“Truyện Kiều” lên sân khấu: Sức hấp dẫn của một tuyệt tác
- Chuyện tình đặc biệt của cụ ông thuộc làu “Truyện Kiều”
- Bộ tranh minh họa Truyện Kiều được đấu giá hơn 300 triệu đồng
- Nhà nữ khoa học có nhiều duyên nợ với truyện Kiều
- Truyện Kiều lên sân khấu kịch
Là những tác phẩm “phái sinh” từ một kiệt tác của văn học Việt Nam, nên những dự án - chương trình này đã khiến nhiều khán giả quan tâm, bởi họ cũng muốn thêm một lần lý giải vì sao “Truyện Kiều” lại khiến nhiều trái tim nghệ sĩ thổn thức đến vậy?
Truyện Kiều - sức hấp dẫn kỳ lạ
Cuối tuần qua, tại Viện Goethe Hà Nội đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Đọc lại Truyện Kiều”. Để chuẩn bị cho sự kiện này, ông Wilfried Eckstein - Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội đã đích thân soạn thảo một thư mời dành cho một số nhân sĩ, trí thức ở Hà Nội với những biện giải về “Truyện Kiều” khiến bất cứ người Việt Nam nào cũng phải bất ngờ.
Trong thư, ông đề cập đến tầm quan trọng của tác phẩm “Truyện Kiều” ở Việt Nam và cho, rằng tác phẩm này “có thể so sánh với giá trị văn hóa của những tác phẩm viết bởi Luther và Goethe trong nền văn học Đức”. Là người yêu thích và hào hứng với tác phẩm “Truyện Kiều” của Việt Nam qua bản dịch tiếng Đức, ông Wilfried Eckstein cũng chính là người khởi xướng dự án “Nàng Kiều”.
Một cảnh trong vở múa đương đại “Truyện Kiều” do nữ biên đạo người Hàn Quốc Yoo Oh Chun dàn dựng. |
Ông Wilfried Eckstein chia sẻ rằng, thông qua hội thảo “Đọc lại Truyện Kiều” lần này, ông và các cộng sự mong muốn tiếp cận văn bản ở hai góc độ: “Thứ nhất: đánh giá cao tính triết lý của tác phẩm trên phương diện một tác phẩm ngôn ngữ nghệ thuật; Thứ hai: phản ánh mối tương quan của tác phẩm sử thi với vị thế của phụ nữ đương đại.
Mục tiêu của các cuộc trò chuyện là nhằm giải phóng văn bản khỏi sự tôn sùng tôn giáo và tái khám phá tác phẩm như một tư liệu cho lối diễn giải đương đại”. Và đây cũng chính là góc độ mà dự án “Nàng Kiều” muốn tiếp cận thông qua sự kết hợp với các nghệ sĩ Việt Nam bằng bộ môn nghệ thuật kịch nói.
Với dự án “Nàng Kiều”, Viện Goethe Hà Nội đã mời các đơn vị như Nhà hát Tuổi trẻ, nhóm LucTeam của NSƯT Trần Lực và Sân khấu kịch Hồng Vân cùng tham gia. Viện Goethe Hà Nội cũng đã mời đến từ Đức một đạo diễn danh tiếng thế giới - bà Amélie Niermeyer. Điều đó thực sự đã chứng tỏ sự quan tâm, đề cao tác phẩm truyện Kiều của Viện Goethe Hà Nội và cá nhân Viện trưởng - ông Wilfried Eckstein.
Ngay từ việc lựa chọn các đối tác tham gia workshop này đã cho thấy, Viện Goethe Hà Nội rất quan tâm đến sân khấu kịch Việt Nam và đã lựa chọn những đối tác đại diện cho sự đổi mới, sáng tạo trong bộ môn kịch nói. NSƯT Trần Lực chia sẻ, hiện tại anh vẫn chưa thể nói quá nhiều về những dự liệu của cá nhân trong việc tham gia dự án này.
Tuy nhiên, anh và các cộng sự trong nhóm LucTeam cũng như các bạn đồng nghiệp đến từ các đơn vị nghệ thuật khác đều rất hào hứng với dự án này. Anh nói thêm: “Dự án rất phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động của nhóm LucTeam, đó là sẽ nhìn Kiều với con mắt của đương đại. LucTeam vốn luôn mong muốn xây dựng một sân khấu kịch ước lệ biểu hiện, vì thế tôi cũng rất hào hứng mong được thể hiện hình ảnh nàng Kiều qua ngôn ngữ ước lệ biểu hiện mang cái nhìn đương đại.
Trong mắt tôi, Kiều là một phụ nữ hồn nhiên, yêu cuộc sống. Điều đặc biệt là, cộng sự của tôi, anh Đỗ Chí Hùng đang xây dựng lời thoại cho các nhân vật trong trích đoạn của tôi trở thành thể thơ lục bát đúng như trong nguyên tác Truyện Kiều...”.
Cũng về “Nàng Kiều”, đầu tháng 7 vừa qua, Nhà hát múa rối Việt Nam đã khởi công vở rối mang tên “Thân phận nàng Kiều”. Có thể đánh giá đây là một bước đột phá mới mẻ nhất của “Truyện Kiều”, bởi lẽ đưa Kiều lên sân khấu kịch nói, kịch hát, múa thì đã nhiều rồi, nhưng với nghệ thuật rối có lẽ là lần đầu tiên và cũng là một phương án ít người... nghĩ tới.
Nằm trong mục tiêu hướng đến Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV sẽ diễn ra ở Hà Nội vào cuối năm nay, nên vở rối “Thân phận nàng Kiều” được coi là một “thử nghiệm táo bạo” của Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng như các nghệ sĩ. Mặc dù Nhà hát Múa rối Việt Nam đã có sự “khoanh vùng” khán giả, đó là hướng tới đối tượng khán giả thiếu nhi và khách quốc tế, song với một hình tượng quá mới mẻ với rối như thế, cũng có một số ý kiến băn khoăn, không biết các nghệ sĩ sẽ có những “xử lý chuyên môn” như thế nào về kịch bản, tạo hình... để đưa được “Thân phận nàng Kiều” lên sân khấu của bộ môn rối. Tuy vậy, với tinh thần cổ vũ - động viên cái mới, sự đổi mới, sáng tạo và thử nghiệm, chúng ta cùng chờ đợi xem sự thai nghén của “Thân phận nàng Kiều” sẽ có hình hài như thế nào trên sân khấu của nghệ thuật rối.
Nàng Kiều đã “chinh phục” trái tim nhiều nghệ sĩ
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ vở “Kiều” (Nhà hát Kịch Việt Nam) do cố NSND Anh Tú làm đạo diễn ra mắt khán giả Thủ đô vào đầu năm 2017 vốn nhận được nhiều lời khen ngợi. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Anh Tú đã yêu thích “Truyện Kiều” từ tấm bé. Theo những lời chia sẻ đầy cảm động của bố NSND Anh Tú khi nhớ đến người con trai yêu dấu, từ khi còn chưa biết đọc biết viết, cậu bé Anh Tú đã luôn ngồi im, nhìn chăm chăm vào mặt bà như nuốt từng lời khi bà đọc cho nghe “Truyện Kiều”.
Mới 5-6 tuổi, được bà cho đi cùng xem vở cải lương “Kim Vân Kiều” mà đã ngồi im lặng xem từ đầu đến cuối... Nhắc lại điều này để thấy rằng, con người nghệ sĩ trong cố NSND Anh Tú đã sớm bị “lay động” bởi một áng văn chương đẹp đẽ, để rồi đến một ngày nọ, khi đưa được “Kiều” lên sân khấu kịch, lòng Anh Tú ắt hẳn chứa đựng rất nhiều yêu thương, ấp ủ và kỳ vọng. Trái tim anh chắc hẳn đã nhiều lần thổn thức với nàng Kiều.
Đạo diễn, NSND Anh Tú đã xây dựng một nàng Kiều khác lạ với những gì người ta vẫn nghĩ, vẫn thấy về Kiều trước đây. Ở đó, Kiều không chỉ là một cô gái xinh đẹp nhưng mềm yếu và cam chịu số phận đau khổ, mà nàng đầy nội tâm mạnh mẽ với khát vọng vùng lên đấu tranh giành lại cuộc sống tươi đẹp. Và Anh Tú chắc hẳn đã rất thỏa nguyện với một giấc mơ đẹp trong ký ức từ thuở còn thơ bé ấy...
Không chỉ có sức hút, sức hấp dẫn kỳ lạ đối với nhiều nghệ sĩ Việt, mà nàng Kiều còn “chinh phục” trái tim cả những nghệ sĩ ngoại quốc. Cuối tháng 6 vừa qua, vở múa đương đại “Truyện Kiều” của biên đạo múa người Hàn Quốc - Bà Yoo Oh Chun. Tên tuổi nữ biên đạo múa Yoo Oh Chun từng được khán giả Việt biết đến qua một số vở múa lớn như “Cây nỏ thần” (2015) dựa trên truyền thuyết về Mỵ Châu - Trọng Thủy; “800 năm hẹn ước” (2016) kể về cuộc đời phiêu dạt của hoàng tử Lý Long Tường. Kịch múa đương đại “Truyện Kiều” được bà kết hợp với các nghệ sĩ Việt Nam khởi dựng năm 2018, nhưng trước đó là một quãng thời gian dài bà đọc, tìm hiểu, nghiên cứu và ấp ủ rất lâu.
Bà Yoo Oh Chun chia sẻ với báo chí rằng, bà đọc “Truyện Kiều” qua phiên bản tiếng Hàn, nhưng vẫn cảm nhận được đầy đủ vẻ đẹp lấp lánh, sức hấp dẫn và thông điệp đầy tính nhân văn của tác phẩm này. Có thời gian, bà luôn mang theo cuốn sách bên mình và đã đọc thuộc lòng cả tác phẩm và đã quyết tâm đưa áng văn chương xứng đáng xếp vào hàng tuyệt tác này lên sân khấu múa.
Ekip sáng tạo vở rối “Thân phận nàng Kiều” trong buổi khởi công vở diễn. |
Biên đạo Yoo Oh Chun đã lựa chọn tới 3 diễn viên múa để vào vai Kiều ở các màn, các phân đoạn có cao trào khác nhau, bao gồm Hoàng Yến, Nguyễn Thu Trang và Phan Tiểu Ly (trong đó Hoàng Yến là diễn viên ballet). Trở lại với khán giả Việt Nam lần này, vở múa đương đại “Truyện Kiều” vẫn được đánh giá là đẹp lộng lẫy với sự kết hợp tuyệt với của nghệ thuật múa, âm nhạc, ánh sáng và ngôn ngữ hình thể mang đến những trải nghiệm thú vị cho khán giả.
Thực ra, cách đây chừng 10 năm, các nghệ sĩ Việt Nam bao gồm những tên tuổi như tác giả kịch bản Nguyễn Việt, biên đạo múa - NSND Nguyễn Công Nhạc và nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo cũng từng trao đổi với nhau về một vở ballet có độ dài 90 phút cũng mang tên “Truyện Kiều”. Sau đó, chắc hẳn vì nhiều lý do mà vở múa ballet thuần Việt được dự liệu là có quy mô lớn, tiêu tốn kinh phí nhưng có thể sẽ đem lại nhiều hiệu ứng tuyệt vời ấy lại không trở thành hiện thực, xem ra cũng là một điều hết sức đáng tiếc cho nghệ thuật múa ballet của nước nhà.
Dẫu chúng ta không có được một vở ballet thuần Việt hoành tráng như mong ước, nhưng với vở múa đương đại “Truyện Kiều” của biên đạo người Hàn Quốc Yoo Oh Chun vẫn đang gây chú ý hiện nay, hy vọng các nghệ sĩ, biên đạo người Việt sẽ tiếp tục có những kế hoạch, dự án làm cho “nàng Kiều” của cụ Nguyễn Du có thêm những phiên bản đầy sức sống mới...