Vì một môi trường văn hóa lành mạnh cho các độc giả nhỏ

Thứ Sáu, 18/08/2006, 09:15

Chúng ta nghĩ sao khi các “tương lai”, các “ngày mai” của chúng ta suốt ngày chúi đầu vào những cuốn truyện tranh rặt một màu máu me, đâm chém, hoặc những hình ảnh hở hang, lõa lồ, để rồi mỗi sớm mai khi trở dậy lại đặt câu hỏi: “Hôm nay có cuốn nào ra không nhỉ?”

Trước đây, trên một tờ báo, tác giả Đoàn Tuấn từng có bài viết “Đầu nậu - cổ tích và bạo lực trong tranh truyện”, trong đó anh cung cấp một số chi tiết làm người đọc xa xót và phẫn nộ. Ấy là khi người ta “được” nghe một vị tác giả tranh truyện nọ phát biểu thẳng quan niệm: “Phương châm của bọn mình là lấy trẻ con để nuôi người lớn”, hoặc tệ hại không kém là cái cách suy tính “móc túi trẻ con là dễ nhất”.

“Phương châm” và “cách suy tính” ấy hoàn toàn đi ngược lại đạo lý ngàn đời không những của nhân dân ta mà của cả cộng đồng quốc tế.

Đối với những người viết, có lẽ không gì thiêng liêng hơn là được hướng ngòi bút của mình phục vụ đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi, cũng tựa như có vị lãnh tụ nói rằng ông rất lấy làm xúc động, xúc động hơn bất kỳ cuộc trao tặng huân chương nào khi ông cúi xuống để một em gái - thay mặt các học sinh trong trường - quàng chiếc khăn đỏ danh dự lên cổ ông, hay như vua Henri IV của nước Pháp đã bò lổm ngổm dưới sàn nhà, làm ngựa cho con cưỡi. Những con người ấy cảm thấy sung sướng, phấn khởi bởi họ biết quí và biết sống vì trẻ thơ.

Vì trẻ thơ - Nguyễn Bá Ngọc đã băng qua bom đạn để cứu các em nhỏ. Vì trẻ thơ - anh phi công dũng cảm không chịu nhảy dù, chấp nhận chết cùng chiếc máy bay đã bị địch bắn cháy để điều khiển máy bay khỏi đâm vào nơi đông dân và có trường học của các em nhỏ. Nhà văn Nga chuyên viết cho thiếu nhi Arkađi Gaiđa trong thời kỳ nội chiến đã phải hạ súng để cho một tên chúa đất gian ác chạy thoát chỉ vì hắn gùi sau lưng đứa con nhỏ. Hành động nhân đạo ấy thể hiện ở nhà văn một tấm lòng nhân ái vì trẻ thơ.

Trở lại với bài báo đã nêu, chúng ta buồn vì thực tế không thiếu những đầu nậu sách tìm cách kiếm tiền nhanh chóng, kể cả việc sẵn sàng “đầu độc” các trái tim non trẻ. Chúng ta còn buồn hơn nữa khi có những đơn vị văn hóa tuy danh nghĩa là phục vụ trẻ em nhưng chỉ vì doanh thu lợi nhuận đã đi lạc nhiệm vụ vốn dĩ rất cao cả, thiêng liêng của mình. Điểm lại nhiều cuốn sách bị báo chí lên tiếng phê phán vì được biên soạn vội vàng, in ấn cẩu thả trong thời gian vừa rồi, ta thấy có không ít cuốn dành cho đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi.

Các cuốn sách kinh điển, được trẻ em cả thế giới tìm đọc như “Không gia đình”, “Những cuộc phiêu lưu của Tôm Xoyơ”, “Rôbinxơn Cơruxô”, “Hai vạn dặm dưới biển”, “Truyện cổ Grim”, “Truyện cổ Anđécxen”…, đáng buồn thay lại là những cuốn dễ bị “biến tướng” bởi các trò ma lanh của cánh đầu nậu nhất.

Có bậc phụ huynh đã than phiền với tôi rằng, vừa rồi ông đã thất vọng khi mua phải bản dịch một cuốn “Truyện cổ Grim” được thực hiện không phải từ nguyên bản tiếng Đức (như dịch giả Hữu Ngọc từng dịch rất thành công trước đây) mà lại từ tiếng Trung với những cách phiên âm tên nhân vật theo kiểu người… Hoa. Điều này làm ông lúng túng, không biết giải thích với cậu con trai yêu quý như thế nào.

Thị trường sách hiện đang tràn ngập nhiều cuốn truyện cổ tích bị “cải biên” theo chỉ đạo của các đầu nậu (hòng giảm chi phí nhuận bút) mà hậu quả là các em nhỏ không còn thấy hình ảnh nàng Bạch Tuyết và cô bé quàng khăn đỏ đáng yêu như trong câu chuyện kể hằng tối của bố mẹ nữa. Không phải không có lý khi mà trên một tờ báo, có phóng viên đã khuyến cáo các bậc cha mẹ phải hết sức “cảnh giác” với loại sách “cổ tích cải biên” này.

Người ta vẫn nói “Trẻ em là tương lai của đất nước”, “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Chúng ta nghĩ sao khi các “tương lai”, các “ngày mai” của chúng ta suốt ngày chúi đầu vào những cuốn truyện tranh rặt một màu máu me, đâm chém, hoặc những hình ảnh hở hang, lõa lồ, để rồi mỗi sớm mai khi trở dậy lại đặt câu hỏi: “Hôm nay có cuốn nào ra không nhỉ?” (như trong bài báo tác giả Đoàn Tuấn đề cập).

Nhân đây tôi cũng xin bổ sung bằng một câu chuyện. Tôi có một anh bạn mà đứa con trai lên sáu của anh rất thích xem các loại truyện tranh, đặc biệt là truyện về dũng sĩ Hécman. Anh bạn tôi đã phải khổ sở tìm mua cho đủ bộ những đồ chơi được làm và bày bán trên vỉa hè phố Lương Văn Can, “minh họa” theo mẫu các nhân vật trong cuốn truyện nói trên. Thằng bé con anh bạn tôi say sưa cuốn truyện đến mức, bình thường muốn gọi nó dậy đi học rất khó, nhưng chỉ cần bố mẹ nói bâng quơ một câu: “Ơ cái con mãnh sư không biết rơi đâu rồi nhỉ?” là lập tức thằng bé lồm cồm bò dậy, mắt nhắm mắt mở đi tìm xem con mãnh sư đồ chơi ấy mất hay còn!

Hiện nay, nhân loại đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, song song với việc chăm sóc, bảo vệ thế hệ trẻ. Từ nhiều năm trước, Bác Hồ cũng đã nhấn mạnh “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, thực chất là hai vấn đề mà nhân loại đang đặt ra. Về bảo vệ môi trường, chúng ta đã phát động phong trào trồng cây gây rừng, nêu khẩu hiệu “xanh nhà, xanh phố, xanh đất nước”, và thực tế có nơi đã thực hiện được điều đó. Lẽ nào vế thứ hai quan trọng hơn chúng ta lại bỏ lơi?

.
.