Vấn đề "tác phẩm xứng tầm" nhìn từ trại sáng tác: "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”

Thứ Bảy, 13/04/2019, 08:14
Hướng tới dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống lực lượng CAND (19-8-1945 - 19-8-2020), ngày 29-3-2019, tại Thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức khai mạc trại sáng tác văn học lần thứ II (diễn ra từ ngày 29-3 đến 12-4-2019) - cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" (giai đoạn 2017 - 2020). Trại sáng tác lần thứ I đã được tổ chức thành công tại Hạ Long vào tháng 4-2018.


Trại viết lần này đã chọn lựa và mời được nhiều nhà văn có “duyên nợ” với lực lượng Công an. Có thể nói, để thấy được tương lai gần của những sáng tác ở mảng đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” thì không phải tìm kiếm ở đâu xa, hãy nhìn vào đội ngũ nhà văn đã và đang tham gia những trại viết như thế này.

Nói như thế không có nghĩa là những người chưa được mời, chưa một lần đi dự trại thì họ sẽ không viết, và không viết hay về mảng đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Có thể không đi trại thì họ vẫn viết, nhưng nếu với những tâm huyết về đề tài và tài năng của mình, lại được đi dự trại, được Ban tổ chức, bạn viết và đặc biệt là các cuộc đi thực tế trong thời gian dự trại “truyền lửa” cho, sẽ thôi thúc người cầm bút sáng tác những tác phẩm hay.

Người viết bài này rất chú ý đến bài phát biểu trong lễ khai mạc trại viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông nói đại ý rằng: Trải qua các cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc, gần đây nhất là cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp; cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ; cuộc chiến giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, có thể nói các nhà văn Việt Nam mà trong đó nòng cốt là những nhà văn khoác áo lính đã xây dựng, khái quát được một cách đầy đủ và sinh động hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ trong lòng các thế hệ độc giả. Lực lượng Công an và những độc giả, người dân luôn mong muốn các nhà văn sẽ xây dựng được một cách rõ nét nhất về hình tượng cao đẹp của người chiến sỹ Công an.

Lãnh đạo Cục Truyền thông CAND và Hội Nhà văn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà văn tham dự trại viết "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” (Quảng Bình, tháng 3-2019).

Điều nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu cũng chính là trăn trở của biết bao bạn đọc, bạn viết trong và ngoài lực lượng Công an. Và điều đó cũng không có gì là khó hiểu khi đất nước ta đã trải qua hàng ngàn năm giặc giã nên hình tượng người lính luôn được chọn làm nhân vật trung tâm trong các sáng tạo nghệ thuật.

Trải qua các cuộc chiến tranh gần đây, khi cả nước dốc toàn lực cho cuộc chiến và những người ưu con tú nhất của dân tộc cũng cầm súng ra trận, họ sống, chiến đấu và viết. Họ viết bằng chính những trải nghiệm chiến trường, họ viết từ chính cuộc đời họ, đồng đội họ nên cho ra đời những tác phẩm khắc họa rõ nét nhất về người lính và cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại là một điều dễ hiểu.

Hết chiến tranh, Quân đội vẫn duy trì một đội ngũ những nhà văn khoác áo lính hùng hậu, đội ngũ nhà văn này không phải làm công tác phóng viên hay biên tập hoặc quản lý, họ chỉ đi và viết, từ đó họ cho ra đời những tác phẩm đặc sắc ở đề tài “Người lính và chiến tranh cách mạng”. Chúng ta có thể kể đến các nhà văn như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nam Hà, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh, Chu Lai, Vương Trọng, Anh Ngọc… Lớp sau có Sương Nguyệt Minh và gần đây nhất có Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy…

Có thể nói, để cho ra đời một tác phẩm hay cần rất nhiều yếu tố, trong đó điều không thể thiếu đó là TÂM, TẦM, TÀI, và THỜI GIAN để sáng tác. Tất cả những điều đó Quân đội đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ nhà văn khoác áo lính.

Đất nước đã hòa bình, thống nhất trên bốn mươi năm, đề tài “Người lính và chiến tranh cách mạng” giờ đây không còn là đề tài bức thiết và nóng bỏng như những năm cả nước cùng ra trận. Thiết nghĩ thay thế sự bức thiết và nóng bỏng đó, không có đề tài nào xứng đáng hơn là đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.

Ý thức rõ điều này, gần hai chục năm trước, Bộ Công an đã phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam phát động cuộc thi sáng tác văn học “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Từ đó đến nay, trải qua bốn cuộc thi về đề tài này, những thành tựu đạt được là không nhỏ. Nhiều tác phẩm đã được trao thưởng, trong đó có tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, đã có sức lan tỏa rộng rãi trong cuộc sống cũng như trong lĩnh vực văn học.

Qua các cuộc thi đó, điều “được” lớn nhất là chúng ta từng bước định hình, xây dựng được hình tượng người chiến sĩ CAND trong lòng độc giả. Tạo ra được một ý niệm tốt, đề cao ý nghĩa nhân văn, đề cao tấm gương cao đẹp xuất hiện trong cuộc chiến đấu thầm lặng vì những ý nghĩa cao cả, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân của các chiến sĩ CAND.

Qua các cuộc thi, các tác phẩm văn học nghệ thuật đã phần nào xây dựng được hình tượng người chiến sĩ CAND "từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ".

Và vế sau bài phát biểu của nhà thơ Trần Đăng Khoa làm chúng ta trăn trở. Vì tuy đã đạt được những thành tích to lớn như đã kể trên, nhưng hình như trong thời gian qua, chúng ta vẫn chưa có những tác phẩm xứng tầm với những chiến công, những hi sinh mà những người chiến sĩ Công an đang ngày đêm giữ gìn “An ninh cho Tổ quốc và bình yên cuộc sống cho Nhân dân”. Đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài lực lượng Công an đang mắc nợ những người lính Công an, mắc nợ độc giả những tác phẩm xứng tầm với những dâng hiến, hi sinh của họ.

Vậy đâu là nguyên nhân? 

Nguyên nhân đầu tiên thuộc tính lịch sử, thường mỗi khi nói về đề tài CAND, người viết và người đọc thường nhầm lẫn với dòng văn học trinh thám. Với quan niệm cho rằng văn học trinh thám là thứ "văn chương giải trí", "tiểu thuyết ba xu".

Một vấn đề nữa là để viết được văn học trinh thám đòi hỏi kiến thức rộng, đa ngành, đa lĩnh vực và cả hiểu biết khoa học, đặc biệt là khoa học hình sự, nghiệp vụ Công an. Do đó người viết cần phải có sự đầu tư sâu. Phải đầu tư sâu, nhưng lại ít được quan tâm chú ý nên nếu không thực sự có tâm huyết thì ít ai chịu đi vào mảng đề tài này. Chính vì những yếu tố trên ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của dòng văn học này. Thiết nghĩ nên chăng bạn đọc và các nhà văn nhận thức lại về văn học đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Đây là một đề tài mở nên rất rộng, nó không chỉ bó hẹp ở mảng văn học trinh thám.

Vấn đề thứ hai như nhiều nhà văn ngoài ngành Công an tâm sự là họ rất muốn viết, muốn thể hiện đề tài này. Họ có đủ TÂM, TẦM, TÀI, THỜI GIAN nhưng cái thiếu là THỰC TẾ. Để viết được một tác phẩm văn học lớn, nhiều khi đó là sự sáng tạo nghệ thuật chưng cất cả một đời của tác giả. Nhà văn chỉ viết hay khi những gì của hiện thực đời sống đã được chuyển hóa thành máu thịt của chính tác giả.

Hiện thực cuộc sống phải được đốt cháy thành ngọn lửa nghệ thuật mới cho ra đời được tác phẩm nghệ thuật. Những chuyến đi thực tế một vài tiếng đồng hồ, vài ngày chỉ đủ lấy tư liệu để viết báo hay khơi gợi một đề tài; muốn viết được tiểu thuyết thì bắt buộc phải “nằm vùng” lâu dài.

Và vấn đề cuối cùng chính là THỜI GIAN. Nếu đổ lỗi cho thời gian không có nên không thể sáng tạo được những tác phẩm văn học lớn thì hình như hơi khiên cưỡng. Nhưng trong sáng tạo nghệ thuật, thời gian là vấn đề vô cùng quan trọng và đặc biệt quan trọng đối với những nhà văn viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết là cỗ máy cái của cả một nền văn học, vì thế muốn khắc họa đậm nét nhất hình tượng người chiến sĩ CAND thì chỉ có dung lượng của tiểu thuyết mới kham nổi.

Có thể khẳng định rằng, chưa có giai đoạn nào trong lực lượng CAND lại có một đội ngũ nhà văn “trung úy” hùng hậu như hiện nay. Họ là những chiến sĩ Công an được học hành bài bản, trẻ trung và đang công tác trực tiếp ở các đơn vị Công an… Tiếc rằng vì phải dành THỜI GIAN cho công việc chuyên môn nên không phải tác giả nào cũng đi dự trại viết được.

Vẫn biết rằng khi đã hội đủ tất cả những yếu tố trên, có thể vẫn chưa có được tác phẩm lớn, nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng một ngày không xa, khi tổ chức bộ máy đã sắp xếp hoàn thiện, sẽ có những khoảnh thời gian nho nhỏ tạo điều kiện cho những nhà văn khoác áo lính sáng tạo nên những tác phẩm xứng tầm, khắc họa rõ nét nhất hình tượng người chiến sĩ CAND.

Nguyễn Thế Hùng
.
.