Ai còn dám làm phim?
Sau 3 tuần ra rạp, phim “Người tình” đã chính thức “tắt đài” khi không còn được chiếu ở cụm rạp nào nữa. Lý do không phải ở chất lượng phim mà nó nằm ở chỗ rất đơn giản và cơ bản: một khi doanh số của phim không cao, các cụm rạp sẽ phải bỏ phim để lấy suất chiếu cho các phim khác hiệu quả hơn. Kinh doanh không phải chuyện mơ mộng và “Người tình” cũng chỉ là một trong số vô vàn bộ phim từng phải rơi vào cảnh này.
Nhưng việc phim “Người tình” không thể chinh phục được khán giả ngoài nguyên nhân chủ quan (phim không thực sự có sức hút lớn so với thị hiếu hiện nay) thì cũng có nguyên nhân khách quan, chính là một vấn nạn dai dẳng của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, khiến không ít nhà sản xuất phim phải điêu đứng. Đó chính là nạn “tiết lộ nội dung phim đầy ác ý” của một số trang báo mạng, trang thông tin điện tử. Họ cứ thản nhiên kể tuốt tuồn tuột nội dung phim ngay từ khi phim còn chưa ra rạp và thêm vào đó vài bình luận chủ quan ác ý, đủ sức dẫn dụ khán giả đến với nỗi ngại. Và chỉ sau 3 ngày đầu tiên ra rạp thôi, chủ phim sẽ biết ngay số phận phim của mình có ''trụ'' nổi ở các cụm rạp hay không.
Phim “Người tình” có buổi chiếu chiêu đãi truyền thông, khách mời đầu tiên vào ngày 14/02 tại TP Hồ Chí Minh và vào ngày 16/2 tại Hà Nội. Nhưng ngay từ ngày 15/2 đã có hàng loạt bài viết tiết lộ nội dung phim cùng những chê bai vùi dập với nội dung bài viết na ná nhau. Loạt bài ấy gây bức xúc không chỉ cho chủ đầu tư phim, đạo diễn và diễn viên mà còn khiến một số người từng là khách mời ở buổi chiếu chiêu đãi đầu tiên tỏ ra bức xúc chung. Và ê kíp làm phim “Người tình” đã phải tổ chức một buổi đối thoại trực tuyến để giải đáp các khúc mắc xoay quanh những chê bai dành cho phim, đồng thời nói lên tiếng lòng của nhà sản xuất, của đạo diễn về vấn nạn “tiết lộ nội dung phim” trước khi công chiếu.
Đầu tư một phim chiếu rạp hiện nay là không rẻ, một phim tiết kiệm tối đa cũng phải đầu tư khoảng 1 triệu USD. Cũng không phải đơn giản, nếu thuận lợi ở mọi khâu thì ít nhất cũng phải mất 1 năm mới hoàn thành. Cá biệt, có những phim khá gai góc, cần chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu kiểm duyệt hơn, sẽ phải mất nhiều năm. “Người tình” mất đúng 5 năm mới thoát qua cửa kiểm duyệt để đến rạp, với đầu tư khoảng 40 tỷ.
Nếu một nhà đầu tư bỏ ra 20 tỷ và đầu tư vào bất động sản chẳng hạn, họ sẽ đảm bảo có lợi nhuận sau 1 năm, hoặc chí ít là không lỗ vốn. Nếu bỏ vào điện ảnh họ hoàn toàn có khả năng thắng lớn nếu phim doanh thu trăm tỷ, nhưng khả năng ấy thực chất là cực nhỏ. Trên 90% khả năng là lỗ hoặc hoà vốn. Với những thông tin ác ý tiết lộ nội dung trước khi chiếu, khả năng lỗ là cực lớn. Vậy thì ai sẽ dám đầu tư vào điện ảnh đây? Trong khi đó, chúng ta lại vẫn kêu ca rằng điện ảnh Việt không được đầu tư thích đáng so với điện ảnh ngoại quốc và để bị lấn sân ngay trên sân nhà.
Muốn điện ảnh phát triển, không chỉ trông chờ vào nhà đầu tư, nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, diễn viên... mà phải chờ cả vào thái độ đóng góp của nhiều thành phần khác nữa. Trong đó, truyền thông điện ảnh là quan trọng nhất.
Câu chuyện “chú bé bán kẹo cao su trước rạp” (ám chỉ người thích kể nội dung cho khán giả chưa xem) vẫn được nói suốt 20 năm nay và dường như nó không có thay đổi nào. Thậm chí, nó còn đang trầm kha hơn khi mạng xã hội là một công cụ truyền thông cá nhân đắc lực.