng nhiều khán giả quốc tế.