Tuần lễ Thời trang New York có còn là “điểm nóng”?
- Khép lại Tuần lễ thời trang Thu Đông Việt – Ý đầy màu sắc
- Quán quân Project Runway tái xuất trong đêm mở màn Tuần lễ thời trang quốc tế Thu Đông
Xu hướng phát triển mới
Mới đây, Tuần lễ thời trang New York (NYFW) đầu tiên trong năm 2021 giới thiệu các bộ sưu tập Thu – Đông đã chính thức khép lại, nhưng lần này kém phần rầm rộ hơn những kỳ trước. Mọi thứ dường như đã thay đổi quá nhiều vì đại dịch COVID-19.
Trên những tạp chí thời trang toàn cầu như Vogue, Elle, Harper's Bazaar hay Cosmopolitan… không còn hình ảnh những người nổi tiếng, cả trong và ngoài giới thời trang ngồi kín chỗ hai bên đường runway để xem các người mẫu catwalk. Không còn các bữa tiệc chúc mừng kết thúc show xa hoa cùng champagne và những tràng pháo tay giòn giã. Nhất là chẳng còn mấy những sân khấu chính của các nhà mốt hàng đầu “xứ cờ hoa”.
Theo giới truyền thông, NYFW đã từng là sàn diễn chính cho các bộ sưu tập của các nhà thiết kế lừng danh người Mỹ. Thế nhưng thực tế này đã dần trở nên “tương đối hơn” trong vài năm trở lại đây, khi các nhà mốt bắt đầu dịch chuyển, lựa chọn trình diễn ở những kinh đô thời trang khác hoặc ngoài lịch trình chính thức của NYFW. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 lại càng làm nổi bật xu hướng này.
Hồi tháng 1 vừa qua, Tom Ford - Chủ tịch CFDA và cũng là người đứng đầu nhãn hiệu thời trang cùng tên đã đăng một tâm thư lên trang mạng xã hội cá nhân, trong đó có đoạn: "Các nhà thiết kế có quyền lựa chọn trình diễn bộ sưu tập của họ ở bất cứ đâu và bằng bất cứ cách nào. CFDA có nhiệm vụ là tôn trọng sứ mệnh lan toả xu hướng thời trang và luôn quảng bá, hỗ trợ thời trang Mỹ. Vì vậy, chúng tôi không chỉ công bố lịch trình của các nhà thiết kế trình diễn tại NYFW mà còn công bố thêm lịch trình của các nhà thiết kế Mỹ có show trong và ngoài nước".
Các show tại NYFW chỉ diễn ra trực tuyến. |
Trang tin CNN đánh giá, các lệnh hạn chế đi lại cùng những thách thức về hậu cần, sức khoẻ và an toàn liên quan đến sự kiện lớn này đã biến ý tưởng về một tuần lễ thời trang ở bất kỳ đâu thành một khái niệm khá hời hợt, khi nhiều nhà thiết kế lựa chọn sản xuất phim ngắn hoặc những buổi giới thiệu sáng tạo các bộ sưu tập trên nền tảng trực tuyến, thay cho những show diễn trực tiếp.
NYFW Thu – Đông năm nay cũng diễn ra hoàn toàn trên nền tảng công nghệ nên có thể hiểu được vì sao Marc Jacobs, Michael Kors hay Calvin Klein... đều đứng ngoài cuộc. Có lẽ, sự vắng mặt này một phần là vì họ có thể tự sản xuất và phát video trực tuyến, phần cũng vì chưa hề có kế hoạch cho các dự án mới bởi tác động của đại dịch tới nhu cầu khách hàng.
Lý giải về việc nhiều nhà mốt lừng danh không tham dự NYFW thời gian qua, trong một cuộc trao đổi với CNN, Steven Kolb - Giám đốc điều hành CFDA đã thừa nhận, xu hướng dịch chuyển nêu trên ngày càng gia tăng. CEO Kolb nêu rõ: "Trước đại dịch, khi ngành công nghiệp thời trang đã trở nên toàn cầu hơn, chúng tôi bắt đầu nhận thấy một số thương hiệu Mỹ muốn giới thiệu các bộ sưu tập của họ ngoài NYFW".
Theo Kolb, những động thái này thường liên quan đến các quyết định chiến lược nhằm phát triển thị trường mới hoặc liên quan đến việc mở showroom ở một thành phố khác. Nhưng khi đại dịch xảy đến, một số thương hiệu đã gặp vấn đề về dây chuyền sản xuất và kể cả dòng tiền lưu động.
Một ví dụ điển hình chính là nhãn hiệu Gabriela Hearst. Đây là nhà mốt đã ra mắt tại NYFW nhưng vừa qua lại chuyển sang trình diễn trong Tuần lễ Thời trang Paris. Lý do được đưa ra là để tiết kiệm chi phí vận chuyển cũng như giảm thiểu lượng khí thải carbon xả ra môi trường.
"Một trong những khâu mà công ty tôi phải thải ra môi trường nhiều carbon nhất chính là vận chuyển các bộ sưu tập. Chúng tôi sản xuất chủ yếu tại Italia và để hạn chế khí thải hay chi phí thì Paris là sự lựa chọn tối ưu nhất trong mùa dịch. Ngoài ra, trình diễn show tại Paris cũng là giấc mơ của mọi nhà thiết kế”, Gabriela Hearst cho hay.
Từ thực tế như trên, CEO Steven Kolb cho rằng, mọi người hoàn toàn hợp lý khi bắt đầu nghĩ về một không gian phổ quát hơn. Tuy nhiên, các nhà tổ chức NYFW khẳng định, những thay đổi đó không phải là sự kết thúc dành cho NYFW. Ngược lại, đây là thời cơ cho ngành công nghiệp thời trang Mỹ trên sàn diễn toàn cầu.
“Chúng tôi không bao giờ gạt bỏ đi giá trị của một tuần lễ thời trang ở một thành phố cũng như những lợi ích kinh tế, ý nghĩa văn hóa đối với thành phố đó. Vì vậy, việc chia sẻ Lịch diễn các bộ sưu tập Mỹ với lịch trình trải rộng, bao trùm của các nhà thiết kế Mỹ, sẽ là cách giúp chúng tôi nêu bật lên tầm quan trọng của tuần lễ thời trang”, Steven Kolb nhấn mạnh.
Lồng ghép “hy vọng” vào thời trang trên nền tảng số
Với những tác động khôn lường từ đại dịch COVID-19, CFDA nhận định ngành công nghiệp thời trang cũng vì thế mà “đã mãi mãi thay đổi”. Để NYFW vẫn tiếp cận được giới mộ điệu trong tình hình này, CFDA đã cho ra mắt vũ khí bí mật Runway 360. Đây là một nền tảng kỹ thuật số được phát triển nhằm giúp các nhà thiết kế giới thiệu bộ sưu tập của mình đến truyền thông, khách hàng tiềm năng hay thậm chí là tổ chức những cuộc họp báo ảo. Cổng thông tin trên cũng hỗ trợ AR/VR, xem clip 360 độ, livestream, tích hợp tính năng mua sắm lẫn liên kết với mạng xã hội.
Với những ưu điểm nổi trội, nhiều nhà thiết kế vẫn rất hào hứng và mong chờ tham gia NYFW theo một “lối đi” khác biệt như Anna Sui, Rebecca Minkoff hay Phillip Lim... Họ đã không né tránh thực tế mà không ngừng sáng tạo và lồng ghép những khoảnh khắc đương đại vào trong những bộ sưu tập và không gian trình diễn của các buổi catwalk online.
Điển hình là bộ sưu tập Thu – Đông 2021 của nhà thiết kế Anna Sui với những chiếc váy voan, áo khoác da báo giả lông và hoa, sự sôi động và cổ điển cùng hội tụ trong các thiết kế.
Sui quan niệm rằng, chúng ta đang phải trải qua những khoảng thời gian cách ly mệt mỏi, nhưng rồi những điều đó sẽ sớm thay đổi và khi đi đến cuối đường hầm, bước vào thế giới hậu dịch bệnh, mọi người sẽ lại cùng tham dự những bữa tiệc tuyệt vời. “Chắc chắn khi ấy, mọi người sẽ nhớ đến vận đồ của Anna Sui”, nhà thiết kế tự tin khẳng định.
Còn đối với Phillip Lim, bộ sưu tập của nhà thiết kế này đã truyền đi thông điệp vô cùng ý nghĩa là “phản đối việc gia tăng kỳ thị đối với người gốc Á tại Mỹ kể từ khi bùng phát dịch COVID-19”.
Phillip Lim đã tận dụng cơ hội này để đưa văn hóa châu Á lên hàng đầu trong các bộ sưu tập tại NYFW, bao gồm các hoạ tiết váy chữ A kết hợp với các kiểu áo len tinh giản của thập niên 70. Ngoài ra, Lim còn tập trung vào sự thoải mái và tiện lợi, phù hợp với sự chuyển đổi giữa cuộc sống văn phòng sang làm việc qua ứng dụng zoom tại gia. Đặc biệt, bộ sưu tập của Victor Glemaud đã lấy cảm hứng từ chính thành phố sầm uất New York trước đại dịch, nơi những chiếc taxi màu vàng chạy khắp đường phố.
Cuối cùng, sau khi chiêm ngưỡng các bộ sưu tập với những gam màu tươi trẻ của các buổi trình diễn qua màn ảnh nhỏ, NYFW đã giúp giới mộ điệu cân bằng lại nhãn quang với show diễn của Proenza Schouler. Bộ sưu tập nổi bật với tông màu đất và tính thẩm mỹ tối giản cùng sợi vải mềm nhẹ, phản ánh khái niệm về sự cân bằng trong tư tưởng, điều quan trọng mà tất cả chúng ta đang cố gắng neo lại suốt đại dịch.
Và đã một năm trôi qua kể từ khi những chai dung dịch sát khuẩn đầu tiên được phân phát tại các buổi trình diễn ở NYFW. Dù rằng thực tế ngày càng trở nên khó đoán định khi COVID-19 vẫn là mối lo của toàn thế giới, nhưng các nhà tổ chức NYFW luôn tin tưởng về một tương lai rực rỡ đến với ngành công nghiệp thời trang nói chung và với NYFW nói riêng.
Có lẽ, “tham vọng” đó không hề xa vời và biết đâu tương lai ấy sẽ giống như những gì đã từng diễn ra sau đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918 – thời kỳ kinh tế Mỹ phát triển ngoài mong đợi vốn được gọi bằng cái tên “Roaring Twenties” - sự bùng nổ của những năm 20 ở thế kỷ trước.
Diễn ra hai lần vào tháng 2 (Thu – Đông) và tháng 9 (Xuân – Hè) hàng năm, NYFW là một trong những sự kiện đình đám nhất của làng mốt thế giới, được tổ chức bởi CFDA. Tiền thân của NYFW là “Tuần lễ báo chí thời trang thường niên đầu tiên” (FPW) bắt đầu vào năm 1943. Tuy nhiên, 50 năm sau, màn trình diễn năm 1993 tại Công viên Bryant là điều thực sự khiến New York trở thành một kinh đô thời trang. Thay vì trải rộng khắp New York, các buổi trình diễn của các nhà thiết kế tập trung ở một nơi và nó thu hút sự chú ý lớn của báo chí. Năm 2021, NYFW bước sang tuổi 78. Mặc dù các show đã có những khác biệt và được trình chiếu trên nền tảng số, nhưng CFDA coi đây như một phần di sản của sự phát triển các sàn diễn catwalk. |