Nghệ sĩ và "kiếp đỏ đen"

Chủ Nhật, 20/06/2021, 11:10
Trong khi những dư luận ồn ào về câu chuyện nhiều nghệ sĩ vô trách nhiệm với sự hảo tâm mà công chúng gửi gắm cho họ cứu trợ đồng bào, thì ca sĩ Duy Mạnh lại tố giác rằng “nhiều nghệ sĩ nợ nần cờ bạc đã nghĩ ra trò kêu gọi quyên góp để trả nợ”. Ca sĩ Duy Mạnh là tác giả ca khúc “Kiếp đỏ đen” từng làm mưa gió trên thị trường âm nhạc, nên sự báo động này rất đáng để băn khoăn và âu lo.


Ca sĩ Duy Mạnh từng bị Sở Thông tin Truyền thông TP. HCM xử phạt 7,5 triệu đồng vì những phát ngôn thiếu kiềm chế trên mạng xã hội. Thế nhưng, chuyện nào ra chuyện nấy. Không thể vì ca sĩ Duy Mạnh đã tuyên bố “không dám nói bậy bạ nữa” mà phủ nhận những ý kiến gan ruột của anh. 

Ca sĩ Duy Mạnh cam kết: “Tôi đi hát bên Mỹ gần 15 năm. Hầu hết nghệ sĩ ở bên đó là hát cho casino. Nên tôi biết rất rõ. Và còn nhiều lý do nữa liên quan đến vấn đề xã hội bên ngoài. Bạn bè tôi ngoài xã hội cũng rất nhiều. Vì thế, tôi hiểu rất rõ vấn đề nghệ sĩ nghiện cờ bạc”.

Nghệ sĩ nghiện cờ bạc không phải vấn đề gì quá mới mẻ. Đã có nhiều nghệ sĩ bị bắt vì tội cờ bạc và cũng đã có nghệ sĩ phải ra tòa vì tội cờ bạc. Năm 2013, tài tử cải lương lừng lẫy Kim Tử Long đã bị bắt tại một chiếu bạc ở Trà Ôn - Vĩnh Long khi anh về đây hát đám cưới. Ban đầu, Kim Tử Long cũng phủ nhận việc không tham gia mà chỉ đứng xem, nhưng sau đó Nghệ sĩ Ưu tú của sân khấu nghệ thuật truyền thống đã khai có đánh ba ván. 

Tại thời điểm phát hiện vụ đánh bạc có liên quan đến Kim Tử Long, cơ quan Công an thu giữ hơn 300 triệu đồng và hàng nghìn USD. Tuy nhiên, nhờ sự ăn năn của Kim Tử Long và sự thỉnh nguyện giảm nhẹ hình phạt cho Kim Tử Long của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, Kim Tử Long chỉ bị phạt hành chính. 

Nghệ sĩ Ưu tú Kim Tử Long thổ lộ: “Đó là cú sốc khủng khiếp để tôi tự răn mình tránh xa cờ bạc”.

Ca sĩ Duy Mạnh người mới đây đã lên tiếng cảnh báo nạn nghiện cơ bạc trong giới nghệ sỹ.

Từ một ca sĩ hát đám cưới ở Hải Phòng, Duy Mạnh vào Sài Gòn lập nghiệp và vụt lên nổi tiếng nhờ ca khúc “Kiếp đỏ đen” do anh tự sáng tác: “Giờ ta chẳng còn chi, mãi trắng tay mà thôi, đời bạc gian lắm phũ phàng. Tiền có kiếm như nước rồi cũng sẽ trôi hết, tay không trắng tay lại vẹn không. Đời phiêu lưu là thế, không biết đến ngày mai, nên giờ đây mới đắng cay. Ngồi trước tấm gương sáng rọi vào đó mới thấy, thân xác hoang tàn không nhận ra”. Sau này, ca sĩ Duy Mạnh tung ra hàng chục ca khúc nữa, nhưng không có tác phẩm nào có sức ảnh hưởng như “Kiếp đỏ đen”.

Ca khúc “Kiếp đỏ đen” giống như “thương hiệu” của ca sĩ Duy Mạnh. Cho nên, ca sĩ Duy Mạnh bàn chuyện cờ bạc thì ai cũng tin rằng đó là sự phát hiện con rận của một người ở trong chăn.

Ca sĩ Duy Mạnh giữa scandal từ thiện của đồng nghiệp, cũng rào trước đón sau: “Những người làm công việc nghệ thuật thực thụ. Họ cũng rất chăm chỉ làm việc để kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình. Họ cũng chẳng cần vỗ ngực tự nhận mình là nghệ sĩ. Nếu khán giả cảm thấy họ làm tốt và có sự cống hiến cho xã hội. Khán giả sẽ trân trọng họ. Và tự khán giả sẽ coi họ là nghệ sĩ. Còn những thành phần showbiz sống lươn lẹo, lừa dối công chúng, rồi tự nhận mình là nghệ sĩ cống hiến, rồi lợi dụng sự nổi tiếng của mình hô hào quyên góp từ thiện rồi bỏ túi riêng, chắc chắn đến một ngày nào đó sẽ lòi ra hết. Giới nào cũng vậy, cũng đều có người tốt và xấu. Trong showbiz cũng vậy. Các bạn thấy đẹp đẽ khi các bạn thấy trên màn hình, trên truyền hình thôi, chứ ngoài đời họ cũng rất là tầm thường. Họ không quá lung linh và hoàn hảo như các bạn thấy trên hình ảnh đâu”.

Và điều ca sĩ Duy Mạnh muốn nói thật là: “Trong giới nghệ sĩ, có rất nhiều người nghiện cờ bạc nặng. Thậm chí họ vướng nợ nần rất nhiều. Rồi họ phải nghĩ đủ mưu mẹo để kiếm tiền trả nợ vì cờ bạc. Bởi vậy họ phải nghĩ ra mấy cái trò hô hào quyên góp tiền từ thiện để trả nợ. Bởi vì chỉ có hô hào quyên góp từ thiện là cách trả nợ vì cờ bạc là dễ dàng nhất. 

Mà hầu hết tiền quyên góp từ thiện là tiền của người nghèo. Vì người nghèo họ dễ tin yêu nghệ sĩ, nên mỗi người gửi 100 nghìn, 200 nghìn, 1 triệu, 2 triệu… Họ gửi vào tài khoản cá nhân của nghệ sĩ để nhờ nghệ sĩ làm từ thiện giùm. Họ cảm thấy hãnh diện và cảm thấy vui. Chính vì điều đó nên có những nghệ sĩ đã lợi dụng lòng tốt của họ để lừa dối. 

Với những doanh nghiệp giàu có, họ bỏ ra cả trăm tỷ ngàn tỷ để làm từ thiện. Họ không bao giờ gửi vào tài khoản cho bất cứ cá nhân nào. Mà họ sẽ gửi đến những quỹ của những tổ chức như Quỹ Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc… vì những Quỹ đó được sự quản lý của Nhà nước và Chính phủ. Bất cứ người nào làm sai hoặc ăn chặn tiền từ thiện, đều bị xử lý trước pháp luật”.

Diễn viên Hồng Tơ bây giờ đã thấm thía câu “Cờ bạc là bác thằng bần”.

Nghệ sĩ cờ bạc cũng có, mà nghệ sĩ láo nháo trong việc quyên góp từ thiện cũng có. Tuy nhiên, phép cộng của hai khoảng tối ấy hoàn toàn không dễ minh định một cách rõ ràng. Nghệ sĩ kêu gọi quyên góp để trả nợ cờ bạc, rất nghiêm trọng, vì liên quan đến cả pháp luật lẫn đạo đức. Muốn đưa ra ví dụ cụ thể ư? Gần như không thể! Chỉ có thể xem đây là một lời cảnh tỉnh.

Cách đây 2 năm, vào tháng 8/2019, nghệ sĩ Hồng Tơ vốn quen thuộc với khán giả qua những vai hài, đã phải hầu tòa vì hành vi đánh bạc. Câu hỏi mà người hâm mộ day dứt là tại sao nhiều nghệ sĩ cứ đọa đày với những trò thắng thua thảm hại như vậy? 

Như trường hợp chính nghệ sĩ Hồng Tơ thì ông đã có chuỗi ngày tương đối huy hoàng dưới ánh đèn nghệ thuật: "Tiền người ta cứ nhét vào tay mình! Bầu show cứ nhét tiền vào tay, năn nỉ tôi đi diễn giúp họ. Có những người tôi phải từ chối vì ham chơi, ham vui. Cờ bạc làm tôi mờ mắt, không muốn làm ăn gì nữa. Có những ngày lễ lẽ ra phải chạy 14 - 15 show, người ta đem tiền dâng tận miệng nhưng tôi không nhận, bỏ hết để chơi bạc. Có đêm, tôi thua đến cả 100.000 USD!”. 

Và hệ lụy tiếp theo, nghệ sĩ Hồng Tơ không chỉ bán biệt thự để trả nợ cờ bạc, mà còn bị chủ nợ đến đập cửa vào ngày Tết khiến gia đình và hàng xóm cũng ê chề.

Cờ bạc là một thứ có khả năng kích thích và mê dụ con người rất ghê gớm. Giới nghệ sĩ có sẵn tiền (và có sẵn tên tuổi để thế chấp khi cần vay mượn) lại có những khoảng thời gian nhàn rỗi giữa các show diễn, nên chuyện tụ bạ chiếu bạc không phải hiếm hoi. Ban đầu chỉ để giết thời gian, nhưng sau đó đâm ra nghiện ngập. 

Có những nghệ sĩ không dư dả tiền bạc nhưng lại dính vào đỏ đen một cách trớ trêu. Nguyên nhân cũng rất đơn giản, họ có chút tên tuổi nên được “ưu ái” cho vay để… thử vận. Kết quả, họ trở thành con nợ khá lắt léo và ngoạn mục. Vì giữ hình tượng trước đám đông, nhiều nghệ sĩ khăng khăng tẩy chay cờ bạc, nhưng thực chất tệ nạn đó vẫn hoành hành trong showbiz. 

Cờ bạc có gì gần gũi với nghệ thuật ư? Có chăng, chỉ là tính may rủi của phận số. Vài nghệ sĩ sau khi giã từ được sự đeo bám đỏ đen như Kiều Phương Loan, Thương Tín hoặc Hồng Sơn đã mạnh dạn tâm sự rằng họ thấm thía cái câu “cờ bạc là bác thằng bần”.

Bao giờ chấm dứt tệ nạn cờ bạc trong showbiz Việt? Chưa biết. Vì vậy, ca sĩ Duy Mạnh không phải phi lý khi nhắc nhở: “Nghệ sĩ mà nghiện cờ bạc thì chả có ông tổ nghiệp nào mà cứu giúp được. Nghệ sĩ mà nghiện cờ bạc thì không những bị ông tổ sân khấu quật, mà còn bị cả ông tổ Kiếp đỏ đen quật nữa cơ”.

Gia Quan
.
.