Ca khúc cho thanh niên:

Vẫn chỉ là những gương mặt quen thuộc

Thứ Tư, 26/03/2008, 10:00
Những năm gần đây, khi thị trường nhạc trẻ Việt Nam phát triển sôi động và rầm rộ đến mức mỗi ngày một ca sĩ mới, một nhạc sĩ mới được "khai sinh", mỗi ngày một seri bài hát mới được ra đời thì việc khan hiếm các ca khúc dành cho thanh niên là điều thật khó hiểu!

Thật vậy, hiện nay số lượng ca khúc dành cho thanh niên chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay! Ngoài các bài hát truyền thống của Đoàn, Hội thì những "sáng tác mới" như "Khát vọng tuổi trẻ", "Mùa hè xanh", "Hành trình tuổi 20"... cũng đã có tuổi đời hơn 10 năm, sắp được "thăng" lên chức "tiền bối".

Thế nhưng lớp kế cận xứng đáng vẫn chưa thấy đâu! Điều này khiến các cán bộ Đoàn, cán bộ Hội gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức, xây dựng chương trình văn nghệ.

Theo Phó chủ tịch Hội sinh viên Trường đại học Lao động - Xã hội Nông Thị Hồng Chuyên, ca khúc thanh niên chỉ có chừng ấy bài nhưng các hoạt động chính thức của Đoàn, Hội năm nào cũng hát, hết "Lên đàng" lại đến "Nối vòng tay lớn", nếu không hát "Khát vọng tuổi trẻ" thì chỉ còn "Mùa hè xanh".

Do vậy, các cán bộ Đoàn, Hội của chúng ta phải phát huy hết khả năng của mình trong việc cắt đoạn này, thêm đoạn kia, tăng nhịp bài này, giảm nhịp bài kia... để làm mới chương trình với những ca khúc đã quá quen thuộc.

Ngay cả trong những hoạt động không chính thức như liên hoan, sinh nhật, giao lưu văn nghệ... cũng không nằm ngoài tình trạng khan hiếm bài hát tập thể sôi nổi. Rất may, khả năng thích ứng với hoàn cảnh của các bạn trẻ Việt Nam khá cao khi biết tận dụng triệt để ca khúc Cách mạng và thậm chí cả ca khúc thiếu nhi như "Ai hỏi cháu", "Bé lên ba"... nhằm lấp chỗ trống!

Trên thực tế, có nhiều cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thanh niên được mở ra nhưng không hẳn các tác phẩm đoạt giải đã được đông đảo thanh niên nồng nhiệt đón nhận.

Ngay cả tác phẩm đoạt giải nhất trong cuộc vận động sáng tác nhân xuất bản hai cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" tuy được đánh giá cao nhưng vẫn chưa thật sự đi vào đời sống tinh thần của các bạn trẻ.

Ca khúc dành cho thanh niên không chỉ cần ca từ trong sáng, khơi gợi được tính tích cực trong tâm hồn, suy nghĩ của lớp trẻ mà giai điệu cũng phải hào hùng, sôi nổi, dễ đi vào lòng người. Trong khi, đa số sáng tác mới, mặc dù phần lời ca vẫn đảm bảo được yếu tố tích cực nhưng giai điệu lại có phần trầm lặng, thiên về suy tư, lắng đọng nhiều hơn là kích thích, kêu gọi, phù hợp với không gian cá nhân riêng tư nhiều hơn là không gian, hoạt động tập thể. Điều này khiến các ca khúc mới khó đi vào đời sống lớp trẻ ngày nay.

Lý giải điều này, nhạc sĩ Cao Khắc Thùy - Chánh văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam - cho rằng, các nhạc sĩ trẻ của chúng ta lâu nay chưa thực sự đi vào thực tế cuộc sống thanh niên, thực tế phong trào Đoàn, Hội, phong trào tình nguyện... để thấy sức mạnh của tuổi trẻ đã làm nên nhiều kỳ tích và để có được cảm hứng cho những sáng tác hay về thanh niên ra đời.

So với hoàn cảnh khi nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện sáng tác "Như khúc tình ca" thời kỳ đất nước vừa bước ra khỏi hai cuộc chiến tranh ác liệt, đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả thì các nhạc sĩ trẻ của chúng ta hôm nay sống trong no ấm, đầy đủ gấp nhiều lần.

Thế nhưng nhạc sĩ của "Ơi cuộc sống mến yêu!" vẫn thấy: "Đôi mắt sáng long lanh nụ cười, dù những nhọc nhằn còn in dấu trên vai", vẫn cất lên những lời ca phơi phới niềm tin, tràn đầy tinh thần lạc quan: "Cuộc sống hôm nay tuy vất vả, nhưng cuộc đời ơi ta mến yêu"... vì chính ông đã cùng cây đàn ghita và chiếc áo bluse trắng đến những nông trường, sống cùng những công nhân ngày đêm hăng say lao động sản xuất dù còn bộn bề khó khăn, rồi viết nên những lời ca sôi nổi, tươi vui như vậy.

Trong khi các nhạc sĩ trẻ được bao bọc bởi lồng kính của sự đầy đủ về vật chất lại chỉ mang đến cho cuộc đời những bài tình ca buồn đến não nề! Thấy người này "tôn thờ" người yêu là: "Ánh sáng của đời tôi" đến mức vừa bị bỏ rơi đã lâm vào bế tắc: "Đời anh vô nghĩa khi lìa xa người hỡi" thì người kia cũng phải khẳng định ngay tình yêu của mình chân thành, mãnh liệt không kém vì: "Không có em anh sống sao"!!!

Điều đáng lo là một thế hệ thanh niên chịu ảnh hưởng bởi những lời ca trên, liệu họ sẽ sống với lý tưởng cao đẹp, hoài bão lớn lao của tuổi trẻ hay chỉ mải mê đau khổ với tình yêu của cá nhân mình? Khi xã hội tồn tại ngày càng nhiều vấn đề nóng về lối sống, suy nghĩ lệch lạc của giới trẻ thì những bài ca giúp họ định hướng suy nghĩ, hành động đúng đắn để sống tích cực và cống hiến cho đất nước như ca khúc "Khát vọng tuổi trẻ" của nhạc sĩ Vũ Hoàng (năm 1995) đã từng giúp cho một thế hệ trẻ với khát vọng sống: "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay" là rất cần thiết!

Nếu nhạc sĩ Vũ Hoàng không gắn bó với thanh niên, không sống cùng phong trào tình nguyện thì đâu thể viết nên một "Mùa hè xanh", một "Khát vọng tuổi trẻ" náo nức lòng người như thế. Những giai điệu trẻ trung, sôi nổi đó đã góp phần định hướng cho tuổi trẻ một lối sống tích cực, đồng thời giúp họ thêm nghị lực, niềm tin trong lao động, học tập, cống hiến sức trẻ, tài năng của mình cho xã hội, thúc giục các bạn trẻ lên đường, góp sức xây dựng quê hương!

Lê Thùy Linh
.
.