Xem phim ngoại ăn khách, nghĩ về khán giả Việt

Thứ Năm, 10/06/2021, 15:59
Thật khó để tìm một thước đo “phim trí” (gồm cả thị hiếu, hiểu biết lẫn khả năng tiếp nhận) hợp lý cho khán giả của một vùng, một quốc gia. Nhưng khi nhìn về những tác phẩm được xem nhiều nhất tại vùng hay quốc gia đó, chúng ta sẽ thấy được nhiều điều.

 

Loạt phim “hay” được khán giả Việt yêu thích

Netflix là một nền tảng phim trực tuyến được nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả Việt Nam ưa chuộng trong thời gian gần đây vì kho tàng phim đồ sộ, chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt mà nền tảng phim này cung cấp cho người dùng. Ở mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, Netflix sẽ có một bảng xếp hạng 10 phim được xem nhiều nhất tại khu vực.

“Bố Già” dù là bộ phim hay nhưng vẫn chưa đủ tính nghệ thuật để tác động vào phim trí khán giả.

Theo thống kê của trang Flix Patrol, 10 phim điện ảnh được xem nhiều nhất tại Việt Nam trên Netflix trong tuần cuối cùng của tháng 5 có sự dẫn đầu của hai bộ phim “Army of the Dead” và “Fifty Shades of Grey”. Trong khi “Army of the Dead” của đạo diễn Zack Snyder có số điểm trên trang đánh giá phim imdb là 5,9 với lời nhận xét đến từ trang Washington Post là “một đống hỗn độn”. 

Trong khi đó, “Fifty Shades of Grey” là bộ phim lấy đề tài bạo dâm, sử dụng loạt cảnh nóng rẻ tiền nhằm câu khách và được xem là thảm họa của Hollywood. Điều đáng nói là tác phẩm này đã đứng đầu trong top phim điện ảnh được xem nhiều nhất trên Netflix suốt một thời gian dài kể từ khi được đăng tải. 

Trước đó chúng ta cũng từng nhìn thấy những thời kì mà “Twilight” - một tác phẩm bị đánh giá thấp vì kịch bản trẻ con hay “DNI 365” - phiên bản tệ hơn của “Fifty Shades of Grey” với loạt cảnh nóng trần trụi và tư tưởng lệch lạc trở thành phim điện ảnh có nhiều lượt xem nhất tại Việt Nam.

Nhìn ra các rạp lớn tại Việt Nam, trong số các bộ phim có doanh thu cao nhất, đa phần đều là những phim hài - hành động không có chiều sâu về nội dung hay tính nghệ thuật, có những phim được xem là “hài nhảm”. Trong đó phải kể đến “Cua lại vợ bầu”, “Siêu sao siêu ngố” hay “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử”, những phim được đánh giá là non nớt, hời hợt trong khâu kịch bản nhưng số tiền thu được từ phòng vé lên đến cả trăm tỉ. Hay cả “Bố già”, bom tấn màn ảnh Việt trong suốt thời gian vừa qua với doanh thu 400 tỷ cũng khiến nhiều người không phục vì lối làm phim huỵch toẹt, vi phạm nhiều quy tắc bất di bất dịch của loại hình nghệ thuật thứ 7.

Các phim có nội dung gây sốc, lệch lạc cũng là một trong những “con gà đẻ trứng vàng” lôi kéo khán giả đến phòng vé. Trước khi rạp phim phải đóng cửa để phòng chống dịch, “Thiên thần hộ mệnh” của đạo diễn Victor Vũ được xem là cổ xúy cho việc đổ lỗi lên nạn nhân bị hiếp dâm nhưng đã kiếm được hơn 19 tỷ trong vòng 2 ngày công chiếu. Trước đó, hàng loạt phim khai thác đề tài ngoại tình, đồng tính cũng bị lên án là cổ xúy cho hành động sai trái hay làm lệch lạc hình ảnh của những người thuộc giới tính thứ ba. Thế nhưng, đa phần các tác phẩm sở hữu những yếu tố gây sốc kia đều được đón nhận nhiệt tình.

Nhìn phim, đoán thị hiếu khán giả

Nhiều người khẳng định, không thể đánh giá chất lượng một bộ phim thông qua doanh thu mà tác phẩm đó đạt được. Tức, không thể vì số lượng người xem đông hay ít mà kết luận phim hay hay dở. Nhưng, với chất lượng của một bộ phim đông người xem, ta có thể phán đoán phần nào thị hiếu của khán giả. Bởi phải có sự đồng điệu về tư duy mới tạo ra sự đồng cảm, yêu thích. Hay ít nhất, ta biết được bộ phận khán giả tại khu vực đó bị thu hút bởi một tác phẩm có những yếu tố nào.

Điều đáng nói là danh sách 10 phim được xem nhiều nhất tại Việt Nam không phải lúc nào cũng là 10 phim hay nhất trên nền tảng lúc bấy giờ. Nhìn những tác phẩm điện ảnh đứng đầu danh sách trên nền tảng Netflix, ta thấy chúng thường có điểm chung là tình dục và bạo lực. Đặc biệt, các phim có yếu tố tình dục trần trụi, thậm chí là phản cảm luôn đứng ở vị trí đầu bảng. Trong khi đó, Netflix cung cấp cho khán giả một lượng lớn các phim có nghệ thuật cao, mang tính kinh điển. Thậm chí là dành ra các mục riêng cho những tác phẩm được đề cử các giải phim lớn trên thế giới. Nhưng đó hẳn không phải là ưu tiên lựa chọn của người xem Việt.

Còn tại các rạp chiếu phim, nơi mà tác phẩm bị kiểm duyệt gắt gao bởi Cục Điện ảnh, khán giả sẽ rẽ hướng sự quan tâm cho các bộ phim có nội dung gây sốc. Sự ưu tiên hẳn nhiên vẫn dành cho các phim được quảng bá tước đó là có cảnh nóng của diễn viên A, cặp đôi B. Tất nhiên, không thể kể đến “ngôi vương phòng vé” - phim “hài nhảm”, thể loại phim khó có thể thất bại tại phòng vé Việt Nam, đặc biệt vào mỗi dịp Tết. Vì lượng khán giả ưu tiên những dòng phim này luôn chiếm số lượng lớn người dân ra rạp, nên các hãng phim đặt nặng doanh thu lại càng sản xuất thêm các “bản sao chép” khác để hốt bạc về.

“Fifty Shades of Grey” được xem là phim thảm họa nhưng rất được ưa chuộng tại Việt Nam.

Vậy mới thấy khả năng đánh giá nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật phim ảnh của chúng ta chưa cao. Thậm chí, dẫu cho chúng ta không cần khán giả phải tìm hiểu và nắm về các kiến thức chuyên môn như cấu trúc kịch bản, cấu trúc nội dung, ý nghĩa khung hình... thì số lượng khán giả phân định đâu là một tác phẩm hay, một tác phẩm tốt, một tác phẩm nghệ thuật hay thậm chí là một tác phẩm văn minh cũng không nhiều. Vì không nhiều nên đa phần người xem dễ bị truyền thông hay hiệu ứng đám đông dẫn dắt ra rạp, theo dõi và đôi khi là tung hô một số bộ phim không hề xứng đáng. 

Trong một buổi phỏng vấn, nhà báo Lê Hồng Lâm đã thành thật nhận định: “Phim trí, hay trình độ điện ảnh của nước ta còn thấp hơn nhiều so với phương Tây”. Thế nhưng, khi so sánh với các nước láng giềng thuộc châu Á, ta cũng thấy sự khác biệt rõ ràng. Trong 10 phim điện ảnh được xem nhiều nhất tại Hàn Quốc, đến 4 phim khai thác chất liệu lịch sử của đất nước, điểm đánh giá imdb đều trên 7.0 và vị trí đầu bảng thuộc về tác phẩm đoạt giải Oscar đầu tiên của châu Á - “Parasite”. 

Tương tự, tại Nhật Bản, 3 trong 10 phim có doanh thu cao nhất đều được giải Oscar, số phim còn lại đều nhận được lời khen ngợi không chỉ từ người dân trong nước mà khán giả thế giới. Rõ ràng “phim trí” và khả năng cảm thụ nghệ thuật của chúng ta vẫn cần phải cải thiện nhiều để tương lai của nền điện ảnh Việt có thể tiến về phía trước.

Nâng cao phim trí, nâng cao điện ảnh Việt

Ở Việt Nam, phim nghệ thuật thường không được ưu ái tại các rạp dù nhận nhiều lời đề nghị công chiếu tại nước ngoài. Điều này xuất phát từ việc nhà rạp lo sợ phim dù có suất đẹp thì cũng không ai đi xem, kéo theo thua lỗ. Nhiều nhà làm phim từ đó cũng ái ngại trong việc sáng tạo, thể hiện cái tôi. Vì vậy, muốn phát triển nền điện ảnh thì việc nâng cao “phim trí” của khán giả cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thế nhưng, vấn đề này không hề đơn giản và có thể giải quyết nhanh chóng.

Sự phát triển văn hóa thường dựa trên nền tảng phát triển kinh tế. Bên cạnh việc có một nền tảng kinh tế tốt để chi trả cho những tác phẩm có chi phí sản xuất cao hơn thì chúng ta cũng hiểu rằng, người ta thường chỉ quan tâm, chăm sóc cho sức khỏe tinh thần khi sức khỏe vật chất của họ đã đủ đầy. Một cách cụ thể hơn, khi người ta còn bận rộn tính toán cho cơm, áo, gạo, tiền, họ sẽ không còn thời gian lẫn tâm sức tìm hiểu về những kiến thức điện ảnh. Thiếu kiến thức, quá trình cảm thụ điện ảnh cũng khó trọn vẹn.

Trong trường hợp này, có lẽ hướng giải quyết dễ dàng nhất lại xuất phát từ chính các tác phẩm nghệ thuật. Một trong những phương thức giúp nâng cao “phim trí” là giúp người xem tiếp xúc với các tác phẩm điện ảnh có chất lượng nghệ thuật cao hơn. Việc nâng cao yếu tố nghệ thuật vào các tác phẩm thị trường vốn từ lâu đã được các nhà làm phim Hàn Quốc áp dụng và trở nên vô cùng hiệu quả. Đỉnh điểm chính là “Parasite” với sự hài hòa giữa hai yếu tố nghệ thuật - thị hiếu đại chúng. 

Với “tấm gương” nêu trên, đây hẳn là một hướng đi tích cực cho chúng ta thực hiện trong thời gian dài sắp tới. Để từ đó, khán giả có cơ hội tiếp cận với những tác phẩm chất lượng hơn và các nhà làm phim thỏa sức sáng tạo trên nền tảng nghệ thuật mà không còn lo ngại thua lỗ.

Khải An
.
.