Xả thân cho sách - cho nhân tính và nhân tình

Thứ Hai, 31/08/2020, 15:30
Nữ nhà văn Pháp gốc Algerie Kaouther Adimi, sinh năm 1986, đang được chú ý nhiều, với chủ đề về vai trò của văn học trong xã hội. Chủ đề ấy được thể hiện đặc sắc trong tiểu thuyết "Của cải của chúng ta", xuất bản năm 2017 của cô.


Được trao năm giải thưởng, trong đó có giải (của Pháp) Renaudot học sinh trung học 2017, tiểu thuyết thứ ba này của Kaouther Adimi kể một câu chuyện độc nhất vô nhị. Đó là việc mở và đóng cửa hiệu sách "Những của cải đích thực" ở một phố nhỏ, thủ đô Alger của Algérie. 

Năm 1935, chàng trai người Algérie Edmond Charlot (1915 - 2004) từ Paris trở về thành phố quê nhà. Ở đây, chàng nhất quyết mua một ngôi nhà "be bé", mở cho được một hiệu sánh, kiêm nhà xuất bản và thư viện. Ý tưởng cao đẹp nhưng không hề dễ dàng này khởi nguồn từ tấm lòng hiếm thấy đối với sách của bà Adrienne Monnier, chủ một hiệu sách ở Paris. 

Một hôm tạt vào hiệu sách, ông được bà niềm nở chào hỏi và tận tình giúp ông chọn cuốn sách ông cần. Ánh mắt thân thiện và trọng thị của bà gây ấn tượng rất mạnh. Ánh mắt ấy như ngầm thổ lộ với ông rằng sách là quan thiết vô cùng, quan thiết hơn mọi điều trên thế gian. 

Từ đó, mỗi khi có nhu cầu, ông lại tới hiệu của bà mua sách. Hễ ông quay lại, bà lại hỏi ông về ý nghĩa những cuốn sách ông mua lần trước, với thái độ ân cần. Ông đọc rất nhiều một cách chủ động và tích cực. Sách giúp ông "sáng mắt sáng lòng". 

Từng chút một, nhờ sách, ông lý giải được nhiều bí ẩn hay rắc rối của cõi người, xử lý nhiều việc nhanh chóng và nhẹ nhõm, yêu đời hơn và tự tin hơn. Ông chín chắn đến mức vững lòng rằng dù cuộc đời dâu bể thế nào, mình vẫn có thể sống lương thiện, đứng vững và chung sống đúng là một Con Người mọi nơi mọi lúc...

Nữ văn sĩ Kaouther Admini. 

Vượt qua bao khó khăn đủ loại, Edmond Charlot lần hồi đạt được ý nguyện: Hiệu sách của ông trở thành một trung tâm văn hóa, tôn vinh việc đọc, lan tỏa những giá trị văn học và hội họa, tượng trưng cảm động cho nhân bản, tình bạn và tình người. 

Charlot là một điển hình của người làm sách, hay người đưa sách từ "hư không" vào đời sống một cách hữu hiệu. Ông dám in tác phẩm đầu tay của Albert Camus, một cây bút chưa thành danh bấy giờ. Không ít tên tuổi khác của không chỉ văn học Algérie, cũng nhờ ông mà tỏa sáng. Chuyện bản quyền, chuyện cho mượn sách,…, được ông xử lý hợp lý hợp tình. 

Tuy nhiên, bấy giờ Algérie là thuộc địa của Pháp, bắt đầu đấu tranh giành độc lập. Rồi đại chiến II. Đời sống chính trị đó dĩ nhiên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Edmond Charlot. Thiếu giấy, thiếu người, thiếu mực, ông và vài cộng sự nhất quyết tìm bằng được cho đủ để sách nhất thiết vẫn ra mắt đều đều. Có lẽ chưa có nhà xuất bản nào tự sản xuất mực in như ông, bằng nguyên liệu có sẵn, theo lối thủ công. Mực dùng được, tuy thoang thoảng một mùi khen khét cực kỳ khó chịu… 

Rồi ông cũng phải đăng lính hai lần, cũng bị gây khó dễ trong công việc cao quý nhưng như lửa cháy mà hiếm người dám nhảy vào tựa con thiêu thân. Thậm chí dù đứng đắn, sòng phẳng, nghiêm chỉnh hết mức, ông cũng bị "bí mật" (!) bỏ tù. Từ 1962, ông buộc phải ly hương, qua nhiều nước. Ở đâu, ông cũng cố gắng đưa sách đến với nhiều người nhất có thể. Bằng cách mở những hiệu sách đa năng như "Những của cải đích thực". 

Mấy năm cuối đời, ông bị mù, buộc phải dừng hoạt động. Nhiều tác giả đã ghi nhận đức độ và công lao của ông đối với không chỉ văn chương và đất nước Algérie, Xứ sở cho tới nay vẫn chưa được là chính mình. 

Tuy nhiên, chân dung ông, một nhà hiền triết hiện đại vô danh, chỉ đến ngòi bút của nữ tác giả trẻ Kaouther Adimi mới hiện lên hết cỡ, khiến công chúng bâng khuâng mãi một niềm tin vui nhoi nhói. Niềm tin vui ấy là: Cõi đời thật đáng sống, nhưng con người phải xứng tầm… 

Edmond Charlot.

"Những của cải đích thực" là một tác phẩm tự sự nổi tiếng, ra mắt 1936, của văn hào Pháp Jean Giono (1895-1970). Tư tưởng của nó là rõ ràng: Con người chỉ sống thực sự, khi trau dồi đủ kiến thức, đặc biệt là kiến thức tương tác "đúng luật" với nhau và với các thế giới cùng tồn tại trong vũ trụ. 

Kiến thức đó khác nào bao diêm và cây đèn, soi sáng căn nhà, để chúng ta nhận rõ những gì ta cần và lấy được ngay. Kiến thức đó, ở ngoài căn nhà, khác nào ánh sáng mặt trời, khiến vũ trụ tưởng như khép kín và đen tối, bỗng bừng sáng lên. Thế là thung lũng, sông suối, núi rừng hiện lên rực rỡ, với tất cả niềm vui sống không cùng. 

Kiến thức đó, mỗi người phải không ngừng thu nhận. Đọc sách là phương pháp thu nhận mau chóng nhất và hiệu quả nhất. Trong kho tàng tri thức mênh mông của nhân loại, sách văn chương là giá trị cơ bản. Kiến thức đó là bắt buộc. Chúng là những tài sản thứ thiệt của mỗi cá nhân và cộng đồng. 

Edmond Charlot xin mượn từ Jean Giono "Những của cải đích thực" để đặt tên cho hiệu sách có một không hai của ông. Trước mặt tiền của hiệu sách, ông treo bảng chữ lớn: "Một người đọc sách, năng lực nhân lên gấp đôi," như một châm ngôn cõi thế. Sau khi ông buộc phải rờ bỏ Algérie, hiệu sách vẫn hoạt động bình thường. 

Cho tới 2017, nó bị sung công và đem bán. Chủ mới quyết định biến nó thành nhà hàng bán các món thịt rán tẩm bột. Một sinh viên từ Paris được điều tới, để loại bỏ sách, tranh và mọi thứ liên quan, sơn lại tường. Việc này được coi như đợt tập sự của chàng trai, cũng hai mươi tuổi như Edmond Charlot gần một thế kỷ trước. 

Có điều, chàng này, không ham gì sách báo, vướng phải sự phản đối ngấm ngầm của người điều hành cuối cùng của hiệu sách "Những của cải đích thực". Suốt ngày đêm, bất chấp mưa nắng, cụ già này túc trực trước hiệu sách không còn là của cụ, nhưng cụ coi như một Ngôi đền. Cụ thẳng thừng nói với chàng trai rằng, bỏ sách đi như vậy, bỏ hiệu sách đi như vậy là giết người, là tội ác…

Hai chàng trai - Hai biểu tượng. Hai biểu tượng ngụ nhiều thông điệp rất thời sự. Quá khứ, qua nhật ký của Edmond Charlot, đan xen chặt chẽ với hiện tại, qua công việc và cuộc sống hàng ngày của chàng sinh viên Paris. Sự "đồng hiện" đó tạo cho tiểu thuyết nhịp đi mau lẹ, giọng điệu đổi mới liên tục. Nó thôi thúc độc giả không ngừng xúc cảm và nghĩ ngợi. Đọng lại sau tất cả các sắc thái thẩm mỹ đa chiều là sự cảnh báo nguy cơ xâm hại tính người và tình người, nền tảng của nhân lọai. 

Một khi chỉ chăm chăm vào hưởng thụ vô điều kiện. Một khi không coi trọng việc học tập, việc đọc sách, đặc biệt là sách văn học, như nhu cầu tự thân không thể thiếu. Từ góc nhìn này, qua gợi nhắc tinh tế lịch sử Algérie, cây bút trẻ Kaouther Adimi đặt ra vấn đề cốt tử không chỉ đối với đất nước cô. 

Vấn đề đó là mỗi dân tộc phải có định hướng nhân bản chuẩn xác và không suy suyển của mình. Phụng sự định hướng đó, các thế hệ và các bộ phận dân tộc phải hòa hợp, nhường nhịn, đòi hỏi cao ở nhau. Định hướng đó, hồn cốt của dân tộc, - Algérie chưa có. 

Sau bốn thế kỷ bị nước ngoài thống trị, - Pháp, từ 1830 tới 1962, thời điểm Algérie được độc lập, nước này bị các nhóm lợi ích xâu xé liên tục. Nhức nhối hơn cả là khủng bố và tham nhũng… Nhưng Algérie đang chuyển mình. 

Đóng góp lớn lao vào đó là nền văn học Algérie dũng cảm, với những tên tuổi lẫy lừng thế giới: Albert Camus (1913-1960), Nobel văn học 1957; Assia Djebar (1936-2015), nữ viện sỹ hàn lâm Pháp; Ahlem Mosteghameni, sinh năm 1953, viết bằng tiếng A rập, nữ hoàng văn chương của thế giới A rập đó, một gương mặt "chữ nghĩa" sáng giá toàn cầu. 

Không e ngại những buồn tủi mà các bậc tiền bối trên gặp phải, Kaouther Adimi vẫn thường xuyên đi về với quê cha đất tổ, mà cô bồi hồi yêu thương hồi hộp. Nhiều chuyến đi về như thế giúp cô làm nên "Của cải của chúng ta", cuốn sách đang chấn động đa chiều nhiều cộng đồng độc giả. 

Giữa hàng trăm lời khen dành cho tác phẩm, nhiều nhà nghiên cứu chú ý hơn cả đến lời của Olivia de Lamberterie, tạp chí Pháp ELLE (Nàng): "Của cải của chúng ta" của Kaouther Adimi vang lên như một lời tỏ tình tột cùng chí lý và tuyệt đỉnh nồng nàn với văn chương, cầu nối giữa các thời đại, giữa các tập thể và cá nhân người".

Nguyễn Văn Quảng
.
.