Xu hướng mới của ca sĩ Việt
Những ngày cuối tháng 11 vừa qua, khán giả thủ đô được thưởng thức những ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn... trong liveshow của ca sĩ Ánh Tuyết tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô. Trước đó không lâu, ngôi sao "nhạc vàng" một thuở Tuấn Vũ có 5 đêm diễn phục vụ khán giả phía Bắc trong chương trình "Tuấn Vũ - 10 năm tái ngộ". Hay chương trình ca nhạc "Những bông hồng vào đông" có sự tham dự của hàng chục ngôi sao ca nhạc hàng đầu hiện nay... Đó chỉ là 3 trong số khá nhiều chương trình ca nhạc được tổ chức liên tục tại Hà Nội trong thời gian gần đây. Điều đó cho thấy, dường như "Bắc tiến" đang trở thành xu hướng của nhiều nghệ sĩ trên con đường chinh phục khán giả...
Trước đây, các ca sĩ luôn coi phía
Một trong những ca sĩ đi đầu phong trào chinh phục thị trường phía Bắc là ca sĩ lắm "chiêu" Thanh Thảo. Đầu những năm 2000, khi nhiều ca sĩ hờ hững với thị trường phía Bắc thì Thanh Thảo nhanh nhạy chịu khó chạy show nơi này. Không chỉ ở thủ đô, Thanh Thảo còn cặm cụi biểu diễn ở những nơi được ví như "vùng sâu, vùng xa". Công sức của Thanh Thảo đã được đền đáp khi năm 2002, cô nổi lên như một ngôi sao hàng đầu. Đến nỗi đi tới đâu cũng dễ dàng nghe thấy giai điệu ca khúc "Ôi tình yêu" của Thanh Thảo vang lên rộn rã. Vừa chịu khó chạy show, Thanh Thảo còn mạnh dạn tổ chức liveshow đầu tiên ở thủ đô. Sự tỏa sáng của Thanh Thảo - dù cô không có lợi thế về giọng hát - đã cho thấy việc chinh phục khán giả phía Bắc là sự đầu tư đúng hướng.
Năm 2005, Thanh Thảo tiếp tục ra Bắc trình làng album "Ngôi sao cô đơn", khẳng định sự "phủ sóng" rộng rãi của mình. Nhiều người hồ nghi sự thành công của kế hoạch này nhưng rõ ràng, cô ca sĩ "tắc kè hoa" Thanh Thảo đã đúng khi mà đêm nhạc của cô ở miền Bắc luôn chật cứng khán giả.
Thanh Thảo - một trong những ca sĩ đi đầu phong trào chinh phục thị trường ca nhạc phía Bắc. |
Sau Thanh Thảo, người mang trong mình ý chí "Bắc tiến" mạnh mẽ nữa là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Cùng với thời gian, những "tour" lưu diễn xuyên Việt của Đàm Vĩnh Hưng ngày càng nhiều. Không chỉ tung hoành ở thị trường âm nhạc phía Nam, Đàm Vĩnh Hưng còn mạnh dạn quyết định chọn thủ đô làm nơi xuất phát cho liveshow xuyên Việt mang tên "Người tình" năm 2009. Năm 2010, Đàm Vĩnh Hưng liên tục "tấn công" bằng liveshow "Nửa vầng trăng" vào ngày 25/4 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô. Sau đó, Đàm Vĩnh Hưng còn kéo xuống Quảng Ninh tiếp tục show diễn "Nửa vầng trăng 2" để đáp lại sự yêu mến của công chúng.
Nhiều năm qua, Đàm Vĩnh Hưng cũng là ca sĩ thường xuyên tổ chức những đêm nhạc phục vụ học sinh, sinh viên các trường tại Hà Nội. Tham vọng chinh phục khán giả phía Bắc của Đàm Vĩnh Hưng dường như chưa dừng lại. Sau liveshow "Mr Đàm - thập toàn thập mỹ" thu hút khán giả, Đàm Vĩnh Hưng đang tiếp tục dự án 3 đêm liveshow mang tên "Mr Đàm - Đêm Hà Nội" với mục tiêu "biến sân vận động thành vũ trường" - như lời ca sĩ này chia sẻ.
Bên cạnh những ca sĩ trẻ, nữ ca sĩ Ánh Tuyết - người nổi tiếng của dòng nhạc trữ tình truyền thống cũng khá nặng lòng với khán giả phía Bắc. Với hai đêm nhạc "Ánh Tuyết hát" tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, đây là lần thứ 2 Ánh Tuyết tổ chức đêm nhạc ở Hà Nội. Mặc dù lần tổ chức trước, Ánh Tuyết đã từng... lỗ vốn nhưng điều đó không làm giảm quyết tâm khi thực hiện liveshow năm nay.
Ngoài những ca sĩ trên thì những giọng ca như Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà, Hà Anh Tuấn, Kasim Hoàng Vũ, Tuấn Hưng… cũng tiếp cận khán giả thủ đô bằng cách tổ chức những đêm nhạc cho học sinh, sinh viên.
Không chỉ có các ca sĩ phía Nam ra Bắc làm liveshow, nhiều ca sĩ từ hải ngoại trở về cũng chọn Hà Nội làm điểm dừng chân. Nghệ sĩ Tuấn Ngọc với liveshow "Riêng một góc trời", Khánh Hà với "Nối vòng Việt Nam". Đặc biệt hơn cả, giọng ca Tuấn Vũ, dù chỉ định làm một đêm duy nhất "Tuấn Vũ - 10 năm tái ngộ" nhưng cuối cùng đã lên tới 8 đêm, trong đó 5 đêm ở miền Bắc.
Xu hướng "Bắc tiến" không chỉ thể hiện bằng việc các ca sĩ đua nhau tổ chức liveshow cá nhân mà họ còn có cách tiếp cận lâu dài bằng những "chiêu" như thực hiện album, mở công ty… Ca sĩ Hiền Thục không chỉ chọn NXB Âm nhạc đóng đô ở Hà Nội làm đơn vị phát hành album "Mộc" mà toàn bộ album này của cô đều do êkip của Hà thành thực hiện: phối khí Thanh Phương, biên tập Chu Minh Vũ. Buổi ra mắt album cũng được thực hiện tại Hà Nội. Được biết, Hiền Thục đang lên một kế hoạch phủ sóng rộng rãi hơn nữa bằng việc ngay sau khi phát hành DVD ca nhạc kỷ niệm 15 năm ca hát là một dự án hợp tác với một ê-kíp nhạc Hà Nội. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng thể hiện tham vọng lấn sâu vào thị trường phía Bắc của mình bằng việc ra mắt công ty vào tháng 10 vừa qua tại thủ đô. Như trước đây, Công ty Nhạc xanh cũng quyết định ra Hà Nội để giới thiệu album "Giọt lệ đài trang" của Nhật Tinh Anh - Khánh Ngọc và "Niềm tin tình yêu" của Lê Dũng. Hay nhóm nhạc AC&M trở thành ban nhạc đầu tiên của TP Hồ Chí Minh ra Bắc giới thiệu album mới "Đêm nay có mưa rơi" khá rình rang…
Xu hướng "Bắc tiến" còn nối dài bởi những cái bắt tay kết hợp giữa ca sĩ miền Nam và các nhạc sĩ phía Bắc như ca sĩ Hứa Vĩ Văn với nhạc sĩ Huy Tuấn, Mỹ Lệ hợp tác cùng nhạc sĩ Đỗ Bảo, Đoan Trang dự định làm album với sự giúp đỡ của êkip Hà Nội… Những ông bầu ca nhạc thì tổ chức đêm nhạc cho các nhạc sĩ phía Nam ở Hà Nội như đêm nhạc Phan Huỳnh Điểu, đêm nhạc Thanh Sơn…
Dòng chảy "Bắc tiến" thực tế không mạnh mẽ, ào ạt như dòng chảy "Nam tiến" đã và đang tồn tại, nhưng nó cũng giúp cho mức độ chênh lệch của sự sôi động giữa thị trường âm nhạc hai miền lâu nay được rút ngắn lại. Thị hiếu âm nhạc miền Bắc khó tính hơn miền Nam là điều ca sĩ nào cũng nhận thấy. Nhưng với nhiều ca sĩ, sự khó tính ấy là cơ hội để thử thách mình, là thước đo sự nổi tiếng. Tuy nhiên, không phải ca sĩ nào cũng có cơ hội thử thách nếu không có tiềm lực. Chính vì vậy, điều dễ nhận thấy, hầu hết những ca sĩ "Bắc tiến" là những ca sĩ có tiềm lực kinh tế mạnh để chấp nhận có thể lỗ vốn. Nhưng không phải ai làm cũng lỗ vốn. Thực tế, nhiều ca sĩ, nếu biết chọn đúng thời điểm, đầu tư kỹ lưỡng cho chương trình, họ hoàn toàn có lãi khi mang show ra phía Bắc.
Những ca sĩ từng tổ chức đêm nhạc ở Hà Nội đều chia sẻ, mang giọng hát ra Hà Nội làm liveshow là chấp nhận mạo hiểm "5 ăn, 5 thua". Khán giả Hà Nội, đặc biệt là khán giả lứa tuổi trung niên sẵn sàng loại bỏ những sản phẩm âm nhạc không ưa thích của mình. Có những ca sĩ thành công nhưng cũng có ca sĩ thất bại trong hành trình chinh phục khán giả phía Bắc. Một số ca sĩ dù nổi như cồn ở miền Nam như Ưng Hoàng Phúc, nhóm HAT nhưng rất khó chinh phục thị trường miền Bắc. Ca sĩ Đan Trường, sau "Mãi mãi một niềm tin" vẫn chưa có đêm diễn riêng nào là Hà Nội. Như vậy để có thể "Bắc tiến" thành công, mỗi ca sĩ cần có sự đầu tư, nghiên cứu thị hiếu khán giả một cách thấu đáo