"Trẻ hóa" hướng tiệp cận nghệ thuật dân gian

Thứ Hai, 16/11/2020, 13:04
Khoảng 10 năm trước, NSƯT Ngọc Khanh chua xót tâm sự với NSND Đinh Bằng Phi rằng: "Thầy ơi, chắc vài năm nữa hát bội chết thiệt rồi!". Thầy trò nhìn nhau ngậm ngùi, cám cảnh cho hát bội tựa như số mệnh mong manh của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Giờ đây, mọi thứ đang dần thay đổi khi có sự bắt tay của những người rất trẻ...


Nhóm Đối thoại văn hóa cộng đồng (CCD) quy tụ những gương mặt trẻ. Xuất phát từ tình yêu nghệ thuật dân tộc, nhóm ra đời với hy vọng làm gạch nối để di sản cha ông đến với người trẻ. Cuối năm 2017, dưới sự tham vấn của các nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ lẫn nghệ nhân lão làng, CCD khởi động dự án "Diễn xướng Nam bộ" dành cho những bạn trẻ có nhu cầu tìm hiểu nghệ thuật cổ truyền phương Nam. 

Phần một của dự án tái hiện lại bối cảnh lịch sử hình thành các loại hình diễn xướng, sân khấu hóa chất liệu âm nhạc - nghệ thuật cổ truyền với góc nhìn đương đại. Ngoài xem các buổi biểu diễn, khán giả còn được tham gia các khóa học ngắn hạn, talkshow miễn phí để hiểu về cái hay, cái đẹp của mỗi loại hình nghệ thuật.

Nghệ thuật truyền thống dần gần gũi với giới trẻ nhờ hướng tiếp cận hiện đại, trẻ trung.

Từ thành công của phần một, nhóm tiếp tục bắt tay vào phần hai của dự án: thực hiện bộ sách nghệ thuật dân gian dưới hình thức đơn giản, dễ hiểu nhất và có sự tương tác sinh động với bạn đọc đại chúng. 

Mới đây, bộ sách "Lục tỉnh cầm ca" đã ra mắt bạn đọc tại TP Hồ Chí Minh. Bộ sách gồm bốn quyển: "Đường vào hát bội", "Đường vào diễn xướng dân gian Nam bộ", "Đường vào đờn ca tài tử" và "Đường vào cải lương".  Bộ sách tập hợp qua nhiều nguồn tư liệu và kinh nghiệm tổ chức các chương trình sân khấu hóa diễn xướng của CCD. Các kiến thức cơ bản về bốn loại hình nghệ thuật được trình bày cô đọng, từ bối cảnh lịch sử hình thành đến nét đặc trưng, hệ thống quy phạm...

Anh Phan Khắc Huy, sáng lập nhóm CCD chia sẻ: "Ngoài mục đích giới thiệu nghệ thuật cổ truyền đặc sắc của Nam bộ đến bạn đọc, bộ sách còn bước đầu thể nghiệm một giáo trình dẫn nhập, giúp các bạn trẻ tiếp cận và tìm hiểu nghệ thuật cổ truyền một cách dễ dàng và sinh động hơn". 

Do đó, ngoài các hình ảnh minh họa, bộ sách còn được ứng dụng công nghệ QR code để độc giả có thể vừa đọc sách, vừa xem clip diễn giải cho từng nội dung. Đây là điểm thu hút khiến các bạn trẻ vô cùng thích thú khi trải nghiệm. 

Góp mặt trong bộ sách này có công rất lớn của các nghệ nhân, nhà nghiên cứu như NSƯT Ngọc Khanh, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Thị Mỹ Liêm, nhạc sĩ Lê Hải Đăng… 

Nói về ngày đầu đồng hành với nhóm, NSƯT Ngọc Khanh - "bà bầu" của gánh Hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh không khỏi xúc động: "Gánh hát của tôi đã tồn tại hơn 40 năm. Nhưng tôi luôn nơm nớp không biết khi nào mình phải rã gánh. Bởi lớp trẻ kế thừa không còn nữa. Những người muốn tìm hiểu về hát bội cũng không có mấy ai. Những bậc cao niên am hiểu hát bội thì lần lượt thành người thiên cổ. Do vậy, khi được Huy - một bạn trẻ - mời tham gia dự án, tôi rất ngạc nhiên. Tôi nhận lời ngay, trợ lực cho nhóm bằng mọi cách".

Nhóm bạn trẻ biên soạn bộ sách "Lục tỉnh cầm ca".

Niềm vui của NSƯT Ngọc Khanh và nhóm CCD càng nhân lên gấp bội khi sau các chương trình talkshow hay sân khấu hóa của "Diễn xướng Nam bộ", lượng bạn trẻ quan tâm ngày càng tăng. Đặc biệt, sau buổi nói chuyện "Xây chầu hát bội" của CCD, có hai họa sĩ từ vai trò là khán giả đã trở về phát động dự án "Vẽ về hát bội" thu hút hàng trăm bạn trẻ trong và ngoài nước tham gia. Từ một người không biết gì về hát bội, nhiều bạn trở thành học trò ruột của cô Ngọc Khanh để trở thành diễn viên tuồng thứ thiệt. Điều đó khiến các nghệ sĩ lão làng phải reo lên: "Hát bội đang được hồi sinh bằng thế hệ trẻ!". 

Lục Phạm Quỳnh Nhi, đại diện nhóm tác giả "Lục tỉnh cầm ca", cho hay mình thường nghe đờn ca tài tử, cải lương từ lúc nhỏ vì cha mẹ là người Nam bộ. Tuy vậy, chỉ khi trực tiếp tham biên soạn cuốn sách "Đường vào đờn ca tài tử", được làm việc với ban đờn ca tài tử của nghệ nhân Sáu Hưng, cô mới thực sự nhận ra nét đẹp của loại hình nghệ thuật này để quyết định theo đuổi nó. 

"Tôi nhận ra rằng, đờn ca tài tử không chỉ tuyệt đẹp ở giá trị nghệ thuật mà còn ở những giá trị nhân văn thiết thực. Đó là tinh thần phóng khoáng, tự do trong khuôn khổ của người tài tử. So với các loại hình nghệ thuật dân gian khác, đờn ca tài tử may mắn vẫn được tiếp nối khá mạnh mẽ cho đến thời điểm hiện nay" - Quỳnh Nhi cho biết.

Khác với Quỳnh Nhi và những người trong nhóm CCD yêu nghệ thuật truyền thống từ hồi nhỏ, Tú - người biên soạn cuốn "Đường vào diễn xướng dân gian Nam bộ" - vốn là một người cực ghét các loại hình nghệ thuật dân gian. Là người miền Bắc, thuở bé cô không thích nghe tuồng, cải lương… Vào Nam sinh sống, làm việc ở CCD, cô tò mò tự hỏi sao mọi người trong nhóm lại rất yêu các hình thức diễn xướng dân gian mà bản thân cô thấy nó quá xa vời với đời sống là thế. Nhưng được tiếp xúc với các nhà nghiên cứu, được tham gia các khóa học, xem cô chú nghệ nhân biểu diễn, suy nghĩ của Tú hoàn toàn thay đổi.

Nhờ tình yêu đang lớn dần lên, Tú được phân công biên soạn "Đường vào diễn xướng dân gian Nam bộ" cùng một người bạn. Cuốn sách giới thiệu các loại hình diễn xướng dân gian mà tiêu biểu ở hai thể loại là hình thức trữ tình (như dân ca, hò, hát, lý…) và hình thức nghi lễ (như hát bóng rỗi, hát sắc bùa…). 

Cô tâm sự: "Nếu như bây giờ các bạn trẻ vẫn nghĩ như tôi trước đây rằng: diễn xướng dân gian Nam bộ là điều gì rất xa vời với đời sống thì tôi tin rằng cuốn sách của mình sẽ giúp các bạn đánh tan suy nghĩ đó. Những loại hình này hầu như đã mất đi không gian văn hóa để tồn tại hoặc đã có nhiều biến đổi khá xa so với nguồn gốc. Song cái hay, cái đẹp của nó là kết tinh văn hóa của các thế hệ đi trước, vẫn cần chúng ta lưu tâm tìm hiểu mà chắt lọc, kế thừa. Nếu các bạn có cơ hội tìm hiểu cặn kẽ thì các bạn sẽ yêu nó vì đó là một phần hồn dân tộc vốn nằm sâu bên trong mỗi người chúng ta".

Dự án "Diễn xướng Nam bộ" đang phát huy hiệu quả khi cố gắng phổ cập kiến thức về nghệ thuật dân gian cho học sinh, sinh viên. Bởi nói như nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, thực tế nghệ thuật hay các hình thức diễn xướng dân gian rất phong phú. Tuy nhiên, khi công chúng không hề biết loại hình đó đang tồn tại, không hiểu về loại hình đó thì họ không thể yêu mến, hâm mộ chứ chưa nói đến chuyện gìn giữ, bảo tồn. 

Giáo dục phổ thông về kho tàng văn hóa dân gian vẫn chỉ chú trọng đến ngôn từ dân gian chứ chưa chú trọng về nghệ thuật dân gian. Các em học sinh hiểu cái hay, cái đẹp của tục ngữ, ca dao, câu vè… nhưng lại không hề biết hò, lý… Các em cũng không hiểu cải lương khác đờn ca tài tử ở chỗ nào. Khoảng trống này buộc giới trẻ phải tự bổ sung cho mình. Sự vào cuộc của các tổ chức cộng đồng như CCD cũng là nhịp cầu để của hồi môn của cha ông được hồi sinh trong thời đại mới.

Sau khi bộ sách "Lục tỉnh cầm ca" hoàn thiện, nhóm được một đơn vị về công nghệ hỗ trợ tổ chức loạt show diễn nghệ thuật dân gian có tích hợp công nghệ hiện đại nhất nhằm tiếp cận với khách du lịch trong và ngoài nước. Tháng 6 vừa qua, show ra mắt tại TP Hồ Chí Minh trong sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Dự kiến, thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục xây dựng "Thư viện diễn xướng Nam bộ -  Lục tỉnh cầm ca" để mang bộ sách đến mọi miền đất nước.

Phan Thi Uyên
.
.