Ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật:

Xu hướng tiếp cận khán giả hiện đại

Thứ Sáu, 12/06/2020, 08:41
Không chỉ xem phim online, nghe nhạc online, giờ đây công chúng còn có thể tham quan bảo tàng, xem kịch, xem triển lãm qua hình thức trực tuyến... Đây không phải chỉ là biện pháp tình thế của giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội nữa mà đã trở thành xu hướng tiếp cận khán giả mới, hiệu quả trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.


Đại dịch COVID - 19 đã gây những ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, bên cạnh những tác hại, dịch bệnh cũng khiến các đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này trở nên năng động, nhanh nhạy hơn, khám phá ra những phương thức tiếp cận khán giả mới.

Nếu như âm nhạc, điện ảnh có sự thay đổi khá nhanh ngay trong thời gian dịch bệnh hoành hành thì gần đây, các lĩnh vực khác như sân khấu, bảo tàng, xuất bản... cũng đã có những điều chỉnh để có cách tiếp cận khán giả phù hợp trong tình hình mới.

Mới đây, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã đề xuất chủ trương đưa các chương trình nghệ thuật, sản phẩm sân khấu lên Youtube, trước mắt là áp dụng với các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ. Chủ trương này được đề xuất với mong muốn mở ra cho sân khấu một phương thức tiếp cận khán giả hiện đại. Với những tính năng thuận lợi của mạng internet như kết nối, lan tỏa và chia sẻ một cách nhanh chóng, việc số hóa các sản phẩm sân khấu sẽ giúp mở rộng thị phần người xem ngoài nhà hát.

Ứng dụng công nghệ 3D trong việc số hóa các bảo vật quốc gia tại Bảo tàng.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nối dài sức sống của các chương trình nghệ thuật, các sản phẩm sân khấu chất lượng cao. Điều này hy vọng khắc phục được tình trạng các vở diễn sau khi được đầu tư công phu, công diễn xong sẽ không bị "đắp chiếu" gây lãng phí nguồn lực và giảm nhiệt huyết sáng tạo của nghệ sĩ. Việc số hóa các tác phẩm sân khấu kinh điển cũng sẽ góp phần bảo tồn, lưu giữ, tránh nguy cơ mai một những giá trị nghệ thuật truyền thống mà cha ông đã tạo dựng.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày Quốc tế Bảo tàng (18 - 5) năm nay, Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế đã lựa chọn chủ đề "Bảo tàng vì sự bình đẳng: Đa dạng và Hòa nhập". Đây là sự tôn vinh sự đa dạng của bảo tàng cũng như mong muốn các bảo tàng thúc đẩy sáng tạo và phát huy tốt giá trị các hiện vật thông qua khai thác thế mạnh của các phương tiện truyền thông xã hội.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch COVID - 19, các bảo tàng đã tích cực đổi mới, chủ động ứng dụng công nghệ trong trưng bày, chia sẻ những câu chuyện về nhân vật, hiện vật nhằm tăng tính tương tác và phục vụ công chúng trong nước và quốc tế.

Được biết, hiện các bảo tàng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia... đều đã xây dựng cổng thông tin trực tuyến, sử dụng các trang mạng xã hội như facebook, Instagram giới thiệu và chia sẻ hoạt động thường xuyên. Chỉ cần ngồi nhà với vài cú nhấp chuột, công chúng có thể tìm hiểu nội dung trưng bày của bảo tàng cũng như xem những bộ sưu tập quý hiếm thống qua trang trưng bày chuyên đề, trưng bày thường xuyên, trưng bày trực tuyến. Với bảo tàng ảo tương tác 3D, Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu các không gian trưng bày các thời kỳ văn hóa của dân tộc, các giai đoạn lịch sử cũng như các triều đại trong lịch sử đến công chúng.

Những hình ảnh đồ họa 3D sắc nét, lời thuyết minh rõ ràng và thông tin tra cứu đầy đủ, hỗ trợ tích cực cho bảo tàng thật trong tương tác với khách tham quan. Không chỉ phục vụ cho công chúng chưa có điều kiện đến tham quan trực tiếp, đây còn là cách lưu giữ và bảo quản hiện vật cho các thế hệ sau.

Sự thay đổi của bảo tàng khiến suy nghĩ của công chúng lâu nay cho rằng, tham quan bảo tàng là cứ phải đến tận nơi, nhìn thấy, thậm chí chạm được vào hiện vật cũng dần thay đổi. Đa dạng cách thức giới thiệu sưu tập hiện vật trực tuyến trên kênh Youtube, trên trang web và trang mạng xã hội.... hệ thống bảo tàng Việt Nam đang chủ động tiếp cận công nghệ số để rút ngắn khoảng cách giữa bảo tàng và khách tham quan. Không cần thiết phải đến tận nơi nhưng khách tham quan hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng những bộ sưu tập, những câu chuyện hay hiện vật gắn liền với con người hay một sự kiện nào đó.

Ra mắt trong giai đoạn dịch bệnh và giãn cách xã hội, kênh Youtube của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã kết nối bảo tàng với người xem bằng những câu chuyện hiện vật hay những sản phẩm văn hóa thú vị. Câu chuyện "Hũ gạo tiết kiệm" được đăng tải trên kênh Youtube với thuyết minh Tiếng Việt và phụ đề tiếng Anh mang đến cho người xem câu chuyện của tình đoàn kết dân tộc, sự đồng lòng chiến thắng giặc đói. Hiện được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, hũ gạo của bà Trần Thị Sự ở Tuyên Quang hay bà Trương Thị Quế (Việt kiều Thái Lan)... dùng đựng số gạo tiết kiệm hằng ngày của gia đình trong những năm 1945, 1952.

Nếu sân khấu được số hóa, khán giả có thể xem những vở kịch yêu thích bất cứ khi nào.

Được biết, ý tưởng và nội dung của câu chuyện được các cán bộ của bảo tàng xây dựng, biên tập, thực hiện và giới thiệu, đưa người xem tương tác với hiện vật thông qua kênh Youtube ngay tại nhà. Toàn bộ hình ảnh, thông tin, kích thước, thời gian diễn ra câu chuyện của bộ sưu tập "Hũ gạo tiết kiệm" được giới thiệu đầy đủ, hấp dẫn giúp công chúng hình dung được giai đoạn lịch sử đầy khó khăn của dân tộc. Không những thế, các bộ sưu tập hiện vật, các tác phẩm nghệ thuật đang tiếp tục được bảo tàng đẩy mạnh việc số hóa hình ảnh kèm lời giải thích để thuận tiện giới thiệu tới du khách.

Không chỉ có sự thay đổi trong lĩnh vực bảo tàng, gần đây các hoạt động triển lãm cũng đã có nhiều hình thức phong phú, thay vì chỉ tổ chức trực tiếp như trước đây. Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức triển làm sách theo hình thức trực tuyến. Triển lãm giới thiệu 500 cuốn sách về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo 4 nội dung: "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc"; "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa kiệt xuất"; "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sáng mãi tên Người" và "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Phương thức tổ chức này ngoài việc cung cấp nguồn tư liệu phong phú còn khiến công chúng dễ dàng trong việc chọn lựa, tìm đọc.

Các cuộc thi trong lĩnh vực nghệ thuật cũng đã có những điều chỉnh theo phương thức gọn nhẹ, tiết kiệm hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng. Sau nhiều lần bị trì hoãn do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, Festival Âm nhạc Quốc tế Rising Star (Liên hoan Âm nhạc thiếu nhi quốc tế) do Học viện Âm nhạc Mayspace tổ chức sẽ diễn ra vào tháng 6 thông qua hình thức online với bộ môn Piano. Thí sinh sẽ thi theo hình thức gửi video có hình ảnh mình và tay với đàn dài không quá 5 phút, giới thiệu tên tuổi và tác phẩm, đăng tải lên Youtube hoặc trang cá nhân, sau đó gửi đường link cho Ban tổ chức.

Ban giám khảo cuộc thi bao gồm những nhà giáo, nghệ sĩ piano nổi tiếng trong nước và quốc tế như Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia. Mỗi bài thi sẽ được hai giám khảo chuyên môn đánh giá và nhận xét trực tiếp. Dự kiến, trong trường hợp dịch bệnh được khống chế hoàn toàn và có công bố hết dịch của Chính phủ, vòng chung kết sẽ được tổ chức thi offline tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Có thể nói, hầu hết các lĩnh vực của đời sống văn hóa nghệ thuật cũng đã có sự thay đổi để phù hợp với tình hình mới và tiệm cận tới xu hướng hiện đại. Rõ ràng đây không chỉ là biện pháp tình thế trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội mà là xu hướng hoạt động mới góp phần tạo sự thân thiện, xóa bỏ rào cản về thời gian, không gian giữa sản phẩm nghệ thuật và khán giả.

Không nhất thiết phải đến tận nơi vào một khung giờ cố định, công chúng có thể thưởng thức tác phẩm nghệ thuật ở bất kỳ thời gian, không gian nào phù hợp với bản thân mình. Sự linh động trong phương thức ấy sẽ góp phần khiến việc lan tỏa các tác phẩm nghệ thuật tới công chúng nhanh hơn với số lượng khán giả nhiều hơn.

Khánh Thảo
.
.