Viết sex như đi trên dây

Thứ Sáu, 07/07/2017, 08:33
Sex trong văn chương luôn khêu gợi sự tò mò. Tranh cãi về nó chưa bao giờ ngã ngũ. Nhất là khi văn chương ngày càng không kiêng dè gì sex. Thậm chí, bây giờ xuất hiện vô số các tác phẩm với cái tựa gây sốc và đầy rẫy sex đến mức dư luận “nhảy dựng” gọi chúng là dâm thư!


Nhà văn: Yếu thì đừng ra gió

Chuyện giới tính không còn ở trong phòng kín hay thập thò sau bức màn mờ ảo mà được mở toang, đàng hoàng bước ra trưng trổ ẩn khuất sâu kín nhất. Nguyễn Đình Tú từng gây sốc với bộ ba tiểu thuyết “Phiên bản”, “Kín” và “Nháp” với chất sex đậm đặc. Không chỉ khai thác chuyện tình yêu, tính dục nam nữ mà anh còn mạnh bạo trong cảnh giường chiếu của người đồng tính. Nhà văn nữ cũng không kém cạnh. Y Ban khiến người ta sững sờ với “I am đàn bà” đầy bạo liệt. Dư luận sôi sùng sục và ném lắm “gạch đá” trước sự táo bạo của Đỗ Hoàng Diệu với “Bóng đè” và “Lam Vỹ”, Lê Kiều Như với “Sợi xích” hay mới đây là “Đàn bà hư ảo” của Nguyễn Khắc Ngân Vi…

Không chỉ xuất hiện trong nội dung, sex còn “nhảy” ra ngoài bìa sách làm nên những cái tên gây sốc như: “Thoát y dưới trăng”, “Ai cho em nằm trên”, “Đàn ông cũng có điểm G”, “Sex trong cô đơn”, “Sex và những thứ khác”, “Một con đĩ yêu nghề”…

Trong khi văn chương trong nước đang cởi mở hơn với sex thì văn chương nước ngoài đã đẩy nó đến tận cùng, đi sâu vào quan hệ tình ái hiếm khi được hiểu thấu đáo như bạo dâm, ấu dâm, quan hệ đồng tính, song tính, chuyển giới… Đó là “Rừng Na Uy” (Haruki Murakami), là “Chữ Vạn” (Tanizaki), là “50 sắc thái” (E.L.James), “Lolita” (Vladimir Nabokov)… 

Đặc biệt, ngoài khai thác tình yêu đồng tính nam (dòng đam mỹ) và đồng tính nữ (dòng bách hợp), các tác phẩm ngôn tình Trung Quốc khiến giới trẻ Việt mê mẩn còn hình thành một dòng mang tên “H văn” tràn ngập các cảnh nóng. “Ngủ cùng sói” và “Đồng lang cộng hôn” của Diệp Lạc Vô Tâm hay “Nở rộ” của Sói Xám Mọc Cánh từng bị thu hồi vì bị lên án là dâm thư đội lốt ngôn tình.

Từ trái sang: Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa và TS Đào Lê Na trong buổi tọa đàm chủ đề “Sex trong văn chương”.

Sex là một nhu cầu sinh tồn của con người và cũng là khoái cảm tinh thần mà Thượng Đế ban cho nhân loại. Nó cần được trân trọng. Do đó, dù bị sự biến thiên thời đại phê phán, kết tội hay tung hô thì nhà văn vẫn không thể nào ngoảnh mặt với đỉnh cao của tình yêu đôi lứa. Khước từ sex khác gì văn chương khước từ đời sống. Lúc đó, nó chỉ là một thứ văn chương chết. Cái khác nhau chỉ là tùy vào thời đại nào, người ta đưa sex vào văn chương ra sao.

Thời đại ngày nay đã mở mọi biên độ cho nhà văn thể hiện sức sáng tạo trong nghệ thuật ngôn từ. Thế nhưng, ở xã hội Á Đông, sex vẫn là điều nhạy cảm dễ thu hút độc giả những cũng dễ bị dư luận soi mói và gây nên tranh cãi dữ dội.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa thừa nhận trong cuốn sách “Cơn lũ vẫn chưa qua” của chị, chi tiết mọi người thích thú và cho là đắt nhất vẫn là cảnh sex của hai nhân vật chính. “Lúc đầu tôi không định viết chương đó là sex. Nhưng làm thế nào để lột tả được sự giằng xé giữa tình yêu và ham muốn của gã giang hồ bị nhiễm HIV với cô nhân tình gái làng chơi. Cách hay nhất là mô tả cảnh sex của hai người” – nhà văn Kim Hòa cho hay.

Đưa chuyện phòng the vào sách luôn khiến sức nóng của sách không ngừng được nhắc đến dù văn chương có bị ví là “ba xu” như “Sợi xích”, “Bóng đè”, “Đàn bà hư ảo”... Cho nên, cũng có không ít nhà văn vì trào lưu, vì muốn câu khách sẵn sàng chơi tới bến với sex. Theo nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, sex cần cho văn chương nhưng nó chỉ là một yếu tố chứ không phải là tất cả. Văn chương còn có vô số yếu tố khác để chuyển tải ý nghĩa tinh thần mà nhà văn muốn gửi gắm.

Đáng buồn là nhiều nhà văn bám víu duy nhất sex khiến cho độc giả tự hỏi nếu bỏ sex ra thì cuốn sách còn lại gì. Nó có khác một cuốn sách đồi trụy? Lại có người nghĩ rằng những tác phẩm thời nay phải có sex mới gọi táo bạo, mới gọi là trưởng thành trong văn chương.

Vậy sex trong văn chương bao nhiêu là đủ? Và viết thế nào mới không bị cho là dung tục? TS Đào Lê Na, giảng viên Khoa “Văn học và Ngôn ngữ”,  Đại  học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, cho rằng không nên đo liều lượng sex làm gì vì có cuốn cảnh quan hệ giường chiếu dày đặc nhưng không hề dung tục trong khi có cuốn chỉ điểm vài cảnh nóng là người đọc đã thấy khó chịu.

TS Đào Lê Na phân tích: “Thay vì chăm chăm tranh cãi về liều lượng sex thì chúng ta nên tranh cãi tác phẩm đó hay, dở ra sao. Hay ở đây là khi nó diễn đạt được trọn vẹn thông điệp và mong muốn của người viết.

Một số tác phẩm có yếu tố sex gây tranh cãi của các tác giả trẻ Việt Nam.

“Sợi xích” bị lên án thì vì tác giả viết chưa đủ hay. Bút lực yếu mà còn đòi ra gió. Viết sex rất khó. Nó không đơn thuần mô tả chuyện xác thịt mà qua nghệ thuật ngôn từ, nhà văn phải tự hỏi nó chuyển tải thông điệp gì, đóng góp ra sao để nâng tầm tác phẩm, làm đẹp tác phẩm hơn? Lúc này, họ không khác người đi trên dây, anh xử lý không vững thì dễ rơi xuống vực”.

Để xây dựng chương sex được đánh giá là “đắt” trong “Cơn lũ vẫn chưa qua”, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa rất vất vả trong cách xử lý. Tác giả của “Nho đắng”, “Sa mạc và những vệt nhớ”, “Con chim phụng cuối cùng” không đi sâu mô tả chi tiết mà chỉ dùng hình ảnh gợi, ngôn từ trau chuốt để người đọc phát huy trí tưởng tượng, cảm nhận ẩn ức số phận.

Độc giả: phải biết nhận diện “sex sạch”

Sex trong văn chương phải là “sex sạch” bởi không một thông điệp “sạch” nào có thể tồn tại trong thứ “sex bẩn”. Trong “Rừng Na Uy”, cảnh làm tình của các nhân vật là cách đánh thức những ẩn ức, là một kiểu hành lễ của một thế hệ cô đơn, mất cảm xúc trước cuộc sống. Trong “I am đàn bà” là khát khao bản năng chính đáng mà nhân văn của người đàn bà. Cảnh tên Tây cưỡng hiếp bé Nụ trong “Mẫu Thượng Ngàn” (Nguyễn Xuân Khánh) thể hiện nỗi bĩ cực của một cô bé mới lớn bị tước đoạt thô bạo sự trong trắng mà cô gìn giữ cho chồng.

Nhưng làm thế nào để độc giả nhận diện được “sex sạch”, nhất là khi văn chương có sự kết hợp ở hai phương diện: Cách nhà văn truyền đạt tác phẩm và cách người đọc cảm thụ tác phẩm bằng trí tưởng tượng. TS Đào Lê Na chỉ ra cách phân biệt dựa vào quan điểm mỹ học của Kant. Theo Kant, nghệ thuật dựa vào tính hợp mục đích và tính bất mục đích. Cái gì có tính hợp mục đích (chẳng hạn như chiếc chén dùng để đựng thức ăn) thì nó không phải là nghệ thuật. Cái gì có tính bất mục đích (tức không có mục đích, như chiếc chén không dùng đựng thức ăn mà để ngắm vì nó quá đẹp) thì nó là nghệ thuật. Cảnh sex cũng vậy.

Nếu sau khi đọc cảnh sex trong tác phẩm, người đọc thấy xuất hiện ham muốn (tính hợp mục đích) thì đó là tác phẩm khiêu dâm; nếu không xuất hiện ham muốn mà gợi những rung cảm, suy tư và nghĩ đến điều cao cả hơn (tính bất mục đích) thì đó là “sex sạch”.

Đơn giản hơn, để hiểu thế nào là một tác phẩm văn chương thực thụ, khi đọc tác phẩm, bạn phải hỏi tại sao cảnh sex lại có ở đây và nó có vai trò gì trong tác phẩm? Đương nhiên, tùy thuộc vào trình độ, tuổi tác, quan niệm… mỗi người có cách tiếp cận tác phẩm văn chương chứa cảnh sex khác nhau. Nhưng nếu chúng ta thả mình vào tác phẩm, hòa vào cảm xúc của nhân vật, ta sẽ hiểu phần nào.

Tuy nhiên, ngày nay xuất hiện một xu hướng văn chương muốn kéo nghệ thuật đến gần đời sống con người. Những người theo xu hướng này cho rằng phải trả sex về với bản chất của chính nó chứ không được thần thánh, thiêng liêng hóa sex trong văn chương.

Nếu viết sex theo nghĩa bản năng và hợp mục đích thì trong lịch sử nhân loại từ Đông sang Tây có vô số quyển sách dạy làm tình. Còn văn chương là cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ.  Do đó, sex trong văn chương không thể vượt thoát khỏi điều này khi đặt trong toàn bộ hệ thống tác phẩm, dù việc miêu tả sex có trần trụi hay điểm gợi chăng nữa.

Nói như bạn đọc Nguyễn Trịnh Anh Nguyên: “Sex trong văn chương phải tiến tới cái mỹ cảm, cái đẹp đẽ, thoát ly khỏi những hạn hữu tầm thường, chống lại và thoát ly khỏi nguồn gốc của chính nó. Con người nếu không hiểu được điều đó thì mọi thứ viết ra, nghĩ ra sẽ không thể đẩy “Con người” sang thái cực “Người”, thay vào đó nó đẩy về thái cực “Con”.

Phan Thi Uyên
.
.