Ý kiến ngắn

Ứng xử thế nào với di sản?

Thứ Tư, 13/11/2013, 08:00

Trong tâm thức của nhiều người Việt, việc đến bảo tàng để tham quan và học tập dường như là một việc làm có phần "xa xỉ". Chính vì lẽ đó, việc ngôi nhà Lang trong Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) bị cháy vì lỗi rất ngớ ngẩn của khách tham quan tối 24/10 vừa qua không khiến nhiều người bất ngờ, bởi lẽ, ứng xử ra sao với di sản văn hóa chưa bao giờ là vấn đề được quan tâm.

Được biết, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường của ông Vũ Đức Hiếu thực chất là một bảo tàng tư nhân, được xây dựng từ niềm đam mê của một cá nhân yêu thích văn hóa Mường.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, ngôi nhà Lang trong bảo tàng là ngôi nhà Lang cuối cùng của người Mường, đó là hiện vật gốc, một minh chứng chân thực và sinh động về văn hóa Mường. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Tăng, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội gọi vụ cháy nhà sàn cổ là "một ngày buồn của di sản". Tính đến nay, ngôi nhà Lang trong Bảo tàng Không gian văn hóa Mường không phải là di sản đầu tiên và duy nhất bị "bà hỏa" ghé thăm. Đầu tháng 8/2013, ngôi đền Hai Bà Trưng thuộc xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, Hà Nội cũng bốc cháy dữ dội. Trước đó, tháng 5/2010, một ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng rộng lớn vào bậc nhất của tỉnh Kon Tum, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của buôn làng nằm ở thôn Kon Klor, phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum bị một nhóm học sinh chọn làm nơi nhậu nhẹt rồi gây cháy. Chưa hết, vào năm 2008, nhà rông văn hóa thôn Kon Mơ Sơ Lam ở Kon Tum cũng bị bốc cháy không rõ nguyên nhân…

Vì sự vô ý của một nhóm du khách, ngôi nhà Lang cuối cùng của người Mường trong Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) đã bị cháy rụi tối 24/10 vừa qua.

Việc ngôi nhà Lang bị cháy có lỗi của cả công tác quản lý lẫn những du khách. Khi đưa vào khai thác du lịch, bên cạnh việc tham quan di tích, khách tham quan còn được thuê nhà lang để ăn, ở, sinh hoạt, trải nghiệm cảm xúc về cuộc sống của quan Lang Mường xưa. Đây có lẽ đã vi phạm quy tắc "không sờ vào hiện vật" vốn được cảnh báo rất nhiều trong các bảo tàng.

Nước và lửa là hai yếu tố rủi ro lớn nhất của các bảo tàng nhưng yếu tố này đã không được kiểm soát kỹ nên mới dẫn đến hành động "nướng ngô" gây cháy nhà của bốn khách du lịch trẻ. Khách du lịch có lỗi vì quá thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thậm chí là coi thường di sản. Đã vậy, khi gây cháy lại cố gắng bỏ chạy khỏi hiện trường.

Theo các chuyên gia thì ngôi nhà Lang vẫn có khả năng phục dựng lại nhưng giá trị lịch sử từ hiện vật gốc thì không bao giờ có thể tái hiện. Ngôi nhà mới dù có giống hệt cũng không có ý nghĩa lịch sử như ngôi nhà đã bị thiêu rụi. Điều quan trọng hơn là không có gì bảo đảm cho sự tồn tại của những di sản văn hóa khi không có sự thay đổi từ ý thức đến trách nhiệm của những nhà quản lý và người dân.

Chúng ta rất quan tâm đến di sản, bằng chứng là Nhà nước và người dân đã rất tích cực lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh những di sản văn hóa của dân tộc. Còn nhớ có thời kỳ, cả nước nô nức bình chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Tuy nhiên, chúng ta lại đang thiếu những bài giảng về cách ứng xử với di sản. Câu chuyện về những người trẻ tự tin ngồi lên đầu rùa ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay "đánh đu" bên tượng đài lịch sử để tạo dáng "xì tin"… đáng báo động về cách ứng xử với di sản.

Di sản - đó là hiện thân của quá khứ, là sợi dây gắn kết quá khứ với hiện tại, là tấm gương phản chiếu cuộc sống của chính chúng ta. Theo tôi, điều quan trọng nhất và cần thiết nhất để bảo vệ các di sản là phải khơi dậy được cái tâm trong mỗi người, bởi chỉ có cái tâm trân trọng những kỷ vật từ quá khứ mới là động lực để con người chọn cho mình cách ứng xử có văn hóa với những di sản văn hóa…

Phạm Mạnh Tường
.
.