Alice Munr: Khi truyện ngắn như là tiểu thuyết

Thứ Bảy, 08/06/2024, 16:59

Nữ văn sĩ người Canada Alice Munro (1931-2024) được vinh danh bằng giải Nobel Văn chương năm 2013 đã giã từ độc giả ở tuổi 92 vào ngày 13/5/2024 tại một nhà dưỡng lão ở bang Ontario. Bà là một hiện tượng độc đáo của văn học thế giới trong thế kỷ 20 khi giành giải Nobel với 14 tập truyện ngắn, trong đó nhiều tác phẩm được tái bản nhiều lần. Bà cũng là người Canada đầu tiên và là người phụ nữ thứ 13 nhận giải Nobel Văn học.

Nhà văn của một vùng đất

Trong văn chương có một hiện tượng thú vị, đó là có những nhà văn gắn cả cuộc đời sáng tác của mình với một miền đất trở đi trở lại trong tác phẩm của họ. Trường hợp nhà văn Nga Fyodor Dostoyevsky với thành phố Saint Petersburg, nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn với vùng đất Cao Mật hay nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk với thành phố Istanbul… là những ví dụ.

chân dung alice munro 1.jpg -0

Alice Munro đã làm một công việc tương tự như vậy, khi biến vùng đất nông thôn tây nam Ontario thành một miền đất được ghi dấu trong những sáng tác của bà. Có lẽ do bà sinh ra, lớn lên, học đại học ở vùng đất này, có cha mẹ là nông dân và giáo viên, trải qua toàn bộ cuộc đời lâu dài và bình lặng của mình tại đây, nên một vùng đất nông thôn nửa quê nửa tỉnh của Canada đã là nguồn cảm hứng sáng tạo suốt đời của Alice Munro. Ngày 21/7/2015, khi trả lời phỏng vấn cho chương trình TV Ontario, Alice Munro cho biết ngay từ đầu bà đã bị cuốn hút vào việc viết về cuộc sống ở bối cảnh một thị trấn nhỏ bởi vì theo bà “thị trấn nhỏ giống như một sân khấu cho cuộc sống con người”.

Trước khi chính thức xuất bản sách, Alice Munro đã sáng tác một số truyện ngắn đăng trên các tạp chí như Tamarack Review, Montrealer và Canadian Forum. Bước vào văn chương khá muộn, ở tuổi 37, Alice Munro xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên của mình có nhan đề “Vũ điệu của những sắc thái hạnh phúc” vào năm 1968. Khi đó Alice Munro đang là một bà nội trợ với bốn người con, trong đó có một người con qua đời ngay từ lúc mới sinh. Bà bớt thời gian làm việc nhà và giấc ngủ trưa để tranh thủ viết truyện ngắn. Sau này Alice Munro giải thích: “Tôi chưa bao giờ có ý định trở thành một nhà văn truyện ngắn, tôi bắt đầu viết chúng vì tôi không có thời gian để viết gì khác dài hơn”.

Cũng từ cuộc sống lâu dài ở vùng nông thôn Ontario, hay nói chính xác hơn là từ một thị trấn nhỏ nửa quê nửa tỉnh của Canada, những truyện ngắn của Alice Munro đều xoay quanh cuộc sống này với những số phận con người khác nhau. Là một nhà văn nữ, dĩ nhiên Alice Munro đặc biệt chú ý xây dựng những nhân vật phụ nữ dưới góc nhìn của riêng bà. Ở Việt Nam, những tác phẩm đã được dịch và xuất bản của Alice Munro bao gồm: “Cuộc đời yêu dấu”; “Trốn chạy”; “Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới”.

Thế giới nhân vật nữ nhiều thế hệ của Alice Munro

Alice Munro xây dựng các nhân vật ở nhiều độ tuổi khác nhau. Các nhân vật của bà chủ yếu là những người bình thường trong hoàn cảnh bình thường và thường có những va chạm khi tiếp xúc với những tầng lớp khác nhau trong xã hội. Khi mới bắt tay vào sáng tác, chủ đề thường xuyên của Alice Munro là nói về những cô gái trẻ bước vào tuổi trưởng thành phải đối mặt với tình cảm, gia đình, quê hương và hoàn cảnh của chính mình. Trong truyện ngắn “Hình ảnh”, Alice Munro đã viết về những biến đổi trong tâm trí của một cô gái trẻ có hiểu biết ít ỏi và rời rạc về thế giới, thông qua một chuyến đi với người cha cùng những trải nghiệm hoang dã. Từ đó nhà văn gợi cho độc giả ngẫm nghĩ về những nỗi sợ hãi trong đời sống, sự trưởng thành và cái chết của con người.

Khi đã cao tuổi hơn, Alice Munro viết về những phụ nữ trung niên, người già, những phụ nữ cô đơn. Tuy vậy Alice Munro chưa bao giờ là nhà văn đi rao giảng đạo đức con người, dù bà đặt trọng tâm đặc biệt vào các nhân vật phụ nữ. Đọc tác phẩm của Alice Munro dưới góc độ nữ quyền sẽ nhận ra rằng những nhân vật của bà thể hiện tinh thần nữ quyền chỉ vì hoàn cảnh và rất nhiều lần họ khuất phục số phận. Truyện ngắn “Tầm ma” kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa hai con người từng chia sẻ với nhau nhiều kỷ niệm từ thuở thơ bé. Họ nhận ra họ đã yêu nhau từ rất lâu và bây giờ tình yêu ấy bùng cháy. Nhưng rồi ai cũng có cuộc sống riêng với cuộc hôn nhân đang hiện diện và họ lại chọn dừng lại, thà để vuột mất chứ không bước tiếp với tình yêu đích thực của mình.

chân dung alice munro 2.jpg -1
Nữ văn sĩ Alice Munro.

Những truyện ngắn của Alice Munro miêu tả những con người, chủ yếu là những phụ nữ ở những độ tuổi khác nhau của cuộc đời, sống bình lặng trong một thị trấn nhỏ. Nhưng đằng sau vẻ bình lặng ấy là rất nhiều băn khoăn, day dứt, mâu thuẫn, đấu tranh giữa những ham muốn, khát vọng, mong chờ hạnh phúc. Cho nên Alice Munro được nhà phê bình Sherry Linkon khen ngợi rằng các tác phẩm của bà "đã giúp sửa sang và đem lại sức sống cho thể loại truyện ngắn". Có lẽ đó là nhờ vào cách bà sử dụng ngôn ngữ tinh tế và chính xác, không thừa thãi ngôn từ để nói về những vấn đề phức tạp của con người một cách bình dị nhất.

Nhà văn Anh gốc Iran lừng danh Salman Rushdie ca ngợi bà là “bậc thầy về hình thức”. Nữ nhà văn Mỹ Cynthia Ozick với nhận định: "Alice Munro là Chekhov của chúng ta, và sẽ tồn tại lâu hơn hầu hết những người cùng thời", hàm ý so sánh bà với văn hào Nga Anton Chekhov và từ đó bà có biệt danh “Chekhov của Canada”.

Khi truyện ngắn giống như là tiểu thuyết

Nếu dấu hiệu cơ bản của một cuốn tiểu thuyết hay là thể hiện được cái nhìn sâu sắc về thân phận con người thông qua bối cảnh xã hội, thì hầu như các truyện ngắn của Alice Munro đều làm được điều đó. Khi trao giải Nobel cho Alice Munro vào năm 2013, Viện Hàn lâm Thụy Điển gọi bà là “bậc thầy về truyện ngắn đương đại”, ca ngợi khả năng của bà trong việc “chứa đựng toàn bộ sự phức tạp mang tính sử thi của cuốn tiểu thuyết chỉ trong vài trang ngắn gọn”.

Trước đó khi bà đoạt giải Man Booker quốc tế năm 2009 cho toàn bộ tác phẩm trọn đời, Ủy ban giải thưởng nhận xét rằng mặc dù bà chủ yếu được biết đến với tư cách là một nhà văn viết truyện ngắn, nhưng "bà mang lại chiều sâu, trí tuệ và độ chính xác cho mọi câu chuyện, giống như hầu hết các tiểu thuyết gia mang đến cho tiểu thuyết trong suốt quãng đời sáng tác của họ”.

Nữ văn sĩ Mỹ Joyce Carol Oates cho biết những câu chuyện của Munro “có mật độ đạo đức, tình cảm dày đặc, đôi khi mang tính lịch sử so với tiểu thuyết của các nhà văn khác”. Nhà phê bình Alex Keegan viết trên Tạp chí Eclectica ngày 25/6/2007: “Trong hầu hết các câu chuyện của Munro đều có nhiều điều như trong nhiều tiểu thuyết".

Năm 2016, đạo diễn người Tây Ban Nha Pedro Almodóvar đã chuyển thể ba truyện ngắn của Alice Munro trong tập truyện “Trốn chạy” thành bộ phim tâm lý tình cảm “Julieta” kể về các giai đoạn cuộc đời khác nhau của nhân vật trung tâm tên là Juliet. Bộ phim được đánh giá là một bản chuyển thể hoàn hảo theo đúng nghĩa của nó và thậm chí còn chưa thể hiện được hết những tầng ý nghĩa trong ba truyện ngắn của Alice Munro.

Ngoài ra cho đến nay còn có 4 bộ phim chuyển thể từ các truyện ngắn của nhà văn. Từ đó cho thấy sức hấp dẫn và tính chất kịch tính, mức độ khắc họa cuộc sống như tiểu thuyết trong các truyện ngắn của Alice Munro, chính là yếu tố thu hút được nghệ thuật màn ảnh rộng. Một số truyện ngắn khác của bà thì được chuyển thể thành phim truyền hình.

Alice Munro tự giải thích lý do vì sao các truyện ngắn của mình lại gợi nhớ tới tiểu thuyết: "Sự phức tạp của mọi thứ, những thứ ẩn tàng bên trong dường như là vô tận. Ý tôi là không có gì dễ dàng, không có gì là đơn giản cả, kể cả với một cuộc sống mà mọi người cho là nhàm chán”. Alice Munro cho biết không sắp đặt hay phác thảo trước cốt truyện, bà cứ sáng tác rồi sau đó mới làm công việc chỉnh sửa lần cuối. Mỗi truyện ngắn bà mất ít nhất một tháng để hoàn thành. Tác phẩm truyện ngắn đậm chất tiểu thuyết nhất của Alice Munro là cuốn sách “Cuộc đời của những cô gái và đàn bà” xuất bản năm 1971. Về hình thức, tác phẩm giống một tuyển tập các truyện ngắn liên kết với nhau, với các chương riêng biệt được thuật lại bởi nhân vật chính tên là Del Jordan.

Trước khi nhận được những giải thưởng danh giá bậc nhất về văn chương trên thế giới như giải Man Booker hay giải Nobel, bản thân Alice Munro cũng đã có nhiều giải thưởng văn chương ở cấp độ quốc gia hay khu vực như các giải của Canada, Australia, Mỹ, Anh, Khối Thịnh vượng chung… Do vậy khi bà qua đời, Bộ trưởng Bộ Di sản Canada Pascale St-Onge đã khẳng định: “Alice Munro là một biểu tượng của văn học Canada. Trong sáu thập kỷ, truyện ngắn của bà đã làm say đắm các trái tim trên khắp đất nước Canada và thế giới”.

Hà Thanh Vân
.
.