Văn nghệ sĩ tuổi Thân – Đôi điều phác họa

Thứ Năm, 04/02/2016, 08:00
Trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1996, khi mới 28 tuổi, ở thời điểm ấy nhà thơ Phạm Khải là hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Kể từ khi tập thơ đầu tay được in (năm 1991), đến nay, Phạm Khải đã có gần hai chục đầu sách được xuất bản, gồm nhiều thể loại, đoạt nhiều giải thưởng văn học và báo chí....

Họa sĩ Bùi Xuân Phái (tuổi Canh Thân - 1920)

Tốt nghiệp Khoa Hội họa, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Bùi Xuân Phái (1920-1988) cùng với các danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng đã tạo thành “bộ tứ” “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Sống trong căn nhà số 87 phố Thuốc Bắc - một trong những phố cổ đặc trưng của “Hà Nội 36 phố phường” – từ năm 1952 cho tới khi mất, với niềm đam mê bất tận đề tài phố cổ Hà Nội, họa sĩ Bùi Xuân Phái để lại những dấu ấn sáng tạo cá nhân đậm nét và được người yêu tranh đặt tên cho dòng tranh riêng: Phố Phái. Ngoài vẽ tranh phố cổ, họa sĩ Bùi Xuân Phái còn vẽ nhiều đề tài khác như vẽ bối cảnh chèo, đề tài nông thôn, tĩnh vật, chân dung, khỏa thân... Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

Tháng 6-2007, từ sáng kiến của gia đình phối hợp với Báo Thể thao & Văn hóa, một giải thưởng mang tên danh họa Bùi Xuân Phái đã ra đời: Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” và được trao thường niên từ đó đến nay. Năm 2010, tên họa sĩ Bùi Xuân Phái được đặt cho một đường phố Thủ đô nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhà văn Xuân Cang (tuổi Nhâm Thân - 1932)

Từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác như Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên Đảng ủy khối Dân vận Trung ương, Tổng biên tập Báo Lao động, Giám đốc NXB Lao động, tới nay, nhà văn Xuân Cang đã xuất bản tới trên 30 đầu sách gồm nhiều thể loại. Ông cũng từng đoạt các giải thưởng: Giải nhất cuộc thi bút ký Báo Văn nghệ (năm 1960); hai lần đoạt giải thưởng văn học về đề tài công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: lần 1 (1969 - 1971), lần 2 (1972 - 1974)...

Những sáng tác tiêu biểu của nhà văn Xuân Cang tập trung vào hình ảnh những người lao động, trong đó đậm nét nhất là hình ảnh người công nhân như “Suối gang”, “Những vẻ đẹp khác nhau”, “Những ngày thường đã cháy lên”... Không chỉ nổi danh với các tác phẩm văn chương, nhà văn Xuân Cang còn nổi tiếng là người am tường kinh dịch. Hơn hai mươi năm nghiên cứu kinh dịch và vận dụng thuật toán Hà Lạc, nhà văn Xuân Cang đã phát hiện sự ứng nghiệm, tìm ra quy luật của nó đối với cuộc đời, các sáng tác của nhiều nhà văn Việt Nam khiến nhiều người thán phục.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương (tuổi Giáp Thân - 1944)

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, tác giả của những ca khúc say đắm lòng người như “Chảy đi sông ơi”, “Huyền thoại Hồ núi Cốc”, “Hồ trên núi”, “Không thể và có thể”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Những cô gái quan họ”, “Về quê”… là Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam từ năm 2002 đến nay. Bận rộn với công việc quản lý nên hàng chục năm nay, nhạc sĩ Phó Đức Phương hầu như không có ca khúc mới và từ chối mọi lời đặt hàng để tập trung vào công việc chuyên môn là... thu tiền bản quyền.

Nhiều khán giả tỏ ra tiếc nuối bởi trước đó, Phó Đức Phương là nhạc sĩ theo đuổi dòng nhạc trữ tình với nhiều tác phẩm được công chúng mên mộ. Những năm 1990, các sáng tác của nhạc sĩ Phó Đức Phương nở rộ và liên tục “chiếm sóng”. Ông trở thành một trong bốn nhạc sĩ trong “bộ tứ quyền lực” được nhắc đến nhiều nhất của âm nhạc hiện đại Việt Nam là “Tiến - Phương - Cường - Thụ".

Đạo diễn - NSƯT Quốc Trọng (tuổi Bính Thân - 1956)

Những năm gần đây, "Xuân tóc đỏ" của làng văn nghệ Việt Nam ghi dấu ấn đậm nét với khán giả truyền hình trong vai trò đạo diễn các phim truyền hình dài tập như "Hương đất", "Đường đời", "Mùa lá rụng", "Ngõ lỗ thủng", "Bí thư tỉnh ủy", "Bão qua làng"... Sở dĩ  NSƯT Quốc Trọng được khán giả yêu mến gọi anh là ''Xuân tóc đỏ'' vì anh chính là diễn viên để lại cái duyên rất lớn trong vai diễn Xuân tóc đỏ "đóng đinh" trong lòng khán giả ở bộ phim "Số đỏ", chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Vũ Trọng Phụng. NSƯT Quốc Trọng nổi tiếng cũng từ vai diễn để đời này.

Phim "Số đỏ" ra mắt vào những năm 1990, từng được coi như một cơn chấn động của điện ảnh Việt bởi bộ phim này đã có những "cảnh nóng táo bạo" chưa từng có trước đó. NSƯT Quốc Trọng kể rằng, làm phim "Số đỏ" anh có rất nhiều nỗi ám ảnh, nhiều kỷ niệm vui. Buồn cười nhất là, hồi ấy anh gầy nhẳng, chỉ với 47kg, mà trong phim có nhiều cảnh "bồng bế" bà Phó Đoan và cô Tuyết đều đẫy đà trên dưới 60 ký. Diễn xong những cảnh ấy cứ là bở hơi tai, tối về nhà chân cẳng mỏi rã rời.

Hơn hai mươi năm kể từ khi trình làng vai diễn này, mặc dù đã thành danh với vai trò đạo diễn, song đi đâu người ta cũng nhận ra Quốc Trọng là "Xuân tóc đỏ" năm nào. Bạn bè, đồng nghiệp cũng vậy, ''Xuân tóc đỏ'' là cái tên anh được gọi nhiều hơn là cái tên cha sinh mẹ đẻ. Cũng giống như diễn viên Hán Văn Tình từng "đóng đinh" với vai Quyềnh trong phim "Đất và người", cánh mày râu hễ gặp Quốc Trọng và Hán Văn Tình la cà ở quán bia cỏ nào đều tìm cách tiếp cận để chào hỏi và... "chuốc bia".

Nhà thơ Phạm Khải (tuổi Mậu Thân - 1968)

Trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1996, khi mới 28 tuổi, ở thời điểm ấy nhà thơ Phạm Khải là hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Kể từ khi tập thơ đầu tay được in (năm 1991), đến nay, Phạm Khải đã có gần hai chục đầu sách được xuất bản, gồm nhiều thể loại, đoạt nhiều giải thưởng văn học và báo chí.

Trước khi về công tác tại Báo Công an nhân dân, Phạm Khải là cán bộ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội; biên tập viên Nhà xuất bản Công an nhân dân. Phạm Khải có thời gian dài làm Thư ký tòa soạn Chuyên đề Văn nghệ Công an (Báo Công an nhân dân) và được xem là một tác giả xông xáo, sung sức. Tuy nhiên, gần hai năm nay, kể từ khi nhà thơ Phạm Khải giữ cương vị Phó tổng biên tập Báo Công an nhân dân, ngoài dòng tên ghi ở trên các ấn phẩm báo chí mà anh phụ trách phần nội dung, bạn đọc rất hiếm gặp tên của Phạm Khải trên đầu các bài viết với tư cách… tác giả. Công việc ở cương vị mới đã khiến anh dường như không còn thời gian dành cho việc sáng tác.

Một bạn đọc (đồng thời cũng là một cộng tác viên của VNCA, hiện sống và viết ở Việt Trì, Phú Thọ) đã có mấy vần thơ gửi VNCA, có ý nhắn nhủ Phạm Khải: “Từ ngày người ấy lên quan/ Hộp thư tòa soạn chết oan đứ đừ”. Quả tình, từ ngày nhà thơ Phạm Khải giữ cương vị mới, mục “Hộp thư tòa soạn” mà nhiều độc giả rất thích đọc đã không được duy trì nữa. Tất cả chỉ vì một lý do: Phạm Khải chính là người chấp bút trực tiếp nuôi dưỡng chuyên mục này và hiện tại, công việc ở cương vị mới khó để anh tiếp tục “đứng bút” như trước.

Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy (tuổi Canh Thân - 1980)

Bùi Công Duy là nghệ sĩ violon giành được nhiều giải thưởng quốc tế lớn, trong đó có giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ năm 1997. Cũng trong năm 1997, Bùi Công Duy được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu của Việt Nam. Bắt đầu học vĩ cầm từ năm lên 4 tuổi từ cha mình là nghệ sĩ Bùi Công Thành, lên 10 tuổi, Bùi Công Duy theo gia đình sang Nga và được theo học những giáo sư, nghệ sĩ hàng đầu về đàn vĩ cầm ở Nga.

Tốt nghiệp Thạc sĩ tại Nhạc viện Tchaikovsky, Bùi Công Duy là người nước ngoài đầu tiên trở thành thành viên của dàn nhạc dây Viourse Moscow nổi tiếng trên thế giới và từng đi biểu diễn ở nhiều nước như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Nauy, Thụy Sĩ... Anh cũng làm giám khảo cho nhiều cuộc thi âm nhạc danh tiếng trên thế giới và là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được biểu diễn sôlô cùng dàn nhạc Berliner Symphoniker tại phòng hòa nhạc danh giá nhất châu Âu mang tên Herbert von Karajan. Ngoài ra, Bùi Công Duy còn được mời tham gia biểu diễn và thu trực tiếp tại phòng hòa nhạc mang tên Beethoven ở Bonn (Đức), biểu diễn trước Tổng thống Italia Giorgio Napolitano tại phủ Tổng thống...

Hiện Bùi Công Duy là Trưởng khoa đàn dây của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh có nhiều học trò trở thành những gương mặt trẻ tài năng như Nguyễn Linh Nguyên, Trịnh Đan Nhi, Bùi Cẩm Ly, Trần Mỹ Dung. 

Cẩm Hà-Xuân 2015
.
.