Người làm phim chiến tranh nhiều nhất Việt Nam

Thứ Sáu, 06/11/2020, 07:38
Không giống như nhiều đồng đội một thời cùng chiến trường Trị Thiên khói lửa với mình đang làm cái việc diễn đạt hồi ức chiến tranh bằng những trang văn thơ. Nghệ sĩ Ưu tú - đạo diễn - cựu chiến binh Trần Vịnh lại miệt mài cần mẫn kể hàng trăm câu chuyện cổ tích có thật trong chiến tranh thông qua những thước phim điện ảnh, truyền hình.


Trong một lần cùng tôi đi thực tế tại huyện Hải Hậu của Nam Định để có cảm hứng sáng tạo cho bộ phim truyện truyền hình sử thi dài tập, NSƯT Trần Vịnh tâm sự: Bản thân trót "phải lòng" nghệ thuật sân khấu - điện ảnh từ ngày mới bước chân vào cổng Trường tiểu học Trưng Vương nổi tiếng của Thăng Long văn vật. 

Cũng bởi thế mà một lúc nọ, người đàn ông sinh năm Quý Mùi (1943) tại phố Lý Quốc Sư ấy bịn rịn chia tay cái nghề "gõ đầu trẻ" với phấn trắng, bảng đen tại đất cố đô Hoa Lư  để trở thành học sinh khóa đầu tiên Trường Nghệ thuật Quân đội.

Một ngày nọ, dẫu chưa tốt nghiệp, nhưng vì miền Nam thân yêu, Trần Vịnh tình nguyện đeo ba lô vượt Trường Sơn vào tăng cường cho Đoàn văn công quân giải phóng Trị Thiên - Huế. Bắt đầu từ đây, cuộc đời, phẩm chất cao quý của người chiến sĩ - nghệ sĩ Trần Vịnh được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, khác nào "Thép đã tôi thế đấy!".

NSƯT Trần Vịnh làm việc với diễn viên khi thực hiện series truyền hình "Huế mùa mai đỏ" - chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều.

Năm 1974, Trần Vịnh được rút khỏi chiến trường, điều động về Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị. Với hình thể đẹp, cùng lối diễn xuất tinh tế thiên bẩm và đặc biệt là sau 9 năm cùng đồng đội vào sinh ra tử, Trần Vịnh đã tạo dựng cho mình một phong cách diễn riêng biệt, độc đáo với hình tượng người chiến sĩ. Từ một anh lính trẻ măng chưa từng một lần được cầm tay con gái, cho tới một vị Tư lệnh Binh đoàn uy nghiêm, nhân văn được Trần Vịnh khắc họa một cách sâu sắc, để đời.

Đã tưởng cuộc đời Trần Vịnh sẽ "đóng khung" vào những vai diễn sân khấu kịch nói, nhưng hóa ra không phải. Một ngày kia người nghệ sĩ hào hoa ấy chợt thấy, nếu chỉ để số phận "trôi" đi trên sàn kịch thì cuối cùng, mình cũng chỉ là cái anh chuyên minh họa cho những gì người ta viết ra mà thôi, chứ không thể có cơ hội kể lại những câu chuyện chiến tranh bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Trăn trở mãi, cuối cùng Trần Vịnh quyết định rời ánh đèn sân khấu, chuyển sang công tác phát hành phim với mục đích có cơ may xem thật nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển, hiện đại,… để học hỏi kinh nghiệm làm phim. Ngày đẹp trời của năm1988, tài năng sân khấu của Trần Vịnh đã lọt vào "con mắt xanh" của NSND - đạo diễn Huy Thành khi ông làm phim điện ảnh "Về nơi gió cát".

Nhân vật chính tên Lũy do Trần Vịnh thủ vai đã thể hiện xuất sắc hình tượng cao đẹp về người chiến sĩ cách mạng, làm nên thành công rực rỡ của "Về nơi gió cát". Từ vai Lũy phim điện ảnh đầu tiên đó, đường đến với nghệ thuật thứ bảy của Trần Vịnh chính thức mở ra, mà người thày học đầu tiên của ông chính là NSND Huy Thành cùng nhiều bậc "trưởng lão" khác của điện ảnh Việt và quốc tế.

Khi đã có được một số vốn liếng cơ bản "giắt lưng", cộng với tài năng trời ban tặng, năm 1988, Trần Vịnh đã rất chững chạc tự tin trong quá trình thực hiện bộ phim điện ảnh đầu lòng "Bến nước" với tư cách đạo diễn khi ông được Hãng phim truyện Việt Nam đặt hàng. Bắt đầu từ đây, cụm từ "Đạo diễn Trần Vịnh" chính thức ghi danh trong làng phim Việt.

 Ai đó đã không hề ngoa ngôn khi cho rằng, gần đây người ta mới bàn tới chủ đề "xã hội hóa điện ảnh", trong khi Trần Vịnh đã "tiên phong" với câu chuyện đó ngay từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Thật ra câu chuyện đó có "tích" của nó cả đấy. Chuyện rằng, sau thành công của tác phẩm điện ảnh "Bến nước", Trần Vịnh được giao làm bộ  phim 3 tập"Lời khẩn cầu" liên quan tới vấn nạn "video đen" thời điểm đó.

Phim làm xong đem trình duyệt lập tức bị xem là "có vấn đề" thế nọ, thế kia. Và muốn cho tác phẩm phát hành được, đạo diễn phải thế kia, thế nọ. Nhưng Trần Vịnh nhất định không chịu "vâng lời", vì ông cho rằng, làm vậy khác nào "đẽo cày giữa đường", hỏng toàn bộ cấu trúc phim. Là người tự tôn, Trần Vịnh chủ động xin ra khỏi biên chế. Nhưng không vì thế mà nhiệt năng khát vọng kể những câu chuyện chiến tranh bằng ngôn ngữ điện ảnh trong tâm can Trần Vịnh trở nên nguội lạnh.

"Ra ở riêng" đấy nhưng "công ty điện ảnh tư nhân Trần Vịnh" không hề có trụ sở, không hề có con dấu pháp nhân. Nó lại càng không có tài khoản ngân hàng cũng như bất cứ thứ thiết bị kỹ thuật cần thiết tối thiểu nào hết nhằm đáp ứng việc sản xuất phim. "Công ty" đó chỉ trần sì một ông đạo diễn phong độ, trực tính, "ăn sóng nói gió", sâu sắc, nhân văn, đã nói là làm cho "ra tấm ra miếng". Người đó là Trần Vịnh!

Ban đầu người ta quả quyết rằng, Trần Vịnh sẽ tìm mọi cách "làm giàu" bằng nghề đạo diễn. Nhưng hóa ra không phải. Trong khi thiên hạ đua nhau "chế tác" loại phim "mỳ ăn liền" (và sau này là dòng phim thương mại) nhằm đưa doanh thu đạt giá trị thặng dư thì Trần Vịnh lại vẫn chỉ một lòng chung thủy sắt son với đề tài chiến tranh và hậu chiến.

Để thực hiện giấc mơ thiêng liêng ấy, Trần Vịnh đặc biệt quan tâm tới khâu đầu tư cho kịch bản văn học. Với ông, muốn có một tác phẩm điện ảnh (truyền hình) cho "ra hồn" thì trước hết phải có được kịch bản văn học thật hay. Làm như đã nghĩ, Trần Vịnh chủ động vào Nam ra Bắc gõ cửa các nhà văn, nhà biên kịch có tên tuổi mời họ hợp tác.

Sau khi hai bên thống nhất được ý tưởng chung, không hề so đo, Trần Vịnh bỏ ngay những đồng tiền túi tích cóp được mà tạm ứng (trong khoản nhuận bút rất không nhỏ mà ông sẽ trả họ) cho các nhà văn, nhà biên kịch để họ có "lương ăn" trong khi đi thực tế (chứ không phải ngồi trong phòng lạnh tưởng tượng!) tại các địa phương mà tác phẩm điện ảnh sẽ lấy làm bối cảnh sản xuất sau đó.

Với cách làm "sòng phẳng", thân thiện và chu đáo đó, lần lượt các nhà văn, nhà biên kịch có "thương hiệu" đã toàn tâm toàn ý "chung lưng đấu cật" với Trần Vịnh.  Họ là cố nhà văn - nhà viết kịch Nguyễn Khắc Phục; cố nhà văn - kịch tác gia Xuân Đức. Rồi thì nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, Chu Lai. Và đương nhiên không thể  thiếu cặp vợ chồng nhà biên kịch Lê Phương - Trịnh Thanh Nhã cùng các nhà văn Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Thành Phong, Lê Anh Thúy, v.v…

Có được kịch bản văn học chất lượng tốt nhất, bấy giờ Trần Vịnh chính thức bắt tay vào sản xuất. Nhưng để có tiền, Trần Vịnh "vác" kịch bản văn học tới các địa phương "xin" tài trợ; hỗ trợ nhân lực, vật lực theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có được chút "lưng vốn" tối thiểu, Trần Vịnh đi bước tiếp theo: thuê thiết bị kỹ thuật của Hãng phim truyện Việt Nam để tiến hành sản xuất.

Cùng với đó, ông ký hợp đồng sản xuất với các đạo diễn hình ảnh; đạo diễn ánh sáng và nhân viên kỹ thuật, diễn viên, v. v… Trần Vịnh từng kể, không thiếu gì những lần, sau khi phim hoàn thành giai đoạn hậu kỳ, phim chuẩn bị công chiếu thì cũng là lúc ông phải "đối mặt" với một thực tế bi - hài: không còn tiền để trả thù lao cho chính mình!

Đằng đẵng mấy mươi năm qua, sau những nỗ lực phi thường của người đạo diễn "máu thịt" với đề tài chiến tranh ấy là hàng loạt tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình với sự hội tụ của Chân - Thiện - Mỹ mang dấu ấn rất TrầnVịnh lần lượt ra đời. Một lần nọ tôi đặt câu hỏi với Trần Vịnh: "Làm phim về chiến  tranh một lúc phải gánh ba chữ "Kh" (khó - khô - khổ) trên vai cùng muôn vàn gian truân mà sao ông vẫn cứ một lòng "sống chết" với nó vậy?!".

Lặng đi một hồi rất lâu, bất giác Trần Vịnh nghẹn lời dốc hết ruột gan rằng, bản thân đã từng là người lính - nghệ sĩ đi qua mấy cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc. Đồng thời, là con trai của một liệt sĩ thời chống Pháp nên ông thấm đến tận cùng nỗi đau thương mất mát không gì bù đắp nổi của mỗi người lính; mỗi gia đình trước và sau cuộc  chiến. Chính những trải nghiệm quý giá đó đã thôi thúc Trần Vịnh kể lại những câu chuyện chiến tranh thông qua ngôn ngữ điện ảnh. Và rồi, với ý thức trách nhiệm công dân nghiêm túc, sau mấy chục năm miệt mài lao động sáng tạo nghệ thuật, Trần Vịnh đã thực hiện (với tư cách nhà sản xuất kiêm đạo diễn) 163 bộ phim (với gần 400 tập) phim điện ảnh - truyền hình, mang sắc thái nghệ thuật riêng có. Ai đó đã trân trọng thốt lên: thành quả lao động của Trần Vịnh xứng đáng được ghi vào sách kỷ lục Guinness làng phim Việt!

Giá trị lao động của Trần Vịnh đã được khẳng định qua 31 giải thưởng chuyên ngành điện ảnh và giải thưởng Bộ Quốc phòng, v. v… Đặc biệt, năm 2014, NSƯT Trần Vịnh vinh dự được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phong tặng danh hiệu: "Người làm phim chiến tranh nhiều nhất Việt Nam!". Ngoài ra đạo diễn Trần Vịnh còn gặt hái được nhiều thành công qua 13 bộ phim Tài liệu - Nghệ thuật. Nay dẫu ở cái tuổi "xưa nay hiếm", song NSƯT Trần Vịnh vẫn cứ phong độ, hào sảng, đầy mẫn tiệp. Và khát vọng kể chuyện chiến tranh bằng ngôn ngữ điện ảnh trong ông vẫn cứ trong trẻo, tinh khôi thuần khiết như thuở ban đầu vậy.


Lê Công Hội
.
.