AI, các nhà biên kịch, diễn viên và cuộc “nổi loạn” tại Hollywood

Chủ Nhật, 01/10/2023, 11:18

Lịch sử Hollywood có lẽ chưa từng chứng kiến một cuộc đình công, chính xác hơn là một cuộc “nổi loạn” của hơn 11.500 nhà văn thuộc Hiệp hội biên kịch Mỹ (WGA) phản đối về chính sách tiền lương và mối lo AI sẽ là kẻ ăn cắp khổng lồ chất xám của họ.

Hưởng ứng cuộc đình công của WGA, Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh - Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA) với 160.000 diễn viên đã bỏ phiếu tán thành lệnh đình công, nhất trí hợp lực cùng với cuộc chiến WGA. Cuộc đình công kép này khiến Hollywood và thị trường phim ảnh trở nên tê liệt và rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Vì đâu nên nỗi

Vào trung tuần tháng 5 năm 2023, hơn 11.500 thành viên Hội biên kịch của Mỹ (WGA) đã đình công với lý do đòi hỏi sự công bằng, yêu cầu bồi thường do không được tăng lương trong suốt 15 năm qua, và mối lo ngại AI- trí tuệ nhân tạo sẽ ăn cắp ý tưởng của họ và cướp đi những thành quả trong công việc của họ, khiến họ bị cắt xén thu nhập.

Ban lãnh đạo WGA cho biết họ đã đàm phán về một thỏa thuận công bằng trong thu nhập nhưng các hãng phim đã không có sự phản hồi tích cực khiến các nhà văn, nhà biên kịch phim điện ảnh và truyền hình nhất trí bỏ phiếu kêu gọi đình công yêu cầu đóng các chương trình truyền hình đêm khuya, để chống lại các hãng phim lớn, gồm các công ty giải trí lâu đời như Disney và Paramount cũng như những công ty mới như Netflix, Amazon và Apple.

Họ cũng đã tập trung trước cửa các hãng phim lớn ở Hollywood trong một cuộc tranh chấp lao động xoay quanh sự bùng nổ phát trực tuyến đang thay đổi ngành kinh doanh điện ảnh, truyền hình. Hàng trăm thành viên của Hiệp hội biên kịch Mỹ (WGA) đã biểu tình ở New York và Los Angeles, xưởng phim Paramount ở Hollywood… trong đợt đình công đầu tiên nhắm vào Hollywood.

image003.jpg -0
Hình ảnh của cuộc đình công rúng động Hollywod.

WGA tuyên bố: "Hành vi của các công ty đã tạo ra một nền kinh tế "biểu diễn" bên trong lực lượng lao động". Hiệp hội đang tìm kiếm những thay đổi về lương và các công thức được sử dụng để đền bù cho các biên kịch khi tác phẩm của họ được phát trực tuyến. Các nhà biên kịch xác nhận sẵn sàng nghỉ làm vì những thay đổi từ việc phát trực tuyến đã khiến nhiều người khó kiếm sống ở các thành phố đắt đỏ như New York và Los Angeles. WGA ước tính những thay đổi của họ sẽ tiêu tốn khoảng 429 triệu USD mỗi năm. Theo thống kê của WGA, một nửa số biên kịch phim truyền hình hiện làm việc với mức lương tối thiểu, so với con số 1/3 trong mùa 2013-2014. Mức lương trung bình cho người thuộc cấp độ nhà biên kịch/nhà sản xuất đã giảm 4% trong thập kỷ qua.

Ngay khi cuộc biểu tình đình công của các thành viên hiệp hội WGA nổ ra, đã gây làn sóng cộng hưởng ủng hộ từ các thành viên là diễn viên thuộc Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh - Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA). Hơn 160.000 diễn viên đã bỏ phiếu tán thành lệnh đình công, nhất trí hợp lực cùng với cuộc chiến của hơn 11.500 nhà biên kịch. "Tôi ủng hộ các nhà biên kịch bởi vì với tư cách là diễn viên, chúng tôi chỉ giỏi khi có kịch bản hay", Rob Lowe, người đang đi cùng con trai mình, nhà văn kiêm diễn viên John Owen Lowe, cho biết.

Tại New York, các thành viên WGA đã diễu hành và hô vang: "Không có biên kịch, không có TV". "Hãy trả tiền cho người viết của bạn nếu không chúng tôi sẽ làm hỏng sự “Thành công'". Nhiều chương trình như “Jimmy Kimmel Live”, “The Tonight Show Starring Jimmy Fallon” và các chương trình đêm khuya khác đã hủy các tập mới sau khi không có đội ngũ biên kịch viết những câu chuyện mới, kịp thời. Chương trình “Saturday Night Live” cũng ngừng hoạt động vô thời hạn.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là mối đe doạ

Theo Guardian, nối tiếp Hiệp hội biên kịch Mỹ (WGA), WGA và SAG-AFTRA đều yêu cầu tăng thù lao cơ bản, các quyền lợi đảm bảo lợi ích của họ trong kỷ nguyên truyền hình trực tuyến phát triển cùng với sự đảm bảo tác phẩm của họ không bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế trong tương lai. Thế nhưng, đàm phán giữa các bên đã thất bại. Mọi thoả thuận bồi thường giữa hiệp hội WGA với các hàng phim Walt Disney, Netflix và các hãng phim khác của Hollywood đều bất thành.

Rõ ràng chế tài ở Hollywood đang tụt hậu so với tốc độ phát triển của AI. WGA muốn có các biện pháp bảo vệ để ngăn các hãng phim sử dụng AI để tạo các kịch bản mới từ tác phẩm trước đó của các nhà biên kịch hoặc yêu cầu họ viết lại các bản nháp do AI tạo ra. Nỗ lực thương lượng về AI của các nhà biên kịch Mỹ có lẽ là “trận chiến” mới nhất để giải quyết những lo ngại về công nghệ tiên tiến đang thu hút sự chú ý của thế giới kể từ khi ChatGPT trình làng…

Trong khi đó, phía Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP), hiệp hội thương mại thay mặt Netflix Inc (NFLX.O), Walt Disney Co (DIS.N) và các công ty khác đàm phán, cho biết họ "vô cùng thất vọng vì SAG-AFTRA đã quyết định từ bỏ các cuộc đàm phán". Theo AMPTP, họ đưa ra mức tăng phần trăm cao nhất cho mức thù lao tối thiểu trong 35 năm qua. Họ cũng tăng các đãi ngộ và đưa ra đề xuất AI mang tính đột phá nhằm bảo vệ chân dung kỹ thuật số của các diễn viên. Đây là giải pháp giúp diễn viên giảm lo lắng hình ảnh kỹ thuật số của họ sẽ bị sử dụng bất hợp pháp.

Công nghệ AI được sử dụng ở Hollywood trong nhiều năm. Trong bộ phim “Avengers: Infinity Wars” năm 2018, khuôn mặt của Thanos - nhân vật do nam diễn viên Josh Brolin thủ vai - được tạo ra một phần nhờ công nghệ này. Những cảnh quay đám đông và trận chiến trong các bộ phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” cũng đã được áp dụng AI. Gần đây loạt phim “Indiana Jones” đã ứng dụng công nghệ này để khiến nhân vật của Harrison Ford trông trẻ hơn. AI cũng được sử dụng để hiệu chỉnh màu sắc, tìm cảnh nhanh hơn trong quá trình sản xuất hậu kỳ, loại bỏ vết trầy xước và bụi khỏi cảnh quay...

Tuy vậy, việc sử dụng AI trong viết kịch bản vẫn ở giai đoạn sơ khai. Vào tháng Ba, một tập phim “South Park” có tênDeep Learningdo ChatGPT đồng sáng tác, tập trung cao độ vào cốt truyện (các nhân vật sử dụng ChatGPT để nói chuyện với các cô gái và làm bài ở trường). Ngay lập tức, đội ngũ biên kịch tại Hollywood cho rằng các quy định về luật còn nhiều bất ổn về vấn đề này, với các chế tài tụt hậu so với tốc độ phát triển nhanh chóng của AI.

Ông August là thành viên của Hiệp hội biên kịch Mỹ (WGA), nhà biên kịch bộ phim nổi tiếng “Những thiên thần của Charlie" nói với CNN: “Chúng tôi lo rằng, kịch bản của mình sẽ bị biến thành "chất liệu" để AI tạo ra các kịch bản khác”. WGA đã yêu cầu Liên minh các nhà sản xuất phim và truyền hình (AMPTP) thực hiện một loạt thay đổi, từ việc tăng lương cho đến các hướng dẫn rõ ràng trong các dịch vụ trực tuyến.

Trong một đề xuất được công bố trên trang web của WGA, họ cho rằng: AI nên được quy định để nó “không thể viết hoặc viết lại tài liệu văn học, không thể được sử dụng làm tài liệu nguồn” và tác phẩm của các nhà biên kịch “không thể được sử dụng để huấn luyện AI”.

Trong khi các nhà biên kịch phim và truyền hình ở Hollywood hiện đang dẫn đầu cuộc đấu tranh, các ngành khác cũng rất chú ý đến vấn đề nóng này. Theo ông Rowan Curran, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Forrester Research (Mỹ), “các nghệ sĩ, nhạc sĩ, kỹ sư, chuyên gia bất động sản và nhân viên dịch vụ khách hàng đều sẽ cảm nhận được tác động của AI”.

AMPTP cho biết: trong thời gian cuộc đình công diễn ra, các diễn viên không đóng phim hay tham gia chiến dịch quảng bá phim. Cuộc biểu tình làm trì trệ việc sản xuất các bộ phim bom tấn, ví dụ như các phần tiếp theo của “Avatar” hay “Deadpool”. Các chương trình đêm khuya đang phải phát sóng lại các mùa cũ và phần lớn các sản phẩm truyền hình đã ngừng hoạt động hoặc tạm dừng sản xuất. Không riêng với đội ngũ sản xuất, “hiệu ứng domino” từ cuộc đình công kép còn khiến nhiều hãng phim rơi vào điêu đứng. Ngay cả “ông lớn” ở Hollywood như Warner Bros. Discovery nói rằng, họ sẽ "mất trắng" từ 300-500 triệu USD doanh thu trong năm 2023. Tình hình doanh thu từ phim ảnh, truyền hình cũng rơi vào cơn bĩ cực.

Sau 63 năm, các hãng phim hiện tại phải đối mặt với việc ngừng sản xuất hàng loạt trên khắp nước Mỹ và cả các nước khác. Việc đình công này cũng ảnh hưởng đến các nhà cung cấp thực phẩm, những dịch vụ hỗ trợ và những dịch vụ khác dựa vào sản xuất của Hollywood để kinh doanh. Điều đáng lo ngại nhất là phía hiệp hội không dự tính về thời gian kết thúc của cuộc đình công này khi Fran Drescher, Chủ tịch SAG-AFTRA khẳng định trong một tuyên bố rằng "Cuộc chiến này chỉ vừa mới bắt đầu".

Thuỷ Giang (tổng hợp)
.
.