Trăm năm bia sách chẳng mòn...

Thứ Ba, 17/03/2009, 09:30
Ông đồng ý gặp tôi tại nhà riêng thuộc làng Vòng xưa, nay là phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trước giờ hẹn, ông mở cửa, sửa soạn ấm chén pha trà chờ khách. Đến giờ không thấy khách đâu, ông nán lại chờ thêm mươi phút. Vẫn không thấy khách đến, ông khép cửa, lên gác tiếp tục công việc dang dở. Buổi gặp đầu tiên, vậy mà tôi tới trễ, "ngốn" mất của ông ba mươi phút chờ đợi.

Vị chủ nhà với khuôn mặt đôn hậu đang ngồi trước tôi, trang phục chỉnh tề, gọn gàng và lịch sự. PGS, nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện nhắc tôi rằng đã hẹn với người cao tuổi, nhất là các nhà khoa học, thì đừng tới trễ. Ban đầu tôi thấy sờ sợ vì tính nghiêm khắc đó, nhưng qua trò chuyện, tôi gặp một Nguyễn Ngọc Thiện khác hẳn, ông trở nên gần gũi, tiếng cười rộn căn phòng.

Nguyễn Ngọc Thiện quê gốc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Ông sinh năm Đinh Hợi (1947) trong một gia đình có nghề bốc thuốc Đông y gia truyền.

Sau nhiều năm công tác ở Viện Văn học, hiện Nguyễn Ngọc Thiện đang đương nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam. Biết bao thứ "mề đay" xúng xính, nhưng ông ít để ý tới. Ông nói say sưa về lý luận phê bình văn học, về việc làm sách, làm báo, nói vui là "bia sách".

Tôi theo ông lên gác tư. Ngôi nhà cơ man những sách và sách. Sách, báo, tạp chí trong phòng làm việc. Sách trên các giá ngoài hành lang. Sách vây quanh cả giường ngủ của ông. Sách báo lên đến tận tầng nhà cao nhất nơi ông đặt ban thờ tổ tiên, có dễ tới ngót vạn bản. Chả vậy mà khi làm tuyển tập hay tổng tập các công trình nghiên cứu, nhiều người phải phụ thuộc vào các thư viện hay cơ quan lưu trữ để tra cứu tài liệu. Mà đâu có đơn giản! Các vị thủ thư lúc nóng lúc lạnh như thời tiết thay đổi. Đấy là chưa kể ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính.

Nguyễn Ngọc Thiện lại khác, ngày nghỉ cuối tuần ông vẫn có thể ngồi làm việc tại thư viện của mình, mọi thứ tài liệu cơ hồ gần như đầy đủ cả. Thư viện sách mà ông bỏ công tích góp từ thời học Đại học giúp ích cho ông biết bao nhiêu!

Mở cửa thư viện sách mà ông đặt tên là "Thế Uẩn thư trai" tọa lạc trên tầng cao nhất, mùi hóa chất xông lên. Ông gõ vào khuôn cửa gỗ sát tường rồi bảo: "Đây là mình đang chống mối mọt. Có lẽ mình ăn ở phúc đức nên trời phù hộ cho mình chăng?". Tôi nhìn quanh, dấu tích những hộp nhử mối còn đó. "May mà phát hiện ra sớm cậu ạ. Nếu không sớm phát hiện, mối nó thiêu hủy hết thì mình chết". Nguyễn Ngọc Thiện đốt trầm, loại ông kỳ khu kiếm từ Nha Trang, Khánh Hòa về. Ông quan niệm đi đâu xa đốt trầm, cầu mong "nhất lộ bình an".

Với 4 cuốn sách phê bình, tiểu luận, chuyên luận đứng tên riêng, và chủ biên ngót 20 bộ Tuyển tập cùng Tổng tập phê bình lý luận văn nghệ Việt Nam hiện đại, Nguyễn Ngọc Thiện là người lao động cần mẫn.

- Quả là mình có duyên trong việc làm sách nhưng vô duyên trong nhiều chuyện lắm, suýt nữa "ế vợ" - Nguyễn Ngọc Thiện cười thoảng nhẹ - Mình làm công việc chỉ thuần túy chuyên môn thôi. Chịu khó tích lũy thì mới có đóng góp cho văn học được - Ông nói xong, nhẹ đứng dậy thỉnh một hồi chuông.

Trong thời gian tu nghiệp tại Cộng hòa Dân chủ Đức (từ 1983 đến 1987), Nguyễn Ngọc Thiện nhận thấy người Đức rất tôn trọng khâu tư liệu, tài liệu nghiên cứu. Đó là khâu tiên quyết trong nghiên cứu khoa học. Người Đức có tư duy khoa học thực chứng. Đầu tiên cần phải có tài liệu sau đó mới nghiên cứu trên cơ sở tài liệu.

Việt Nam bấy lâu nay coi thường chuyện đó (tức nghiên cứu văn bản học) - Nguyễn Ngọc Thiện tâm sự - Người nọ cóp nhặt người kia, không trực tiếp "sờ" vào văn bản. Như vậy nghiên cứu không có cơ sở thuyết phục gì cả. Người Đức không giấu tư liệu. Hồi mình học nghiên cứu sinh ở Leip Zig, đi mượn những cuốn sách ở Đức không có. Họ bảo ngài chờ chúng tôi, chúng tôi sẽ liên hệ với thư viện ở Mỹ, hai tuần sau sẽ gửi về đây.

Vì họ có những hiệp định tương trợ về văn hóa và nghiên cứu khoa học để phục vụ người nghiên cứu. Học được bài học của người Đức như thế, mình phải đưa ra giúp cho việc nghiên cứu. Mình thấy những khu vực như: Tác phẩm "Văn chương và hành động" do Hoài Thanh chấp bút, Tạp chí Tao đàn (năm 1939), Lý luận phê bình nửa đầu thế kỷ XX… còn trống. Ai cũng ngại giai đoạn ấy. Tốn kém, mất công, mất của, mệt người. Mình lao vào. Một mình một sân. Mình đã mở rộng cánh cửa ra ở những mảng còn khuất lấp đó.

Nguyễn Ngọc Thiện kể cho tôi nghe, ở Đại học Văn khoa Sài Gòn cũ, Giáo sư Thanh Lãng thấy học trò thiếu tài liệu, ông ấy cung cấp cho để đọc. Những điều Giáo sư Thanh Lãng giảng trên lớp chỉ là để tham khảo. Sinh viên phải đọc tài liệu để có ý kiến riêng của mình.

Còn hồi Nguyễn Ngọc Thiện học ở Khoa Văn trường đại học Tổng hợp Hà Nội thì có thầy độc quyền tư liệu. Ông thầy ấy tưởng thế là hay, tưởng bịt mắt được người ta. Hồi ông thầy ấy viết về một giai đoạn văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, thỉnh thoảng có trích đoạn nọ, viện dẫn đoạn kia, của một số sách hiếm thế thôi. Sinh viên học cũng chỉ biết thế chẳng khác gì "thầy bói xem voi"!

- Phiến đoạn, chẳng hiểu "đầu cua tai nheo" cả bài đó như thế nào. Đọc những bài trích như thế mình bị cột chặt vào dẫn giải của người khác, vào logic của người ta, không phản biện được. Mình không ưa sự độc quyền về tư liệu. Nếu mình may mắn có tư liệu quý hiếm thì mình phải nghiên cứu rồi đưa ra cho thiên hạ dùng chung, giống như sách ở các thư viện trao đổi với nhau. Sau hết, là phải có gan dấn thân vào những khoảng trống khó nhằn thì mình mới có đóng góp thật sự. Còn đi theo những lối mòn người ta đã khai thác chán chê rồi, giờ mình đi vào xáo xào các thứ thì có đóng góp gì nữa!

Nguyễn Ngọc Thiện gọi đó là "manh tâm", "đạo văn"

Kiều Mai Sơn
.
.