Nhà văn Vũ Hạnh:

Tuyên ngôn văn chương không chỉ của một thời

Thứ Tư, 14/10/2015, 08:00
Ngày 5/10/2015, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Hồ Chí Minh tổ chức toạ đàm về sự nghiệp văn chương Vũ Hạnh, nhà văn tiêu biểu của văn học yêu nước đô thị miền Nam trước năm 1975...

Tuyên ngôn văn chương của một thời

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được đọc một số tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh như "Bút máu"; "Chất ngọc"; "Vàng tháp cổ"; "Vị ngọt"; Tìm ngựa"; "Chung giọt mồ hôi";"Một cái Tết trên năm trăm năm trước" … Ông thường đặt bối cảnh truyện thời xưa để nói về đương thời, với tính ẩn dụ hàm súc.

Nhà văn Vũ Hạnh.

Cuốn hút với tôi hơn cả là hai truyện ngắn "Bút máu"; "Chất ngọc", mà đặc biệt trong đó có một đoạn văn tinh lọc đầy ám ảnh của "Bút máu". Ấy là lời của người cậu nói với Lương Sinh khi từ núi Hoa Dương trở về thăm người cháu danh sĩ đang suy nhược vì tai hoạ do ngòi bút của chính mình gây ra: "Ta từng bảo cháu ngòi bút không phải không có oan khiên. Lưỡi gươm tuy ác nhưng mà trách nhiệm rõ ràng, lỗi lầm tác hại cũng trong giới hạn. Mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể biết là bao, nhưng chẳng qua mờ mịt hư ảo nên không thấy rõ hay không muốn rõ mà thôi. Làm cho người gái lớn lên băn khoăn sầu muộn, làm cho trai trẻ đang hăng khinh bạc, hoài nghi, gợi cho người ta nghĩ vật dục mà quên ái tình, khêu cho người ta tiếc tài lợi mà xa đạo nghĩa, hoặc cười trên đau khổ của tha nhân, hát trên bi cảnh đồng loại, đem sự phù phiếm thay cho thực dụng, lấy việc thiển cận quên điều sâu xa, xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô đạo?".

Có thể nói đó cũng chính là tuyên ngôn văn chương mà suốt cuộc đời nhà văn Vũ Hạnh đã theo đuổi. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đất nước đã hoà bình thống nhất, nhưng tuyên ngôn ấy vẫn mang tính thời sự, khi hôm nay vẫn có những người dùng chức trách nhà văn của mình để mưu cầu danh lợi một cách bất chính, trái với luân thường đạo lý, hoặc tham quyền cố vị, trù dập người trẻ; dùng ngòi bút ngoa ngôn của mình để hãm hại người lương thiện hoặc đồng loã với cái xấu cái ác, làm nô lệ cho đồng tiền. Những người nhân danh nhà văn nhưng thiếu nhân cách ấy quên rằng, tuy có một số ít kẻ hùa theo họ, chia sẻ quyền lợi với họ, tâng bốc họ, nhưng họ không qua mắt được số đông những đồng nghiệp và con người có lương tri, họ không "qua mắt" được chính lương tâm mình, và nhất định họ không thoát được luật nhân quả như nhân vật Lương Sinh trong "Bút máu" phải nhận lãnh.

Tuyên ngôn ấy nhà văn Vũ Hạnh viết ra khi ông mới ở tuổi 30 và trong một bối cảnh đặc biệt của đất nước, nhưng tôi nghĩ nó mãi còn sức sống bền lâu và là lời cảnh tỉnh cho người cầm bút mọi thế hệ, nhất là đối với những bạn trẻ mới bước vào con đường văn chương. Tuyên ngôn văn chương của một thời sẽ còn sức nặng đối với nhiều thời!

Nhân chứng sống của một thời khốc liệt
Sông nước mênh mông nhắc nhớ ngày Vượt thác
Bút máu chưa khô tim vẫn rực Lửa rừng
Chín mươi mùa xuân - Một chặng đường bút mực
Chất ngọc dâng đời giá trị sống của cha ông.

Đó là bốn câu thơ do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tặng nhà văn Vũ Hạnh trong lễ mừng thượng thọ 90 tuổi của ông vào tháng 7/2015. Bốn câu thơ được một nữ hội viên giấu tên xúc cảm trước những tác phẩm của ông mà chị yêu thích: "Sông nước mênh mông"; "Vượt thác"; "Bút máu"; " Lửa rừng"; "Một chặng đường bút mực"; "Chất ngọc".  Hiển nhiên, nhà văn Vũ Hạnh còn nhiều tác phẩm có giá trị khác như: "Mùa xuân trên đỉnh non cao"; "Cô gái Xà Niêng"; " Đọc lại Truyện Kiều"… và đặc biệt là "Người Việt cao quý" đến nay tái bản hơn 50 lần.

Lễ mừng thọ nhà văn Vũ Hạnh là một hành xử đẹp, một sự tri ân đối với người đi trước mà Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh khoá VII ngay sau khi nhận nhiệm vụ đã trực tiếp thực hiện. Và theo nhà văn Vũ Hạnh, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời ông được tổ chức sinh nhật, bởi ngày sinh thực sự của mình chính ông và gia đình cũng không thể xác định. Tên thật là Nguyễn Đức Dũng, giấy khai sinh đề ngày 15/7/1926, ông chào đời tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình có truyền thống Nho học, giàu có và yêu nước. Nền tảng văn hoá ấy đã sớm hun đúc trong ông niềm say mê cầm bút và tinh thần phản kháng thực dân cướp nước. Điều ấy càng được tiếp lửa thêm khi ông trực tiếp theo học những người thầy tài năng và nhân cách lớn như Cao Xuân Huy, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Tôn Quang Phiệt, Đoàn Phú Tứ…

Sau khi từ Đà Nẵng ra Huế học thi đậu tú tài 1 thì Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), ông bỏ học quay về quê nhà tham gia Mặt trận Việt Minh, thành lập Đội võ trang tuyên truyền, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền. Quân Pháp tái xâm lược, ông lập đoàn kịch kháng chiến và làm công tác giáo dục ở vùng tự do Liên khu 5.

Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954, ông ở lại miền Nam tham gia đấu tranh đòi hiệp thương thống nhất đất nước. Bị địch bắt giam năm 1955, ra tù ông bí mật chuyển vào Sài Gòn tiếp tục con đường cứu nước, hoạt động cách mạng đơn tuyến và sống công khai bằng nghề dạy học, làm báo, viết văn. Dùng cây bút và con chữ làm vũ khí, ông trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hoá trong cuộc đấu tranh vừa mềm dẻo vừa quyết liệt giữa lòng đối phương. Hai mươi năm đơn phương "tả xung hữu đột", ông đã năm lần vào tù ra khám, cùng gia đình vượt qua nhiều hoàn cảnh cơ cực, hiểm nguy "thập tử nhất sinh".

Tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh.

Và cũng trong hai mươi năm ấy, bút danh Vũ Hạnh do ông chọn từ tên của một bạn tù đồng hương yêu nước mà mình quý trọng ở Hội An, đã trở thành một cái tên lừng lẫy của làng văn làng báo Sài Gòn như một biểu tượng của tinh thần yêu nước, bảo vệ văn hoá dân tộc. Ngoài ra, vì nhiều lý do ông còn lấy các bút danh khác: Minh Hữu, Hoàng Thanh Kỳ, Nguyên Phủ, Cô Phương Thảo, và đặc biệt là A. Pazzi, cái tên người Ý đầy giai thoại gắn liền với tác phẩm nổi tiếng "Người Việt cao quý".

Không phải bây giờ mà từ khi đất nước mới thống nhất, nhà văn Vũ Hạnh đã được nhìn nhận là một trong số ít những ngôi sao sáng nhất của dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam trước năm 1975. Ông từng được giao nhiều trọng trách: Tổng thư ký Lực lượng bảo vệ văn hoá dân tộc từ năm 1966, Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất,… và hiện nay là Uỷ viên Hội đồng Lý luận phê bình, Văn học nghệ thuật Trung ương và TP Hồ Chí Minh. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.

Ở tuổi 90, sống qua nhiều chế độ, rõ ràng nhà văn Vũ Hạnh là một nhân chứng sống quý hiếm của lịch sử khốc liệt đầy hào hùng và bi thương của dân tộc. Ngoài trước tác, đọc những trang hồi ký của ông như "Một chặng đường bút mực"; "Cái Tết khó quên"; "Chọn một bút danh để vào làng báo"… chúng ta thấy rõ hơn bức tranh tang thương một thời ở miền Nam vì lòng thù hận. Sống trong không khí nghẹt thở luôn đối mặt với cái chết rình rập, đôi lúc con người không còn là chính mình, phải dối trá với kẻ thù để tồn tại.

Như trong "Cái Tết khó quên", ông đã suy ngẫm: "Có lúc nghĩ lại cái thời đó, tôi thấy ngạc nhiên về sự nói dối liên tục của mình. Tôi không nghĩ mình ưa sự dối trá, trái lại tôi vẫn thù ghét điều đó, nhưng chính vì bắt buộc phải đối phó lại với sự tàn ác mà tôi phản ứng như thế để được tồn tại một cách công khai trong nhiệm vụ của mình. Và chỉ trong một xã hội thật sự có mối tương quan tốt đẹp của những con người thì cái tốt mới có đủ điều kiện tồn tại và phát triển, nếu không thì ngay thần thánh cũng phải dựa vào quỷ dữ để mà lý giải cho sự có mặt của mình".

Vâng, nói dối với kẻ thù "để được tồn tại một cách công khai trong nhiệm vụ của mình" là điều dễ hiểu. Chỉ có những người nói dối với nhân dân mình, dối trá với chính lương tâm mình thì thật đáng trách!

Với sự nghiệp phong phú và sôi động, nhất là qua những trước tác của ông, rõ ràng Vũ Hạnh không chỉ là nhà văn mà còn là nhà cách mạng, nhà hoạt động văn hoá và xã hội tiêu biểu, với tài năng và nhân cách đáng quý. Ông suốt đời dành tình yêu chung thuỷ, có khi đến mức tưởng chừng cực đoan, với con đường lý tưởng mà mình đã chọn: vì nước vì dân, sẵn sàng dấn thân vì lẽ phải và sự công bằng!

Phan Hoàng
.
.